ASEAN ra Tuyên Bố Chung muộn do hồ sơ Biển Đông và Trung Quốc ?
- Chúa Nhật, 30 tháng Tư năm 2017 18:23
- Tác Giả: Trọng Nghĩa
Lãnh đạo các nước Hiệp Hội Các Nước Đông Nam Á tại thượng đỉnh ASEAN lần thứ 30, Manila, Philippines, ngày 28/4/2017.
REUTERS/Erik De Castro
Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 30 đã kết thúc ngày 29/04/2017.
Bản Tuyên Bố Chung của hội nghị thường được công bố ngay sau khi thượng đỉnh bế mạc, nhưng phải chờ đến sáng nay, 30/04, văn kiện chính thức mới được công bố trên trang web của hội nghị.
Nội dung liên quan đến Biển Đông rất nhẹ nhàng đối với Trung Quốc : Từ ngữ nói về hành động của Bắc Kinh bồi đắp đảo nhân tạo và quân sự hóa Biển Đông hoàn toàn biến mất.
Theo ghi nhận của kênh truyền thông Philippines ABS-CBN, việc công bố muộn màng bản Tuyên Bố Chung là một sự kiện khác thường vì « lần đầu tiên trong lịch sử của mình, thượng đỉnh ASEAN đã bế mạc mà không có bản tuyên bố chung được công bố trong cùng một ngày ».
Báo Singapore The Straits Times cũng nêu lên việc mọi người đều chờ đợi tổng thống Philippines Duterte, trong tư cách chủ tịch ASEAN, sẽ đọc bản tuyên bố chung tại cuộc họp báo bế mạc hội nghị.
Tuy nhiên, ông đã loan báo văn kiện này sẽ được đưa sau lên website của ASEAN và gửi tới các phóng viên bằng thư điện tử.
Về vấn đề Biển Đông, Tuyên Bố Chung của thượng đỉnh ASEAN lần thứ 30 ngắn gọn khác thường : Gộp lại trong vỏn vẹn 2 điều và bao gồm 265 từ, trong lúc bản tuyên bố chung tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN năm 2016 ở Lào có đến 8 điều và 439 từ.
Trên bình diện nội dung, phần nói về Biển Đông chỉ lập lại những điểm thường thấy như « tái khẳng định » tầm quan trọng của quyền tự do hàng không và hàng hải, của việc xây dựng lòng tin lẫn nhau, tự kiềm chế để tránh làm cho tình hình phức tạp thêm, không sử dụng võ lực hay đe dọa dùng võ lực để giải quyết tranh chấp.
Không còn « quan ngại sâu sắc » về hoạt động « cải tạo đất » và quân sự hóa »
Tuy nhiên, điểm được giới quan sát chú ý nhất là việc Tuyên Bố Chung của thượng đỉnh ASEAN lần này tại Manila như không còn lo ngại về tình hình Biển Đông nữa, và đã xóa bỏ toàn bộ các nhóm từ gợi đến các hoạt động bồi đắp và quân sự hóa các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã và đang tiến hành tại vùng Biển Đông.
Thay vào đó là từ ngữ rất chung chung và mơ hồ « những diễn biến gần đây ».
Thay đổi lộ rõ khi so sánh văn kiện ở thượng đỉnh ASEAN thứ 30 tại Philippines với Tuyên Bố Chung của hội nghị thượng đỉnh ASEAN thứ 28-29 tại Lào vào tháng 09/2016.
Tuyên bố chung của ASEAN tại Lào đã nói rõ trong điều thứ 121 mở đầu phần Biển Đông là các lãnh đạo ASEAN « tiếp tục quan ngại sâu sắc về các diễn biến gần đây và đang diễn ra, đồng thời ghi nhận quan ngại của một số Bộ trưởng về việc cải tạo đất và sự gia tăng các hoạt động ở khu vực, làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và có thể phương hại tới hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực ».
Trong điều 120 của bản tuyên bố chung Manila mở đầu phần Biển Đông, câu nói về thái độ quan ngại sâu sắc chung của khối Đông Nam Á biến mất hoàn toàn, và chỉ còn một số nước ASEAN quan ngại mà thôi, điều được thấy trong câu ngắn gọn :
« Chúng tôi ghi nhận những quan ngại của một số lãnh đạo về các diễn biến gần đây trong khu vực ».
Nhóm từ đề cập cụ thể đến hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo của Trung Quốc như vậy đã biến mất, cũng như từ ngữ liên quan đến việc Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông.
Trong Tuyên bố chung tại Lào, các lãnh đạo ASEAN đã nói trong điều 124 : « Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không quân sự hóa và tự kiềm chế trong mọi hoạt động, trong đó có việc cải tạo đất, có thể làm phức tạp thêm tình hình và gia tăng căng thẳng ở Biển Đông ». Câu này với hai nhóm từ « quân sự hóa và cải tạo đất » không được ghi lại trong văn kiện vừa công bố.
Điểm đáng nói là các từ ngữ này không có trong dự thảo ban đầu của Philippines, nhưng đã được tái lập trong dự thảo cuối cùng ngày 29/04, mà các hãng tin AP của Mỹ, AFP của Pháp và Reuters của Anh đọc được.
Theo các nguồn tin này, có 4 nước ASEAN (trong đó có Việt Nam, theo nguồn của AFP) đã yêu cầu như trên.
Tuy nhiên, việc các từ ngữ trên không có trong bản Tuyên Bố Chung cho thấy là trong vòng đàm phán tối hậu, phe chủ trương không phê phán Trung Quốc đã áp đặt được quan điểm của mình.
Tin mới
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 03-05-2017 - 03/05/2017 22:42
- Thế chân vạc của Bắc Kinh ở Biển Đông: Hoàng Sa-Trường Sa-Scarborough - 03/05/2017 16:10
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 02-05-2017 - 02/05/2017 15:01
- Hạt nhân Bắc Triều Tiên : Donald Trump sẵn sàng tiếp Kim Jong Un - 02/05/2017 14:05
- HRW : Chế độ Damas đã bốn lần sử dụng khí độc tại Syria - 02/05/2017 13:56
- Trung Quốc : giới công đoàn không diễu hành nhân Ngày Quốc Tế Lao Động - 01/05/2017 17:09
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 01-05-2017 - 01/05/2017 16:40
- Bảo hộ mậu dịch cản trở quan hệ thương mại Mỹ-Việt - 01/05/2017 16:29
- Tại Cairo, Đức Giáo Hoàng kêu gọi lấy tình thương chống cuồng tín - 30/04/2017 19:04
- Nga: Biểu tình ôn hòa phản đối Putin, hơn 100 người bị bắt - 30/04/2017 18:56
Các tin khác
- Trung Quốc sửa đổi luật về bản đồ để củng cố thêm yêu sách chủ quyền - 30/04/2017 18:14
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 29-04-2017 - 29/04/2017 23:21
- Brigitte – Emmanuel Macron : « Sao » mạng xã hội Trung Quốc - 29/04/2017 23:02
- Donald Trump mừng 100 ngày nắm quyền - 29/04/2017 22:25
- ASEAN ra tuyên bố chung nêu việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông - 29/04/2017 22:17
- Bình Nhưỡng bắn hỏa tiễn sau khi Mỹ kêu gọi chống mối đe dọa nguyên tử - 29/04/2017 13:46
- Đức Giáo Hoàng Francis khởi sự chuyến tông du lịch sử ở Ai Cập - 29/04/2017 00:46
- Ủy Hội Tự Do Tôn Giáo Thế Giới: Hà Nội vẫn đàn áp tôn giáo - 28/04/2017 23:40
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 28-04-2017 - 28/04/2017 19:30
- Đức giáo hoàng đến Ai Cập để tái lập đối thoại với Hồi Giáo - 28/04/2017 17:52