Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Mỹ huấn luyện kỹ thuật cho Cảnh Sát Biển CSVN



HẢI PHÒNG (NV) - Chính phủ Mỹ hợp tác với Việt Nam tổ chức huấn luyện để cải thiện năng lực thực thi pháp luật cho lực lượng Cảnh Sát Biển Việt Nam và một số nước khu vực.

VN-CanhSatBien


Một tàu Cảnh Sát Biển CSVN đang tuần tra trên biển. (Hình: Người Lao Động)

 

Trong một bản tin được Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ phổ biến hôm Thứ Hai 13 tháng 5, 2013, có 24 sĩ quan thực thi pháp luật của khu vực và các đại diện thuộc Lực Lượng Tuần Duyên Hoa Kỳ, Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ và Quỹ Freeland Foundation tiến hành một khóa huấn luyện cả lý thuyết và thực hành.

Các bài học sẽ được áp dụng đối phó với các hoàn cảnh trên biển như buôn người, khai thác thủy sản bất hợp pháp, môi trường xuống cấp, buôn lậu võ khí, cướp biển và khủng bố.

“Các thử thách đối với lực lượng thực thi pháp luật trên biển sẽ tăng cường độ theo với sự gia tăng kinh tế quan trọng của khu vực Á châu – Thái Bình Dương.

 Sự hợp tác đa phương là điều cốt yếu để duy trì hòa bình, ổn định hàng hải hầu phát triển kinh tế cho khu vực.” Ông Mark Lambert, tham tán chính trị tòa đại sứ Mỹ tại Hã Nội phát biểu tại khóa huấn luyện.

Khóa huấn luyện quy tụ các sĩ quan của 4 nước Việt Nam, Cam Bốt, Thái Lan và Malaysia có lực lượng cùng hoạt động trong vịnh Thái Lan để họ có cơ hội hợp tác và cùng đối phó với các thử thách chung, nhờ vậy hòa bình, ổn định hải hành cho khu vực.

Trong hai tuần lễ huấn luyện, các giảng viên và tham dự viên sẽ trao đổi các kỹ thuật hành động để khám phá và ngăn chặn các hoạt động phi pháp trên biển của khu vực.

Các tham dự viên sẽ được hướng dẫn kỹ thuật, phương pháp lên các tàu khả nghi một cách an toàn để khám phá các vụ buôn lậu, buôn người, đánh cá bất hợp pháp, cũng như cách nhận dạng ma túy, buôn lậu các loại thú hoang dã hay gỗ quý, võ khí, các loại hàng hóa “lưỡng dụng” (có thể ám chỉ sử dụng cho cả quân sự và dân sự) và những loại hàng hóa bất hợp pháp khác.

Chương trình cũng thiết lập các cơ chế điều phối đa phương để các lực lượng thực thi pháp luật trên biển truy tố các loại tội phạm xuyên quốc gia bắt được trên biển.

Cảnh Sát Biển Việt Nam, Cảnh Sát Biển Thái Lan, Cục An Ninh Biển Malaysia, và Lực Lượng An Ninh Biển của Hòang Gia Cambodia cùng nhau tham dự một loạt các buổi tập huấn ở cấp chỉ huy để tăng cường khả năng hợp tác.

Bản tin của Tòa Đại Sứ Mỹ nói rằng Hoa Kỳ và Việt Nam đang tích cực hợp tác để giúp Việt Nam cải thiện khả năng cho lực lượng thực thi pháp luật cũng như chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các hoạt động tìm kiếm, cấp cứu trên biển.

Hồi đầu Tháng Tư, báo US News & World Report cho hay, phó đô đốc William Lee của Lực Lượng Tuần Duyên Hoa Kỳ đã ám chỉ đến các hành động giúp Việt Nam cải thiện khả năng lực lượng Cảnh Sát Biển hầu có thể bảo vệ ngư dân trên một vùng bờ biển dài hơn 3 ngàn km.

Nhiều tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam đã bị tàu tuần Trung quốc đâm chìm, hoặc kéo về đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa rồi đòi tiền chuộc.

 Không ít ngư dân Việt Nam đã mất mạng, tài sản bị tước đoạt hoặc phá hủy vì các hành động ngang ngược của lực lượng tuần biển Trung quốc.

Giữa Tháng Tư, một viên chức của công ty Lockheed Martin (Hoa Kỳ) tiết lộ trong một cuộc triển lãm trang bị an ninh quốc phòng ở Rio de Janeiro (Brazil) rằng Việt Nam quan tâm đối với loại máy bay tuần tra biển chống tàu ngầm Orion P-3 của Mỹ.

Họ ngỏ ý muốn mua 6 chiếc nhưng những hợp đồng đầu tiên sẽ không có các loại võ khí đi kèm.

 Không đủ khả năng tài chính để mua mới, Hà Nội chỉ nhắm đến những chiếc Orion P-3 cũ đang nằm chờ tân trang để bán lại.

Tuần trước, hãng thông tấn Nhật Kyodo News tiết lộ rằng chính phủ Nhật dự tính khuyến cáo Hà Nội tách lực lượng Cảnh Sát Biển ra khỏi quân đội để nước này có thể bán cho Việt Nam một số tàu.

Một trong những lý do chính là luật lệ Nhật vẫn còn cấm bán các loại võ khí, trang bị quốc phòng cho các nước cộng sản.

Cho tới nay, Cảnh Sát Biển của Việt Nam vẫn là một bộ phận trực thuộc Bộ Quốc Phòng CSVN và do một thượng tướng cầm đầu. (TN)

Switch mode views: