Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Nước Anh : Một ngày trước quyết định đi hay ở lại với châu Âu

britain-eu 6

Một cuộc biểu tình của phe ủng hộ Brexit, Luân Đôn, ngày 04/06/2016.
REUTERS/Neil Hall

Sáng ngày mai, 23/06/2016, nước Anh bắt đầu cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý xem muốn ở lại hay rời khỏi Liên hiệp châu Âu, gọi tắt là cuộc bỏ phiếu "Brexit", mà phiếu thuận sẽ là ra đi, còn phiếu chống thì là ở lại với khối liên hiệp kinh tế xã hội mà Anh Quốc đã là thành viên từ gần nửa thế kỷ qua.

Từ Luân Đôn, thông tín viên Lê Hải cho biết :

Xu hướng nào hiện đang chiếm ưu thế ?
Đây là đêm cuối cùng để mỗi người Anh suy nghĩ tính toán cho rốt ráo rồi ra quyết định về một chuyện mà tầm ảnh hưởng của nó bao gồm cả nền kinh tế toàn cầu.
 Từ mấy ngày nay một số ngân hàng đã tính đến chuyện tích trữ tiền mặt để đối phó với tâm lý của đám đông muốn rút tiền mặt, theo ghi nhận của một số bài báo.
Điều đó hoàn toàn có thể xảy ra vì tự động ngay sau ngày nước Anh bỏ phiếu rút khỏi Liên Hiệp Châu Âu thì có rất nhiều điều luật về tài chính châu Âu tự động mất hiệu lực và khi các nước chưa kịp đàm phán lại thì các ngân hàng nước ngoài đang kinh doanh ở Anh bỗng nhiên giống như là bị rút giấy phép, hay bị mất nguồn bảo chứng tín dụng từ các chính phủ.

Nhiều ngành nghề kinh doanh khác cũng tương tự như vậy, cho nên có khá nhiều lãnh đạo doanh nghiệp lớn ở khu tài chính Luân Đôn lên tiếng phản đối Brexit và lên báo giải thích cũng như là vận động người dân Anh hãy bỏ phiếu ở lại với châu Âu.

Tuy nhiên, nhóm người đòi Brexit cũng rất mạnh cả về chính trị như các nghị sĩ quốc hội, lẫn về tài chính như báo cáo mới gần đây cho thấy có người đã tặng cho ban vận động hàng trăm ngàn bảng Anh để kêu gọi dân Anh từ bỏ EU.

Tối hôm thứ Hai vừa rồi thủ tướng David Cameron đã phải lên truyền hình trả lời chất vấn của khán giả và phải dùng đến những khái niệm như nền dân chủ và hình ảnh Churchill quyết định liên kết với châu Âu chống phát xít để kêu gọi người dân tiếp tục đi chung con đường với EU.

Có vẻ như những lời kêu gọi đó phần nào có tác động vì cuối tuần trước tỷ lệ người muốn ra đi nhiều hơn 6% nhưng giờ đây theo thăm dò mới nhất vào hôm nay trên tờ Financial Times thì số người ở lại có phần thắng thế 1%.

Hiện tại người ta ghi nhận một hiện tượng khá lý thú là biểu đồ dư luận lần này khá giống với phản ứng của dư luận xứ Scotland trong cuộc trưng cầu dân ý đòi tách khỏi Vương quốc Anh.

Xu hướng rời bỏ lên cao đến hết mức rồi bỗng nhiên giảm nhanh trong những ngày cuối, có thể là do những người hăng hái muốn ra đi lại sợ hãi trước viễn cảnh đó là trong chốc lát quyết định ngồi lại.

Và có thêm một điều nữa là bất kể kết quả là ra sao thì đang có một nhóm nghị sĩ khá đông từ cả hai đảng lớn ở Anh muốn sớm giải tán quốc hội và tổ chức bầu cử lại để cho người dân chọn lựa lại chính phủ mới.
 Đó cũng là rút kinh nghiệm từ cuộc trưng cầu dân ý ở Scotland đã làm thay đổi hoàn toàn cơ cấu chính trị ở đó.

Về phía phe ủng hộ Anh ra khỏi châu Âu, luận điểm nào được coi là nặng ký nhất ?
 Còn về phía muốn Anh ở lại châu Âu ?

Có lẽ khó mà nêu ra được một điểm cụ thể nào để mô tả một cách đơn giản nhất về các lập luận xoay quanh vấn đề Brexit.

Ví dụ như sáng nay tờ nhật báo Daily chạy luôn bài phân tích nêu ra 20 lý do tại sao cần phải bỏ phiếu để chia tay Liên Hiệp Châu Âu, bắt đầu từ vấn đề quyền tự chủ cho đến di dân và các khoản đóng góp nhiều vô kể mà nước Anh phải bỏ ra để các nước thành viên khác hưởng lợi.

Cách đây vài tuần thì người ta còn phân chia rõ ràng thành từng vấn đề một, nhưng cho đến lúc này thì các cuộc tranh luận đã vô cùng tản mác và mỗi người tự đặt ra thêm cho mình những câu hỏi khác.

Một trong số những doanh nghiệp kiếm được nhiều tiền nhất trong dịp này là các công ty cá cược.
Từ tỷ lệ cá cược thì có thể phần nào đoán được tâm lý của người dân.

Hãng Ladbrokes nói có đến 82% khả năng là nước Anh sẽ ở lại cho nên đưa ra tỷ lệ 2 ăn 9, và trong vòng 24 giờ đồng hồ qua 95% người vào đặt tiền đánh cá cho vụ Brexit là chọn cửa ở lại.

 Với hãng Betfair thì đa số người cá cược bắt khả năng có từ 50-55% người bỏ phiếu sẽ chọn quyết định ở lại với Liên hiệp châu Âu, và có người dám bỏ ra 315.000 bảng tức gần nửa triệu đô-la Mỹ để chọn cửa này.

Tuy nhiên, cũng cần chú ý rằng cá cược chỉ ghi nhận sự quan sát cục bộ của người đánh cá, hay ý kiến chủ quan của họ.

 Tương tự vậy, thăm dò dư luận là do người đặt câu hỏi chủ động liên lạc với người được hỏi. Trong khi đi bỏ phiếu thì lại phải mặc quần áo chỉnh tề, ra khỏi nhà, đi bộ hay đi xe tới điểm bỏ phiếu, một việc mà không phải ai cũng thích làm hay có nhiều thời giờ rảnh để chính thức ghi nhận ý kiến của mình.
Như vậy, nếu số người muốn nước Anh ở lại Liên Hiệp Châu Âu ngang bằng, nhưng họ lại không tích cực đi bỏ phiếu bằng số người muốn Brexit, thì kết quả cũng sẽ không giống với dự báo.

Cho nên ngày mai có lẽ sẽ là một ngày rất dài cho nước Anh, rất căng thẳng, bất kể là người theo dõi đứng vào phía nào, và cũng đầy hào hứng đối với người quan sát viên từ bên ngoài.

Vụ nữ dân biểu Jo Cox bị sát hại có ảnh hưởng như thế nào đến định hướng của cử tri ?

Cái chết của nghị sĩ nhiệt thành ủng hộ cho Liên Hiệp Châu Âu, bà Jo Cox, đã tạo ra một cơn sóng về tình cảm trong dư luận, nhưng hiện tại người ta cũng không còn nhắc nhiều đến vấn đề này.

Nhìn chung, người Anh có tập quán văn hóa không dùng câu chuyện về một người vừa mất, vẫn còn đang trong lúc tang, để đưa ra các lập luận về chính trị, ngoại trừ tuyên truyền của một số thành phần cực hữu, là nếu Anh Quốc vẫn tiếp tục ở lại trong Liên Hiệp Châu Âu thì sẽ có chuyện những người bất thường như vậy sang đây để gây án, hoặc làm những chuyện phá hoại xã hội.

Có một điều đáng chú ý là đa số những người mà bản thân tôi có quan hệ, nếu là dân nhập cư nay trở thành công dân Anh và có quyền bỏ phiếu, thì đều nói họ muốn rút khỏi châu Âu, và lý do hầu hết đều là vì không muốn phải đóng thuế quá cao để nuôi những người nghèo từ châu Âu sang ăn bám.

Trong khi đó, cũng có rất đông người từ Liên Hiệp Châu Âu đã sống và làm việc nhiều năm ở nước Anh, đã gắn bó với mảnh đất này giống như người sở tại, nhưng lại không có quyền bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý này, mà tính riêng người Ba Lan thì cũng có từ vài trăm ngàn cho đến một triệu rưỡi người đang trong tình trạng như vậy.

 Nhiều người lo lắng sẽ phải xin giấy phép lao động sau ngày nước Anh rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu, hay phải tốn thời gian và tiền bạc cho nhiều loại thủ tục giấy tờ khác, cũng như là quyền lợi về kinh tế và xã hội cho con cái, sinh ra và đang lớn lên ở đây.

Đó sẽ còn là một câu chuyện dài cần phải giải quyết sau ngày trưng cầu dân ý.

Switch mode views: