Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 02-11-2016

Clinton-Trump : Bề nổi cuộc "chiến tranh lạnh" tin học Nga-Mỹ ?

cyberattaque



Hình minh họa chụp ngày 13/09/2015 từ trang Norse Attack Map cho thấy những cuộc tấn công thật đang diễn ra trên thế giới.
Flickr.com

Chưa đầy một tuần trước ngày bầu cử Mỹ 08/11/2016, ứng viên đảng Dân Chủ Hillary Clinton lại bị tai tiếng thư điện tử « E-mailgate » cản đường vào Nhà Trắng.

 Chiến dịch vận động căng thẳng với những đòn cáo buộc nhau lại bị kích động mạnh mẽ hơn vì những tiết lộ của WikiLeaks bất lợi cho bà Hillary Clinton, mà Washington cho là Matxcơva đứng sau « giật dây ».

Theo Libération số ra ngày 02/11/2016, « Giữa Washington và Matxcơva, cuộc chiến tranh lạnh tin học đã nổ ra ».
Rất hiếm khi được chứng kiến một cuộc bầu cử tổng thống Mỹ mang hai mặt : Bề nổi là cuộc đối đầu giữa Trump và Clinton, nhưng bề chìm là giữa Matxcơva và Washington.

Từ nhiều tháng nay, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) điều tra khả năng Matxcơva « nhúng tay » vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Thậm chí, theo tiết lộ ngày 31/10 của trang Slate (Hoa Kỳ), FBI đang theo dõi dấu vết những cuộc trao đổi giữa một máy chủ của ứng viên đảng Cộng Hòa Donald Trump với Alfa Bank, ngân hàng tư nhân Matxcơva lớn nhất nước Nga.

Thế nhưng, theo tờ New York Times ngày 01/11, hiện chưa phát hiện bất kỳ mối liên hệ nào có sức thuyết phục hay trực tiếp giữa ông Donald Trump và điện Kremlin.
Tuy nhiên, với Washington, không còn chút nghi ngờ gì nữa, Nga đang tiến hành một chiến dịch nhằm gây rối nội bộ nước Mỹ.

Theo nhận định của Libération, hai cường quốc này đã thọc dao vào lưng nhau trong hồ sơ Syria. Còn bây giờ, kịch bản « chiến tranh lạnh » cũ kĩ lại được lôi vào « chiến tranh thông tin » (infowar).

Căng thẳng tăng thêm một bậc vào ngày 07/10 khi Washington, thông qua bản thông cáo của bộ Nội Vụ và giám đốc tình báo, chính thức cáo buộc Matxcơva có ý đồ « can thiệp vào tiến trình bầu cử Mỹ ».
Điện Kremlin đánh giá những lời cáo buộc trên là « vớ vẩn ».

Nhật báo Libération liệt kê một số vụ tin tặc từ giữa năm 2016 nhắm vào ứng viên đảng Dân Chủ Hillary Clinton, Ủy Ban Toàn Quốc đảng Dân Chủ (DNC) và nhiều quan chức chính trị, quân sự của Mỹ, NATO tại châu Âu..., mà nổi bật là hai nhóm tin tặc « Fancy Bear », được cho là làm việc cho GRU, cơ quan tình báo quân sự Nga và « Cozy Bear » có thể có liên quan đến FSB, Tổng Cục An Ninh Liên Bang Nga.

Chắc chắn gián điệp tin học không phải là chuyện mới mẻ, giống như mối quan hệ căng thẳng giữa hai cường quốc trong không gian mạng.

 Thế nhưng, bầu không khí một cuộc chiến tranh lạnh mới được hâm nóng thêm với đặc tính ly kỳ của loạt « tiết lộ » (leaks), mà theo đánh giá của Washington là phù hợp « với phương pháp và động lực của các hành động do Nga điều khiển ».

Trong khi đó, theo nhận định của nhà nghiên cứu Julien Nocetti, thuộc Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp (Ifri), « Các thủ đoạn của Nga nhắm vào nhận định của người Mỹ về mức độ tin cậy vào giới lãnh đạo và thể chế hơn là nhằm gây rối cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ ».

Còn Nicolas Arpagian, giám đốc khoa học tại Viện Nghiên Cứu An Ninh và Tư Pháp quốc gia Pháp (Inhesj) nhận định :'' Đây là hình thức « bình mới rượu cũ''
Trong thời chiến tranh lạnh, Mỹ có Voice of America (đài Tiếng nói Hoa Kỳ), Radio Free Europe (Đài châu Âu Tự do )…

 Đó là những ý tưởng « tự do trên đầu sóng ». Một hệ thống chế độ dân chủ muốn « tác động » đến một chế độ chuyên quyền.
Hiện nay thì ngược lại : người ta có thể nhận thấy điều này với các trang Sputnik và Russia Today (nước Nga ngày nay) ».

Thế nhưng, vẫn theo nhà nghiên cứu Nicolas Arpagian, « công chúng đã quen với khái niệm « tiết lộ » (leaks), nhất là từ trang WikiLeaks và những tài liệu của Snowden về cơ quan tình báo NSA.
Và kỹ thuật số đã dẫn đến ý tưởng đăng những bằng chứng xác thực để phá hoại hình ảnh hay những luận chứng của đối thủ ».

Ngày 05/09/2016, tại thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu, Trung Quốc, tổng thống Barack Obama đã nêu ý định « tiến hành những tiêu chí để mỗi một quốc gia hành xử một cách có trách nhiệm » trong không gian mạng, đồng thời cảnh báo các đối thủ : « Thẳng thắn mà nói, chúng tôi (Hoa Kỳ) có khả năng hơn bất kỳ nước nào khác trên bình diện tấn công cũng như phòng thủ ».

Theo nhà nghiên cứu Daniel Ventre, thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Khoa Học Pháp (CNRS), « Hoa Kỳ có thể chọn các biện pháp đáp trả cao tay hơn, như trừng phạt kinh tế.
Tuy nhiên, biện pháp trừng phạt trực tiếp hơn, như về mặt quân sự, có lẽ không hợp lý ».

Ngày 14/10, theo NBC News, dường như chính quyền Obama tính đến việc trả đũa bằng cách giao cho cơ quan tình báo CIA một chiến dịch mạng « bí mật » nhằm quấy nhiễu Kremlin.

Chín ngày sau, một nhóm tự nhận là « người yêu nước Ukraina » bí ẩn có tên « CyberJunta » đã đăng hàng loạt điện thư đề năm 2014 và được cho là của một nữ trợ lý của Vladislav Sourkov, « cố vấn đặc biệt » của tổng thống Nga Vladimir Putin, trong đó có hồ sơ về Ukraina.
Rất nhiều nhà quan sát và truyền thông nhật thấy có sự trùng hợp ngẫu nhiên trong cuộc chiến này.

Clinton-Trump : Cuộc đối đầu dữ dội nhất trong lịch sử Hoa Kỳ ?

Vào lúc mà các cuộc thăm dò đều cho thấy ứng viên đảng Dân Chủ đang dẫn đầu cuộc đua, thông báo của FBI về vụ email của bà Hillary Clinton đã gây ra một cơn địa chấn chính trị.

Tờ nhật báo cánh hữu Le Figaro nhận xét : Vụ « E-mailgate đang phá tan thế thượng phong của Clinton ».
Tuy là ứng viên đảng Cộng Hòa, ông Donald Trump vẫn đang bị những cáo buộc về gian lận thuế và mối quan hệ của nhà tỉ phú với nước Nga, nhưng những nghi ngờ về sự giả dối cũng đeo bám lấy phe Dân Chủ.

Vụ « E-mailgate » còn kéo dài thêm « kịch tính trong cuộc đối đầu Clinton-Trump » như nhận xét của hai nhật báo La Croix và Les Echos.
Nếu như khó đánh giá được tác động của vụ việc này lên kết quả bầu cử, thì sự việc rất có thể mang tính quyết định tại một số bang như Arizona.
Do đó, theo nhật báo công giáo La Croix, « cuộc bỏ phiếu được cho sẽ là rất sít sao ».

Nhưng cũng phải nói « Clinton-Trump là cuộc vận động tranh cử điên rồ nhất trong lịch sử » nước Mỹ, theo nhận định của Libération.
Bởi vì, kể từ khi Chiến tranh lạnh chấm dứt, hiếm có cuộc bầu cử tổng thống Mỹ nào được xăm xoi và gây lo sợ đến như vậy.
Hiếm có cuộc so tài nào giữa hai ứng viên Dân Chủ và Cộng Hòa lại vượt ra khỏi biên giới lãnh thổ nước Mỹ.

Hiếm có cuộc vận động nào - mà người ta tưởng rằng đã xong xuôi - lại kết thúc điên rồ đến thế bằng những tiết lộ huyền hoặc đến như vậy.
Và hiếm có một cuộc bầu cử nào mà mọi thách thức vượt qua khỏi sự chọn lựa đơn thuần giữa hai ứng viên mà đằng sau là những chiến dịch gây bất ổn đối phương kỳ dị, lạ lùng đến thế.

Bởi vì ai cũng biết có rất nhiều khả năng Nga đứng sau giật dây một phần. Nhưng điều đó không hẳn để cho Trump trúng cử, mà là để cho thấy rõ là những biện pháp mà Hoa Kỳ đang áp dụng cũng không mấy gì « minh bạch » hơn Nga.

Do đó, cho dù kết quả có ra sao, điều đáng chú ý là làm thế nào đánh giá được những vết tích mà chiến dịch vận động tranh cử khốc liệt này đã để lại trong xã hội. Làm sao đánh giá được tình trạng nền dân chủ Hoa Kỳ.
Đó cũng rất có thể là một lời cảnh báo cho tất cả mọi người.

Liên Hiệp Châu Âu hài lòng về hiệp định thương mại với Hàn Quốc

Chuyển sang lĩnh vực thương mại, Les Echos đề cập đến thỏa thuận thương mại giữa Liên Hiệp châu Âu và Hàn Quốc có hiệu lực từ 5 năm nay, mà theo tờ báo « châu Âu hài lòng » về mối quan hệ này.

Trong khi thỏa thuận CETA giữa Liên Hiệp Châu Âu và Canada bị chỉ trích, thỏa thuận với Hàn Quốc là một bằng chứng cho thấy sự hợp tác như vậy mang lại lợi ích thương mại cho khối 28 nước.

 Từ năm 2011, tỉ lệ xuất khẩu của châu Âu đã tăng thêm 55%. Tính đến 6 tháng đầu năm 2016, Liên Hiệp đã đạt thặng dư 1,2 tỉ euro với đối tác Đông Á.
Thế nhưng, khuynh hướng lại đi theo chiều ngược lại tại Hàn Quốc, quốc gia đã ký thỏa thuận tự do mậu dịch với hơn 50 nước trên toàn thế giới.
Từ khi có thỏa thuận với châu Âu có hiệu lực, Hàn Quốc không đạt được thặng dư thương mại với Lục Địa Già.

Theo nhật báo kinh tế Les Echos, một trong những nguyên nhân có thể được nhắc đến là trường hợp của điện thoại Samsung.
 Khi kí kết thỏa thuận, điện thoại Samsung được sản xuất và xuất khẩu từ Hàn Quốc.
 Thế nhưng, hiện nay, dù là vẫn là « 100% Hàn Quốc », nhưng điện thoại Samsung được sản xuất tại Việt Nam và được tính vào thống kê sản phẩm của quốc gia Đông Nam Á này.

Dù đạt thặng dư, Liên Hiệp Châu Âu vẫn tìm cách dỡ bỏ một số trở ngại để thâm nhập thêm vào thị trường Hàn Quốc.
 Ví dụ, các loại xe tải đầu kéo cỡ nhỏ, nếu nhập vào Hàn Quốc mà không có mooc xe thì bị xếp cũng loại máy kéo nông nghiệp và phải chịu một loại quy chế khác.

Tương tự, rất nhiều sản phẩm nông nghiệp được bảo vệ nguồn gốc địa lí, phải được vận chuyển trực tiếp từ một cảng châu Âu đến một cảng Hàn Quốc hay hàng loạt quy định về an toàn đối với các hóa chất, hóa mỹ phẩm...

Danh sách rào cản thuế mà Seoul áp dụng đối với Liên Hiệp Châu Âu vẫn còn dài. Hiện chính quyền Hàn Quốc không thắt chặt luật lệ, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề nhỏ mà Bruxelles cần phải giải quyết trong tương lai.

Tổng thống Hollande và cuối nhiệm kỳ tại Elysée

Thời sự nước Pháp nổi bật trên trang nhất của Le Figaro.
Bị một bộ phận nội bộ đảng Xã Hội bỏ rơi, bị thủ tướng Manuel Valls cạnh tranh gay gắt, chưa bao giờ tổng thống thống François Hollande lại bị cô lập như lúc này, vào lúc « chấm dứt nhiệm kỳ ở điện Elysée » và được cho là ứng viên sáng giá nhất của cánh tả trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2017.

Không chỉ bị công luận bỏ rơi, tổng thống cũng bị nhiều nhân vật quan trọng của đảng Xã Hội quay lưng, như chủ tịch Hạ Viện Claude Bartolone, một trong nhưng người bị François Hollande chỉ trích, được tiết lộ trong cuốn Một tổng thống không nên nói thế… Thủ tướng Manuel Valls cũng tìm cách thể hiện khác biệt với người đứng đầu điện Elysée để nhắm đến cuộc bầu cử năm 2017.

Tuần trước, trong khi Bartolone và Valls tung phản công và trong khi nội bộ đảng Xã Hội bị chia rẽ, những người thân cận của tổng thống đã cố nhấn mạnh đến « tuần đẹp nhất trong nhiệm kỳ 5 năm » của ông Hollande : tỉ lệ thất nghiệp giảm, cuộc tấn công nhắm vào Daech ở thành phố Mossoul, Irak, hay việc phá dỡ thành công khu lán tạm cư của di dân ở thành phố Calais… Thế nhưng, với Le Figaro, « tổng thống Hollande sống như là chết ».

Hương trầm : 6.000 năm bí mật tan theo làn khói

Chuyên mục « Khoa học » của nhật báo Le Figaro đăng phát hiện của nhóm nghiên cứu thuộc Viện Hóa Học Nice, thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Khoa Học Quốc Gia Pháp, về hai phân tử tạo mùi thơm trong hương.

Nhang/hương có trong hành lý của Ba Vua, nhưng đã từng xuất hiện trong kinh Coran và những tài liệu của người Do Thái.

Nhang là một loại nhựa lấy từ vỏ cây, loại Boswellia (được gọi là nhũ hương) mọc ở các khu vực quanh biển Đỏ và vịnh Aden, và được sử dụng từ hơn 6.000 năm nay trong mọi nền văn minh và tôn giáo.

Nhóm nghiên cứu Pháp đã xác định được cấu trúc của hai thành phần nhờ phương pháp cộng hưởng từ hạt nhân (RMN). Đó là hai loại axit 2-octylcyclopropyl và 1-carboxylic được nhóm đặt tên một cách đơn giản hơn là các loại axit olibanic.

Sau đó, họ đã thử nghiệm chất tổng hợp này trong ống nghiệp để chứng minh rằng chúng đồng nhất với các thành phần tự nhiên - hương thơm mà mũi của con người cảm nhận được.

Đây là những thành phần vô cùng mạnh. Chúng góp phần tạo nên mùi thơm của hương. Ngoài ra, còn có một số phân tử dễ bay hơi khác trong loại nhang/hương thô. Nhưng chính những loại axit olibanic giữ được mùi thơm lâu nhất và tạo nên mùi thơm đặc biệt khi đốt.

Switch mode views: