Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Mỹ - Nga đồng kêu gọi chấm dứt xung đột vũ trang ở Syria

kerry-serguei My-Nga



Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry và đồng nhiệm Nga Serguei Lavrov 07/05/2013 (Reuters)


 

Hôm qua, 07/05/2013, tại Matxcơva, ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry và đồng nhiệm Nga Serguei Lavrov đã họp báo chung và cùng nhau kêu gọi chính quyền Damas và đối lập vũ trang Syria tìm giải pháp hòa bình để chấm dứt cuộc nội chiến đẫm máu.

Đặc sứ Liên Hiệp Quốc Lakhdar Brahimi hoan nghênh sự kiện này như « một bước tiến đầu tiên rất quan trọng » để vãn hồi hòa bình tại Syria.

Tuy nhiên, đối lập Syria lo ngại khả năng Hoa Kỳ thay đổi lập trường, chấp nhận để tổng thống Assad đứng đầu chính quyền chuyển tiếp.

Trong cuộc họp báo kết thúc vào lúc sau nửa đêm hôm qua, ngoại trưởng Nga Lavrov, bên cạnh là người đồng nhiệm Hoa Kỳ, tuyên bố :
 « Chúng tôi đã nhất trí để hai bên Nga và Mỹ cổ vũ chính quyền Syria và các nhóm đối lập tìm ra một giải pháp hòa bình » cho xung đột.
 Một điểm nữa mà Matxcơva và Washington tìm được đồng thuận là việc tổ chức một hội nghị quốc tế về Syria trong thời hạn sớm nhất có thể được, tức là trong tháng 5/2013.

Hôm nay, Liên hiệp Châu Âu tuyên bố « rất hài lòng » về thỏa thuận giữa Matxcơva và Washington về con đường giải quyết khủng hoảng tại Syria.

Trong cuộc hội kiến với tổng thống Nga trước cuộc họp báo, ngoại trưởng Hoa Kỳ đã cố gắng thuyết phục Matxcơva phối hợp hành động với Washington tìm ra một giải pháp hòa bình tại Syria, tránh để xung đột Syria khiến toàn bộ khu vực rơi vào bất ổn và khuynh hướng Hồi giáo cực đoan lan rộng.

Hai ngoại trưởng Nga Mỹ cùng nhấn mạnh đến mục tiêu khởi động lại kế hoạch hòa bình mà cộng đồng quốc tế đã thông qua tại Genève tháng 6/2012.

 Tuy nhiên, bất đồng lớn giữa Nga và Mỹ liên quan đến số phận của tổng thống Assad trong cuộc chuyển tiếp chính trị.

Theo các nhà phân tích, kế hoạch hòa bình Geenève không được thực thi, vì kế hoạch này đã không giải quyết được vấn đề số phận của tổng thống Bachar al-Assad.

Nga, nước đồng minh và là nguồn cung cấp vũ khí cho chế độ Damas, không chấp nhận đòi hỏi, theo đó sự ra đi của tổng thống Syria là điều kiện tiên quyết cho việc các bên Syria ngồi vào bàn đàm phán, tuy nhiên ngoại trưởng Nga cũng khẳng định Matxcơva không hề khuyến khích tổng thống Assad tiếp tục tại vị.

Trong khi đó, Hoa Kỳ liên tục nhắc lại quan điểm rằng Bachar al-Assad không còn đủ tư cách để nắm quyền trong một chính phủ quá độ.

Cho đến nay, bất chấp các bất đồng ngoại giao và các đụng độ vẫn tiếp diễn trên thực địa, Hoa Kỳ vẫn lưỡng lự trong việc viện trợ vũ khí cho phe nổi dậy, vì sợ làm xung đột thêm dữ dội và vũ khí có khả năng rơi vào tay các lực lượng Hồi giáo cực đoan trong hàng ngũ nổi dậy.

Xin nhắc lại là, phong trào phản kháng hòa bình tại Syria chống chế độ Assad chuyển thành nội chiến, sau khi chính quyền đàn áp đẫm máu những người phản đối.

Theo số liệu của Liên Hiệp Quốc, xung đột tại Syria cho đến nay đã khiến ít nhất 70.000 người chết, khoảng 4,23 triệu người phải bỏ nhà cửa ra đi và hơn 1,4 triệu người phải chạy sang lánh nạn ở các nước láng giềng.

Switch mode views: