Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Giải mã chiến lược Biển Đông của Mỹ thời “hậu phán quyết PCA”

chienluoc B2

Oanh tạc cơ chiến lược B2 của Mỹ có khả năng mang theo cả bom thường lẫn bom nguyên tửU.S. Air Force/Bobbie Garcia

Kể từ lúc Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye PCA phán quyết hôm 12/07/2016 rằng yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên hầu như toàn bộ Biển Đông không có cơ sở pháp lý, Bắc Kinh đã liên tục có những hành vi hù dọa và thị uy, cả bằng lời lẽ lẫn hành động thực tế.

 Trong bối cảnh đó, Washington đã có những phản ứng khác nhau, về ngoại giao thì chủ trương hòa hoãn, nhưng về quân sự thì tiếp tục tăng cường lực lượng qua vùng châu Á-Thái Bình Dương.

Về các hành vi hù dọa của Trung Quốc, giới quan sát đã ghi nhận những cuộc tập trận liên tiếp của Hải Quân Trung Quốc tại vùng Biển Đông, và nhất là hai phi vụ diễn tập “tuần tra tác chiến” trên không phận Biển Đông, đặc biệt là trên vùng quần đảo Trường Sa, và bãi cạn Scarborough, hai nơi được nhắc đến trong phán quyết phủ nhận chủ quyền lịch sử của Trung Quốc.

Còn trên phương diện ngoại giao, Bắc Kinh không từ một thủ đoạn nào để ép các nước khác không đòi Trung Quốc tôn trọng phán quyết của Tòa Trọng Tài La Haye, thậm chí không nhắc đến văn kiện này.

Mỹ đối với Trung Quốc : Mềm về ngoại giao, cứng về quân sự

Trước những hành vi nói trên của Bắc Kinh, Hoa Kỳ đã có những phản ứng mềm mỏng khác thường, nhất là trên bình diện ngoại giao, chẳng hạn như không can thiệp nhiều tại các diễn đàn ASEAN khi Trung Quốc tăng sức ép bịt miệng khối Đông Nam Á trên vấn đề phán quyết Biển Đông, hoặc liên tiếp cử phái viên cao cấp đến Bắc Kinh như cố vấn an ninh quốc gia Susan Rice hay tư lệnh Hải Quân John Richardson.

Tuy nhiên, trên hiện trường châu Á, các giới chức quân sự Mỹ vẫn năng nổ hành động, với những tuyên bố cứng rắn của giới lãnh đạo Hải Quân, và nổi bật nhất là việc điều hai loại oanh tạc cơ chiến lược tối tân nhất của không lực Mỹ hiện nay là B1 và B2 đến đảo Guam, ngoài khơi Philippines.

Giới chức không quân Mỹ nêu lý do tình hình bán đảo Triều Tiên và các đe dọa đến từ Bình Nhưỡng, nhưng các nhà quan sát đều ghi nhận sự kiện các oanh tạc cơ này được bố trí sát cạnh Biển Đông, nơi Không Quân Trung Quốc càng lúc càng diễu võ giương oai.

Gs Nguyễn Mạnh Hùng: B1 và B2 đến Guam để thị uy và răn đe

Để hiểu rõ thêm về chiến lược Biển Đông của Mỹ sau khi Trung Quốc bị trúng một ngón đòn pháp lý cực mạnh của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye, RFI đã phỏng vấn giáo sư chính trị học Nguyễn Mạnh Hùng thuộc trường Đại Học George Mason, tiểu bang Virginia (Hoa Kỳ), một quan sát viên kỳ cựu về quan hệ Mỹ-Châu Á và Biển Đông.

Trả lời phỏng vấn của Ban Việt Ngữ RFI, giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng trước hết ghi nhận tính chất thị uy mạnh mẽ của việc Hoa Kỳ quyết định điều loại oanh tạc cơ tối tân nhất của mình qua đảo Guam.

Một trong những mục tiêu hiển nhiên là răn đe Trung Quốc, cảnh cáo nước này là không nên thiết lập một vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông như từng làm trên Biển Hoa Đông.
Phản ứng tức tối sau phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye, Bắc Kinh từng dọa là sẽ tuyên bố vùng phòng không trên Biển Đông.

Nguyễn Mạnh Hùng: … Răn đe là vì sau phán quyết đó, Hoa Kỳ đã lên tiếng khuyến cáo tất cả các quốc gia là đừng có thêm hành động leo thang, và phải tuân thủ luật quốc tế, nhất là tuân thủ phán quyết của tòa án.
Hoa Kỳ cũng không muốn Trung Quốc tiếp tục có những hành động đơn phương lấn lướt…

Điểm quan trọng thứ hai là Mỹ rất quan tâm đến việc Trung Quốc có khả năng lập ra một vùng nhận dạng phòng không.
Mỹ cũng đã cảnh cáo Trung Quốc là không nên tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông.

Tuyên bố kết thúc cuộc thảo luận chiến lược tay ba Mỹ-Úc-Nhật ở Vientiane ngày 25/07 vừa qua, nhân hội nghị ngoại trưởng ASEAN, cũng nhấn mạnh đến quyền tư do lưu thông hàng hải và hàng không, tức là chống việc tuyên bố vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông.

Việc điều oanh tạc cơ B1 và B2 đến sát vùng Biển Đông thể hiện một quan điểm cứng rắn của giới chức quân sự Hoa Kỳ.
Điều đó có phần đối lập với đường lối ngoại giao có vẻ hòa dịu mà Mỹ đang áp dụng đối với Trung Quốc hiện nay.

Tuy nhiên, theo giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, các động thái của giới quân đội, và đường lối ngoại giao mềm dẻo của Washington hiện nay không hề mâu thuẫn với nhau:

Nguyễn Mạnh Hùng: Khác biệt trong tuyên bố của giới lãnh đạo quân đội Mỹ, nhất là giới lãnh đạo Hải Quân, với những tuyên bố của Nhà Trắng là điều rất dễ hiểu. Phía Hải Quân chỉ nói để nói thôi, còn phía Nhà Trắng nói thì phải làm, nên họ có thể dùng ngôn từ ngoại giao hơn.

Riêng về phía quân đội Mỹ, họ rất quan tâm đến nhu cầu phải có ngân sách đầy đủ để phục vụ chính sách xoay trục và họ cũng muốn thực hiện các cuộc tuần tra bảo vệ tự do hàng hải (FONOPS) một cách mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn.
Do vậy, những tuyên bố gần đây của họ phản ảnh ý hướng đó.

“Hoa Kỳ không muốn làm cho Trung Quốc mất mặt công khai”

Ngược lại, Nhà Trắng phải thận trọng hơn trong tuyên bố vì phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực đã là một thất bại pháp lý và ngoại giao của Trung Quốc.

Một học giả thuộc Council on Foreign Relations có nói là bây giờ Trung Quốc thua rồi nên họ có thể hung hăng và nguy hiểm hơn.
Thành ra chính quyền Hoa Kỳ không muốn làm cho Trung Quốc mất mặt công khai, khiến họ phải phản ứng mạnh.

Nhưng điều này không có nghĩa là chính quyền Mỹ hòa hoãn. Qua đường lối ngoại giao kín đáo (quiet diplomacy), chính quyền Obama đã có những tín hiệu rất rõ cho Trung Quốc là không nên đi quá mức, nhất là trong việc xây dựng và quân sự hóa bãi Scarborough vì hai lý do:
 (1) Phán quyết của Tòa Trọng Tài nói rõ rằng Scarborough nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines;
(2) Bãi Scarborough có ý nghĩa chiến lược rất quan trọng vì rất gần Subic Bay – chỉ cách khoảng 130 hay 140 hải lý – tức là gần căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ ở đấy.
Thành ra Hoa Kỳ không muốn căn cứ của họ bị vulnerable – dễ bị tổn thương (tức là bị đe dọa) từ phía lực lượng Trung Quốc.

Chính vì tầm quan trọng này mà chính tổng thống Obama đã nói thẳng với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhân cuộc họp thượng đỉnh về an ninh nguyên tử tháng Ba 2016 rằng việc xây cất trên đá Scarborough sẽ có “hậu quả nghiêm trọng”.
 Tóm lại Mỹ không hề hòa hoãn mà đã có thái độ rất rõ ràng.

Mỹ dứt khoát bảo vệ tự do lưu thông hàng hải

Chính sách của Mỹ, theo giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng là không muốn để xẩy ra đụng độ không cần thiết với Trung Quốc, và khuyến khích Trung Quốc trở thành một cường quốc có trách nhiệm. Mỹ thực hiện một chính sách ngoại giao mềm dẻo để đạt mục đích này.

Nguyễn Mạnh Hùng:Nếu bị mất mặt, Trung Quốc có thể bị bắt buộc phải phản ứng mạnh.
 Nếu họ không mất mặt thì (vấn đề) may ra có thể có triển vọng giải quyết.

Ngay sau khi có phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực, Mỹ đã cử bà cố vấn an ninh quốc gia là Susan Rice đi Bắc Kinh để yêu cầu Trung Quốc đừng leo thang thêm.
Gần như cùng một lúc, đô đốc Tư Lệnh Hải Quân Mỹ Richardson cũng được cử đi Trung Quốc để - như lời ông ấy nói – “tăng cường hiểu biết và trao đổi giữa Hải Quân hai nước”.

Nhưng cùng lúc đó, ông Richardson cũng nói là việc bảo vệ tự do lưu thông hàng hải là chính sách dứt khoát của Mỹ và Washington không nhân nhượng trên vấn đề này.
Thành ra mình thấy hai đường: một mặt là ngoại giao mềm dẻo, một mặt khác là phát ra những tín hiệu chắc chắn, và Mỹ cũng có những động thái để ngăn chặn những động thái lấn lướt sắp tới của Trung Quốc nếu họ muốn tiến tới.

Ví dụ, ngay sau khi phán quyết được công bố ngày 12/07/2016, những ngày sau, liên tiếp đã có một số những thông cáo, nào là của đảng Dân Chủ ở hai viện Quốc Hội Mỹ, nào là tuyên bố của chủ tịch Ủy Ban Ngoại Giao, Ủy Ban Quốc Phòng, rồi tuyên bố chung của ông John McCain với ông Dan Sullivan…

Đấy là những hành động thể hiện sự đồng thuận lưỡng đảng cũng như của cả hai viện Quốc Hội Mỹ, nói lên quan tâm của họ đối với phán quyết của Tòa Thường Trực, mà họ yêu cầu là phải tuân thủ.

Shamefare, lawfare và… warfare

Nhìn chung, theo giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, chiến lược Biển Đông của Hoa Kỳ sau khi yêu sách chủ quyền quá đáng của Trung Quốc tại Biển Đông bị phán quyết PCA phủ nhận, có thể được tóm gọn trong những điểm sau:

(1) Phát động chiến dịch tuyên truyền ủng hộ phán quyết của quốc tế, gây áp lưc buộc Trung Quốc tuân thủ và giải quyết tranh chấp trên căn bản luật quốc tế và tương nhượng lẫn nhau;

(2) Tăng cường hiện diện quân sự, phát triển quan hệ quốc phòng với đồng minh và đối tác nhằm tạo nên một cán cân lực lượng thuận lợi ở Châu Á-Thái Bình Dương;

(3) Kín đáo tăng cường số lượng và mức độ của các cuộc tuần tra bảo vệ an ninh hàng hải và hàng không, căn cứ phần nào vào kết quả của phán quyết;

(4) Phối hợp với các đồng minh, chuẩn bị đối đầu với các hành động lấn lướt của Trung Quốc;

(5) Cương quyết không cho Trung Quốc quân sự hóa đá Scarborough.

(6) Thông báo rõ cho Trung Quốc biết đâu là quyền lợi và phản ứng của Mỹ trước khi Trung Quốc hành động.

Switch mode views: