Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 28-07-2017

Để chận Trung Quốc, Pháp tạm quốc hữu hóa xưởng đóng tàu STX

stx-m-a-fincantieri


Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gặp công nhân xưởng đóng tầu STX trong buổi lễ hạ thủy chiếc MSC Meraviglia, Saint-Nazaire, ngày 31/05/2017.
REUTERS/Stephane Mahe

Khủng hoảng giữa Paris và Roma.
Tổng thống Macron sử dụng « bom nguyên tử » quốc hữu hóa để thách thức nước Ý.
Macron thanh lọc làn sóng di dân từ Libya.
Đối lập Venezuela phô trương thanh thế.
Israel lùi bước trước áp lực quốc tế.
Nạn cháy rừng triền miên buộc Liên Hiệp Châu Âu phải phối hợp phương tiện cứu hỏa.

Trên đây là những chủ đề lớn của báo chí Pháp ngày thứ Sáu 28/07/2017.

Báo chí Pháp mọi xu hướng, các đảng chính trị tả - hữu, tất cả đều ủng hộ quyết định của chính phủ Pháp « quốc hữu hóa công ty đóng tàu STX » kể từ ngày 28/07/2017 nếu không toàn bộ công xưởng ở Saint-Nazaire rơi vào tay tập đoàn Nhà nước Ý Fincantieri.
Vì sao một quyết định đi ngược lại trào lưu tự do hóa kinh tế và gây tức giận cho nước bạn lại được tổng thống Macron bật đèn xanh và được công luận Pháp « muôn người như một » ủng hộ ?

Les Echos lưu ý là chính phủ Pháp làm Ý nổi giận.
La Croix cho biết Ý rất bất bình « quan điểm ái quốc hẹp hòi » của Pháp.

 Trong bài « Nhà nước là như vậy », nhật báo Công Giáo ủng hộ lập luận của chính phủ : Để bảo vệ công ăn việc làm, để bảo mật công nghệ hàng hải, chính phủ Pháp không thể ngây thơ trong thế giới cạnh tranh khốc liệt này.

Roma đe dọa xét lại « tình thân hữu Pháp-Ý » và kêu gọi « đừng đối xử với Ý nhẹ hơn với Nam Hàn », là tựa của Libération.

Nhật báo thiên tả nhận định tiếp : Yếu tố Trung Quốc là nguồn cội thúc đẩy Paris phải « tung quả bom nguyên tử », và nuốt lời hứa trước đây của tổng thống Holland để cho Ý hai phần ba số cổ phần.

Thay đổi quan trọng trong thời gian qua là Fincantieri ký thỏa thuận hợp tác với một công ty đóng tàu của Trung Quốc.
 Paris không muốn những kỹ năng của Pháp bị chuyển về Thượng Hải.

Không để Trung Quốc chiếm đoạt công nghệ tàu chiến

Bài phân tích « Ba lý do làm cho Pháp phải can thiệp không cho Ý mua lại công ty STX » của Le Figaro giải thích rõ : bảo vệ bí mật quân sự, quản lý cạnh trạnh và chận con ngựa thành Troie, chiến thuật nội công ngoại kích của Trung Quốc đánh cắp công nghệ học của Tây phương.

Theo Le Figaro, các công xưởng đóng tàu của Pháp không chỉ sản xuất du thuyền, xuất khẩu mộng mơ, như phần đông dân chúng lầm tưởng.

 Tập đoàn STX France ở Saint-Nazaire là công xưởng duy nhất của Pháp có khả năng đóng hàng không mẫu hạm, chiến hạm đa năng, một bảo vật của hải quân trong bối cảnh binh chủng này đang tranh đấu xin thêm một chiếc hàng không mẫu hạm.

Trong lãnh vực dân sự, sổ đặt hàng của STX France và Fincantieri của Ý đều dày kín từ nay đến 10 năm tới.
Vấn đề đặt ra là khi đến chu kỳ vắng khách thì phía Ý tính thế nào ? Ưu tiên lấy công việc cho công ty mẹ tại Ý hay bảo vệ công nhân tại Pháp ?
Saint-Nazaire sử dụng trực tiếp 2.600 nhân viên và hơn 6.000 việc làm gia công. Chính phủ Pháp phải thận trọng cho dù chính phủ Ý có trấn an.

Tuy nhiên, yếu tố thứ ba mới là nguyên nhân cơ bản : Fincantieri có thể là con ngựa thành Troie của giới doanh nghiệp đóng tàu Trung Quốc.
Họ luôn tìm cách thu thập công nghệ đóng tầu biển của thế giới đem về làm của riêng.

Năm 2016, tập đoàn Fincantieri ký với hai đối tác Trung Quốc, trong đó có tổ hợp quốc doanh CSSC ở Thượng Hải để đóng du thuyền theo mẫu Vista của Ý.
Lập luận trên đây dường như có cơ sở.

Pháp sợ Trung Quốc đánh cắp công nghệ, chứ không đi ngược trào lưu kinh tế tự do.
 Les Echos, trên trang nhất, loan tin rộng rãi : Air France đón vốn đầu tư của Mỹ và Trung Quốc.

Thuyền nhân vượt Địa Trung Hải : Macron lên tuyến… Libya

Trước làn sóng vượt biển và thảm nạn thuyền nhân chết hàng loạt ở Địa Trung Hải trong sự bất lực, nếu không muốn nói là thụ động, của cộng đồng quốc tế, tổng thống Pháp Emmanuel Macron lên tuyến đầu với hai lời cam kết táo bạo.

Một ngày sau khi tiếp hai thủ lĩnh Libya thù nghịch tại ngoại ô Paris, chủ nhân điện Elysée tuyên bố : Trong vòng sáu tháng nữa, ông không muốn thấy một di dân nào sống lang thang không nhà.
Và kể từ cuối năm 2017, Pháp sẽ thành lập những trạm thanh lọc tị nạn chính trị ngay trên đất Libya.

La Croix nhấn mạnh đến mục tiêu « Không di dân » trên đường phố và phương án xây cất một trung tâm tạm cư khổng lồ ở mỗi vùng địa phương.
 Tổng thống Pháp đã « gây xúc động » khi loan báo « ngay mùa hè này », tức là ngay bây giờ, sẽ lập những trung tâm xét đơn tị nạn tại Lybia, điểm trung chuyển của làn sóng di dân từ châu Phi, Trung Á.

Le Figaro đưa ra con số chi phí tăng tốc giải quyết đơn tị nạn : 2 tỷ euro cho kế hoạch này.

Nhật báo cánh hữu khen ngợi tổng thống « bạo gan » đụng vào những hồ sơ « dễ bốc lửa » tấn công vào gốc rễ của thảm nạn thuyền nhân Địa Trung Hải với giải pháp ổn định Libya để phần nào làm giảm làn sóng vượt biển.

Trong bài xã luận « Trị tận gốc », Le Figaro nêu lên những khó khăn chờ đón : nào là không thể trị dứt nạn di dân nhập cư, nào là các biện pháp của châu Âu từ trước đến nay có tiếng thiếu hiệu quả, không đi đến nơi đến chốn.

Tuy nhiên, dưới bức ảnh hàng chục thuyền nhân chen chúc nhau trên một con thuyền mong manh, nhật báo thân hữu nhìn nhận tổng thống Macron đã tung được tín hiệu khích lệ trấn an công luận châu Âu đang hoang mang cho bản thân và thế hệ tương lai trước làn sóng di dân vượt tầm kiểm soát.

Cũng liên quan đến tình hình khu vực Trung Cận Đông, Libération dành hai bài phóng sự dài để tìm hiểu vì sao thủ tướng Israel Benyamin Netanyahou phải lùi bước, tháo bỏ các cổng kiểm soát dò vũ khí đặt trước khu đền thờ Hồi Giáo ở Đông Jerusalem.
Thủ tướng bảo thủ nhượng bộ trước cơn phẫn nộ của người Palestine và nỗ lực vận động của ngoại giao quốc tế, nhất là của Jordani.

Trên thực tế, thủ tướng Israel sợ người Palestine mở ra một cuộc chiến tranh ném đá intifada mới.
 Tuy nhiên, đây chỉ là nhượng bộ chiến thuật.

 Để lấy lòng phe cực đoan, Benyamin Netanyahou chuẩn bị một dự luật « nới rộng biên giới Jerusalem », mà Israel xem là thủ đô từ ngàn xưa, đến ba khu định cư ngoại thành trong dự án « Đại Jerusalem », một hình thức hợp thức hóa một phần vùng chiếm đóng Cisjordanie một cách không kèn không trống.

Venezuela : ngày Chủ Nhật rủi ro

Chủ Nhật 30/07, chính quyền Venezuela tổ chức bầu Quốc Hội Lập Hiến trong không khí căng thẳng tột độ.
Tố cáo tổng thống Maduro tìm cách thay thế Hiến Pháp để bám trụ, đối lập huy động hai ngày tổng đình công và kêu gọi biểu tình trên toàn quốc.

« Tại Venezuela, Nicolas Maduro cấm biểu tình trước bầu cử » là tựa của Les Echos.
Trước một phong trào phản kháng gần như toàn diện với 70% dân chúng chống đối bầu Quốc Hội Lập Hiến, tổng thống Nicolas Maduro gây ngạc nhiên khi chọn biện pháp đối đầu.

 Ông gây ngạc nhiên vì tương quan lực lượng bất lợi cho chế độ. Tổng thống chỉ còn điểm tựa duy nhất là quân đội và 3 triệu công chức trong ngành dầu khí, do chính phủ kiểm soát.
Trên trường quốc tế, chế độ của Maduro hoàn toàn bị các nước châu Mỹ, trừ Cuba, bỏ rơi. Trong khi đó, đối lập ngày càng mạnh.

Cùng nhận định này, La Croix lấy làm tiếc là chính quyền Caracas giả điếc trước nguyện vọng muốn đổi mới của dân chúng. Chính quyền chỉ làm một chuyện duy nhất là mỗi ngày thông báo số người biểu tình bị thiệt mạng.

« Một vòi rồng, bốn đám cháy »

Phải chăng đã đến lúc châu Âu phải phối hợp lực lượng cứu hỏa ?
Câu hỏi này được nêu lên vào lúc ba nước Nam Âu gồm Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và hiện giờ là Pháp, mỗi năm đến hè là bị thần hỏa thiêu rụi hàng chục ngàn hec-ta rừng mà không nước nào tự mình cứu được mình.

Quay về thời sự Pháp và châu Âu, La Croix đặt ra một câu hỏi thiết thực : Có cần tăng cường cơ chế phòng vệ dân sự châu Âu hay không ?

Vào thứ Ba 25/07, Pháp đã phải xin hai chiếc thủy phi cơ chữa cháy loại « thủy long » Canadair. Nhờ vậy mà một chiếc máy bay của Ý được gửi sang tiếp sức với 1.000 lính cứu hỏa Pháp kiệt lực sau ba ngày ba đêm chống đỡ với thần hỏa ở ven biển Địa Trung Hải.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thời tiết khô hơn, nóng hơn, cỏ cây dễ cháy hơn, không một quốc gia Nam Âu nào một mình tự cứu khi cháy rừng xảy ra cùng một lúc và ở nhiều nơi.

Cùng chia sẻ với La Croix, bài phóng sự của Le Monde mô tả tình cảnh lính cứu hỏa Pháp qua nhận xét ví von của một nữ y tá như sau : một anh lính cầm vòi rồng loay quay với bốn đám cháy cùng một lúc thì cũng như tôi, có hai ông tiêm, mà phải tiêm cho 20 bệnh nhân.

Olympic 2024 : Los Angeles nhường Paris ?

Một dấu hiệu mới cho thấy Paris có thêm cơ may tổ chức Thế Vận Hội Mùa Hè 2024

Theo Le Figaro, thị trưởng Los Angeles tiến thêm một bước hướng về năm 2028 và trải thảm đỏ cho Paris thực hiện giấc mơ Thế Vận vào năm 2024.
Nhật báo Pháp diễn dịch một câu tuyên bố của thị trưởng Eric Garcetti trả lời phỏng vấn BuzzFeed : đề nghị bồi thường tài chính rất thú vị.

Về với ruộng Bio

« Về với ruộng đồng » là phóng sự của La Croix giới thiệu một xu hướng mới trong giới trẻ Pháp : lập nông trang canh tác rau quả sạch.
Đó là trường hợp của một thanh niên 30 tuổi, thay vì bó tay lãnh thất nghiệp, đã lao vào nghề trồng trọt với mảnh đất đầu tiên 5.000 mét vuông. Hơn 30 loại rau quả không dùng hóa chất.

Trào lưu nông nghiệp sinh thái tăng ồ ạt mỗi năm. Chỉ đơn cử hai năm 2015 và 2016 : Trong vòng một năm con số nông dân canh tác sạch tăng 12% với 32.264 người.
Diện tích trồng trọt cũng tăng 17% với 1,5 triệu hecta. Nông phẩm « bio » đã vượt ngưỡng 5% so với diện tích trồng trọt tại Pháp.

Switch mode views: