Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Môi trường : Thêm hàng triệu km² biển được bảo vệ

hawai

Một cảnh tại khu bảo tồn biển lớn nhất thế giới "Papahanaumokuakea", Hawai, Mỹ.
Ảnh : Wikipedia

Trong những tháng gần đây, các nỗ lực quốc tế để bảo vệ biển cả đang gia tăng. Hoa Kỳ mở rộng vùng biển phía tây bắc quần đảo Hawai, Thái Bình Dương, thành khu bảo tồn biển lớn nhất thế giới.
 Pháp và Anh –hai cường quốc đại dương - tăng gấp bội diện tích biển được bảo vệ.

Một hội nghị về đại dương (2016 Our Ocean Conference), với sự tham gia của khoảng 90 quốc gia, giới khoa học và nhiều tổ chức phi chính phủ, đã diễn ra trong hai ngày, 15 và 16/09/2016, tại Washington D.C.

 Theo Reuters, tại hội nghị này, hơn 20 quốc gia – trong đó có Hoa Kỳ - tuyên bố lập 40 khu bảo tồn biển mới để bảo vệ đại đương trước các đe dọa của biến đổi khí hậu và ô nhiễm.

 Tại các khu bảo tồn này, hoạt động đánh cá thương mại cũng như việc khoan dầu hay các hoạt động khác của con người bị kiểm soát.
Toàn bộ các khu bảo tồn mới rộng khoảng 1,2 triệu cây số vuông (tương đương hơn một phần ba Biển Đông).
Chiếm 70% diện tích Trái đất và khoảng 80% nhân loại sống tại các khu vực cách bờ biển dưới 100 km, thế như đại dương tương đối ít được chú ý.

 Mối liên hệ giữa sức khỏe của đại dương với biến đổi khí hậu là điều đã được nhiều nhà khoa học chỉ ra, nhưng chỉ đến thượng đỉnh khí hậu COP 21 tại Paris cuối năm ngoái, lần đầu tiên đại dương mới được đưa vào chương trình nghị sự.

Theo Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên Thế giới WWF, các không gian biển được bảo vệ « là một công cụ để phục hồi, bảo vệ và củng cố đa dạng sinh thái, tăng cường khả năng chống chịu và hiệu quả của các đại dương (nói chung) ».

Đại dương là nơi chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường, nhưng cũng là « bộ máy hút nhiệt », hãm mức tăng nhiệt độ của Trái đất.
Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, đại dương đang rơi vào tình trạng quá tải trên nhiều phương diện.

Mỹ lập khu bảo tồn đầu tiên tại Đại Tây Dương

Trong bài phát biểu tại hội nghị Washington, tổng thống Mỹ Barack Obama nhấn mạnh đến việc con người đã khai thác và đòi hỏi quá nhiều từ đại dương, trong khi đó nỗ lực bảo vệ biển hoàn toàn không tương xứng với các thách thức.

Tổng thống Mỹ tuyên bố lập một khu bảo tồn biển đầu tiên của Hoa Kỳ tại Đại Tây Dương, với diện tích 12.700 km², ngoài khơi tiểu bang New England, đông bắc nước Mỹ, một khu vực nổi tiếng với các rặng núi hay hẻm núi ngầm.

Nhiều loại động vật như cá voi, rùa biển hay san hô nước sâu là đối tượng được bảo vệ hàng đầu. Bốn rặng núi ngầm tại vùng biển này là nơi ẩn náu của nhiều loài sinh vật quý hiếm, có nguy cơ diệt vong.

Tại hội nghị về đại dương thế giới, nhà tranh đấu môi trường, tài tử điện ảnh Leonardo DiCaprio đã giới thiệu một phần mềm miễn phí trên mạng, được sử dụng để theo dõi các hoạt động đánh cá trên toàn thế giới.

Chương trình « Global Fishing Watch» cho phép công chúng theo dõi trực tiếp hoạt động đánh bắt hải sản của khoảng 35.000 tàu cá công nghiệp (trên tổng số 1,3 triệu chiếc).
Theo những người khởi xướng, mục tiêu của phần mềm này là cổ vũ cho việc chống lại các hoạt động đánh bắt hải sản bất hợp pháp, khai thác cạn kiệt cũng như việc phá hủy nơi trú ẩn của các sinh vật biển.

Theo tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO), hiện nay khoảng một phần ba trữ lượng cá biển đang bị khai thác quá mức. Hơn 90% vùng đánh bắt bị khai thác tối đa.

Khu bảo tồn lớn nhất thế giới ở Thái Bình Dương

Hồi giữa tháng 8/2016, ít tháng trước khi hết nhiệm kỳ, tổng thống Mỹ quyết định mở rộng gấp bốn lần diện tích khu bảo tồn biển tại Hawai, được tổng thống Bush (con) thành lập năm 2006.

Khu bảo tồn mang tên « Papahanaumokuakea », vốn được dùng để chỉ vùng biển gồm 10 hòn đảo không người ở nằm ở phía tây bắc tiểu bang Hawai, được UNESCO xếp hạng di sản nhân loại. « Papahanaumokuakea » là khu bảo tồn biển đứng đầu thế giới về diện tích.

Khu bảo tồn « Papahanaumokuakea » từ nay rộng tới 1,5 triệu km², là nơi trú ẩn của khoảng 7.000 loài sinh vật biển, trong đó có cá voi xanh, chim hải âu đuôi ngắn hay các loài hải cẩu, cùng với loài san hô đen có tuổi thọ 4.500 năm, cao nhất thế giới.

Việc đánh cá thương mại sẽ hoàn toàn bị cấm tại khu vực rộng gấp hai lần tiểu bang Texas này. Khu bảo tồn « Papahanaumokuakea » trở thành vùng biển được bảo tồn rộng nhất thế giới.

Theo tổng thống Mỹ, khu vực bảo tồn mở rộng nằm giữa Thái Bình Dương này sẽ cho phép nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu đến các hệ sinh thái trong lòng biển.
Kể từ khi lên nằm quyền năm 2009, Barack Obama đã có các nỗ lực bảo vệ đại dương được đánh giá là vượt bậc, so với những người tiền nhiệm, dựa trên bộ luật Antiquities Act, được Theodore Roosevelt ký năm 1906.

amp hawaimap


Khu bảo tồn biển lớn nhất thế giới "Papahanaumokuakea" tại chuỗi đảo không người ở Thái Bình Dương, thuộc Hawai, Mỹ.
Ảnh : Wikipedia



Pháp và Anh tăng gấp bội vùng biển được bảo vệ

Cũng tại hội nghị tại Washington về đại dương, Anh Quốc tuyên bố sẽ tăng gấp đôi diện tích biển được bảo vệ tại các lãnh thổ hải ngoại.

Các đảo Pitcam (Thái Bình Dương), Saint Helene và Ascencion (Đại Tây Dương) nằm trong các vùng được bảo vệ. Cụ thể là, Luân Đôn sẽ cấm đánh bắt cá tại các diện tích biển rộng khoảng 1 triệu km².

Về phần mình, Pháp khẳng định đã tăng gấp hơn 4 lần diện tích biển được bảo vệ trong vòng hai năm trở lại đây, với 21% (trên tổng diện tích hơn 4 triệu km²).

Cũng tại Washington, Pháp cùng Maroc và Monaco khởi động chương trình chống vứt túi nylon xuống Địa Trung Hải, một nguồn gây ô nhiễm nghiêm trọng đối với các hệ sinh thái tại vùng biển kín này.

Sáng kiến Địa Trung Hải

Kế hoạch bảo vệ Địa Trung Hải theo sáng kiến của Pháp và Maroc - được 11 quốc gia trong số 21 quốc gia ven bờ ủng hộ - có mục tiêu giảm nước ô nhiễm, rác thải công nghiệp, tăng cường phát triển các năng lượng tái tạo tại các đảo nhỏ, và cổ vũ phát triển các vùng được bảo vệ trên toàn bộ khu vực Địa Trung Hải, một vùng biển hết sức phong phú về tài nguyên, sinh thái, nhưng cũng bị đe dọa hàng đầu.

Pháp dự kiến sẽ có một hội nghị nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ toàn bộ 21 quốc gia ven bờ Địa Trung Hải vào tháng 1/2017, để thúc đẩy dự án này, với hy vọng biến vùng biển Địa Trung Hải lịch sử trở thành « không gian du lịch số một thế giới ».

Chạy đua với thời gian

Các nỗ lực bảo vệ đại dương gia tăng trong bối cảnh mức tăng nhiệt độ trên Trái đất được ghi nhận là diễn ra nhanh chóng.
Tháng 8/2016 được coi là tháng tám nóng nhất từ 137 năm nay, theo cơ quan đại dương và khí quyển Mỹ NOAA (nhiệt độ tăng vọt năm nay, một phần là do hiện tượng El Nino).

Nhiệt độ trung bình trên bề mặt đại dương tháng 8 năm nay cao hơn 0,77 °C so với mức trung bình của thế kỷ XX, mức tăng cao thứ nhì từng đo được.
Các nhà khoa học dự báo đến 2030, Bắc Cực sẽ không còn phủ kín băng vào mùa hè. Và điều này sẽ để lại những hệ quả vô cùng lớn đối với khí hậu ở các khu vực phía nam.

Cộng đồng quốc tế cũng đang nỗ lực để thỏa thuận hạn chế biến đổi khí hậu được thông qua tại Paris cuối năm ngoái, nhanh chóng có hiệu lực.
Tại diễn đàn Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc hôm qua, tổng thống Hoa Kỳ kêu gọi các quốc gia khẩn trương thực thi các cam kết, để các thế hệ tiếp theo không phải gánh chịu các hệ quả nặng nề như « làn sóng di cư tăng vọt, đô thị quá đông người, dự trữ thực phẩm cạn kiệt và xung đột bùng phát do tuyệt vọng » .

Thỏa thuận COP21 hạn chế biến đổi khí hậu, ở mức không quá 2°C, phải được ít nhất 55 quốc gia chịu trách nhiệm 55% khí thải gây hiệu ứng nhà kính thông qua để có hiệu lực.

Đầu tháng 9/2016, Mỹ và Trung Quốc - hai quốc gia chịu trách nhiệm hơn 40% khí thải toàn cầu - đã phê chuẩn thỏa thuận.

Switch mode views: