Hợp tác quân sự Nga-Ấn gia tăng : Vố đau cho Trung Quốc
- Thứ Sáu, 04 tháng Mười Một năm 2016 18:44
- Tác Giả: Trọng Nghĩa
Hệ thống phòng không S-400 của Nga. Ảnh minh họa.
CC/Vitaly V. Kuzmin
Nhân cuộc họp thường niên tại New Delhi hôm 26/10/2016 của Ủy Ban Liên Chính Phủ về Hợp Tác Quân Sự-Kỹ Thuật Nga-Ấn, bộ trưởng Quốc Phòng Ấn Độ Manohar Parrikar và đồng nhiệm Nga Sergei Shoigu đã hoàn thiện các chi tiết trong hợp tác quốc phòng giữa hai nước.
Sau bốn năm bị đóng băng, công cuộc hợp tác này vừa được lãnh đạo hai nước khôi phục lại bên lề hội nghị thượng đỉnh khối BRICS tại bang Goa ở miền tây nước Ấn.
Sự kiện Matxcơva và New Delhi khởi động lại công cuộc hợp tác quân sự-quốc phòng chắc chắn sẽ làm cho Bắc Kinh thêm lo ngại, vì điều đó sẽ cho phép Ấn Độ - dẫu sao cũng vẫn là đối thủ cạnh tranh của Trung Quốc - tăng cường năng lực quân sự.
Theo chuyên gia Emanuele Scimia trên báo mạng Asia Times ngày 04/11, việc Ấn và Nga tăng cường hợp tác quân sự còn có một hệ quả thứ hai là khiến cho « quan hệ đối tác toàn diện chiến lược phối hợp » - mức cao nhất trong quan hệ ngoại giao với Trung Quốc - trở thành ít chiến lược hơn cũng như thiếu phối hợp hơn.
Trung Quốc trong tầm bắn
Điểm đáng quan ngại nhất cho Trung Quốc là các thỏa thuận vũ khí đã được ký kết tại Goa, nhất là việc Matxcơva sẽ trang bị cho New Delhi 5 hệ thống phòng không hiện đại S-400 Triumph với mệnh giá 5 tỷ đô la.
Nhiều chuyên gia ở Ấn Độ đã không ngần ngại cho rằng với việc mua hệ thống S-400, New Delhi đã thay đổi cuộc chơi trong cán cân quân sự vùng Nam Á.
Thật vậy, với khả năng phá hủy phi cơ, tên lửa và máy bay không người lái từ cách xa 400 km, với giàn radar có thể phát hiện máy bay ở khoảng cách 600 km, giàn tên lửa phòng không tầm xa S-400 sẽ tăng cường hệ thống phòng thủ của Ấn Độ dọc theo biên giới với Trung Quốc và Pakistan.
Ấn Độ có thể triển khai hai hệ thống S-400 để đối phó với Trung Quốc tại các khu vực phía tây và phía đông của Đường Kiểm Soát Thực Tế (LoAC) dài 4.056 km, và ba hệ thống còn lại để chống lại Pakistan dọc theo Đường Kiểm Soát (LOC).
Với thương vụ mua S400 của Nga, New Delhi sẽ đảm bảo được thế cân bằng chiến lược trên không với Bắc Kinh trong vùng Himalaya, nơi hai nước vẫn có tranh chấp biên giới vì tên lửa của Ấn Độ sẽ làm suy yếu không lực của Trung Quốc.
Trong thực tế, Trung Quốc là nước đã đặt mua hệ thống phòng không S-400 của Nga trước Ấn Độ.
Vào năm 2015, Bắc Kinh đã ký với Nga một hợp đồng trị giá 3 tỷ đô la để mua một số hệ thống phòng không S-400, mà theo báo chí số lượng là 6.
Vấn đề là các hệ thống đó được cho là sẽ được Bắc Kinh triển khai đã chống Mỹ trong vùng Biển Đông và Biển Hoa Đông, chứ không nhằm chống Ấn Độ.
Một mối đe dọa cho Bắc Kinh
Đối với chuyên gia Scimia, việc Nga bán tên lửa S-400 cho Ấn Độ quả là một vố đau cho Bắc Kinh, đặc biệt vào lúc Bắc Kinh luôn khoe rằng quan hệ với Matxcơva đã ngày càng sâu sắc từ hai năm gần đây.
Một ví dụ cụ thể : Tháng 09/2016, hai nước tiến hành cuộc tập trận hải quân chưa từng thấy trên Biển Đông, trong lúc Nga lên tiếng thận trọng ủng hộ lập trường của Trung Quốc.
Đây không phải là lần đầu tiên mà các vụ bán vũ khí của Nga tác hại gián tiếp đến Trung Quốc.
Giống như các thỏa thuận quốc phòng với Ấn Độ, vũ khí mà Nga bán cho Việt Nam - một nước cúng tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông - cũng đi ngược lại mong muốn của Bắc Kinh.
Vấn đề là do đã luôn luôn ca ngợi quan hệ chiến lược thắm thiết với Nga, Trung Quốc như đang trong tình trạng há miệng mắc quai trước các thương vụ bán vũ khí của Nga, ít ra là không thể công khai phản đối.
Vả lại, chính Bắc Kinh cũng là bạn hàng vũ khí của Matxcơva.
Tin mới
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 05-11-2016 - 05/11/2016 21:28
- Clinton, Trump cố thuyết phục những cử tri còn do dự - 05/11/2016 20:52
- J-20: “Bảo bối” mới giúp Trung Quốc tăng xuất khẩu vũ khí - 05/11/2016 20:07
- Người già Trung Quốc cảm thấy bị xã hội bỏ rơi - 05/11/2016 16:46
- Tuyên ngôn chung Công Giáo và Tin Lành Luther - 04/11/2016 22:33
- Dân oan Thủ Thiêm quyết đòi công lý đến cùng - 04/11/2016 21:38
- Emails của Huma Abedin sẽ làm H&B Clinton tù mọt gông? - 04/11/2016 21:22
- Tai họa của Hillary Clinton sẽ bắt đầu nếu bà đắc cử - 04/11/2016 20:51
- Ảo tưởng của tiến trình toàn cầu hóa - 04/11/2016 19:21
- COP21 : Hiệp định khí hậu bắt đầu có hiệu lực - 04/11/2016 19:04
Các tin khác
- Trước mối đe dọa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng, “Nhật Bản phải tự vệ” - 04/11/2016 18:28
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 04-11-2016 - 04/11/2016 17:51
- Mỹ cảnh báo về nguy cơ du khách bị bắt cóc ở Philippines - 04/11/2016 17:24
- Indonesia : Hồi Giáo cực đoan biểu tình chống đô trưởng Thiên Chúa Giáo - 04/11/2016 17:13
- Hàn Quốc : Triển khai lá chắn THAAD vào giữa 2017 - 04/11/2016 17:04
- Tổng thống Philippines bắt đầu nếm "trái đắng" vì gần Trung, xa Mỹ - 03/11/2016 23:53
- Bầu cử tổng thống Mỹ : Ông Trump tin đã thắng cử - 03/11/2016 23:13
- Hàn Quốc : Vụ án « Choi » khơi dậy quá khứ đau buồn - 03/11/2016 21:37
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 03-11-2016 - 03/11/2016 21:27
- Little Saigon tưởng niệm Tổng Thống Ngô Đình Diệm - 03/11/2016 01:20