Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Nghị sĩ Anh nhiều đặc quyền lắm bê bối

Lord Sewel

Phó chủ tịch Thượng viên Anh Lord Sewel phải từ chức (28/07/2015) vì bị bị phanh phui những sinh hoạt tha hóa.

 Bị quay lén khi đưa gái gọi về phòng, phó chủ tịch thượng viện Anh đã từ chức với lời xin lỗi về sự “đau lòng và ô nhục” do ông gây ra.
Cũng giống như vài vụ việc gần đây, sức ép của dư luận và ngay từ bên trong đã khiến Lord Sewel phải nhanh chóng rút khỏi chính trường.

  Từ Luân Đôn, thông tín viên Lê Hải tường trình :

Vụ bê bối Phó chủ tịch Thượng viện có cuộc sống tha hóa

Sự vụ xảy ra từ tháng trước, vào ngày 22 tháng Sáu, nhưng Chủ Nhật vừa rồi mới được tờ The Sun tung ra trên báo in, và ngày hôm sau thì tung luôn đoạn video quay lén lên trên mạng Internet, được nhiều đài truyền hình phát lại.

The Sun là báo lá cải chuyên khai thác các câu chuyện vặt vãnh trong cuộc sống và họ chú trọng đến chuyện ông thượng nghị sĩ hít bột trắng và đưa gái gọi về nhà công vụ, trong khi có vợ cũng là một chính khách nổi tiếng.

Câu chuyện ngay lập tức được các báo lớn quan tâm, như tờ Guardian chạy một loạt bài bình luận sâu hơn về cuộc sống của các thượng nghị sĩ Anh, còn các tờ báo cực hữu thì tấn công buộc Lord Sewel phải từ chức.

Lúc đầu ông John Buttifant Sewel chỉ viết đơn tạm nghỉ phép cho đến khi điều tra xong, nhưng cuối cùng phải tuyên bố từ chức. Căn hộ công vụ của ông ở gần quốc hội bị cảnh sát vào khám xét.

Hành động của chính trị gia 69 tuổi này khiến dư luận nước Anh bùng nổ vì ông là người tham gia vào việc xây dựng các bộ luật về mại dâm và nhà chứa, cũng như là hành vi tình dục tội phạm, và cũng chính là người phụ trách vấn đề đạo đức trong thượng viện, tức là cơ chế hầu như là duy nhất để phế bỏ quyền dự họp của thượng nghị sĩ.

Thượng nghị sĩ Anh, một tước hiệu quyền lực suốt đời

Hiện có đến 670 thượng nghị sĩ giữ chức vụ này đến khi nào chết mới thôi.
Cần phải hiểu rõ hơn cơ chế thượng viên Anh để cảm nhận được mức độ nghiêm trọng của vụ việc này.
 Đây là cơ quan được gọi là House of Lord, tức là nơi để các nhân vật được coi là đứng đầu nước Anh bàn chuyện thế sự, mà tiếng Việt có nơi còn dịch là Viện nguyên lão.

Danh hiệu Lord có thể coi như là Đại công tước trong thể chế phong kiến, cao hơn các tước khác như hầu-bá-từ-nam và hiệp sĩ tức là Sir.
Khi phong tước Sir thì gọi bằng tên, ví dụ như ca sĩ Paul McCartney, nhưng lên đến Lord thì gọi bằng họ, ví dụ như trong thượng viện Anh có doanh nhân nổi tiếng Alan Sugar, trước đây là Sir Alan, còn nay là Lord Sugar.

Ngoài vài chục đại công tước lên đến chức vụ này qua hệ thống thứ bậc như trong ngành tòa án và chức sắc tôn giáo, có thêm vài chục vị đại công tước khác thừa kế tước vị này từ gia đình.
Thế nhưng đa số 783 thành viên của thượng viện Anh hiện nay là do thủ tướng chỉ định, và Lord Sewel do thủ tướng Tony Blair chọn làm thượng nghị sĩ suốt đời sau chương trình cải cách quốc hội vào năm 1999.

Càng nhiều đặc quyền đặc lợi càng dễ tha hóa

Trong vòng vài năm trở lại đây báo chí liên tục đăng tải các vụ bê bối trong thượng viện, ví dụ như Lord Hanningfield bị tù 9 tháng vào năm 2011 vì khai man tiền chi phí, cũng giống như án tù 12 tháng của Lord Taylor.
Nhẹ hơn như Lord Paul phải trả lại 42.000 bảng chi phí hay Lady Uddin phải trả lại 124.000 bảng tiền nhà, còn Baron Bhatia bị ngưng chức 8 tháng do khai khống 27.000 bảng.

Chính xác. Nếu tham nhũng hay hối lộ thì chắc chắn sẽ bị khởi tố, cho nên các nghị sĩ chỉ có thể chi tiêu hoang phí trong khả năng cho phép, như một vụ bê bối mới gần đây của ông Chủ tịch Hạ viện thay vì đi bộ hay taxi, chỉ mất chừng 20 bảng, nhưng ông nhất định phải đi đến một nơi cách quốc hội 5 phút bằng xe limousine, tiêu phí gần 200 bảng tiền công vụ.

Vụ Lord Sewel cũng vậy, ông nhận lương một năm gần 85.000 bảng, thêm khoản chi phí 36.000 bảng nữa. Đó là chưa kể đến căn hộ theo thời giá gần 3000 bảng một tháng tiền thuê nhà nhưng ông và gần 70 nghị sĩ khác trong khu này chỉ trả có 1000 mà thôi.
Cho nên dân chúng muốn thấy ông có một cuộc sống đáng tự hào, không tì vết, theo đúng qui định của thượng viện.

Nhưng trong thượng viện chỉ có 3 người được hưởng lương, còn lại thì chỉ có thể sử dụng khoản tiền 36.000 bảng chi phí, mà không phải ai cũng xuất thân giàu có như các vị Lord ngày xưa trong lịch sử nước Anh.

 Bản thân Lord Sewel trước kia chỉ là một dân biểu địa phương ở Aberdeen thuộc xứ Scotland miền Bắc nước Anh.Vậy mà họ lại dùng tiền thuế một cách vung vãi và coi chính trị như là một nghề kiếm tiền thay vì chăm lo cho xã hội.

Vì thế điều đó khiến dư luận bực bội, nhất là trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn và trợ cấp bị cắt giảm nhiều như hiện nay.
Đúng như bình luận của cây bút Suzanne Moore trên tờ Guardian, vụ từ chức của Lord Sewel không phải là bê bối về tình dục hay sử dụng ma túy, mà cần phải gọi là vụ bê bối về tài chính của nước Anh.


Switch mode views: