Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 25-04-2017

Đối đầu Macron – Le Pen, hay hình ảnh hai nước Pháp đối lập

carte-resultats-afp



Nước Pháp như bị xẻ làm hai : Màu đen là những vùng bỏ phiếu cho Le Pen và màu vàng ủng hộ E.Macron.
AFP

Bầu cử tổng thống Pháp là đề tài chủ đạo trên trang nhất các nhật báo lớn số ra ngày 25/4/2017.
Theo nhận định chung các báo , Macron – Le Pen đối đầu nhau ở vòng hai làm lộ rõ khủng hoảng nội bộ ở hai đảng chính trị lớn, cũng như sự chia rẽ sâu sắc giữa nông thôn và thành thị trong lòng xã hội Pháp.

Nhật báo kinh tế Les Echos trên trang nhất đề tựa lớn : « Macron – Le Pen : những điểm chính của một trận đấu chưa từng thấy ».
Hơn bao giờ hết, với tỷ lệ ủng hộ trên 24%, Emmanuel Macron lãnh đạo phong trào Tiến Bước ! - En Marche được cho là có nhiều lợi thế thắng cử trước đối thủ thuộc đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia-(Front National FN), bà Marine Le Pen trong vòng hai.

Các cuộc thăm dò đều dự đoán Macron dẫn xa với một tỷ lệ khá cao trên 60% số người ủng hộ.
Le Figaro thì nói đến « Dư chấn Macron lan sang cả hữu lẫn tả ».

Lần đầu tiên trong lịch sử nền Đệ Ngũ Cộng Hòa Pháp, hai đảng truyền thống Những Người Cộng Hòa LR (phe hữu) và đảng Xã Hội PS (tả) ngự trị trên chính trường Pháp từ mấy thập niên qua đã bị đánh bật khỏi cuộc đua vào điện Elysée ngay từ vòng một.

Hai nước Pháp đối lập

Về phần mình, Le Monde trên trang nhất lại có cách nhìn khác về kết quả vòng một qua hàng tít lớn « Macron – Le Pen : Hai nước Pháp ».
Một nhận định được hầu hết các báo ra hôm nay đồng quan tâm và mổ xẻ phân tích.
Tất cả các báo đều nhìn nhận nước Pháp đã bị xẻ làm hai, giữa một bên nước Pháp của nông thôn và bên kia là nước Pháp của thành thị.

Cách biệt giữa lá phiếu thành thị và nông thôn là đáng kể.
 Đa số các bộ phận cử tri ở những thành phố lớn như Paris, Lyon, Nantes, Strasbourg, Rennes, Reims, Dijon, Angers,…) đều ủng hộ ông Emmanuel Macron.

Trong khi tại vùng nông thôn, bà Marine Le Pen dẫn đầu với những khoảng cách khá xa.

Le Monde nhắc lại trong đợt bầu cử tổng thống năm 2012, bà Marine Le Pen đã nhận được 17,90% lá phiếu ủng hộ nếu tính trên toàn quốc.
Nhưng nếu tính riêng tại 573 thành phố có số dân trong khoảng từ 15-150 ngàn người, bà đã được 15,73% và 11,05% tại 15 thành phố lớn nhất nước.

Điều đó cho thấy càng xa các thành phố lớn sự bất bình của cử tri càng lớn. Đó là những người cảm thấy bị lãng quên, mức sống bị suy giảm, việc làm hiếm hoi và tình trạng xuống cấp các dịch vụ công.
Chưa đủ, nước Pháp còn bị chia đôi về mặt địa lý, giữa Đông và Tây, mà đường ranh giới ảo chính là hai đầu mút Lille (bắc) – Perpignan (nam).

Phần lớn các tỉnh phía đông ủng hộ Marine Le Pen, ngược lại các tỉnh duyên hải phía tây lại ngả về Macron. Có thể nói là nước Pháp đang có một sự phân chia « kép » như nhận định của Le Monde.

Nhưng sự đối đầu này giữa Macron và Le Pen còn cho thấy rõ một sự đối lập về hệ tư tưởng trong lòng nước Pháp.
Nếu như trước đây các cuộc tranh cử tổng thống mang màu sắc cuộc chiến truyền thống giữa tả và hữu, thì nay khái niệm này hầu như không còn nữa.

Bài viết « Những sự phân hóa mới » trên Le Monde cho rằng, đối với bà Marine Le Pen, đây chính là cuộc chiến giữa « những người ủng hộ Châu Âu và những người yêu nước » (đảng FN chủ trương rời Liên Hiệp Châu Âu).
Ngược lại với Macron, đây lại một sự đối đầu giữa « những người tiến bộ và những người bảo thủ ».

Chính cánh tả và hữu truyền thống, lần lượt thất bại trong hai nhiệm kỳ liên tiếp vừa qua đã góp phần tạo nên sự đối đầu này giữa « một nước Pháp cởi mở » với « một nước Pháp khép kín » ; giữa một bên được hưởng lợi từ sự toàn cầu hóa và bên kia là bị thiệt hại ; giữa những người nghĩ rằng vị cứu tinh đến từ Liên Hiệp Châu Âu và người kia thì ghét cay ghét đắng định chế đó.

Có thể nói cuộc đối đầu Le Pen – Macron là hình ảnh một sự đối đầu giữa nước Pháp hạnh phúc với một nước Pháp bất hạnh. Với nhận định này, thì nước Pháp không chỉ xẻ làm hai, mà thậm chí là ba như nhận xét của La Croix.

Tả - hữu tạm gác những bất đồng

Thất bại của hai đảng truyền thống lớn của Pháp cũng là chủ đề được các nhật báo bàn đến nhiều. « Thất bại của Fillon làm trầm trọng thêm những chia rẽ của cánh hữu » là ghi nhận của Le Monde. Tuy nhiên, thất bại này cũng chưa hẳn có nghĩa là mọi việc đã chấm hết cho đảng Những Người Cộng Hòa.

Ngoài việc phân tích nguyên nhân thất bại của ứng viên Fillon qua bài viết « Fillon : Làm thế nào cuộc bầu cử không thể thua trở thành không thể thắng », Le Figaro nhận thấy ban lãnh đạo đảng LR hiện đang tìm cách « tránh gây chia rẽ », để dồn sức cho cuộc chiến tiếp theo : Bầu cử Quốc Hội vào tháng 6 này.

Tương tự với đảng Xã hội. Mặc dù, cuộc bầu cử này đã cho thấy rõ những bất đồng trong nội bộ đảng.
 Việc nhiều nhân vật quan trọng đã lên tiếng ủng hộ ông Macron ngay từ vòng một và kết quả thảm hại chưa từng có của vòng bỏ phiếu hôm 23/4, đã đẩy « đảng Xã hội đến bờ vực thẳm » như nhận xét của Le Monde.

Nhưng Le Figaro cho biết, có lẽ giờ chưa phải lúc để vạch tội lẫn nhau, nên Jean-Christophe Cambadelis, tổng thư ký đảng Xã Hội thông báo tạm thời gác sang một bên mọi lời giải thích.

« Chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng ? »

Tuy báo chí Pháp có chút cảm tình và phần nào ủng hộ ứng viên phong trào Tiến Bước ! nhưng không vì thế mà kiệm lời chỉ trích ông Macron chưa gì đã có thái độ « chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng ».

Đành rằng các cuộc thăm dò cho vòng một là không sai và dự phóng ông Macron sẽ bỏ xa đối thủ Le Pen với hơn 60% lá phiếu ủng hộ trong vòng hai, nhưng vẫn chưa có gì là chắc cả.

Le Parisien và Libération chỉ trích bài diễn văn tối Chủ Nhật, sau khi có kết quả sơ bộ vòng một, là quá dài dòng, nhợt nhạt và nhất là chưa gì đã đượm mùi chiến thắng cuối cùng, cứ chắc như là ông sẽ đắc cử.

Hơn nữa những hình ảnh dạ tiệc ăn mừng thắng lợi vòng một của Macron với các đồng sự tại một quán bia sang trọng tại Montparnasse cũng bị chỉ trích.

Đương nhiên một buổi tối thân thiện với bạn bè là chuyện thường tình.
Nhưng điều đáng lưu ý là chủ nhân của buổi tiệc lại có khả năng trở thành tổng thống.
Chính điều đó tạo nên cái gọi là « gánh nặng biểu tượng của hình ảnh » như lưu ý của Le Figaro.

Về phần mình, Libération đánh giá việc ăn mừng thắng lợi 15 ngày trước vòng hai bầu cử là quá sớm. Tờ báo cho rằng ứng viên phong trào En Marche ! đang tiến một bước về chiếc bẫy đang được giăng ra : không ai bán tấm da gấu trước khi hạ gục nó.

Macron vào vòng hai : Ảnh hưởng hạn hẹp của truyền thông Nga ?

Tin tặc hay ảnh hưởng của truyền thông Nga, những chủ đề này vẫn ám ảnh báo chí Pháp, đặc biệt là trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2017.
 Sau vòng một cuộc bầu cử tổng thống, ngày 23/04, báo Les Echos có bài phóng sự điều tra của Benjamin Quenelle, thông tín viên thường trú tại Matxcơva, với hàng tựa : « Thành công của Macron hay những ảnh hưởng có giới hạn của truyền thông Nga ».

Theo Les Echos, điện Kremlin coi kênh truyền hình Russia Today (RT) và hãng thông tấn Sputnik, như là một trong những loại đạn dược phục vụ chiến tranh.

Tổng biên tập của RT và Sputnik, bà Margarita Simonyann với tư duy rất hiếu chiến, tuyên bố rằng truyền thông phương Tây không trung thực và không khách quan và chỉ có mục tiêu là chống Nga, do vậy, đó là những kẻ thù.

Một nhà báo đã từng làm việc cho Sputnik trong 10 năm giải thích : trong khối lượng thông tin khổng lồ và trung lập được đăng tải, RT và Sputnik chọn một góc độ xử lý đối lập hoàn toàn với truyền thông phương Tây và gọi đây là thời sự thay thế. Đó là thông tin do điện Kremlin đưa ra.
Các chuyên gia phân tích đều là những người thân cận hoặc ủng hộ tổng thống Vladimir Putin. Chiến lược này gặt hái được kết quả tại châu Âu, đặc biệt là ở Pháp, trong bối cảnh sự bi quan, không tin vào các phuơng tiện truyền thông truyền thống ngày càng cao.

Les Echos cho biết, sau cuộc gặp với tổng thống Vladimir Putin, ngày 24/03 tại Matxcơva, ứng viên tổng thống Pháp Marine Le Pen, thuộc đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia đã được truyền thông Nga ca ngợi.
Bà được coi là người mến mộ nước Nga. Ngoại trưởng Lavrov đánh giá bà là một chính trị gia « thực tế », còn tổng thống Putin khẳng định một xu hướng chính trị mới tại châu Âu đang phát triển nhanh chóng.

Dưới thời Liên Xô cũng như ở nước Nga của ông Putin, từ lâu nay, người dân quen thuộc với kiểu tuyên truyền về những vấn đề đối nội, họ xem vô tuyến nhưng không tin.

Thế nhưng, về thời sự quốc tế, thì việc tuyên truyền lại mang một chiều kích khác hẳn. Ví dụ, trong cuộc khủng hoảng dân nhập cư, truyền thông Nga tìm mọi cách chứng minh rằng châu Âu, đi đầu là Pháp, tỏ ra ngây thơ và giờ đây phải trả giá về sự yếu kém của các định chế dân chủ, đi kèm thông điệp : Châu Âu lún sâu vào khủng hoảng và giới lãnh đạo thì không đủ khả năng giải quyết tình hình này.
Mục tiêu của RT và Sputnik : tạo dựng và duy trì tâm lý bi quan và hoài nghi, yếm thế.

Một nhà báo Nga cho báo Les Echos biết, Matxcơva sử dụng các phương pháp tuyên truyền đối nội và đối ngoại như nhau : đó là gây nghi ngờ.

Tại Pháp, tuyên truyền Nga tập trung vào lá bài chống Macron, bởi vì Matxcơva cho rằng Fillon và Le Pen gần gũi Nga hơn và mong muốn hai ứng viên này vào vòng hai cuộc bầu cử tổng thống. Nếu Fillon thắng, thì rất hay. Nếu Le Pen thắng thì tuyệt vời.


Switch mode views: