Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 30-01-2018

Chiến lược thương mại mới của Hoa Kỳ

Trump- thuong mai



Donald Trump tại Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới Davos. Ảnh ngày 25/01/2018.
Evan Vucci/AP

Bài phát biểu của tổng thống Mỹ Donald Trump tại Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới, hôm thứ Sáu, 26/01/2018 thu hút sự chú ý của nhà bình luận Renaud Gerard trên báo Le Figaro, vì theo ông, diễn văn này thể hiện rõ « Chiến lược thương mại mới của Hoa Kỳ ».

Theo tác giả, đoạn quan trọng nhất trong bài phát biểu là lúc tổng thống Mỹ chỉ trích các nước lạm dụng hệ thống mở và tự do mậu dịch mà các nước phương Tây đã tạo dựng từ cuối năm 1991, khi thế giới không còn phân chia thành hai khối Đông-Tây.
Nguyên thủ Mỹ nói : « Chúng tôi ủng hộ tự do mậu dịch, nhưng cơ chế này phải công bằng và vận hành trên cơ sở có đi có lại ».

Tuy không nêu đích danh quốc gia nào, nhưng khi Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ không khoan dung với những kiểu làm ăn không công bằng, như đánh cắp ồ ạt sở hữu trí tuệ, chính sách của các nước hỗ trợ trá hình ngành công nghiệp để bán phá giá… tất cả mọi người đều hiểu là Donald Trump ám chỉ Trung Quốc.

Có rất nhiều ví dụ chứng minh cho điều này. Năm 2001, Trung Quốc chỉ sản xuất khoảng 1% bảng quang điện trên toàn thế giới.
Với chính sách cho vay ưu đãi của các ngân hàng nhà nước, ngày nay một nửa khối lượng pin mặt trời trên thế giới do Trung Quốc sản xuất.

Tỷ trọng của Hoa Kỳ trên thị trường thế giới giảm xuống dưới mức 1% trong lúc Mỹ là nước phát minh ra công nghệ năng lượng mặt trời.
Như vậy, trong trao đổi thương mại thế giới, Trung Quốc không đi theo chủ thuyết kinh tế Ricardo về lợi thế tương đối. Bắc Kinh muốn chiếm ưu thế tất cả các lĩnh vực, ở khắp mọi nơi.

Để đối phó với Bắc Kinh, Donald Trump hiểu rõ là cần phải có đồng minh. Tại Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, chính quyền Trump đã ủng hộ Liên Hiệp Châu Âu trong tranh chấp thương mại với Trung Quốc.

Thế nhưng, nguyên thủ Hoa Kỳ hiểu được rằng « trò chơi lớn » về thương mại này đang chuyển dịch về khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Chính vì thế, tại Davos, Donald Trump lại đề xuất nối lại quan hệ với 11 quốc gia trong hiệp định tự do mậu dịch xuyên Thái Bình Dương TPP mà ngay khi bước chân vào Nhà Trắng, chính ông đã rút Hoa Kỳ ra khỏi thỏa thuận này.

Nguyên thủ Mỹ sẵn sàng ký hiệp định song phương với từng nước trong nhóm này và thậm chí quay lại TPP như hiện nay.
Tác giả nhấn mạnh : Donald Trump không muốn chiến lược của Hoa Kỳ bị kiềm chế, chi phối trong khuôn khổ một định chế đa phương, nhưng ông hoàn toàn có thể chấp nhận các nước khác sử dụng cơ chế đa phương.

Do đó, theo nhà báo, Châu Âu đã sai lầm khi phê phán diễn văn của Donald Trump tại Davos bởi vì họ biết rõ hơn ai hết là từ một phần tư thế kỷ qua, Trung Quốc đã lấn lướt như thế nào trong trao đổi thương mại.

Hoa Kỳ không nghĩ tới chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch mà chỉ muốn có một luật lệ về trao đổi thương mại giữa các quốc gia giống như tại Mỹ.
Ví dụ, tòa án ra quyết định hủy bỏ việc đánh thuế nhập khẩu rất cao, theo đòi hỏi của hãng Boeing, đối với các máy bay Bombardier của Canada.
Hơn nữa, nhiều quốc gia đang rất ghen tị với Hoa Kỳ vì chưa bao giờ nước này lại thu hút nhiều đầu tư và tạo ra nhiều công ăn việc làm như hiện nay.

Cuộc chiến không có hồi kết tại Afghanistan

Trong hơn một tuần qua, Afghanistan đã phải hứng chịu bốn cuộc tấn công khủng bố làm hơn một trăm người thiệt mạng.
Le Monde trên trang nhất nhận xét : « Tại Kabul, các cuộc khủng bố thường nhật không thể chịu nổi ».

Libération có bài viết « Một tuần lễ đẫm máu tại Afghanistan : chính phủ bất lực ».
Bài xã luận của Le Monde còn khẳng định rằng « Cuộc chiến không có hồi kết tại Afghanistan ».

Trong số bốn vụ tấn công, có hai vụ đẫm máu nhất là nhằm vào khách sạn Intercontinental và bộ Nội Vụ Afghanistan.
Phe Taliban nổi dậy tự nhận là tác giả, và chính quyền Kabul tố cáo thủ phạm là nhóm của Sirajuddin Haqqani, hiện là nhân vật số hai trong hàng ngũ Taliban.

« Mạng lưới Haqqani » có quan hệ gần gũi với mạng lưới khủng bố Al Qaida, cũng như quân báo Pakistan.
Trong khi đó, tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tự nhận là thủ phạm hai vụ khủng bố khác nhắm vào tổ chức phi chính phủ Save the Children và trường võ bị ở Kabul.
Chi nhánh này cũng do phe Taliban lập ra và trong những năm gần đây, tuyên bố trung thành với Abou Bakr Al Baghdadi, thủ lĩnh nhóm Tổ chức Nhà nước Hồi Giáo Daech.

Đối với Le Monde, năm tháng trôi qua và không có gì thay đổi tại Afghanistan. Phe nổi dậy Taliban hiện kiểm soát một nửa lãnh thổ đất nước, tiến hành chiến lược gây rối nhắm vào các thành phố. Và cứ sau một vụ khủng bố như vậy, thì sự tức giận của người dân đối với chính quyền tại Kabul lại dâng cao hơn.

 Các vụ tấn công khủng bố không làm thay đổi cán cân quân sự nhưng cũng cho thấy sự mong manh của các định chế tại Afghanistan.
Hoa Kỳ can thiệp vào Afghanistan từ năm 2001 và các vụ khủng bố này cho thấy thất bại nghiêm trọng.
Giải pháp mà các tổng thống Hoa Kỳ, George Bush, Barack Obama và hiện nay, cả Donald Trump, đều áp dụng : đó là tăng cường lực lượng Mỹ tại Afghanistan, từ 8400 người lên đến 14000 quân nhân và sắp tới khoảng 1000 binh sĩ khác sẽ được điều đến Afghanistan.

Có hai giải pháp khác : thứ nhất là Mỹ rút quân và thứ hai là mở đàm phán giữa chính phủ Kabul, Hoa Kỳ, quân Taliban và các cường quốc khu vực.
Giải pháp thứ nhất quá mạo hiểm và giải pháp thứ hai thì quá sớm.
Trong cả hai trường hợp này, phe Taliban được coi là ở thế mạnh, để đưa ra một giải pháp phù hợp với các lợi ích của Hoa Kỳ.

Hòa đàm Syria : Ván cờ địa chính trị mong manh của Putin

Cuộc thương thuyết hòa bình cho Syria mở ra hôm nay tại Sotchi, bên bờ Biển Đen của Nga theo sáng kiến của tổng thống Vladimir Putin.
Thế nhưng, vào phút chót, cả phe Kurdistan tại Syria lẫn các phong trào đối lập chế độ Damas đều thông báo tẩy chay hội nghị.

Báo Le Monde chạy tựa nhận định « Syria : Nỗi thất vọng của Pax Putina ».
Bởi vì, những vùng được cho là vùng đệm giảm căng thẳng, do ba quốc gia hỗ trợ thỏa thuận Astana - Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ - còn xa mới mang đúng nghĩa của nó.
Bên này vùng Afrin, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và các phe nổi dậy đồng minh tiến hành chiến dịch chống lại lực lượng người Kurdistan - Đơn vị Bảo vệ Nhân dân YPG, bị xem là « khủng bố » vì mối liên hệ của họ với đảng PKK.
Bên kia, Damas cũng mở các cuộc tấn công nhắm vào vùng Idlib, cho phe nổi dậy kiểm soát.

Đáng chú ý là thái độ « đồng tình » của Nga trong cuộc tiến công của Ankara nhắm vào người Kurdistan. Le Monde trích nhận định của ông Anton Mardasov, chuyên gia về Trung Đông tại Matxcơva cho rằng « đây chính là dấu ấn thực dụng của Nga ».
Chính quyền Matxcơva muốn một mũi tên trúng nhiều đích.

Một mặt, Nga đe dọa người Kurdistan vì đã từ chối sự bảo hộ của Nga, đồng thời cảnh báo phe này tốt hơn hết nên tìm « một thỏa thuận với chế độ "hợp pháp" Damas ».
Mặt khác, « Nga đang tìm cách đẩy lui Hoa Kỳ ra khỏi Syria nhằm bảo vệ chế độ Assad và tăng cường chia rẽ rạn nứt giữa Washington và Ankara, đồng minh của Mỹ trong khối NATO ».

Phương Tây bị tố bỏ rơi đồng đội

Cũng liên quan đến chủ đề này, Le Monde trên mục Tranh Luận có đăng bài viết của ông Kendal Nezan, lãnh đạo Viện Kurdistan tại Paris cho rằng việc Ankara đưa quân tấn công Afrin đe dọa hòa bình khu vực.

Đầu tiên hết, ông Kendal Nezan khẳng định « Việc Thổ Nhĩ Kỳ xâm phạm là một hành vi cố ý gây hấn ».
Bởi vì, vùng Afrin chưa bao giờ được dùng như là một hậu cứ cho bất kỳ vụ tấn công nào nhắm vào Thổ Nhĩ Kỳ. Kể cả những vùng lãnh thổ còn lại của người Kurdistan tại Syria.

Việc xem phe này là những tên khủng bố chỉ là một cái cớ. Với tổng thống Erdogan, bất kể là ai, luật sư, nhà báo, giáo sư, các nhà đấu tranh chính trị, mà bất đồng chính kiến với ông cũng đều bị liệt vào hàng « khủng bố ».

Trong khi đó, người Kurdistan đã chứng tỏ lòng can trường, sự dũng cảm trong vòng bảy năm qua để đánh đuổi quân thánh chiến khủng bố Hồi giáo Daech, bên cạnh Hoa Kỳ và Pháp.
 Vào lúc người Kurdistan bị Thổ Nhĩ Kỳ tấn công, các đồng minh phương Tây đã làm gì để giúp đỡ họ ? Câu trả lời là « chẳng có gì cả ».

Ông Nezan rằng tổng thống Erdogan tung ra chiến dịch quân sự này là nhằm để đánh bóng lại hình ảnh của ông. Bởi vì, ở trong nước thì ông không được một bộ phận người dân ủng hộ, và trên bình diện quốc tế, ông bị cô lập vì các cuộc trấn áp đối lập.

Hơn bao giờ hết, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng giống Saddam Hussein những năm cuối đời.
Ông Erdogan thật sự trở nên nguy hiểm cho sự ổn định và hòa bình khu vực.

Cuối cùng, ông Nezan cho rằng Pháp và Anh quốc, với trách nhiệm lịch sử trong việc tạo nên bản đồ vùng Cận Đông nên sử dụng hết mọi tầm ảnh hưởng tại Liên Hiệp Quốc và châu Âu, buộc Thổ Nhĩ Kỳ phải rút quân vô thời hạn.

Có như thế người Kurdistan mới không trở thành những « vật tế thần » trong ván cờ thực tế chính trị tại các cuộc hòa đàm Syria và cho phép khai mở một tiến trình hòa bình nhằm giải quyết vấn đề người Kurdistan tại Thổ Nhĩ Kỳ trong khuôn khổ các đường biên giới hiện tại.

Trang nhất các báo Pháp

Thời sự nước Pháp chiếm trang nhất các nhật báo lớn số ra ngày hôm nay. Le Monde báo động : « EhPad, hệ thống chăm sóc bị lên án ».
Bảy nghiệp đoàn lao động tại các cơ sở chăm sóc người già kêu gọi đình công ngày hôm nay nhằm lên án tình trạng điều kiện làm việc bị xuống cấp trong lĩnh vực tư nhân cũng như của nhà nước.

Le Figaro bồi thêm : « Những trắc trở đầu tiên cho nhiệm kỳ tổng thống Macron ».
Nhiều hồ sơ nóng bỏng có nguy cơ gây căng thẳng đang chờ ông Macron như các cuộc đình công của những người quản ngục, nhân viên các bệnh viện và nhà chăm sóc người già hay như là những bực bội của các dân biểu địa phương.

La Croix cũng đồng tình với các đồng nghiệp Le Monde và Le Figaro khi chạy tít : « Người lớn tuổi, nhân viên chăm sóc bị quá tải ».

Nhân dịp này Les Echos muốn biết : « Người dân Pháp đánh giá ông Macron và các chính sách của ông như thế nào? ».
Thái độ nghi kỵ của người dân với các định chế chính trị ngày càng lớn. Người dân có những đánh giá tốt về ông Macron nhưng chưa đủ để tổng thống Pháp tạo thành một cú sốc tín nhiệm.

Còn Libération thì chạy tít lớn « Himalaya : Ác mộng trên cao 8000m ».
 Nhật báo dành 4 trang để nói về hành trình chinh phục dốc núi Nanga Parbat, trên dãy Himalaya của nhà thám hiểm Elisabeth Revol.

Chính tại nơi đây, bà đành phải bỏ rơi người bạn đồng hành Ba Lan Tomasz Mackiewicz.
Tờ báo thuật lại một thảm kịch chết người, một chiến dịch giải cứu ngoạn mục giữa sự khắc nghiệt của thiên nhiên và tình liên đới.

Switch mode views: