Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Giới trẻ Mỹ nhập trận chống lưu hành súng tự do

florida-shooting 6

Bắt giữ nghi phạm vụ xả súng tại trường trung học Parkland, Florida, ngày 14/02/2018.WSVN.com via
REUTERS

Một học sinh rối loạn tâm thần bị đuổi học. Một khẩu súng bán liên thanh mua tự do dùng để trả thù.
Hàng chục học sinh bị giết chết. Một lời chia buồn của tổng thống và một phong trào đòi siết chặt luật buôn bán súng nổi dậy.

 Không để cho vụ thảm sát Parkland tái diễn, lần đầu tiên giới trẻ Hoa Kỳ dấn thân tranh đấu : hiệp hội buôn súng NRA bị chỉ tên, giới chính trị bị điểm mặt, đòi phải đổi luật.
Vụ một học sinh bị đuổi học mang súng vào trường cũ bắn chết 14 bạn học và 3 giáo viên ở Parkland ngày 21/02/2018 là vụ thảm sát thứ 18 tính từ đầu năm nay ở các trường học Mỹ.

Thảm kịch tại Parkland đã làm cả nước Mỹ bàng hoàng.
Ba ngày sau, trong nỗi đau mất mát bạn bè và nổi kinh hoàng thoát chết trong đường tơ kẻ tóc, hàng ngàn học sinh, sinh viên cùng với phụ huynh đã xuống đường biểu tình tại Fort Lauderdale, thành phố biển ở Florida với lời kêu gọi sửa luật về vũ khí.

Nguyện vọng của họ là never again, không bao giờ để tái diễn một vụ thảm sát như thế.

Bởi vì trước Parkland không lâu, chỉ mới đây thôi, vào tháng 10/2017, ở Las Vegas, một đám đông khán giả đang xem ca nhạc thì bị bắn xối xả, làm 57 người chết.
Cũng như những lần trước, một làn sóng phản đối luật buôn súng bùng lên.
Hiệp hội buôn súng NRA (National Rifle Association) bị lên án.

Đảng Dân chủ tố cáo, đảng Cộng hoà bênh vực, NRA quy trách nhiệm cho « người sử dụng súng »… và dần dần rồi mọi chuyện đâu lại vào đấy.
 Súng đạn vẫn tràn ngập, vẫn được mua bán tự do cho đến khi máu lại đổ.

Vì sao có nghịch lý này?
Chuyên gia Didier Combeau thuộc viện nghiên cứu châu Mỹ, tác giả quyển sách « Người Mỹ và súng » ( Des Américains et des armes à feu) phân tích :
Mọi việc diễn tiến chậm chạp khó khăn bởi vì người Mỹ không có lập trường dứt khoát đối với việc sử dụng súng.

 Trước hết, khẩu súng đối với họ là biểu tượng của tự do. Theo một kết quả thăm dò ý kiến, 75% người có súng xem đó là một quyền tự do cơ bản tương tự như quyền tự do báo chí, tự do theo đạo, tự do ứng cử bầu cử.
Điều đáng ngạc nhiên là không phải chỉ có những người có súng nghĩ như vậy, mà đây cũng là quan điểm của 35% những người không thích súng.

Phong trào tranh đấu hẹn nhau ở Washington theo lời kêu gọi của giới trẻ : biểu tình tại mỗi thành phố lớn và tuần hành tại thủ đô đúng vào ngày 24/03 tới.
Trong số những nhà hoạt động chống tự do buôn súng tung ra lời kêu gọi này, có đôi vợ chồng tài tử điện ảnh George Clooney và nhiều nhân vật có tiếng tăm tại nước Mỹ.
Nhưng liệu lần này rồi đâu cũng vào, đó hay có hy vọng xã hội Mỹ chuyển động ?

Chuyên gia Didier Combeau : Đúng là người ta nói như thế mỗi khi xảy ra một vụ thảm sát. Nhưng lần này thì có khác biệt vì nó diễn ra bên trong một trường học.
Trước đây, năm 1999 ở Columbine, bang Colorado và năm 2012 ở NewTown, bang Connecticut, cũng xảy ra những vụ nổ súng giết học sinh trong trường học, nhưng tình thế có khác.

Ở New Town, đó là một trường tiểu học tư thục, học sinh còn nhỏ tuổi. Nòng cốt của phong trào đòi kiểm soát vũ khí là giới phụ huynh học sinh.
Tại Columbine, vụ thảm sát cũng xảy ra trong một trường trung học như ở Parkland, nhưng thời đó, 1999, chưa có mạng xã hội mạnh mẽ như ngày nay.

Bây giờ, thông điệp của giới trẻ được loan truyền rộng rãi và dễ lọt tai. Cũng do giới trẻ chủ động và nhất là lại được Emma Gonzalez, một nữ sinh dũng cảm làm phát ngôn viên, lần này cuộc tranh đấu chắc chắn sẽ có tác động.

Học sinh nhập cuộc

Truyền thông Mỹ đặt biệt chú ý vào thành phần học sinh sinh viên.
Một trong những thông điệp mạnh mẽ , gây ấn tượng của những học sinh thoát chết là « không để xảy ra một vụ thảm sát nào khác » tóm gọn trong hai chữ « never again ».
Khuôn mặt nổi bật trong phong trào là Emma Gonzalez, một nữ sinh lớp 12, tóc hớt ngắn, tự chủ và cương nghị .

 Không che dấu xúc cảm và phẩn nộ, Emma Gonzalez tố cáo tổng thống Donald Trump và hiệp hội buôn súng NRA ngăn chận mọi cải cách siết chặt luật buôn bán súng, xem lợi nhuận quan trọng hơn sinh mạng con người.
Cô nói : « Nếu tổng thống đến gặp tôi để nói rằng đây là một bi kịch của một kẻ tâm thần và ông tiếp tục tin rằng không có cách nào tránh được thì tôi sẽ hỏi tổng thống : ông nhận của hiệp hội buôn súng bao nhiêu tiền. Nhưng câu trả lời không quan trọng, vì tôi biết rõ số tiền là 30 triệu đôla ».

Emma Gonzalez biết rõ không phải tổng thống Donald Trump nhận bao thư đút túi, nhưng NRA là một tổ chức gây áp lực rất hiệu quả với những biện pháp lợi hại.
 Ngoài việc trợ giúp tài chính vận động tranh cử cho cả hai phe Cộng Hoà và Dân Chủ ( 54 triệu đôla trong năm bầu cử 2016 ), hiệp hội này « chấm điểm » các nhà chính trị Mỹ theo thang điểm từ A đến F, không giới hạn trong hiện tại, mà là theo dõi suốt 10, 20 hay 30 năm, để xem « đối tượng » thay đổi ra sao .

Tốt nhất là A, xấu nhất là F, tức là chống vũ khí. Họ thông báo « bảng điểm » này cho cử tri. Vấn đề là có một số cử tri Mỹ chọn lựa theo lối chấm điểm này.
 Chỉ cần lên xuống một vài phần trăm là kết quả đổi khác.
Tuy nhiên, NRA không phải là chướng ngại duy nhất. Tu chính án thứ 2 của Hiến Pháp Hoa Kỳ mới là rào cản khó vượt.

Chuyên gia Didier Combeau :Điều thứ nhất trong tu chính án thứ hai ghi rõ là lực lượng dân phòng cần thiết cho sự tồn vong của một quốc gia tự do.
Dân phòng ở đây theo ý nghĩa là lực lượng nghĩa vụ quân sự, công dân tự võ trang và gia nhập lực lượng bảo vệ nền độc lập.

Những người chống lại quan điểm này có lối giải thích khác. Họ nói rằng quyền trang bị súng chỉ giới hạn trong khuôn khổ thi hành nghĩa vụ quân sự, như lúc chiến đấu chống thực dân Anh giành độc lập.
Bây giờ, nước Mỹ theo chế độ quân đội chuyên nghiệp thì luật dân phòng mua súng tự vệ không còn giá trị nữa.

Năm 2008, Tối Cao Pháp Viện khẳng định tu chính án thứ 2 cho phép công dân Mỹ mua súng để tự vệ, đặc biệt là súng ngắn.
Bởi vì theo luật Mỹ, người công dân có bổn phẩn bảo vệ khu phố chống trộm cướp và có quyền cầm súng chống lại chính quyền, nếu chính quyền biến dạng thành độc tài.

Cách nay một hai năm, khi chính phủ liên bang muốn lập một khu bảo tồn thiên nhiên ở Oregon, nhưng nông dân địa phương không đồng ý và họ đã cầm súng chống lại chính quyền liên bang.

Tổng thống Trump sẽ làm gì và làm được gì ?

Một tuần sau vụ thảm sát tại Parkland, tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ thay đổi thái độ, thông báo một số biện pháp hạn chế liên quan đến quyền sử dụng súng.

Tổng thống tỷ phú, được xem là có quan hệ mật thiết với công nghiệp chế tạo súng, còn hùng dũng kêu gọi các nghị sĩ, 17 người tham dự cuộc họp tại Nhà Trắng, con số ngẫu nhiên, « đừng sợ » hiệp hội gây áp lực hành lang đầy thế lực NRA.
Tổng thống Mỹ đề nghị một đạo luật toàn diện về vũ khí ngưng ủng hộ vô điều kiện hiệp hội NRA, và cần bảo vệ an ninh cho trường học.

Vấn đề là thủ phạm các vụ này thường thường không phải là người xa lạ, có tiền án, mà thường là học sinh của trường.
Về luật pháp, từ năm 1968 đến nay, những người nghiện ma túy, bệnh tâm thần và có tiền án không được quyền mua súng.
 Cho đến năm 1993 thì có thêm các biện pháp kiểm soát.

Vấn đề của tổng thống Donald Trump là năm nay đảng Cộng hoà có nguy cơ bị mất ghế trong cuộc bầu cử giữa kỳ.
Chủ nhân Nhà Trắng buộc phải làm gì đó. Nhưng làm gì để không mất phiếu của giới trẻ và phụ huynh học sinh, mà cũng không bị NRA trả đũa ?

Phong trào chống quyền tự do buôn bán súng tự biết không đủ số đông để làm thay đổi tu chính án thứ hai, nên cũng « không nằm mơ ».
Họ đề nghị « phải có luật liên bang để ngăn chận nguy cơ tối đa ».
Tối đa ở đây là tịch thu vũ khí của người bị xem là « mối nguy hiểm cho xã hội » hay cho chính bản thân đương sự. Luật này cho đến nay chỉ có 4 tiểu bang áp dụng.

Mệnh lệnh của giới trẻ

Cách nay 62 năm, ở Montgomery, vào ngày đầu tháng 12 năm 1955, Rosa Parks, một phụ nữ da đen, đã từ chối yêu cầu của người tài xế, cương quyết không bỏ chổ ngồi trên xe buýt, xuống hàng ghế cuối dành cho người da đen.
Hành động tranh đấu ôn hoà nhưng ngoan cường của Rosa Parks, kháng cáo khi bị phạt 15 đôla, đã tạo ra một phong trào chống kỳ thị chủng tộc tại nước Mỹ, với con chim đầu đàn là một mục sư 26 tuổi, Luther King. « Ước mơ » của mục sư Luther King sau đó thành hiện thực.

Để « thảm sát không bao giờ tái diễn », phong trào chống lưu hành súng đạn tự do muốn « tái diễn » cuộc tuần hành của phong trào công dân ngày 28 tháng 08 năm 1963, đòi quyền bình đẳng cho người da đen .

Không che dấu « ước mơ » này, Cameron Kasky, một trong những học sinh sống sót của trường trung học Fort Lauderdale ở Parkland tuyên bố như một mệnh lệnh của tuổi trẻ trước một vấn đề nghiêm trọng của đất nước:
 « Nhiều người lớn khuyên chúng tôi rằng chưa đến lúc bàn chuyện điều chỉnh luật về lưu hành vũ khí.

Chúng tôi vâng lời . Vậy thì đây là thời điểm để bàn đến : ngày 24 tháng 03 tại mỗi thành phố ở nước Mỹ.
Chúng ta, sinh viên, học sinh, nam nữ, cùng tiến bước bên nhau để khẩn cầu cho sinh mạng chúng ta.
Đây không phải là trách nhiệm của đảng Cộng hoà hay Dân chủ mà là của người lớn.
Nếu quý vị không đứng cùng giới trẻ chúng tôi có nghĩa là quý vị chống lại chúng tôi ».

Theo nhận định của báo chí Mỹ, vụ thảm sát Parkland là giọt nước làm tràn ly nước đầy phẩn nộ của giới trẻ Hoa Kỳ.
Liệu họ sẽ được lắng nghe để có thể đảo ngược tình thế, chấm dứt cuộc tranh luận triền miên từ hàng chục thập niên qua?

Trong những tuần qua, nhiều tập đoàn doanh nghiệp lớn lên tiếng tẩy chay NRA.
Đứng đầu danh sách là các hãng hàng không Delta và United Airlines, ngân hàng First National Bank of Omaha, hãng cho thuê xe Avis, bảo hiểm MetLife, điện toán Symantec, tập đoàn quản trị cổ đông lớn nhất thế giới Black Rock, với 6.300 tỷ đôla trọng lượng tài chính.

 

Switch mode views: