Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Pháp : Chính sách đối ngoại dưới thời Macron

Macron-doingoai

Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron.
REUTERS/Charles Platiau/Pool

Tầm nhìn của Pháp về châu Á ?
Quan hệ Macron-Trump và bang giao Paris-Matxcơva ?
Nghiên cứu của Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI số tháng 4/2018 dành để nói về chính sách đối ngoại của Pháp trong năm đầu tiên dưới nhiệm kỳ tổng thống Emmanuel Macron.

Văn bản gồm 14 chương đề cập tới chính sách nhập cư của Pháp, tầm nhìn của tổng thống Macron về khối Pháp Ngữ, về khí hậu hay là công nghệ kỹ thuật số đến quan hệ giữa Paris với các đối tác lớn trên thế giới.

RFI trích giới thiệu về 3 chủ đề: quan hệ giữa Pháp với Trung Quốc, giữa tổng thống Macron với đồng nhiệm Mỹ Donald Trump và bang giao nhiều trắc trở giữa Pháp và Nga.

Mở cửa có điều kiện với Trung Quốc

Trước hết là chính sách của Paris với châu Á. Bốn chuyên gia về châu Á thuộc Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp chỉ ra rằng, tổng thống Macron đi từ một nguyên tắc cơ bản là Pháp phải hiện diện trên các hồ sơ lớn ở những khu vực khác nhau trên địa cầu.
Vì thế Paris đã tỏ lập trường cứng rắn trên hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên : đưa Bình Nhưỡng trở lại các vòng đàm phán để tiến tới mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Cột trụ thứ nhì trong chính sách đối ngoại của ông Emmanuel Macron là phát triển một thế giới đa phương, nơi mà tất cả các bên đều phải tôn trọng luật pháp quốc tế. Hạt nhân Bắc Triều Tiên hay tranh chấp ở Biển Đông, khủng hoảng người Rohingya tại Miến Điện không là những ngoại lệ.

Liên quan đến những hồ sơ có tầm mức quan trọng vượt ra ngoài ảnh hưởng của khu vực - như hồ sơ chống biến đổi khí hậu, Paris cần có sự hậu thuẫn của hai nền kinh tế gây ô nhiễm bậc nhất là Trung Quốc và Ấn Độ.

Tuy nhiên trong tính toán đó, Trung Quốc là "đối tác hàng đầu" với một số điều kiện.
Về dự án Con Đường Tơ Lụa Thế Kỷ 21, lãnh đạo Pháp để ngỏ cánh cửa tham gia vào kế hoạch mà ông Tập Cận Bình đang ấp ủ, nhưng đòi đó phải là một sự "trao đổi hai chiều và tương xứng".

Các chuyên gia của IFRI nhận định, lập trường cứng rắn của ông Macron trên các hồ sơ kinh tế cho thấy điện Elysée bảo vệ các quyền lợi của Pháp một cách "thực tế và thực dụng".

Paris không đơn phương đối đầu với Bắc Kinh mà đang huy động các đối tác châu Âu, đứng đầu là Đức và Ý, để đưa ra những khung pháp lý, kiểm soát chặt chẽ hơn các dự án đầu tư của các tập đoàn ngoại quốc vào Liên Âu, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao hay mang tính chiến lược đối với châu lục này.

Không bỏ tất cả trứng vào một giỏ

Bắc Kinh là một đối tác không thể thiếu nhưng không là đối tác duy nhất của Paris.
Ngay từ dưới đời tổng thống tiền nhiệm là François Hollande, Pháp đã đặc biệt quan tâm đến Ấn Độ, Úc, Nhật.
 Với Tokyo, Paris ủng hộ sáng kiến an ninh hàng hải khu vực, một "không gian mở và tự do" trong vùng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Vẫn theo viện IFRI, tới nay, Anh và Pháp là hai quốc gia châu Âu duy nhất có tiếng nói trên vế an ninh tại Á châu. Nhưng không chỉ quan tâm đến những nước lớn như vừa nêu.
Căn cứ trên những thông cáo chính thức, nền ngoại giao Pháp dưới thời tổng thống Macron còn đề ra tham vọng tăng cường quan hệ với Indonesia, Hàn Quốc, Việt Nam, Singapore hay Malaysia trong những năm tới.

Macron - Trump vạn sự khởi đầu nan

Còn với đồng minh truyền thống là Hoa Kỳ, tác giả bài nghiên cứu, Laurence Nardon nói đến một mối quan hệ bước đầu đầy gian nạn giữa hai nguyên thủ Emmanuel Macron và Donald Trump nhưng bang giao đã từng bước được sưởi ấm trong năm qua.

Có nhiều cách biệt trong phong cách của lãnh đạo hai nước. Họ gặp nhau lần đầu tiên vào tháng 5/2017 khi Emmanuel Macron vừa nhậm chức. Buổi giao tiếp đầu tiên không mấy được các nhà bình luận đánh giá cao.
 Nhưng rồi tổng thống Pháp đã mời nguyên thủ Mỹ đến Paris dự lễ Quốc Khánh 14/07. Từ đó, đối thoại suôn sẻ hơn.

Nhưng cũng do tình thế đẩy đưa : hai đồng mình châu Âu thân thiết nhất với Mỹ là Anh và Đức đang lúng túng về chính trị nội bộ.
Pháp đã bắt lấy cơ hội để xây dựng một mối bang giao "mạnh mẽ và vững chắc" với một vị nguyên thủ Hoa Kỳ không mấy giành được thiện cảm trên trường quốc tế. Cùng lúc quan hệ Mỹ-Nga ngày càng xấu đi nghiêm trọng.

Từ đó trở đi, Paris-Washington tìm được một sân chơi chung trên nhiều hồ sơ quốc tế, từ Syria đến hạt nhân Bắc Triều Tiên hay sáng kiến thành lập liên quân G5 Sahel nhằm tăng cường sức mạnh chống khủng bố tại châu Phi.
Dù vậy, nhiều bất đồng giữa tổng thống Emmanuel Macron và Donald Trump vẫn tồn tại từ vế thương mại đến khí hậu hay thỏa thuận hạt nhân Iran.

IFRI kết luận : trước mắt quan hệ Mỹ-Pháp có được cải thiện nhưng tổng thống Maron không mấy khi thành công trong việc thuyết phục chủ nhân Nhà Trắng.

Trở ngại trong đối thoại với Nga

Thuyết phục được Donald Trump đã khó, nhưng có lẽ san bằng những bất đồng trong bang giao với Nga còn khó hơn.
Giám đốc ban nghiên cứu về nước Nga thuộc Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp, bà Taniana Kastouéva Jean tham gia công trình nghiên cứu của IFRI với bài viết mang tựa đề : "Pháp-Nga : những giới hạn của hợp tác song phương".

Tổng thống Vladimir Putin là nguyên thủ quốc tế đầu tiên được tân tổng thống Macron trân trọng tiếp đón tại Paris vài ngày sau khi vừa nhậm chức hồi tháng 05/2017.
Nhưng ngay trong buổi tiếp xúc đầu tiên này, lãnh đạo Pháp gửi thông điệp rất rõ ràng : Paris kiên quyết bảo vệ những giá trị dân chủ ở khắp mọi nơi trên thế giới, kể cả các quyền cơ bản của những cộng đồng thiểu số như là người đồng tính ở Tchetchenia.
Đồng thời Pháp tỏ thiện chí đối thoại với Nga về hai hồ sơ lớn là Syria và Ukraina và nhất là chính quyền Macron muốn cải thiện quan hệ song phương.

Trong mục tiêu sưởi ấm quan hệ với Matxcơva, chính phủ Pháp dựa vào hồ sơ kinh tế.
Cùng với Đức, Pháp là một trong hai đối tác kinh tế châu Âu quan trọng nhất của Nga.

Trong năm đầu nhiệm kỳ tổng thống của Emmanuel Macron, nhiều dự án hợp tác song phương đã chào đời. Tổng thống Pháp dự trù sang Nga vào cuối tháng 5/2018 dự Diễn Đàn Kinh Tế Saint Petersbourg.

Chuyên gia thuộc viện IFRI không loại trừ khả năng Vladimir Putin cũng đã hy vọng là quan hệ Paris-Matxcơva tốt đẹp với Emmanuel Macron hơn là dưới hai đời tổng thống thống tiền nhiệm của Pháp.

Nhưng cả đôi bên đều chóng nhận thấy rằng, mục tiêu cải thiện bang giao vấp phải một thực tế : Paris không thể bắt tay với Nga mà để phương hại đến những mối quan hệ chiến lược của Pháp với các đồng minh phương Tây.
Đó là chưa kể chính sách của Nga trong nhiều lĩnh vực từ quân sự đến hạt nhân không khỏi gây lo ngại trong dàn cố vấn của chính phủ Pháp.

Đẩy mạnh quan hệ kinh tế là một chuyện, từ đó dẫn tới những tiến bộ cả về chính trị, ngoại giao hay chiến lược lại là một chuyện khác.

Switch mode views: