Trung Quốc: Chiếm Đài Loan vào giữa thập niên 2020 ? Không dễ !
- Thứ Sáu, 20 tháng Mười năm 2017 21:33
- Tác Giả: Mai Vân
Đài Bắc, ngày Quốc khánh 10/10/2017.
REUTERS/Tyrone Siu
Trong diễn văn khai mạc Đại Hội Đảng Cộng Sản ngày 18/10/2017, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đe dọa rằng mọi ý hướng ly khai để đòi độc lập cho Đài Loan đều sẽ bị đánh bại.
Tuyên bố này nêu bật lập trường trước sau như một của Bắc Kinh là sát nhập Đài Loan, kể cả bằng võ lực nếu cần.
Thậm chí, theo nhà nghiên cứu Mỹ Ian Easton, thuộc cơ quan nghiên cứu mang tên Viện Dự Án 2049 – Project 2049 Institute - thì Bắc Kinh đã có kế hoạch xâm lược Đài Loan ngay vào giữa thập niên 2020.
Kế hoạch là như thế, nhưng theo chuyên gia này, thực hiện không phải dễ.
Trên báo mạng Digital Journal ngày 15/10/2017, biên tập viên Paul Wallis, đã phân tích nội dung quyển biên khảo của Ian Easton, mang tựa đề « Mối đe dọa bị Trung Quốc xâm lược - The Chinese Invasion Threat », theo đó Bắc Kinh đã vạch kế hoạch xâm chiếm Đài Loan vào khoảng giữa những năm 2020.
Washington, có vẻ tin vào tính xác thực của các kế hoạch đó.
Ian Easton đã dựa trên những thông tin được rò rỉ, cũng như tiết lộ của những người trong cuộc về quan hệ Đài Loan - Trung Quốc để kết luận rằng thông tin về kế hoạch xâm lược Đài Loan đáng tin vì ba lý do :
1. Trung Quốc luôn muốn thống nhất với Đài Loan từ khi cuộc nội chiến Trung Hoa kết thúc năm 1949
2. Trong lúc đó thì về phía Đài Loan, với hướng chuyển qua một thể chế dân chủ đang tồn tại, việc tự nguyện thống nhất với Trung Quốc khó thể thực hiện
3. Tài liệu của quân đội Trung Quốc được sử dụng cho thấy là Trung Quốc bắt đầu sử dụng công nghệ học thế hệ thứ tư, nâng khả năng đánh nhanh lên một trình độ cao hơn so với những thế hệ trước.
Đánh chiếm : Trung Quốc sẽ phải trả giá đắt
Tuy nhiên có kế hoạch không có nghĩa là Trung Quốc chắc chắn sẽ tấn công, mà chỉ có nghĩa là Trung Quốc đã lên kế hoạch sẵn sàng cho quân đội của họ để hành động khi cần.
Hệ quả của việc Trung Quốc xâm chiếm Đài Loan thì ai cũng đã thấy rõ : Hoa kỳ sẽ bảo vệ Đài Loan và nhờ đến sự trợ giúp các đồng minh khu vực.
Úc và cả Nhật Bản, có thể bị lôi kéo vào cuộc chiến.
Theo tác giả bài báo, sẽ không sai lầm chút nào khi cho rằng không bên nào thích thú với việc này.
Một cuộc chiến với Trung Quốc – chỉ cách Hoa Lục vài phút đồng hồ - quả là không thú vị chút nào.
Đối với Đài Loan, điều đó có nghĩa là với trận mưa lửa từ Trung Quốc trút xuống, Đài Bắc sẽ bị thiệt hại to lớn, và cả đảo bị vạ lây.
Nhưng bản thân Trung Quốc cũng có thể có một số đắn đo.
Một chiến dịch với mục tiêu đơn thuần là chinh phục Đài Loan, không phải một cái gì lớn lao, giành được một hòn đảo khô cằn trên Biển Đông có lẽ không đáng với công sức bỏ ra.
Cho dù Trung Quốc có thắng, chi phí cho việc chiếm đóng và tái thiết rất to lớn.
Kẻ xâm lược còn phải đối mặt với dân cư thù ghét họ, với các hệ quả thương mại và ngoại giao thật sự tồi tệ.
Nhìn dưới khía cạnh đó, việc mở cuộc tấn công không phải là một ý hay.
Ian Easton từng nêu lên một mối lợi là Trung Quốc có thể dùng Đài Loan làm một căn cứ tốt để từ đó triển khai lực lượng ra khu vực nhưng thật ra thì Trung Quốc cần phóng ra bao nhiêu lực lượng ?
Vấn đề đặt ra cho Trung Quốc là lực lượng võ trang Đài Loan không chịu ngồi yên, và Mỹ có khả năng lao vào cuộc chiến để bảo về đồng minh.
Chỉ riêng trên bình diện tác chiến, Đài Loan là một mục tiêu khó nuốt, có thể đáp trả bằng những đòn đau điếng, gây nhiều thiệt hại cho Trung Quốc.
Quân đội Đài Loan dĩ nhiên không hùng mạnh như Mỹ nhưng rất đông, kể cả với quân trù bị, vũ khí cũng rất nhiều, tóm lại, có khả năng chiến đấu mãnh liệt.
Nếu Đài Loan có sự hỗ trợ trực tiếp của Mỹ, thì Trung Quốc có lẽ sẽ phải điều hành một chiến dịch quân sự khó khăn nhất của họ từ trước đến nay, với lực lượng đổ bộ vấp phải rào cản của Hải Quân Mỹ.
Điều đó có nghĩa là kế hoạch tác chiến phải dự trù trường hợp đối mặt với một nhóm tàu sân bay Mỹ.
Không Quân và Hải Quân Trung Quốc như vậy sẽ có một nhiệm vụ gay go : Đối phó với một hải đội tàu sân bay tác chiến có nghĩa là tăng cường đáng kể năng lực quân sự và cũng có thể là dùng đến tàu sân bay của Trung Quốc.
Một môi trường tác chiến như thế quả là không dễ dàng chút nào cho mục tiêu xâm chiếm bất kỳ nơi nào.
Chiến thuật ‘phi thường’
Để đánh bại một hải đội tàu sân bay Mỹ, cái mà Trung Quốc thường gọi là chiến thuật ‘phi thường’ sẽ được sử dụng để tạo cơ may thắng lợi mà không bị thiệt hại lớn lao.
Biên khảo của Ian Easton đã nêu bật vấn đề thực thụ quan trọng đó đối với giới đề ra kế hoạch tại Trung Quốc.
Theo bài viết thì quả là Trung Quốc đã có một chiến thuật ‘phi thường’, tức là tấn công bất ngờ và/hay là triển khai vũ khí lạ chống lại bất kỳ hành động nào của Mỹ trước khi chiến dịch được thực hiện.
Gián điệp Trung Quốc cài ở Đài Loan sẽ phải làm việc căng thẳng, những cuộc tấn công tin học sẽ rất ồ ạt.
Đánh Đài Loan một cách bất ngờ, hay như trong trường hợp này, đánh vào hệ thống tình báo Mỹ, không phải là một chuyện dễ. Khu vực Đài Loan luôn luôn được đặt trong tình trạng báo động cao.
Bất kỳ động tĩnh nào trong vùng đều bị theo dõi chặt chẽ. Như vậy, muốn tấn công bất ngờ, Trung Quốc phải tính đến các thông số như vệ tinh gián điệp của Mỹ, máy bay giám sát và hệ thống tình báo.
Nhưng còn một khía cạnh khác của chiến dịch, không rõ ràng cụ thể như những điều nói ở trên, nhưng then chốt đối với một kế hoạch tấn công thực sự.
Thất bại sẽ rất nguy hiểm đối với Trung Quốc và là thảm họa đối với bất kỳ người chỉ huy nào.
Thất bại nặng nề trong chiến dịch sẽ có hậu quả kinh khủng ở trong nước, trong đó có việc làm chế độ mất ổn định. Bất kỳ kế hoạch nào cũng phải quan tâm đến những rủi ro này.
Lập trường của Mỹ
Từ năm 1949, bảo vệ Đài Loan luôn là một nguyên tắc vững như bàn thạch của chiến lược Mỹ. Trong thời Chiến Tranh Lạnh, có nhiều nguyên do cho việc này :
1/ Để Đài Loan bị chiếm đóng sẽ là mở cửa vùng Thái Bình Dương cho Trung Quốc, và qua đó cho Liên Xô.
2/ Đài Loan là một tiền đồn tốt vào thời ấy,
3/ Cho dù vậy, trên bình diện cá nhân, tổng thống Mỹ Truman rất ghét Tưởng Giới Thạch, và muốn có một người chống cộng cứng rắn đặc trách Đài Loan.
4/ Nguy cơ chiến tranh kiểu Đông Dương hay Triều Tiên sau đó lan ra trong khu vực đã khiến Mỹ hiện diện quân sự mạnh mẽ trong vùng Châu Á.
5/ Mỹ không có nhiều nơi trong vùng để có thể triển khai một lực lượng phòng thủ tiền phương nhắm vào Trung Quốc, và Đài Loan là một chọn lựa hiển nhiên.
Mỹ chưa bao giờ thay đổi quan điểm về tầm quan trọng chiến lược của Đài Loan mặc dù có bao thay đổi trên thế giới và sự tiến bộ nhẩy vọt của công nghệ quân sự.
Một trong những lý do mà việc Trung Quốc đòi chủ quyền trên các đảo ở Biển Đông được xem là quan trọng đó là vì Đài Loan.
Triết lý gọi là ‘Nước Mỹ trên hết’ của chính quyền Donald Trump cũng không có tác động gì nhiều trên vấn đề này.
Đối với giới phân tích quân sự chuyên nghiệp, bỏ đi chiến lược dấn thân dài hạn bên cạnh Đài Loan sẽ bị đánh giá là thể hiện một sự yếu đuối ghê gớm (nếu không muốn nói là ngu xuẩn).
Việc xét lại chính sách Đài Loan hoàn toàn không có cơ sở quân sự nào, nhất là khi mà nhiều đồng minh quan trọng Châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản lại sát cửa Đài Loan.
Vị trí tiền đồn phòng thủ của Đài Loan cho phép Mỹ uyển chuyển hơn trong việc tiến hành các chiến dịch của mình.
Guam, Đài Loan và Nhật tạo thành một thế chân vạc rất tốt nếu có tranh chấp với Trung Quốc... Các kế hoạch gia của Trung Quốc cũng thấy điều này...
Cần phải nhớ rằng Mỹ không thể dùng đến vũ khí hạt nhân trong bất kỳ cuộc chiến nào với Trung Quốc.
Leo thang thành một cuộc chiến hạt nhân có nghĩa là tình hình đã đến lúc tàn cuộc và thậm chí đến Thế Chiến 3 không chừng.
Mỹ chỉ có thể dùng vũ khí quy ước trong một cuộc chiến với Trung Quốc, điều đó có nghĩa là chính sách bảo vệ Đài Loan vẫn còn hiệu lực.
Kết luận : Đề cao cảnh giác
Đối với tác giả bài viết khả năng Trung Quốc đánh chiếm Đài Loan không thể xem thường.
Điều được ghi nhận trong chính sách của Trung Quốc từ 70 năm nay là Trung Quốc và Đài Loan sẽ thống nhất.
Chính sách ‘Một nước Trung Hoa’ nhìn chung đều được thế giới chấp nhận, kể cả Hoa Kỳ. Nhưng chiến tranh không phải là không thể nổ ra.
Ai cũng thấy thế giới đã suy sụp như thế nào trong 20 năm qua, và có thể suy sụp hơn nữa và rất nhanh.
Sự sát nhập kinh tế giữa Trung Quốc và Đài Loan cũng là một kịch bản khác có thể diễn ra, nếu Trung Quốc và Đài Loan mềm dẻo hơn với nhau.
Chỉ hy vọng là hai bên không đi đến chiến tranh, vì sẽ không có ai thắng mà chỉ là số người chết khổng lồ sẽ bôi đen lịch sử nhân loại.
Tin mới
- Mỹ cảnh báo tấn công điện toán nhắm vào công ty điện - 23/10/2017 22:13
- Mỹ muốn thúc đẩy ASEAN đoàn kết chống Trung Quốc - 23/10/2017 21:49
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 23-10-2017 - 23/10/2017 18:34
- Đức : Biểu tình tại Berlin phản đối đảng cực hữu có đại diện tại Quốc Hội - 23/10/2017 16:57
- Mỹ cam kết duy trì ảnh hưởng tại khu vực Đông Nam Á - 23/10/2017 16:26
- Con Đường Tơ Lụa Mới : Bắc Kinh ngỏ ý đàm phán với Ấn Độ - 23/10/2017 02:05
- Học giả Trung Quốc : Bắc Triều Tiên ‘‘tự đẩy mình vào chỗ chết’’, nếu thử tiếp tên lửa - 22/10/2017 18:42
- Thủ tướng Singapore công du Mỹ để siết chặt hợp tác - 22/10/2017 04:50
- Tấn công tin tặc : Nguồn thu ngoại tệ hữu hiệu của Bắc Triều Tiên - 21/10/2017 23:12
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 21-10-2017 - 21/10/2017 21:50
Các tin khác
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 20-10-2017 - 20/10/2017 16:45
- Ô nhiễm: Sát thủ vô hình ác hơn cả chiến tranh, thiên tai hay dịch họa - 20/10/2017 16:24
- Donald Trump thăm Việt Nam : Công nhận vai trò đối tác quan trọng - 20/10/2017 15:56
- Đại Hoả ở Bắc California gây nhiều tử vong, Toà Thánh gửi thư phân ưu. - 20/10/2017 02:48
- “Đối tác chiến lược” Mỹ - Ấn: Một cảnh báo cho Trung Quốc? - 19/10/2017 20:42
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 19 -10-2017 - 19/10/2017 20:32
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 18-10-2017 - 18/10/2017 21:23
- Tập Cận Bình, người cầm lái một Trung Quốc ngập nợ - 18/10/2017 18:00
- TT Trump ủng hộ giải pháp điều chỉnh Obamacare - 17/10/2017 21:57
- Syria : Raqqa được hoàn toàn giải phóng khỏi quân thánh chiến - 17/10/2017 21:14