Du lịch Việt Nam vẫn thiếu sức cạnh tranh trong khu vực
- Thứ Tư, 06 tháng Tư năm 2016 16:41
- Tác Giả: Thu Hằng
Hang Sơn Đoòng nằm tại xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, Việt Nam là hang động tự nhiên lớn nhất thế giới.CC / cameralabs.org
Du lịch Việt Nam chưa đủ sức cạnh tranh trong khu vực vì thiếu ba yếu tố : mua sắm rẻ, chỗ nghỉ ngơi và hàng không giá rẻ.
Trên đây là nhận định của đại diện công ty Mékong Villages, đơn vị Việt Nam duy nhất tham gia “Hội Chợ Du Lịch Quốc Tế” (Salon Mondial du Tourisme) được tổ chức vào tháng Ba hàng năm tại Trung tâm Triển lãm Paris.
“Hội chợ Du lịch” là sự kiện quan trọng nhất trong năm tại Pháp giúp các công ty lữ hành, văn phòng du lịch gặp gỡ trực tiếp và thu hút khách hàng.
So với những năm trước, hội chợ lần thứ 41 năm 2016 được đánh giá là thành công nhờ số lượng khách thăm quan tăng đột biến do kết hợp với hội chợ “Điểm Đến Thiên Nhiên” (Destination Nature).
Đại diện công ty Mékong Villages cũng kỳ vọng sẽ nhận được phản hồi tích cực và thu hút được nhiều khách hàng sau hội chợ lần này. Anh nhận xét :
« Khách du lịch tới Việt Nam thường đi theo loại hình du lịch khám phá, cho nên họ chỉ đi một lần. Sau đó, nếu quay lại khu vực, họ sẽ đến một địa điểm khác đi một chút. Ví dụ, sau khi đi Việt Nam rồi, họ đi thêm Lào, Cam Bốt ».
Theo thống kê mới được công bố vào tháng 03/2016, các cuộc khủng bố xảy ra trong thời gian gần đây tại khu vực Trung Đông, châu Âu, Bắc Phi đã khiến khách du lịch thay đổi thói quen. Họ cần những khu nghỉ dưỡng mới, đẹp, giá cả phải chăng và được đảm bảo an ninh.
Các địa điểm du lịch tại châu Âu được ưa chuộng trong kỳ nghỉ hè 2016 sẽ là Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha ; tại châu Mỹ là Cuba ; còn tại châu Á là Thái Lan với dự đoán lượng khách sẽ tăng hơn 53%.
Vậy ngành du lịch Việt Nam có hy vọng thu hút thêm được khách trong bối cảnh quốc tế hiện nay ?
« Nói chung là, khách mà nghĩ tới Việt Nam thì thường cảm thấy yên tâm. Trước đây, nghĩ tới Việt Nam là nghĩ tới chiến tranh nguy hiểm không dám đi. Nhưng bây giờ, tiếng lành của Việt Nam là rất tốt.
Ví dụ, có khách đang đứng hỏi thông tin, thì có khách đi ngang quá nói : “Việt Nam tuyệt vời, rất là an toàn và cứ đi”.
Đương nhiên hiện nay có một số địa điểm người ta không tới được, thì Việt Nam tất nhiên cũng sẽ tận dụng được một ít. Còn để tăng được như các nước trong khu vực thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố (yếu tố an ninh chỉ tác động một phần) ».
Ba yếu tố khiến du lịch Việt Nam vẫn thiếu sức cạnh tranh trong khu vực
Ngành du lịch của các nước trong khu vực như Malaysia, Indonesia, Thái Lan rất phát triển và nổi tiếng thế giới.
Việt Nam cũng nổi tiếng về những thắng cảnh và bãi biển đẹp, song dường như vẫn chưa thể cạnh tranh được với ba nước trên.
Vậy Việt Nam hơn gì và kém gì so với các nước trong khu vực ?
« Thực ra các nước xung quanh mình tiếp nhiều khách hơn, thì có số lượng khách quay lại nhiều. Không phải Việt Nam mình du lịch tệ mà người ta không quay lại. Cũng vẫn còn các vấn đề linh tinh như giật túi, nhưng đó không phải là vấn đề.
Cái chính là người ta quay lại những nước đó là vì mua sắm rẻ, thứ nhì là có chỗ nghỉ ngơi, thứ ba là hàng không giá rẻ. Ba lý do này cực kỳ quan trọng.
Tại vì, anh chị cứ tưởng tượng là mình đi một nước rồi, có phong cảnh đẹp, thì mình cũng chỉ đi có một lần thôi. Ngắm cảnh, chụp hình, khám phá dân tộc, người ta biết rồi. Thế giới có hàng trăm địa điểm để đi chứ đấu phải có mỗi nước đó mà đi tới đi lui nhiều lần.
Người ta chỉ quay lại vì một số lý do. Thứ nhất là do quá yêu nước đó. Mình có nhiều khách quay lại Việt Nam do quá yêu Việt Nam, có liên hệ ở đó nên quay lại, hoặc chỉ đơn thuần là tình yêu thôi.
Mình làm du lịch chuyên nghiệp, nên không chờ đợi được tình yêu kiểu đó.
Lý do thứ nhì là quay lại để nghỉ ngơi. Nếu như, ở nước đó có bãi biển đẹp và giá rẻ, thì người ta, thay vì đi nghỉ ở một nước nào đó, thì thôi đi Việt Nam nghỉ, hoặc đi Thái Lan nghỉ.
Hoặc thay vì ở châu Âu qua Tây Ban Nha nghỉ, thì thôi người ta đi Việt Nam, có tăng thêm chút xíu, nhưng với điều kiện là chút xíu thôi, chứ tăng nhiều quá, người ta cũng không đi.
Người ta có thể đi Thái Lan, rẻ hơn nhiều. Vé máy bay đi Thái Lan cực kỳ rẻ và các chỗ nghỉ gần biển của Thái Lan cũng cực kỳ rẻ. Vậy thì đâu cần đi Việt Nam làm gì cho mắc tiền.
Mà đi Thái Lan vẫn có phong cảnh lạ và rất hay. Chỉ cần đi một tuần thôi, thì về vẫn có thể kể với bạn bè là đi nghỉ ở Thái Lan, ở châu Á.
Giá ở Thái Lan quá rẻ, còn ở Việt Nam thì giá vẫn rất cao. Cao là do giá vé máy bay cao. Và dịch vụ tại chỗ, khách sạn ở Việt Nam, nhìn chung là vẫn cao.
Lý do thứ ba, ngoài chuyện giá cả, ngoài chuyện tình yêu đất nước, còn phải kể tới tiếng tăm của Việt Nam trên trường quốc tế về mặt nghỉ dưỡng vẫn chưa có.
Khi mình nói Việt Nam có nhiều bãi biển đẹp lắm, thì họ nói : “Ủa, Việt Nam mà cũng có balnéaires (bãi tắm biển) à?” Hoặc có nhiều người, khi nói đến Phan Thiết, họ lại nói : “Ngày xưa tôi cũng đi Phan Thiết rồi, lụp xụp lắm!”.
Bây giờ phát triển quá trời, nhưng không ai biết. Hoặc là Đà Nẵng có nhiều khách sạn 5 sao dọc bờ biển, nhưng mà nhiều người châu Âu không biết. Hoặc là người ta biết nhưng giá lại quá cao.
Cho nên, danh tiếng của Việt Nam về mặt nghỉ dưỡng và mua sắm là hầu như không có tại châu Âu.
Người ta chỉ nghĩ mua sắm và nghỉ dưỡng là Thái Lan. Mua sắm thì là Malaysia, như mua đồ điện tử.
Nhưng đối với người châu Âu, chuyện này không quan trọng lắm. Thường khi người ta nghĩ tới nghỉ ở bãi biển, là nghĩ ngay tới Thái Lan với giá vé máy bay rẻ, hoặc Bali. Đó là những địa điểm nổi tiếng, giá tốt ».
Du lịch trải nghiệm, hình thức ưa chuộng của du khách Pháp ngữ
Công ty tập trung vào loại hình du lịch trải nghiệm và khám phá. Có nghĩa là tập trung vào du khách thích tham quan, khám phá đất nước theo chiều sâu của nó. « Chứ không phải là khách đi chụp hình như khách Việt Nam du lịch nước ngoài thường chụp hình », theo giải thích của nhà đại diện công ty.
« Khách của công ty chủ yếu là khách Pháp, khách Bỉ và khách nói tiếng Pháp, thì người ta thích đi vào lòng của đất nước.
Ngoài những cảnh đẹp chính chụp hình để về khoe với bạn bè, người ta còn muốn xem thử người Việt sống như thế nào, ăn uống thế nào, cách uống rượu ra sao, cách nấu đồ ăn có khác với Pháp hay không, cách nghĩ của người ta về các vấn đề xã hội như thế nào, nhà trên núi được xây ra sao, nhà dưới đồng bằng được làm như thế nào.
Tất cả những chi tiết nho nhỏ về cuộc sống là đối tượng khám phá của người dân châu Âu. Vì mình làm kinh tế, nên mình tập trung vào đối tượng khách của mình thôi.
Khách Việt Kiều ở trong công ty mình cũng có ít lắm. Thường khách Việt Kiều hay đi tự do, về nhà có người thân.
Cũng có một số Việt Kiều hoàn toàn không còn gia đình ở Việt Nam nữa, hoặc là du lịch theo gu của người Pháp luôn, thì mới hợp với chương trình của công ty.
Vì mình bán chương trình đó theo gu của cuộc sống, nếu ai sống ở Việt Nam rồi thì có gì hấp dẫn để khám phá cuộc sống ở Việt Nam đâu. Người ta chỉ thích xem lại kỉ niệm xưa thôi, cái đó thì công ty mình không chuyên ».
Là công ty tư nhân, nên mục đích chính của Mékong Villages tại “Hội Chợ Du Lịch Paris” là thông tin cho khách hàng về những tour du lịch của mình.
Nhưng ba nhân viên tại quầy cũng thường xuyên nói chuyện và cung cấp cho các du khách Pháp những thông tin chung về lịch sử, địa lý, văn hóa và phong tục của Việt Nam.
Điều đáng tiếc là tại một hội chợ có quy mô như vậy, Việt Nam lại chưa có một gian hàng giới thiệu thông tin cho du khách, trong khi đó, một số nước châu Á như Thái Lan, Nhật Bản và Hàn Quốc lập những khu vực trưng bày quy mô, rực rỡ cùng với nhiều hoạt động miễn phí để giới thiệu ẩm thực (bánh xèo) hay trình diễn nghệ thuật và ca múa nhạc.
« Nếu mà cơ quan du lịch Việt Nam có một gian hàng ở đây thì sẽ tốt hơn rất nhiều. Vì mình ở đây, hôm nay là ngày thứ ba, có rất nhiều người tới hỏi thông tin về du lịch Việt Nam, thì họ lại không có.
Người ta vào gian hàng của mình, thì lại tưởng mình là Office de Tourisme (Phòng thông tin du lịch) thì lại cứ hỏi xin bản đồ, có tài liệu gì về Việt Nam, về Lào không. Mình nói không có thì họ cũng hơi bực mình.
Vì mình chỉ là công ty tư nhân, mình chỉ bán tour thôi để mình lấy lại tiền thuê quầy… Mà họ lại chỉ hỏi những thông tin chung chung, mình không giải quyết được.
Đó cũng là hình ảnh của du lịch của Việt Nam mà mình không có cũng hơi dở.
Nhưng mình không rõ cái đó có nằm trong chi phí của tổng cục du lịch Việt Nam hay không. Vì chi phí tại đây khá cao. Một gian hàng lớn có thể lên tới một chục hay hai chục ngàn euro ».
Related news items:
Tin mới
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 09-04-2016 - 10/04/2016 00:36
- Nhật Bản sẽ có xe lửa « tàng hình » vào năm 2018 ? - 10/04/2016 00:22
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 08-04-2016 - 08/04/2016 21:08
- Panama Papers : Bí mật được 400 nhà báo giữ suốt hơn một năm - 08/04/2016 20:16
- Malaysia: Bê bối ngân hàng 1MDB, hàng loạt lãnh đạo quỹ từ chức - 08/04/2016 17:03
- Panama Papers : Trụ sở Liên Đoàn Bóng Đá Châu Âu UEFA bị khám xét - 07/04/2016 21:30
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 07-04-2016 - 07/04/2016 20:17
- Miến Điện : Aung San Suu Kyi chính thức trở thành cố vấn Nhà nước - 07/04/2016 19:04
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 06-04-2016 - 06/04/2016 20:58
- Hoa Kỳ lập trường đại học giả để phá đường dây buôn visa - 06/04/2016 20:43
Các tin khác
- Bắc Kinh gia tăng khống chế Biển Đông với hải đăng Xu Bi - 06/04/2016 16:08
- Indonesia phá nổ tàu cá Việt Nam và Malaysia để thị uy với Trung Quốc ? - 06/04/2016 16:01
- Thủ tướng Iceland từ chức, nạn nhân đầu tiên vụ 'Hồ Sơ Panama' - 06/04/2016 00:46
- Công ty Mossack Fonseca : Xưởng rửa tiền của thế giới - 06/04/2016 00:30
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 05-04-2016 - 05/04/2016 22:21
- « Panama Papers » : Trung Quốc ngăn báo chí đưa tin - 05/04/2016 19:04
- Năm 2015 : Chi tiêu quân sự thế giới tăng trở lại, đặc biệt là châu Á - 05/04/2016 18:09
- Nông dân Thái phản đối công ty Trung Quốc - 04/04/2016 23:46
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 04-04-2016 - 04/04/2016 18:25
- Việt Nam bắt tàu Trung Quốc ‘xâm phạm chủ quyền’ - 03/04/2016 05:29