Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 05-08-2015

Thế giới đối mặt với rủi ro Trung Quốc

conminh-TQ


Vườn rau mọc lên bên cạnh các tòa nhà mới xây không người mua ở Côn Minh, Vân Nam. Ảnh chụp ngày 05/08/2015.
REUTERS/Wong Campion



Liên quan đến châu Á, nhật báo Le Monde trong bài viết mang tựa đề « Thế giới trước mối nguy Trung Quốc » nhận định việc nền kinh tế khổng lồ châu Á bị chựng lại sẽ còn kéo dài, và những nước bị ảnh hưởng nhiều nhất là các quốc gia xuất khẩu nguyên vật liệu.

Một sự sụp đổ gây choáng váng. Trong tháng Bảy, các cổ phiếu Trung Quốc bị sụt giá mạnh nhất kể từ tháng 8/2009.
Chỉ số thị trường chứng khoán Thượng Hải bị giảm đến 15%, mặc cho sự can thiệp liên tục của Nhà nước để cố trấn an. Và theo các nhà kinh tế, xu hướng này còn tiếp tục trong tháng Tám.

Thị trường chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến thụt lùi vào thứ Hai đầu tuần này, lần lượt là 1,11% và 2,72%.
Cổ phiếu sụt giá chỉ là một trong những dấu hiệu cho thấy kinh tế Trung Quốc đang chậm lại. Patrick Artus, kinh tế gia trưởng của Natixis giải thích : « Bắc Kinh run sợ vì các biện pháp để tái thúc đẩy tăng trưởng cho đến nay không còn hữu hiệu nữa ».

Về mặt chính thức, tổng sản phẩm nội địa (GDP) Trung Quốc tăng, ở mức 7,5% trong quý II. Nhưng các chuyên gia cho rằng mức tăng này không vượt quá từ 4 đến 5%. Adam Slater thuộc Oxford Economics dự báo : « Tăng trưởng chỉ vào khoảng 5% trong những năm tới, kém xa mức 10% trước khủng hoảng ».
Đối với các nhà phân tích của Natixis, trong thập kỷ tới tăng trưởng Trung Quốc sẽ sụt xuống còn 3%.

Theo chỉ số PMI do cơ quan Markit công bố hôm 3/8, sản xuất công nghiệp Trung Quốc trong tháng Bảy đạt mức thấp nhất kể từ hai năm qua.

Lý do của tình trạng tăng trưởng chậm lại, trước hết là cơ cấu. Ông Jean-Joseph Boillot, chuyên gia về Trung Quốc và là cố vấn của câu lạc bộ Cepii giải thích : « Tăng trưởng mạnh vào đầu thập kỷ liên quan đến hiệu quả về dân số ». Đi lên cho đến nay, nhờ xuất khẩu và đầu tư, nền kinh tế Trung Quốc đang hướng về một mô hình khác cân bằng hơn, dựa trên tiêu dùng. Và điều này lại diễn ra lúc kho lao động của Trung Quốc bị thiếu hụt, do hiện tượng lão hóa dân số.

 Lương bình quân tăng (11,6% một năm trong 10 năm qua) cũng làm giảm tính cạnh tranh trong xuất khẩu.
« Trước sự thay đổi chủ chốt này, việc kinh tế Trung Quốc khựng lại là điều không thể tránh khỏi ». William de Vijlder và Christine Peltier của ngân hàng BNP Paribas kết luận.

Hậu quả : Các nước xuất khẩu nguyên liệu thiệt thòi nhất

Hậu quả đối với nền kinh tế thế giới sẽ như thế nào ? Hai nhà kinh tế trên cho rằng : « Khó thể hiểu thấu được, điều này còn tùy thuộc vào các điều kiện đi kèm quá trình hạ cánh này ».
Nếu Trung Quốc suy sụp nặng nề cùng với bùng nổ bong bóng nợ nần của các doanh nghiệp, thương mại thế giới sẽ khựng lại hẳn, đầu tư giảm.

Còn ngược lại, nếu quá trình này diễn ra từ từ, được điều khiển đúng đắn, thì tác động sẽ nhẹ nhàng hơn.
Ảnh hưởng đối với các nước sẽ không giống nhau. Bị thiệt thòi nhiều nhất là các quốc gia cung cấp nguyên vật liệu.

 Để phục vụ nhu cầu cơ sở hạ tầng khổng lồ, Bắc Kinh đã nuốt chửng đến 51% lượng tiêu thụ trên thế giới về than đá, 50% lượng đồng và 11% nhu cầu dầu lửa toàn cầu trong những năm gần đây.
Brazil là nước bị ảnh hưởng nhiều nhất, rồi đến Úc và các nước vùng Vịnh.

Kịch bản tệ hại nhất là khi sự suy sụp của kinh tế Trung Quốc đi kèm với việc Mỹ tăng lãi suất – có thể diễn ra vào cuối năm nay, khiến vốn đầu tư chảy về New York và Washington.
Ông Boillot nhấn mạnh : « Ngược lại, việc giá nguyên vật liệu giảm làm các nước tiêu thụ hưởng lợi, tức hầu hết các quốc gia công nghiệp hóa ».

Điều còn lại là việc giảm giá này có bù đắp được xuất khẩu sang Trung Quốc giảm hay không. Câu trả lời là « không » đối với các đối tác châu Á gần gũi nhất của Bắc Kinh : Hàn Quốc, Singapore, New Zealand, mà giá trị xuất khẩu trên GDP lần lượt là 10,1%, 16,7% và 4,2%.
Khu vực đồng euro và Hoa Kỳ ít bị thiệt hại nhất, vì xuất khẩu sang Bắc Kinh chỉ chiếm 1,5% và 0,7% GDP.

Theo Insee, nếu nhu cầu nội địa Trung Quốc giảm 3 điểm mỗi năm tương đương với Pháp mất đi tối đa 0,1 điểm GDP.
Tương tự đối với Đức, cho dù Trung Quốc là thị trường xuất khẩu đứng thứ ba của nước này.
Sản xuất công nghiệp giảm, nhưng tiêu thụ ở Trung Quốc vẫn duy trì nhờ tiền lương tăng.

Như vậy các tập đoàn nước ngoài trông cậy vào nhu cầu các hộ gia đình Trung Quốc vẫn ít bị thiệt hại, tuy theo ông Slater, « với điều kiện Nhà nước chuyển đổi được mô hình mà không bị trắc trở ».
 Chẳng hạn xây dựng mạng lưới phúc lợi xã hội, để người dân chi tiêu thay vì tiết kiệm.

Kinh tế Trung Quốc chậm lại cũng sẽ làm thay đổi phân bổ sản xuất trên thế giới. Agatha Kratz, chuyên gia về Trung Quốc của cơ quan tư vấn European Council on Foreign Relations nhấn mạnh: « Đã bắt đầu rồi ! Lương tăng khiến các nhà máy Trung Quốc ít tính cạnh tranh hơn đối với các sản phẩm ít giá trị gia tăng ».

Một phần năng lực sản xuất sẽ chuyển dịch sang các nước giá lao động rẻ.
Năm 2010, 40% giày hiệu Nike được làm tại Trung Quốc, còn tại Việt Nam chỉ có 13% nhưng đến năm 2013, tỉ lệ sản xuất tại Trung Quốc giảm còn 30% còn Việt Nam tăng vọt lên 42%.
Khuynh hướng này sẽ tiếp tục, có thể có lợi cho Trung Âu và Đông Âu.

Cùng lúc đó, các nhà máy Trung Quốc không còn muốn chỉ là một mắt xích trong dây chuyền, phải tiếp tục nâng chất. Như vậy có nghĩa Bắc Kinh sẽ ngưng đầu tư ồ ạt ra nước ngoài ?

Theo Le Monde, điều đó chưa hẳn. Bởi vì nếu ban đầu Trung Quốc đầu tư để đảm bảo nguồn cung nguyên vật liệu, thì nay nhằm đưa các nhãn hiệu của mình chiếm lĩnh những thị trường mới và đa dạng hóa đầu tư.

Xe hơi hạng sang Đức, nạn nhân của kinh tế Trung Quốc

« Kinh tế Trung Quốc xuống dốc đe dọa xe hơi hạng sang của Đức », đó là một hậu quả khác, theo Le Monde.
 Lợi nhuận của hãng BMW giảm hẳn, còn Audi lần đầu tiên phải giảm chỉ tiêu đối với thị trường này.

Tập đoàn xe sang hàng đầu thế giới BMW tuy doanh số vẫn tăng 15% nhờ đồng euro giảm giá, nhưng lợi nhuận quý I lại giảm 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
BMW bắt đầu bị ảnh hưởng trước tình trạng kinh tế Trung Quốc chậm lại, và cuộc chiến chống tham nhũng của Bắc Kinh – mà đối tượng thấy rõ là các siêu xe.
Trên đường phố, ít thấy nhưng chiếc xe hơi sang trọng hay xe địa hình, là những kiểu xe lời nhiều nhất, mà thay vào đó là những loại xe có giá rẻ hơn.

Tập đoàn Audi, mà thị trường Trung Quốc chiếm một phần ba doanh số, lại còn khó khăn hơn, và năm nay không thể bán ra 600.000 chiếc xe tại đây như dự kiến.
Ngược lại, nhãn hiệu Mercedes lại ăn nên làm ra. Tuy nhiên, đó là do Mercedes chỉ vừa mới ngoi lên, sau nhiều năm xung đột với các nhà phân phối địa phương.

Châu Á không hề rút ra bài học từ Hiroshima

Dành trang nhất cho chủ đề « Hiroshima : Nếu nhân loại quên lãng thì sẽ suy vong » nhân 70 năm ngày Mỹ thả hai quả bom nguyên tử xuống nước Nhật kết thúc Đệ nhị Thế chiến, nhật báo Libération nhận xét, ngược với Nga và Mỹ, các cường quốc châu Á hiện nay lại tìm cách tăng cường năng lực vũ khí hạt nhân.

Bên cạnh lời chứng của ba nhân chứng người Nhật, hãy còn là trẻ con lúc quả bom nguyên tử Mỹ được thả xuống Hiroshima, thông tín viên của Libération tại Vienna và Kyoto cho biết, nếu Matxcơva và Washington giảm số vũ khí hạt nhân từ hai mươi năm qua, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Ấn Độ và Pakistan lại sở hữu gần 400 đầu đạn nguyên tử, so với tổng số 15.850 đầu đạn trên toàn thế giới.

Riêng Bắc Kinh nắm trong tay 260 đầu đạn, nhưng không ai biết được hiện số lượng này có tăng lên hay không và lô-gic chiến lược như thế nào.
Các chuyên gia cho rằng trong số các cường quốc nguyên tử, Trung Quốc là thiếu minh bạch nhất.

Putin : « Tiên hạ thủ vi cường » ở Gruzia rồi Crimée

Nhìn sang châu Âu, Libération trong bài xã luận mang tựa đề « Bảy năm trước, Putin đã làm một cú nổi bật ở Gruzia », nhắc nhở việc Matxcơva đổ quân sang nước láng giềng, và không hề có ý định tháo bớt gọng kìm đối với quốc gia này.

Thứ Bảy tới là đúng bảy năm, ngày Matxcơva can thiệp quân sự vào Gruzia.
Tuy không sáp nhập Nam Ossetia như sau đó đã làm với Crimée, nhưng Nga đã đặt chân vào lãnh thổ láng giềng, để rồi lưu lại đến nay.

Lần đầu tiên kể từ khi quân Liên Xô vội vã rút khỏi Afghanistan, cũng như rút quân khỏi các nước anh em, ngày 08/08/2008 Matxcơva cho xuất quân khỏi biên giới. Đó là những đội quân được huấn luyện thuần thục, các đơn vị đặc biệt vũ trang đầy đủ, kỷ luật tốt.
Chỉ trong vòng năm ngày, quân Nga đã cắt Gruzia làm đôi, đe dọa thủ đô Tbilissi.

Quá bất ngờ, châu Âu không biết phản ứng thế nào trước một Putin quyết tâm và luôn « tiên hạ thủ vi cường ».
Một số còn nghe theo luận điệu của Putin, rằng Tổng thống Gruzia Mikhail Saakachvili đã khiến gấu Nga tức giận, rằng ông này quá thân Mỹ, quá dân tộc chủ nghĩa.
Số khác chấp nhận ý tưởng Matxcơva có thể lãnh đạo « sân sau » của mình.

Mãi đến năm 2012, Putin mới tiết lộ đã chuẩn bị tấn công quân sự vào Gruzia từ rất lâu.
Còn đối với Crimée, Tổng thống Nga chỉ vài tháng sau là đã nhìn nhận rằng tất cả những người lính không quân hàm quân hiệu xuất hiện tại bán đảo thuộc Ukraina, là đội quân tiền phương của Nga.

Tuy Tổng thống Pháp thời đó là Nicolas Sarkozy đã thành công trong nỗ lực ngoại giao, đạt được ngưng bắn dù quân Nga đang đe dọa thủ đô Tbilissi; nhưng phía Nga khi ký không hề ghi câu tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ Gruzia.

Việc Nga công nhận Nam Ossetia hai tuần sau đó (và Abkhazia, lãnh thổ tự trị khác của Gruzia) đã gióng lên hồi chuông báo tử cho mọi thương lượng tương lai về hai lãnh thổ này.

Đàn ông giảm thọ nếu có con sớm

Trên lãnh vực xã hội, Le Figaro dẫn một công trình nghiên cứu của Phần Lan cho biết, nam giới nếu làm cha trước tuổi 25 có tỉ lệ tử vong cao hơn hẳn so với những người đàn ông có con trễ.

Các thanh niên có con ở độ tuổi 23-24 có nguy cơ tử vong ở tuổi 50 tăng đến 63%.
Có thể vì do tuổi còn trẻ, nên khi có con những ông bố trẻ này bị đủ thứ áp lực, từ tâm lý xã hội cho đến kinh tế.
Các nhà nghiên cứu đề nghị hỗ trợ cho họ, khi phải đáp ứng những đòi hỏi của cuộc sống gia đình quá sớm.


Switch mode views: