Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 01-08-2017
- Thứ Ba, 01 tháng Tám năm 2017 21:51
- Tác Giả: Minh Anh
Tên lửa Bắc Triều Tiên : Quốc tế ít có giải pháp
Tên lửa Bắc Triều Tiên Hwasong-14. Ảnh KCNA cung cấp.
Reuters
Thứ Sáu 28/07/2017, Bắc Triều Tiên thông báo bắn thử thành công tên lửa liên lục địa có tầm bắn đến 10.000 km theo như thẩm định của các chuyên gia trang mạng Mỹ 38 vĩ tuyến Bắc.
Liên quan đến chủ đề này, báo Libération (01/08/2017) trong bài phân tích dài đề tựa « Bắc Triều Tiên vào thời điểm thử sức nảy lửa », cho rằng quốc tế không có nhiều giải pháp trong hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên.
Trước hết, Libération nhận định cứ như Kim Yong Un đang trêu tức Donald Trump, trong một cuộc đọ sức bắt đầu từ tháng Giêng năm 2017.
Nhưng sự việc cũng cho thấy Bắc Triều Tiên đã có những bước tiến vượt bậc trong chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa kể từ khi Kim Jong Un lên cầm quyền năm 2011, như nhận xét của bà Valerie Niquet, phụ trách mảng Châu Á của Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược được Libération trích dẫn.
Tổng cộng Bắc Triều Tiên đã bắn thử gần 80 tên lửa đạn đạo và tiến hành 3 vụ thử hạt nhân, riêng trong năm 2016 là hai vụ.
Những sự kiện dồn dập này nay buộc giới chuyên gia và truyền thông Mỹ phải thay đổi cách nhìn và cách đánh giá năng lực tên lửa và hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
Tính cho đến giờ, trong cuộc đọ sức này, phần thắng đang nghiêng về lãnh đạo Kim Jong Un.
Trong khi Donald Trump không ngừng nguyền rủa « chiến lược kiên nhẫn » của người tiền nhiệm, Barack Obama, thì những lời dọa nạt cũng như các cuộc biểu dương sức mạnh của Donald Trump như điều tầu sân bay, gia tăng các cuộc thao dượt quân sự chung với Nhật Bản và Hàn Quốc hay như điều oanh tạc cơ B-1B đến bán đảo Triều Tiên hầu như không làm cho Bình Nhưỡng chùn bước.
Trước những mối đe dọa « ngày càng lớn và nghiêm trọng » theo như lời của Donald Trump hay thủ tướng Nhật Bản - Shinzo Abe, cộng đồng quốc tế gần như bất lực, có rất ít các giải pháp trong hồ sơ này.
Tấn công quân sự : Một kịch bản tồi tệ
Bởi vì Seoul, với 25 triệu dân, chỉ cách biên giới với Bắc Triều Tiên có khoảng 40 km và gần như nằm trong tầm ngắm của các khẩu đại pháo, cũng như là các loại tên lửa tầm ngắn và tầm trung.
Chúng được đặt trên những bệ phóng di động, rất khó định vị và được cất giấu khắp nơi trên lãnh thổ Bắc Triều Tiên.
Đó là chưa tính đến phản ứng của Trung Quốc, đồng minh lâu đời của quốc gia khép kín nhất hành tinh.
Bắc Kinh không hề mong muốn nhìn thấy lính Mỹ ngay trước cửa nhà. Do đó, giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên còn có một hiệp ước hợp tác ký năm 1961 quy định đôi bên cùng nhau bảo vệ trong trường hợp bị tấn công.
Libération dẫn lời chuyên gia Changhee Park, giáo sư đại học an ninh quốc gia tại Seoul, lưu ý là người dân Hàn Quốc cũng không muốn thấy nổ ra chiến tranh và Hoa Kỳ hiểu rất rõ điều đó.
Theo vị giáo sư này trước giải pháp quân sự, vẫn còn có nhiều biện pháp khác để đề cập đến.
Vũ lực không được, trừng phạt cũng không xong
Từ tháng 7/2006, hơn một chục nghị quyết Liên Hiệp Quốc đã được thông qua, chưa kể đến nhiều biện pháp trừng phạt do Nhật Bản, Hàn Quốc và Hoa Kỳ đơn phương đề ra, nhưng vẫn không ngăn cản được Bắc Triều Tiên ngưng các chương trình thử tên lửa.
Mọi cặp mắt giờ đều đổ dồn vào Bắc Kinh đồng minh thân cận nhất. Tuy nhiên, vẫn theo giáo sư Changhee Park, khó có thể trông đợi vào Trung Quốc có thể làm được gì nhiều hơn.
Bắc Triều Tiên sụp đổ là điều Bắc Kinh không hề mong muốn.
Thương thuyết : giải pháp duy nhất có thể
Đây cũng chính là nhận định của ông James Clapper cựu giám đốc tình báo dưới thời chính quyền Obama.
Nhưng cơ hội này từ nhiều thập niên qua đã bị bỏ lỡ. Những bất đồng và thách thức chồng chất khiến cho mọi cuộc thương thuyết thêm khó khăn.
Giờ chỉ còn hy vọng vào phạm vi và khung thảo luận.
Yêu cầu « Giải trừ hạt nhân » như là điều kiện tiên quyết giờ đã lỗi thời, một cách « tiếp cận phi lý » như phân tích của Moon Chung-In, giáo sư danh dự trường đại học Yonsei, tại Seoul.
Bài học kinh nghiệm từ Lybia với cái chết bi thảm của nhà độc tài Kadhafi đã giúp cho chế độ Bình Nhưỡng hiểu rõ kho vũ khí nguyên tử là chìa khóa vàng đảm bảo sự sống còn cho chế độ.
Do đó, tốt hơn hết là « Hoa Kỳ nên từ bỏ ảo tưởng và nên đàm phán một thỏa thuận nhằm tạm ngưng các hoạt động hạt nhân của Bắc Triều Tiên » như nhận xét của giáo sư sử học người Nga Andrei Lankov, đang giảng dậy tại đại học Kookmin, Seoul.
Về điểm này, chuyên gia Pháp Valérie Niquet có cho rằng : « mục đích đầu tiên của Bình Nhưỡng – thậm chí là cả Bắc Kinh là thúc đẩy Hoa Kỳ ngồi lại vào bàn đàm phán và có thể chấp nhận một cách không chính thức Bắc Triều Tiên là một cường quốc nguyên tử qua việc nhấn mạnh đến mối đe dọa ngày càng gia tăng từ các tên lửa của Bình Nhưỡng ».
Nói tóm lại, như tựa đề bài nhận định trên mục Ý kiến của báo Le Figaro, thì tình hình tại Thái Bình Dương u ám chẳng khác gì như « những đám mây đen ».
Bhutan : Trận địa khác giữa Trung Quốc và Ấn Độ
Cũng tại châu Á, báo Le Monde chú ý đến tình hình căng thẳng tại cao nguyên Doklam, trên dãy núi Himalaya qua bài viết đề tựa « Tại Bhutan : Trung Quốc và Ấn Độ đối đầu nhau ».
Đây là nơi tranh chấp giữa Trung Quốc và Bhutan. Khoảng 300 binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ, chỉ cách nhau vài chục mét, đang trong trạng thái cẳng thẳng, theo dõi lẫn nhau.
Ngày 28/07, cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ Ajit Dovalđã tới Bắc Kinh và được chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp để thảo luận các biện pháp nhằm làm dịu căng thẳng giữa hai cường quốc khu vực.
Theo giải thích của nhật báo, nhân danh hiệp định được ký năm 1890 giữa nhà Thanh - Trung Quốc và Anh Quốc, Bắc Kinh đòi hỏi chủ quyền đối với cao nguyên rộng 269 km vuông ở phía tây Bhutan.
Chính quyền Bhutan thì khẳng định ngược lại rằng việc Trung Quốc thâm nhập vào lãnh thổ này là một sự vi phạm nhiều thỏa thuận mà Bắc Kinh đã ký kết.
Theo đó, cả Trung Quốc và Bhutan tôn trọng tính trung lập của vùng lãnh thổ có tranh chấp trong khi chờ đợi giải quyết cuộc xung đột này. Trong ba thập niên qua, hai bên đã gặp nhau 24 lần.
Trong khu vực Nam Á, Ấn Độ và Trung Quốc gia tăng tranh giành ảnh hưởng, nơi vốn được coi là sân sau của New Delhi.
Sri Lanka xích lại gần Trung Quốc, cho Bắc Kinh thuê nhiều hải cảng và đón tiếp tàu ngầm Trung Quốc cách không xa bờ biển của Ấn Độ.
Dưới sức ép của Trung Quốc, chính quyền Nepal đã ngăn chặn di dân Tây Tạng. Như vậy, trong khu vực này, Bhutan là nước duy nhất không rời khỏi vùng ảnh hưởng của Ấn-Độ.
Theo nhận định của Le Monde, khi buộc Ấn Độ phải điều quân tới Bhutan, Bắc Kinh đã đẩy New Delhi vào tình thế mâu thuẫn, bất lợi.
Sự hiện diện của quân đội Ấn Độ làm xấu đi hình ảnh của New Delhi, bị cáo buộc có tư tưởng bành trướng.
Mặt khác, tại Bhutan, cũng có nhiều ý kiến phản đối và nhấn mạnh rằng nước này không nằm trong sự bảo hộ của Ấn Độ, và cũng không phải là chư hầu của Trung Quốc.
Mùa hè lạnh giá cho quan hệ Trump-Putin
Quan hệ Nga-Mỹ căng thẳng là một chủ đề lớn khác trên các mặt báo Pháp. Libération có bài nhận định đề tựa : « Các nhà ngoại giao bị trục xuất, căng thẳng Trump – Putin trỗi dậy ».
Le Figaro trên trang nhất chạy tít lớn « Mỹ - Nga : cứ như một bầu không khí chiến tranh lạnh ».
Chủ Nhật 30/07, trả lời phỏng vấn kênh Rossiya 24, chủ nhân điện Kremlin thông báo trục xuất 755 trong tổng số 1 210 nhà ngoại giao và nhân viên Mỹ đang làm việc tại Matxcơva.
Sự việc khiến người ta nghĩ đến những năm 1960, thời kỳ lạnh giá nhất trong quan hệ giữa Tây và Đông.
Một lời đáp trả của Putin dành cho Donald Trump, vốn dĩ rất muốn hâm nóng quan hệ với Nga, nhưng đành bất dĩ ký một loạt các lệnh trừng phạt nhắm vào Nga, theo quyết định của Quốc Hội.
Le Figaro trong bài xã luận đề tựa « Xui xẻo ngoại giao », cho rằng đối với lần xuất phát « hụt » này, Donald Trump chỉ còn có biết tự trách mình.
Tổng thống Mỹ đã tự trói tay mình khi có những cuộc tiếp xúc với những nhân vật mờ ám của Nga trong suốt cuộc vận động tranh cử tổng thống.
Giờ đây với nước Nga, mọi sự nhún nhường sẽ đồng nghĩa với thông đồng.
Và về mặt chính trị, ông có thể sẽ phải trả giá đắt.
Vladimir Putin hiểu rõ điều đó và không còn hy vọng gì nữa. Hơn cả thế nữa, mối quan hệ Mỹ - Nga cứ như đang có một vận đen xui xẻo ập xuống.
Nói tóm lại, trên mặt trận ngoại giao, Donald Trump giờ như đang trong thế một chọi hai. Bởi vì, như nhận xét của Le Monde, « tổng thống Mỹ đang bị cả Matxcơva và Bình Nhưỡng cùng thử thách ».
Venezuela : Quốc Hội Lập Hiến bằng mọi giá
Tình hình bất ổn chính trị tại Venezuela cũng làm hao tốn giấy mực các nhật báo Pháp từ nhiều ngày qua.
Nhật báo kinh tế trên trang nhất nhận xét : « Venezuela : sự phá sản của chủ nghĩa Mác-xít tại vùng nhiệt đới ».
Trong bài xã luận đề tựa : « Tại Venezuela, sự điên rồ của một chế độ đến hồi cáo chung », Les Echos cho rằng mô hình chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21, vốn vẫn được các lãnh đạo cực tả tại Anh và Pháp ca ngợi, đang sụp đổ.
Trong bốn năm suy thoái triền miên, tại Venezuela, tỷ lệ lạm phát lên tới 1000%, 85% các loại thuốc men, dược phẩm cơ bản rơi vào tình trạng khan hiếm, tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong tăng 30% và tính trung bình, mỗi người dân Venezuela bị sụt mất 9 cân.
Đó là sự sụp đổ của một nền kinh tế mác-xít ; các chi phí xã hội chỉ nhằm mua chuộc lá phiếu cử tri, giờ đây cạn kiệt do giá dầu lửa tụt giảm mạnh.
Có thể nói, Venezuela đã hội đủ tất cả các yếu tố dẫn đến một sự bùng nổ xã hội. Còn thời điểm bùng nổ phụ thuộc vào quyết tâm tranh đấu của đường phố cũng như quyết tâm bám giữ quyền lực của vị tổng thống đang ở trong tình trạng tuyệt vọng và khó có thể tiếp tục tại vị trong cuộc bầu cử vào năm 2018.
Đối phó với tình trạng hỗn loạn hiện nay, tổng thống Maduro và các cộng sự không còn cách nào khác là bịt miệng phe đối lập và dựa vào quân đội, đồng thời nhắm mắt làm ngơ trước các hoạt động buôn lậu ma túy.
Les Echos nhận định, sau một thời gian dài im lặng, thậm chí thờ ơ, cộng đồng quốc tế đã bừng tỉnh. Hoa Kỳ thông báo một loạt các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ nhắm vào chế độ Maduro.
Liên Hiệp Châu Âu bày tỏ lo ngại cho số phận của nền dân chủ tại Venezuela.
Thế nhưng, trên thực tế, cho đến lúc này, tất cả đều tỏ ra bất lực.
Vậy phải làm gì để ngăn chặn vòng xoáy nguy hiểm mà không gây tổn hại thêm người dân vốn đã gần như kiệt sức ?
Liệu còn có thể tránh được giai đoạn hấp hối của Venezuela hay không ?
Một cuộc đảo chính ?
Do đó, theo phân tích của Les Echos trong một bài viết khác việc bầu ra Quốc Hội Lập Hiến mới này chính là « một cuộc đảo chính của Nicolas Maduro ».
Một hình thức dùng luật pháp để tiến hành đảo chính.
Quốc Hội Lập Hiến mở rộng đáng kể quyền hạn của tổng thống, sẽ nhóm họp vào ngày 02/08.
Quốc Hội Lập Hiến, với đa số là người nhà, cộng sự thân cận, người ủng hộ, thậm chí cả vợ con tổng thống Maduro, sẽ chỉ đóng vai trò là định chế hợp lệ hóa các quyết định của chính quyền.
Chuyên gia Catherine Reichlin, thuộc công ty tài chính Mirabaud & Cie, cảnh báo, nguy cơ Venezuela mất khả năng thanh toán lên tới 93,16%, tính theo cả năm.
Nếu Venezuela tiếp tục thách thức Hoa Kỳ và nếu Washington quyết định cấm vận dầu lửa, thì Caracas sẽ rất khó thanh toán được các khoản nợ đáo hạn.
Nhìn chung để có được điều mà tổng thống Nicolas Maduro muốn bằng mọi giá để bám giữ quyền lực, « máu đã chảy khi bầu ra Quốc Hội Lập Hiến », như quan sát của Le Monde.
Trong ngày bầu cử hôm Chủ Nhật (30/7) đã có ít nhất 10 người thiệt mạng.
Trong bốn tháng qua, đã có hơn 100 người chết trong các cuộc biểu tình bạo động phản đối chế độ tham nhũng.
Việt Nam : Thùng bia của thế giới
Trong lĩnh vực kinh tế, Les Echos nhận thấy « Các hãng bia lớn đang dòm ngó Việt Nam ». Hai hãng bia lớn của nhà nước rao bán cổ phần, một chiến dịch khơi dậy sự thèm muốn của nhiều hãng lớn trong lĩnh vực sản xuất bia rượu.
Trong năm 2016, gần 3,6 triệu lít bia đã được tiêu thụ tại Việt Nam.
Theo ước tính, mức tiêu thụ này có thể đạt đến 4,7 triệu lít vào năm 2021.
Một mức tăng trưởng mạnh nhất tại châu Á nhờ một « nền văn hóa ẩm thực đường phố và hiện tượng đô thị hóa nhanh chóng ».
Nếu đi sâu vào chi tiết, mức tiêu thụ bia tính trên đầu người tại Việt Nam là rất cao 42l/năm, so với mức 17l trên toàn châu Á và 30 lít tại Pháp.
Do đó, việc Saigon Beer Alcohol Beverage Corp. (Sabeco) chuyên sản xuất các hiệu bia Saigon và 333, và Hanoi Beer – Alcohol & Beverage (Habeco) cho thương hiệu bia Hanoi là hai hãng bia nhà nước lớn nhất, chiếm giữ đến 57% thị phần của cả nước, rao bán cổ phần đã thu hút sự quan tâm của nhiều hãng bia lớn : AB InBev, Asahi hay như Heineken, vốn dĩ đã chiếm đến 23% thị phần bia tại Việt Nam.
Tin mới
- Việt Nam ra lệnh bắt 16 lãnh đạo ngân hàng - 04/08/2017 01:01
- Nga tố cáo Mỹ phát động « chiến tranh kinh tế » - 04/08/2017 00:54
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 03-08-2017 - 03/08/2017 21:38
- Hàn Quốc : Nỗi lo bị Mỹ bỏ rơi và bị Bình Nhưỡng hủy diệt - 03/08/2017 20:48
- Thái Lan: Đất lành thứ hai cho người tị nạn Bắc Triều Tiên - 03/08/2017 19:07
- Repsol xác nhận đã ngừng thăm dò dầu khí tại Biển Đông - 03/08/2017 18:56
- Khí CO2 tăng, chất đạm trong gạo giảm - 02/08/2017 20:58
- Xe hơi diesel : Đức tìm ngõ thoát sau một loạt tai tiếng - 02/08/2017 20:34
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 02-08-2017 - 02/08/2017 17:34
- Berlin giận dữ tố cáo Hà Nội “bắt cóc” ông Trịnh Xuân Thanh - 02/08/2017 17:05
Các tin khác
- Thời đại kỹ thuật số : Khai tử tiền giấy, tiền đồng ? - 01/08/2017 15:59
- Biển Đông : Việt Nam lùi bước trước Trung Quốc vì Mỹ thờ ơ ? - 01/08/2017 15:38
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 30-07-2017 - 31/07/2017 18:21
- Việt Nam : Trịnh Xuân Thanh ra tự thú Công An tại Hà Nội - 31/07/2017 16:47
- Úc phá vỡ một âm mưu khủng bố - 30/07/2017 17:36
- Chủ tịch Trung Quốc kêu gọi quân đội phục vụ đảng Cộng Sản - 30/07/2017 17:29
- Iran tiếp tục chương trình tên lửa bất chấp trừng phạt của Âu, Mỹ - 29/07/2017 20:35
- Roma phát hiện nhà cổ gần 2.000 năm tuổi - 29/07/2017 19:47
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 29-07-2017 - 29/07/2017 14:55
- Sri Lanka nhượng một cảng chiến lược cho Trung Quốc - 29/07/2017 14:34