Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Các lãnh đạo Phật giáo cực đoan Miến Điện kích động bạo lực chống Hồi giáo

Miendien Hoigiao



Sau bang Rakhine, bạo động tôn giáo lại bùng nổ tại Meiktila, nhiều đền thờ bị phá hủy (AFP)


 

Sau hai năm mở cửa chính trị, Miến Điện nay đang phải đối phó với làn sóng bạo lực chống Hồi giáo, do sự kích động của các lãnh đạo quá khích, mà đa số là những tu sĩ Phật giáo dân tộc chủ nghĩa cực đoan.

 Năm 2012, các vụ xung đột giữa cộng đồng Phật giáo của thiểu số người Rakhine với cộng đồng Hồi giáo Rohingya đã khiến hơn 180 người chết và 125 ngàn người phải sơ tán ở miền Tây Miến Điện.

Vào thời gian đó, trên các mạng xã hội, nhiều người đã kích động hận thù đối với người Rohingya, cộng đồng vẫn bị xem như là những người nhập cư trái phép, đáng khinh bỉ, mà chính quyền cũng không công nhận là một thành phần dân tộc của Miến Điện.

Nhưng từ mười ngày qua, những vụ bạo động khác đã bùng lên ở miền Trung Miến Điện, lần này nhắm vào cả những công dân Miến Điện theo đạo Hồi, đã từ Ấn Độ, Bangladesh, Trung Quốc, đến sống ở nước này từ hơn một thế kỷ qua.

Cho đến nay, đã có 43 người thiệt mạng trong các vụ bạo động mới này và nhiều nhà thờ Hồi giáo bị đốt cháy.

 Tuy có những thông tin trái ngược nhau về nguyên nhân bùng nổ bạo lực, nhưng các nhà quan sát nhận thấy là dường như đã có một sự phối hợp hành động.

Như nhận xét của ông Jim Della-Giacoma, thuộc tổ chức International Crisis Group, các khu dân cư đã bị tảo thanh một cách có hệ thống, cho thấy rõ ràng có một sự chuẩn bị nào đó từ những thành phần cực đoan.
Theo ông Della-Giacoma, những thành phần khiêu khích hoạt động tích cực ở Miến Điện với mục tiêu chống Hồi giáo một cách cực đoan, trong đó có những tu sĩ Phật giáo có thế lực.

Từ các tổ chức xã hội dân sự và từ các lãnh đạo tôn giáo, nhiều người đã lên tiếng kêu gọi chính quyền có biện pháp ngăn chận những lời lẽ kích động hận thù tôn giáo và bạo lực, đang gây tác hại cho tiến trình chuyển tiếp dân chủ tại Miến Điện.

Một bộ phận lãnh đạo Phật giáo, sau nhiều thập niên đi tiên phong trong phong trào đấu tranh dân chủ, nay lại cổ xúy cho xu hướng cực đoan bài Hồi giáo, chủ trương là các Phật tử chỉ kết hôn và làm ăn với nhau mà thôi. Nhiều xe taxi và cửa hàng của người Phật giáo nay dứt khoát không đón khách và bán hàng cho người Hồi giáo.

Trụ trì một tu viện ở Mandalay, Ashin Wirathu, còn cáo buộc người Hồi giáo đang xâm nhập các chính đảng và trở thành mối đe dọa cho sự tồn vong của quốc gia.
 Trong một nước mà đa số xem Phật giáo như là một phần gắn liền với bản sắc dân tộc, những lời cáo buộc nói trên dĩ nhiên là được một số người hưởng ứng.

Nhưng vào thứ năm tuần trước, tổng thống Miến Điện Thein Sein đã cảnh báo sẽ không dung thứ hành động của “những kẻ cơ hội chính trị và cực đoan tôn giáo”, trong bài phát biểu đầu tiên với quốc dân kể từ khi nổ ra các vụ bạo động mới.

Theo đánh giá của nhà phân tích độc lập Mael Raynaud, đây là một phát biểu rất “can đảm” và “rất rõ ràng, với lời kêu gọi khoan dung và với quyết tâm không để cho tình hình xấu đi thêm”.
Đây là lần đầu tiên một tổng thống Miến Điện lên án những tu sĩ Phật giáo quá khích.

Nhưng trong khi đó, lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi vẫn giữ im lặng, không hề có bình luận nào về những vụ bạo động mới, sau khi đã tỏ ra rất kín đáo trong thời gian xảy ra các vụ bạo động tôn giáo năm ngoái.

Ông Jim Della-Giacoma tỏ ý trách móc bà Aung San Suu Kyi, khi cho rằng: “ Đã đến lúc các lãnh đạo chính trị phải tác động đến công luận hơn là chiều theo công luận.”
Theo ông, lãnh đạo đối lập Miến Điện phải nhanh chóng thể hiện rõ ràng quan điểm vì hòa bình và khoan dung.

Switch mode views: