Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 27-11-2018

Trump - Kim : Từ « tay ấp mặn nồng » chuyển thành « đọ sức »

northkorea-usa 10
Tổng thống Mỹ Donald Trump (P) và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un tại khách sạn Capella, đảo Sentosa, Singapore, nơi tổ chức cuộc họp thượng đỉnh 12/06/2018
Anthony Wallace/Pool via Reuters

Le Figaro (27/11/2018) có bài viết nhận định về tiến triển quan hệ Mỹ – Bắc Triều Tiên.
Tờ báo hóm hỉnh chạy tựa « Giữa Trump và Kim, mối diễm tình chuyển thành cuộc đọ sức ».

Các cuộc thương lượng giữa hai bên đang sa lầy, nhưng tổng thống Mỹ vẫn bám lấy hy vọng có một bước đột phá trong hồ sơ hạt nhân.

Thứ Tư ngày 21/11, Hoa Kỳ thông báo giảm quy mô cuộc tập trận chung hàng năm Foal Eagle với Hàn Quốc vào năm tới nhằm không gây ảnh hưởng đến tiến trình ngoại giao mong manh được khởi động vào tháng Sáu năm nay tại Singapore.

« Trò chơi chiến tranh » này luôn bị Bình Nhưỡng xem như một sự chuẩn bị « xâm chiếm », một chiếc gai gây căng thẳng giữa hai miền.
Quyết định trên của Mỹ cho thấy thiện chí của Nhà Trắng tiếp tục theo đuổi các cuộc đàm phán với chế độc độc tài, bất chấp các kết quả nhợt nhạt trong lĩnh vực hạt nhân.

Với chuyên gia Robert Kelly, giảng dậy tại trường Đại học Quốc gia Busan, « Hoa Kỳ đang rơi vào bế tắc. Bắc Triều Tiên cho lại không bao nhiêu ».
Nhưng trong nhãn quan của chế độ Bình Nhưỡng, những nỗ lực của họ đã không được đền đáp xứng đáng. Bởi vì, Hoa Kỳ vẫn từ chối nhượng bộ trước một đòi hỏi quan trọng nhất của Bắc Triều Tiên : Giảm nhẹ một phần cấm vận.

 Kết quả là Bình Nhưỡng bất ngờ hủy cuộc gặp ba bên ở cấp ngoại trưởng dự kiến tổ chức tại New York ngay sau cuộc bầu cử giữa kỳ của Mỹ.
Sự việc cho thấy Bình Nhưỡng không tin tưởng vào Washington và ngày càng tỏ ra mất kiên nhẫn.

Bắc Triều Tiên đe dọa mở lại chương trình thử tên lửa đạn đạo, tạm ngưng từ đầu năm nay.
Tuần rồi, « Lãnh đạo Tối cao » còn phát đi hình ảnh đang giám sát một vụ thử « vũ khí chiến thuật tối tân ».
Vụ thử vũ khí đầu tiên từ đầu năm 2018 này được xem như là một lời cảnh báo dành cho tổng thống Mỹ.

Một mặt, Bình Nhưỡng tỏ ra có thiện chí muốn đàm phán với Hoa Kỳ khi đơn phương tuyên bố đóng cửa bãi thử tên lửa Dongchang Ri.
 Mặt khác, chế độ vẫn có thái độ cứng rắn, đòi hỏi Hoa Kỳ phải có « đáp trả tương xứng » trước khi nhắm đến việc đóng cửa trung tâm hạt nhân Yongbyon.

Nhưng chiến lược phản công này vẫn làm nhiều nhà quan sát lo ngại về khả năng hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế ngày 13/11/2018 đã công bố 13 khu căn cứ tên lửa tầm ngắn bí mật của chế độ Bình Nhưỡng.

 Do vậy, theo nhận định của chuyên gia Chun Yungwoo tại Diễn đàn Tương lai Bán đảo Triều Tiên, được tổ chức ở Seoul, « Kim Jong Un đang áp đặt nhịp độ. Các nhượng bộ mà ông ấy đưa ra chỉ là những con ngựa chết mà ông ấy không còn cần đến nữa ».
Dù vậy, lãnh đạo Kim Jong Un cũng không muốn cắt đứt cầu nối với vị tổng thống Mỹ khó lường.

Việc giám sát vũ khí chiến thuật bí mật rất có thể chỉ là một khẩu đại bác tầm dài, không nằm trong phạm vi « chiến lược » của các cuộc đàm phán hạt nhân.
Việc đưa ra thông báo rất có thể chỉ có mục đích đối nội nhằm trấn an giới quân nhân bị chưng hửng vì những phát biểu mới mẻ của nhà lãnh đạo độc tài trẻ, khi xoay lưng lại với chính sách Songun, nghĩa là « ưu tiên cho quân đội » được đề ra từ thời cha ông là Kim Jong Il.

Le Figaro lưu ý ở Bình Nhưỡng cũng như Washington, những người do dự lo ngại là Kim Jong Un và Donald Trump đều đi quá nhanh và đang tìm cách cản trở tiến trình xích lại gần giữa hai bên.
Tại Nhà Trắng, xung quanh tổng thống Mỹ có rất nhiều người nghi kỵ, điển hình là cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton, từ lâu chủ trương đường lối thay đổi chế độ. Đây chính là điểm khiến cho tổng thống Moon Jae-In lo sợ.

Câu hỏi đặt ra : Liệu rằng các nỗ lực của tổng thống Moon Jae In có bị « xôi hỏng bỏng không » như là những gì ông Jimmy Carter đã từng làm trong quá khứ ?
Tài liệu được công bố cho thấy ngay từ năm 1979, tổng thống Mỹ đã tìm cách đàm phán với hai miền Triều Tiên để vãn hồi hòa bình nhưng bất thành chỉ vì sự nghi kỵ của lãnh đạo hai miền Nam Bắc Triều Tiên lúc bấy giờ.

Đối đầu quân sự Nga - Ukraina

Căng thẳng Nga – Ukraina đột nhiên bùng phát là đề tài được một số nhật báo quan tâm đến.
Le Monde và La Croix lần lượt thông báo « Leo thang căng thẳng nghiêm trọng giữ Kiev và Matxcơva tại Hắc Hải » và « Thủy chiến giữa Nga và Ukraina ».
Ngày Chủ Nhật 25/11/2018, hải quân Nga bắt giữ ba tầu chiến Ukraina sau một cuộc va chạm nhẹ.

Trước cuộc khủng hoảng quân sự và ngoại giao nghiêm trọng này, Libération cho biết « Tổng thống Ukraina Porochenko chuyển sang phản công », ban hành « thiết quân luật » như hàng tít thông báo trên trang nhất của Le Figaro.

Nhân vụ việc này, La Croix có bài xã luận kêu gọi quốc tế « Hãy ủng hộ Ukraina. » Nhật báo giải thích :
« Từ năm năm nay Ukraina là luôn trên tuyến đầu đối mặt với chủ nghĩa quân sự của Nga.
Sự cố hải quân giữa hai nước hôm Chủ Nhật mang đến một bằng chứng mới.

Matxcơva chẳng bao giờ chấp nhận thiện chí của người dân Ukraina muốn tách rời khỏi tầm ảnh hưởng của Nga và tham gia Liên Hiệp Châu Âu.
Điều này họ đã từng bày tỏ trong các cuộc biểu tình của phong trào Maidan tại Kiev trong suốt mùa đông năm 2013.

Để trả đũa, điện Kremlin đã sáp nhập bán đảo Crimee, kéo dài cuộc xung đột đòi ly khai tại vùng Donbass và tìm cách biến vùng biển Azov, nằm giữa hai nước, thành một không gian khép kín dưới sự kiểm soát của Nga.
Các phương pháp gây hấn này chỉ nhằm mục đích gây bất ổn tại Ukraina và kềm hãm các cải cách của chính quyền Kiev. »

Đàm phán Nga – Ukraina : Ngày nào mới có ?

Về điểm này, nhà Renaud Girard, trên Le Figaro không có cùng một quan điểm.
 Ông cho rằng thật là « nguy hiểm khi để cho cuộc xung đột trở nên tồi tệ hơn ».

Tác giả nhắc lại việc sáp nhập bán đảo Crimée tuy không gây ra chết chóc, nhưng hai cuộc chiến ở Donbass (mùa hè năm 2014 và đầu đông năm 2015) giữa quân đội Ukraina và phe đòi ly khai đã khiến hơn 10.000 người thiệt mạng.

Pháp và Đức, trong vai trò trung gian hòa giải, đã đưa ra sáng kiến đàm phán Minks.
 Theo đó, chỉ cần chính quyền Kiev ban lệnh ân xá và trao quyền tự quyết cho phe nổi dậy để đổi lấy việc thu hồi các đường biên giới quốc tế.
Một cuộc mặc cả khó có thể đạt được bởi vì cả Nga và Ukraina đều mang nặng tư tưởng dân tộc chủ nghĩa và có những đường hướng chính trị quá khác biệt.

Người dân Ukraina mơ đến một ngày được gia nhập mái nhà chung Liên Hiệp Châu Âu.
Nhưng đó lại một cơn ác mộng đối với Nga.

 Điện Kremlin luôn ám ảnh trước nỗi lo NATO sẽ mở rộng sang hướng đông. Họ muốn ngăn chặn điều đó.
Đối với Nga, một lãnh thổ Ukraina bị « què cụt » sẽ không còn ý định gia nhập khối NATO.

Hơn nữa, Matxcơva đã mất niềm tin vào phương Tây. Nga chỉ trích khối này « nuốt lời hứa » mà George H. Bush đã từng nói với Mikhail Gorbatchev nhân Hội thảo An ninh và Hợp tác Châu Âu ngày 20/11/1990 tại Paris.
Theo đó, phương Tây cam kết là không mở rộng NATO sang các nước nằm trong khối Hiệp ước Vacxava, một khi Nga chấp nhận rút quân.

Cuối cùng theo tác giả, vẫn còn có thể đưa ra một cuộc mặc cả khác : Washington nên từ bỏ ý định mở rộng khối NATO, và Matxcơva phải bỏ học thuyết cũ kỹ « tầm ảnh hưởng ». Một điều mà ai cũng biết.
Nhưng ngày nào và phải có thêm bao nhiêu nạn nhân nữa để tiến hành cuộc thương lượng này thì đến giờ đây vẫn còn là một điều bất định.

Le Monde : Tai tiếng thiết bị cấy ghép y khoa

Lĩnh vực y khoa có hai sự kiện đáng chú ý. Le Monde trên trang nhất báo động « Thiết bị cấy ghép y khoa : Một vụ tai tiếng toàn cầu ».

Một cuộc điều tra tập hợp hơn 250 nhà báo thuộc 59 cơ quan truyền thông quốc tế, đối tác của Hội Nhà Báo Điều Tra Quốc Tế ICIJ, trong đó có báo Le Monde cho thấy các khuyết điểm của các thiết bị y khoa cũng như thiếu sự theo dõi và quản lý của các cơ quan quản lý y tế trên thế giới.
Hệ quả là nhiều tai nạn có liên quan đến các thiết bị điều trị y khoa đã xảy ra.

Chỉ riêng tại Mỹ các nhà điều tra thống kê có hơn 5,48 triệu sự cố, trong đó có khoảng 82.000 ca tử vong và 1,7 triệu trường hợp tổn thương từ các loại thiết bị chữa trị y khoa như ống bơm insulin, các mảnh ghép xương hông, máy kích hoạt tim…
 Nhưng chỉ một bộ phận rất ít, chưa tới 10% bệnh nhân là được bồi thường thiệt hại.

Báo Le Monde trong bài xã luận đề tựa « Implant Files : Một cuộc điều tra ngoại hạng » chỉ ra hai khe hỡ trong việc dùng các thiết bị cấy ghép.
Đầu tiên hết là công tác quản lý lỏng lẻo các thiết bị điều trị y khoa, không chặt chẽ như với các loại thuốc. Các vụ tai tiếng rời rạc trước đây như « miếng độn ngực giả PIP », dụng cụ tránh thai Essure… là hệ quả đương nhiên của một hệ thống quản lý tồi, chứ không phải là những ca gian lận lẻ tẻ.

Nhật báo tự hỏi đã có bao nhiêu thiết bị y khoa và loại nào đã được cấy ghép tại Pháp.
Hiện tại không một cơ quan chức năng nào biết được con số chính xác.

Thứ hai, sự cố xảy ra nhưng không được theo dõi.
Le Monde cho rằng việc thiếu minh bạch trong thu thập dữ liệu hay chiếm hữu dữ liệu giám sát còn làm cho hệ thống theo dõi trên thị trường thêm phần phức tạp.

Xung đột lợi ích là thước đo vận hành. Hồ sơ không hoàn chỉnh được cho là có thể tiếp nhận, thiếu nghiên cứu nghiêm túc sơ khởi trước khi cấp giấy phép… Trên phương diện này, rõ ràng các cơ quan chức năng đáng bị chê trách.

Sau thực vật, động vật đến lượt người « biến đổi gien » ?

Một sự kiện khác cũng gây chấn động giới y khoa : Một nhà khoa học Trung Quốc ngày 26/11/2018 thông báo cho ra đời một cặp song sinh bé gái « biến đổi gien » bằng kỹ thuật chỉnh sửa Crispr-Cas9.

Một kỹ thuật do hai nhà khoa học, Emmanuelle Charpentier, người Pháp và đồng nghiệp Mỹ, cô Jennifer Doudna đồng phát hiện năm 2015.
Le Figaro nghi ngờ đặt câu hỏi : Phải chăng một nhà khoa học Trung Quốc đã thật sự cho ra đời hai đứa trẻ « biến đổi gien » ?

Bởi vì, kết quả nghiên cứu của nhà khoa học Trung Quốc, ông Hạ Kiến Khuê (He Jiankui), nhà nghiên cứu kiêm giáo viên thỉnh giảng trường đại học Khoa học và Công nghệ phương Nam Trung Quốc (SUSTC), thành phố Thẩm Quyến vẫn chưa thể kiểm chứng được.
Nhưng thông báo của ông trên mạng Youtube đã dấy lên một cuộc tranh luận trong giới nghiên cứu trên thế giới cũng như là ngay từ trong nước.

Giới khoa học chỉ trích Hạ Kiến Khuê là đã vi phạm đạo đức y sinh.
Sự kiện này đặt thế giới trước một thách thức lớn như nhận xét của La Croix.

« Trẻ biến đổi gien : Tội ác, Lừa dối hay Tiến bộ ? » là câu hỏi báo Le Figaro nêu lên trong mục Ý kiến.

Nhật báo khẳng định việc tiến hành thí nghiệm biến đổi gien trên người sớm muộn gì cũng sẽ diễn ra, nhất là tại Trung Quốc, quốc gia có những luật lệ ít mang tính ràng buộc hơn.
Kỹ thuật chỉnh sửa gien mà nhà khoa học Trung Quốc sử dụng là có thật.
Công nghệ Crispr này đã từng được sử dụng nhiều lần, đặc biệt là tại Trung Quốc (ở 86 người) nhằm thử nghiệm các phương pháp trị liệu mới chữa trị một số bệnh nặng.
Có thể nói, công nghệ « cắt dán gien » Crispr mở ra nhiều hướng điều trị đầy hứa hẹn chống lại một số chứng bệnh di truyền hay một số chứng ung thư.

Vấn đề là cho đến lúc này, kỹ thuật Crispr chỉ dùng để thay đổi một vài tế bào của một cơ quan cụ thể chưa bao giờ được sử dụng để chỉnh sửa tất cả các tế bào của cả cơ thể, nhất là đối với tế bào mầm, để tạo ra tinh trùng hay noãn bào.

Việc một phôi thai đã bị biến đổi gien bằng kỹ thuật Crispr có nguy cơ truyền tiếp cho những thế hệ sau những gien đã bị chỉnh sửa.
Chính từ mối quan ngại trên mà các nhà khoa học trong lĩnh vực này, vào tháng 12/2015, trong một hội thảo quốc tế về gien đã đạt được thỏa thuận : Không sử dụng

Crispr trong mục đích chỉnh sửa các tế bào mầm trước khi có được một đồng thuận cả trên phương diện khoa học lẫn đạo đức.
Bởi vì các nhà khoa học quan ngại rằng lợi ích của những biện pháp chỉnh sửa trên phôi thai này vẫn chưa rõ ràng, và rủi ro tiềm tàng thì lại quá nhiều.

Trang nhất các báo Pháp

Phong trào « Áo vàng an toàn » tiếp tục là đề tài chính trên trang nhất một số nhật báo Pháp.

Tờ Les Echos chạy hàng tít lớn, in đậm « Chuyển đổi sinh thái : Macron ở bước ngoặt. »
Liberation dành nửa trang nhất, mỉa mai nhận định « Macron tái nhợt đối mặt với áo vàng ».

Vào lúc « hồi 3 » của phong trào diễn ra ở Paris hôm thứ Bảy 24/11, nguyên thủ Pháp muốn kiểm soát lại tình hình khi công bố chính sách môi trường ngày hôm nay.
Nhật báo thiên tả dành 4 trang báo cho chủ đề này.

Cũng trên trang nhất, Libération thương tiếc một đạo diễn gạo cội người Ý, qua đời ngày 26/11/2018, thọ 77 tuổi.
Tờ báo đề tựa « Bernado Bertolucci, nhà điện ảnh vô giới hạn ».

Le Figaro theo dõi « vụ Ghosn », cựu lãnh đạo liên minh sản xuất xe ô tô Renault-Nissan khi cho rằng « vẫn tồn tại những cáo buộc không rõ ràng ».
Một tuần sau vụ bắt giữ ngoạn mục Ghosn tại Tokyo, tư pháp Nhật Bản chưa nêu rõ các tội danh nhắm vào vị chủ tịch bị phế truất của liên minh Renault-Nissan.

Switch mode views: