Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 30-10-2018
- Thứ Ba, 30 tháng Mười năm 2018 16:28
- Tác Giả: Thu Hằng
Cơn gió dân túy lây lan thế giới
Người ủng hộ ứng viên cực hữu Brazil Jair Bolsonaro ngày 28/10/2018 tại São Paulo.
REUTERS/Amanda Perobelli
Thêm một chính trị gia « phản hệ thống », Bolsonaro, được bầu làm tổng thống Brazil.
Với khẩu hiệu « Trật tự và tiến bộ », ông thuyết phục được đa số cử tri Brazil, chán ngán về nạn tham nhũng, lo âu về tình trạng tội phạm mà các đảng truyền thống không giải quyết được.
Chiến thắng của ứng viên cực hữu Brazil là chủ đề nổi bật trên hầu hết nhật báo Pháp số ra ngày 30/10/2018.
« Brazil tự đặt mình dưới quyền lực của một tổng thống phản hệ thống » là nhận định trên trang nhất của Le Figaro.
Les Echos đưa tin : « Brazil đối mặt với cuộc cách mạng tự do của Jair Bolsonaro ».
Với Le Monde, « Bolsonaro chiến thắng, Brazil bấp bênh » vì sau 13 năm dưới chính quyền cánh tả, « phe cực hữu lên nắm quyền », còn « phe đối lập tan nát sau chiến dịch tranh cử thất bại ».
Vẫn theo Le Monde, ông Bolsonaro giành được « chiến thắng rõ ràng, có một chương trình cấp tiến nhưng lại mông lung ».
Libération dành nhiều trang để nói về « đà tiến nhanh như chớp của viên sĩ quan hằn thù ».
Thêm một chính trị gia cực hữu trở thành lãnh đạo một quốc gia, xã luận của Le Figaro so sánh khuynh hướng dân túy như « cơn gió đang lan khắp hành tinh ».
Nếu như tổng thống Philippines Duterte được ví như một « Trump châu Á », thì Bolsonaro được so sánh là một « Trump vùng nhiệt đới ».
Họ có nhiều điểm chung : đều là ứng viên « phản hệ thống », đi theo hình ảnh « người mạnh mẽ », phát ngôn ngắn gọn, thậm chí cộc lốc, khiêu khích và gây sốc vì mang tính phân biệt, nhưng lại vô cùng hiệu quả.
Làn sóng dân túy lan tỏa khắp thế giới, từ Philippines đến Brazil, từ Hoa Kỳ đến một số nước châu Âu (Ba Lan, Ý, Hungary, Thổ Nhĩ Kỳ).
Chỉ một điểm khác ở Brazil là Bolsonaro không mang lá bài người nhập cư ra tranh cử.
Nhưng theo xã luận của Le Figaro, nguyên nhân sâu xa của làn sóng dân túy là hệ quả của một quá trình toàn cầu hóa tự do, nuôi dưỡng những bất công và nỗi sợ bị hạ thấp đẳng cấp xã hội, xáo trộn bản sắc.
Khắp nơi trỗi dậy mối lo về an toàn tính mạng, bất an về văn hóa. Khắp nơi, giới lãnh đạo của các đảng truyền thống đều tỏ ra bất lực, không đáp ứng được những yêu cầu của người dân.
Và thay vì ca thán qua những kỳ bầu cử, hết lần này sang lần khác, họ cần phải thức tỉnh. Có lẽ vì thế, những người như Bolsonaro còn nhiều ngày sáng lạn trước mắt.
Brazil vừa gia nhập các nước theo trào lưu dân túy, đang trỗi dậy trên khắp thế giới. Đây là « Sự quay lại quá khứ đáng ngại », theo nhận định trong bài xã luận của Le Monde.
Tổng thống tân cử Brazil sẽ thắt chặt quan hệ ngoại giao với Washington. Với một Donald Trump, ông Bolsonaro có chung quan điểm về một số chủ đề : Israel, Venezuela, và môi trường.
Ông Bolsonaro có thể sẽ rút Brazil ra khỏi hiệp định khí hậu Paris như tổng thống Mỹ đã làm hoặc đóng cửa cơ quan kiểm lâm và giám sát phân định ranh giới với đất của thổ dân…
Tại sao chủ nghĩa dân túy lại trỗi dậy ?
Trang nhất của La Croix có chung nhận định với Le Figaro :
« Chủ nghĩa dân túy đang lây lan ». Nhưng tại sao chủ nghĩa dân túy lại trỗi dậy ?
Nhật báo Công Giáo đặt câu hỏi với giáo sư Jan-Werner Muller, đại học Princeton (Hoa Kỳ).
Theo giáo sư người Mỹ, phương pháp được phe dân túy theo đuổi là liên lạc trực tiếp với người dân, vì người dân không còn tin vào truyền thông hoặc các chính trị gia bị cho là tham nhũng, và khuếch đại nguyện vọng của dân.
Họ hình thành một sự liên kết giữa hy vọng về đời sống chính trị « sạch » và sự suy tàn của các quyền lực trung gian.
Giáo sư người Mỹ cho rằng để đáp lại những định kiến và tư tưởng của phe dân túy, không nên loại họ khỏi cuộc tranh luận vì như vậy, càng củng cố thêm quan điểm của họ là tầng lớp tinh hoa không nghe nguyện vọng của người dân.
Ngoài ra, không nên bắt chước đường lối của phe dân túy để kiếm phiếu bầu hoặc uy tín vì cử tri bỏ phiếu cho một chương trình riêng của đảng đó, chứ không phải là cho bản cóp nhặt.
Với chiến thắng của ứng viên cực hữu Brazil, nhật báo Le Figaro nhận định « Châu Mỹ latinh đã ngả sang hữu ».
Từng giành chiến thắng vẻ vang trong những năm 2000, cánh tả Nam Mỹ hiện bị thu hẹp, chỉ còn ở hai nước là Bolivia và Venezuela.
Công nghiệp quốc phòng Mỹ hưởng lợi từ hiệu ứng Trump
Vẫn tại châu Mỹ, nhật báo Le Figaro đánh giá :
« Ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ hưởng lợi nhờ hiệu ứng Trump ».
Số đơn hàng của các nhân tố chính trong lĩnh vực này không ngừng tăng và nhờ vào việc chi phí quân sự Mỹ sẽ còn cao hơn.
Theo Le Figaro, nếu như các nhà quan sát còn bị chia rẽ về hiệu ứng Trump đối với nền công nghiệp Mỹ, thì ngược lại, lĩnh vực quốc phòng là một trong những bên được lợi nhất từ chính sách tăng ngân sách quốc phòng của Nhà Trắng, hiện ở mức kỷ lục 700 tỉ đô la.
Tập đoàn Boeing hướng đến doanh thu từ 98 đến 100 tỉ đô la trong năm 2018, nhờ vào các hợp đồng của bộ Quốc Phòng.
Tương tự, Northrop Grumman, tập đoàn sản xuất vũ khí lớn thứ năm của Mỹ, cũng hướng đến mục tiêu doanh thu 2018 là 30 tỉ đô la. Tập đoàn Lockheed Martin đưa ra mục tiêu tăng trưởng thêm 5-6% vào năm 2019.
Để thỏa mãn được số đơn đặt hàng trên, năm tập đoàn lớn nhất Hoa Kỳ « big 5 » gồm Lockheed Martin, Boeing, General Dynamics, Raytheon và Northrop Grumman tự cải tổ với việc mua lại một số công ty nhỏ hơn.
Vụ ám sát Khashoggi liên quan đến chính quyền Ả Rập Xê Út sẽ không gây ảnh hưởng đến các hợp đồng vũ khí với Hoa Kỳ.
Theo một chuyên gia, cùng lắm là « thời hạn bàn giao sẽ được lùi lại và gia hạn cho các hợp đồng mới cho đến khi cơn bão địa chính trị lắng xuống ».
Đức : Thủ tướng Đức chuẩn bị rút lui
Liên tiếp hứng kết quả không cao của đảng Dân Chủ-Thiên Chúa Giáo (CDU) tại các cuộc bầu cử cấp vùng, thủ tướng Đức Angela Merkel thông báo không tranh cử nhiệm kỳ mới vào năm 2021.
Báo Le Figaro nhận định : « Bị suy yếu, Merkel bắt đầu chuẩn bị rút lui ».
Sau một năm đồn đại, cuối cùng bà Merkel đã thông báo không tranh cử kỳ bầu chủ tịch đảng CDU trong hai ngày đại hội đảng 07-08/12 tại Hamburg, cũng như bất kỳ chức vụ nào khác.
Như vậy, thủ tướng Đức cũng bác những lời đồn rằng bà sẽ giữ một chức vụ nào đó ở Bruxelles.
Còn theo nhật báo kinh tế Les Echos, với tuyên bố rút lui « Angela Merkel khởi đầu cho quá trình tìm người thay thế ».
Các ứng viên cho chức chủ tịch đảng CDU bắt đầu tuyên bố ứng cử ngày 29/10, nhưng thủ tướng Đức từ chối chỉ định người được bà ủng hộ.
Tuy nhiên, theo Le Figaro, quyết định của bà Merkel không giúp giải quyết được cuộc khủng hoảng trong nội bộ CDU.
Thậm chí, một số người còn muốn là bà không từ chức luôn vị trí thủ tướng hiện nay.
Pháp đưa ra ánh sáng nạn ấu dâm trong trường học và nhà thờ.
Trong lĩnh vực xã hội, hai tai tiếng ấu dâm tại Pháp đồng loạt được Libération và Le Figaro đề cập.
Báo Le Figaro đưa tin : « Ấu dâm trong trường học : 477 trẻ em được lắng nghe tại tỉnh Maine-et-Loire » để chắc chắn rằng các em không phải là nạn nhân của một thầy giáo dù chỉ tiếp xúc với giáo viên này trong một thời gian ngắn.
Giáo viên 24 tuổi này, sau đó đã tự vẫn, bị nghi ngờ xâm hại tình dục từ 60-70 học sinh từ năm 2000-2012 ở nhiều trường học trong vùng Lyon.
Trước đó, nghi phạm kể trên một trang « dark web » rằng đã cưỡng hiếp hai cháu trai 4 và 5 tuổi của mình.
Chính vì tội danh này, cũng như tội phát tán ảnh khiêu dâm trẻ em, mà nghi phạm đã bị bắt tạm giam ngày 23/02/2018.
Còn Libération đề cập : « Ấu dâm trong Giáo hội : Sự tôn thờ im lặng bị đưa ra tòa ở Orléans ».
Linh mục Pierre de Castelet bị cáo buộc sàm sỡ trẻ em nam từ 10-13 tuổi trong năm 1993 bị đưa ra tòa xét xử từ ngày 30/10/2018. Cựu giám mục André Fort cũng bị truy tố vì tội « không tố cáo ».
Năm 2012, linh mục Pierre de Castelet từng thú nhận : « Tôi bị các em từ 11-13 tuổi thu hút… Tôi bảo các em cởi áo và các em vẫn mặc quần short. Đôi khi tôi cũng cởi quần các em và chạm vào bộ phận sinh dục… ».
Theo Libération, hồ sơ này còn cho thấy cả một bộ máy giữ bí mật : một bên là thượng tầng câm lặng từ thế hệ này sang thế hệ khác, bên kia là khó khăn của những người đệ đơn tố cáo các hành vi sàm sỡ mà họ buộc giấu kín suốt thời niên thiếu và có nguy cơ làm vấy bẩn danh tiếng của Giáo Hội.
Qua phiên xử này, bên nguyên đơn còn muốn có những lời giải thích về sự im lặng của địa phận.
Báo động về số lượng động vật hoang dã giảm mạnh
Trong lĩnh vực môi trường, thiên nhiên, hai nhật báo Les Echos và Le Figaro cùng đề cập đến báo động về việc « số lượng động vật hoang dã bị giảm sút ».
Theo báo cáo « Hành tinh sống » 2018 do Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) công bố ngày 30/10, sự đa dạng sinh học đang bị đe dọa.
Từ năm 1970 đến 2014, số lượng động vật có xương sống (cá, động vật có vú, lưỡng cư và bò sát) đã giảm 60%.
Nguyên nhân chính là do con người và các hoạt động phá hủy hoặc làm hư hại nơi ở của chúng : gia tăng khai thác nông nghiệp, đánh bắt quá khối lượng, phá rừng, tiêu thụ quá nhiều nước ngọt, du lịch đại trà…
Từ nay đến năm 2050, nếu con người không thay đổi, số lượng động vật hoang dã sẽ chỉ còn khoảng 1/10.
Quỹ Bảo vệ Thiên Nhiên đang vận động cho một thỏa thuận đầy tham vọng về bảo vệ thiên nhiên nhân hội nghị thế giới về đa dạng sinh học sẽ diễn ra tại Bắc Kinh năm 2020, theo đó « cần ấn định mục tiêu không có tổn thất về đa dạng sinh học vào năm 2030 ».
Tin mới
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 14-11-2018 - 14/11/2018 18:26
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 13-11-2018 - 13/11/2018 22:19
- Iran : Cố vấn an ninh Mỹ Bolton muốn trừng phạt tối đa Teheran - 13/11/2018 18:43
- Thượng đỉnh ASEAN khai mạc tại Singapore - 13/11/2018 17:45
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 12-11-2018 - 12/11/2018 22:49
- Biển Đông: Lần đầu tiên Mỹ đòi Trung Quốc rút tên lửa khỏi Trường Sa - 12/11/2018 18:09
- Trung Quốc thương tiếc nhà văn kiếm hiệp Kim Dung - 31/10/2018 22:22
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 31-10-2018 - 31/10/2018 18:02
- Úc : Trung Quốc « hợp tác nghiên cứu » để ăn cắp công nghệ phương Tây - 31/10/2018 12:42
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 29-10-2018 - 30/10/2018 22:16
Các tin khác
- Vụ xả súng ở Pittsburgh : Chuyến thăm của TT Mỹ Donald Trump gây tranh luận - 30/10/2018 16:09
- Ryanair : Mặt trái của mô hình hàng không giá rẻ - 30/10/2018 15:58
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 28-10-2018 - 29/10/2018 18:11
- Nguyễn Phú Trọng làm chủ tịch nước Việt Nam : Giải pháp tạm thời ? - 29/10/2018 17:58
- Tai nạn : Máy bay chở 188 người rơi ở ngoài khơi Indonesia - 29/10/2018 17:10
- Brazil: Bolsonaro và sự trở lại của chế độ độc tài ? - 29/10/2018 16:39
- New York Times: Thỏa thuận Vatican - Trung Quốc, nỗi buồn của Đức Hồng Y Trần Nhật Quân - 29/10/2018 02:50
- TÀU CỘNG TẤN CÔNG NƯỚC MỸ: “MẶT TRẬN MA TÚY!” - 29/10/2018 02:27
- Mắc kẹt giữa 'Chiến tranh lạnh' Mỹ - Trung - 28/10/2018 22:15
- Tỷ phú Trung Quốc giàu lên tới mức chóng mặt - 28/10/2018 21:22