Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 11-06-2015
- Thứ Năm, 11 tháng Sáu năm 2015 21:57
- Tác Giả: Minh Anh
Nhật Bản : Báo dành cho phụ nữ tấn công Abe
DR
Thời gian gần đây, các tít lớn trên những tạp chí dành cho phụ nữ đã bị chính trị hóa hơn bao giờ hết. Chấm dứt những đầu đề về các nhân vật tiếng tăm, cũng không còn những hàng tựa về chăm sóc sắc đẹp và sức khỏe.
Thay vào đó, Thủ tướng Shinzo Abe « phân biệt giới tính », « ủng hộ hạt nhân » hay như là « kẻ hiếu chiến » đã trở thành mục tiêu tấn công chính của những tạp chí giành cho phụ nữ.
Chủ đề này được tuần báo le Courrier International số ra từ ngày hôm nay 11/06 đến 17/06/2015, lược dịch lại từ tờ Mainichi Shimbun qua hàng tựa « Nhật Bản : Báo chí phụ nữ tấn công Abe ».
Là phát ngôn viên cho giới nữ tại Nhật Bản bày tỏ nguyện vọng muốn cắt đứt với chính sách điều hành hiện nay đang là mục tiêu chính của nhiều tờ báo dành cho giới nữ tại xứ Hoa Anh Đào. Điển hình là ba tờ tạp chí lớn Josei 7, Josei Jishin và Shukan Josei.
Từ một năm nay, ba tạp chí này đăng những lọat bài công khai chỉ tríchh chính phủ ông Shinzo Abe. Những bài viết chỉ trích việc tái khởi động các trung tâm khai thác hạt nhân (ngưng hoạt động kể từ sau thảm họa hạt nhân Fukushima), hay như thắc mắc về cơ hội hiệu chỉnh Hiến pháp Chủ hòa, việc mở rộng vai trò quân sự cũng như là các chính sách kinh tế « Abenomics ».
Theo nhận định của tác giả bài viết, kể từ sau trận sóng thần và thảm họa hạt nhân năm 2011, nhiều tạp chí phụ nữ đã thay đổi hướng biên tập. Do bởi, các nữ độc giả ngày càng đòi hỏi muốn có những bài viết đề cập đến chính trị. Họ muốn tìm kiếm một địa hạt để có thể bày tỏ công khai.
Ông Takashi Watanabe, phó tổng biên tập tờ Shukan Josei nhận định : « Sau khi trải qua tai nạn hạt nhân, người dân Nhật Bản cảm thấy có nhu cầu biết nhiều hơn về những gì có thể xảy ra trong những trường hợp xấu nhất.
Cảm giác đó đặc biệt khá mạnh ở phụ nữ. Họ thấy có nhiều trách nhiệm hơn nữa cho sức khỏe con cái của họ ». Theo một kết quả thăm dò cho thấy, 10 bài viết được đọc nhiều nhất chủ yếu đề cập đến các vấn đề chính trị.
Không dễ bị lừa
Theo đánh giá của ông Hidêmin Takashaki, ký giả và cũng là tác giả khá nổi tiếng của nhiều bài phóng sự điều tra trong lãnh vực này, « nỗi lo âu của các quý bà quý cô có quan hệ với trực tiếp với chủ trương của chính phủ ».
Trong con mắt của họ, việc chính phủ khuyến khích phụ nữ làm việc cũng như phát triển năng lực của nữ giới khiến họ nghĩ rằng « phụ nữ trong tình trạng bị khai thác », rằng « giới mày râu vẫn giữ vị trí bề trên ». Theo ông, « phụ nữ không dễ bị lừa ».
Le Figaro : Aung San Suu Kyi đi Trung Quốc, một chuyến đi vụ lợi ?
Hôm qua, Bắc Kinh đã trải thảm đỏ đón lãnh tụ đối lập Miến Điện, Aung San Suu Kyi. Sự việc đã làm dấy lên nhiều chỉ trích mạnh mẽ, cho rằng bà đã xoay lưng lại với những mục tiêu lớn lao nhằm thỏa mãn tham vọng chính trị của mình. Nhưng đối với Trung Quốc, đây lại là cơ hội để thâm nhập trở lại thị trường độc quyền trước đây.
Le Figaro có bài giải thích đề tựa « Quý bà Rangun được Bắc Kinh tiếp đón ».
Tờ báo nhắc lại Bắc Kinh từng là đối tác quan trọng ủng hộ chính quyền quân sự. Và cũng chính chính quyền đó đã quản thúc tại gia Aung San Suu Kyi trong suốt 15 năm trời và cô lập đất nước trong suốt nhiều thập niên.
Kể từ khi chính quyền quân sự tự giải thể vào năm 2011 và các lệnh trừng phạt nhắm vào quốc gia này được dỡ bỏ, Bắc Kinh buộc phải chia sẻ thị trường Miến Điện với các nhà đầu tư phương Tây.
Nhiều dự án đầu tư quan trọng được phép trước đây như khai thác mỏ đồng Monywa hay xây đập thủy điện đã bị đình trệ do có nhiều cuộc biểu tình phản đối. Thêm vào đó là căng thẳng biên giới giữa Trung Quốc và Miến Điện, nhất là tại vùng Kokang còn làm cho mối quan hệ Bắc Kinh - Naypyidaw thêm lạnh giá.
Tuy bà Aung San Suu Kyi sẽ không thể nào trở thành Tổng thống Miến Điện do một điều khoản trong Hiến pháp cản trở, nhưng đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà hiện này được cho có thể thắng trong kỳ bầu cử Quốc hội cuối năm nay.
Do đó trong con mắt của chính quyền Trung Quốc, lãnh tụ đối lập sẽ là nhân vật quan trọng hàng đầu tại quốc gia Đông Nam Á chiến lược này. Miến Điện sẽ mở cánh cửa Ấn Độ Dương và vịnh Bengal, và Bắc Kinh muốn xây dựng một đường ống dẫn dầu và khí trung chuyển qua ngả này.
Thế nhưng, Le Figaro nhận định chuyến công du của lãnh tụ đối lập Miến Điện diễn ra trong bối cảnh cộng đồng quốc tế chỉ trích thái độ thực dụng cho tranh cử và sự im lặng của bà trong vụ khủng hoảng thuyền nhân, liên quan đến số phận cộng đồng thiểu số người Rohingya, bị truy bức tại Miến Điện.
Tờ báo còn cho rằng những người ủng hộ ông Lưu Hiểu Ba, giải Nobel Hòa bình giống như bà, có nguy cơ sẽ bị thất vọng nếu nghĩ rằng bà sẽ đề cập công khai đến trường hợp đặc biệt đó.
Bởi vì mục tiêu chính của chuyến đi lần này là nhằm đánh bóng lại hình ảnh của bà trên chính trường quốc tế, chứng tỏ rằng bà khả năng vừa hiểu được Phương Tây lẫn anh láng giềng khổng lồ Trung Quốc.
Tuy chưa biết chuyến bà sẽ có những tuyên bố gì, nhưng Le Figaro cho hay là giới đấu tranh nhân quyền tại Trung Quốc đã có nhiều lời chỉ trích cho rằng sẽ quá là ngây thơ nếu nghĩ rằng bà Aung San Suu Kyi đến Trung Quốc để chia sẻ kinh nghiệm đấu tranh dân chủ.
Bởi vì, « Trung Quốc có quá nhiều dự án đầu tư tại Miến Điện, người ta mời bà đến là để bảo vệ quyền lợi kinh tế mà thôi ».
Họ còn mỉa mai là « người phụ nữ cả đời đấu tranh chống độc tài lại đến thăm Trung Quốc ». Có người còn cảm thấy sốc hơn nói rằng « Chúng tôi cũng có người là giải Nobel Hòa bình như bà ấy, nhưng đang bị cầm tù từ bảy năm nay rồi ».
Đến thăm Vatican, Putin phớt lờ Mateo Renzi
Nhìn sang Châu Âu, chuyến thăm ngắn ngủi Vatican của Tổng thống Nga cũng được Le Figaro quan tâm. Tờ báo đề tựa nhận định : « Putin đến tìm điều an ủi tại Ý ».
Đến Ý ngày hôm qua, nhưng chuyện dỡ bỏ lệnh trừng phạt nhắm vào ngành công nghiệp thực phẩm Ý không còn là vấn đề mang tính thời sự đối với Tổng thống Nga.
Bị chỉ trích mạnh mẽ tại thượng đỉnh G7 trên hồ sơ Ukraina, ông Vladimir Putin đã bay đến Roma gặp Đức giáo hoàng, người mà Matxcơva cho đến giờ rất hoan nghênh vì « vị thế cân bằng » trong xung đột Ukraina.
Tuy nhiên, trong buổi gặp hôm qua, Đức Giáo Hoàng Phanxico cũng kêu gọi Tổng thống Nga phải có những « nỗ lực thực tâm » hơn cho hòa bình và yêu cầu « tất cả các bên » phải thực thi toàn vẹn thỏa thuận ngừng bắn Minks.
Hoa Kỳ nâng lãi suất, các nước mới trỗi dậy lại ngoi ngóp
Cũng trong ngày hôm qua, Ngân hàng thế giới công bố báo cáo cuối cùng mang tên « Triển vọng kinh tế toàn cầu ».
Theo các quan sát được ghi nhận trong mùa xuân năm 2013, tổ chức tài chính thế giới này cho rằng việc tăng lãi suất trái phiếu và sự lên giá của đồng đô-la Hoa Kỳ có thể sẽ gây ra những bất ổn kinh tế - tài chính tại Châu Mỹ La-tinh, Châu Á và nhiều quốc gia mới trỗi dậy khác.
Chủ đề này được Les Echos phản ảnh lại qua hàng tựa « Các nước mới trỗi dậy : Ngân hàng thế giới cảnh báo tác động của việc Hoa Kỳ tăng lãi suất ».
Theo báo cáo, Ngân hàng Thế giới đưa ra ba kịch bản có thể. Trong đó kịch bản xấu nhất là lãi suất trái phiếu Hoa Kỳ tăng 1% kèm theo sự tăng tương tự tại khu vực đồng euro, tại Nhật Bản và Anh quốc, điều đó có thể dẫn đến việc các dòng vốn đổ vào các quốc gia mới trỗi dậy sẽ bị tụt giảm đến 40% (1,8 điểm so với GDP) và làm gia tăng sự bất ổn thị trường tài chính của họ.
Còn nếu như tăng 1% lãi suất đó chỉ liên quan đến Hoa Kỳ, thiệt hại có thể ít hơn. Sự sụt giảm dòng vốn sẽ giới hạn ở mức 18% (0,8 điểm của tổng thu nhập quốc nội). Ví dụ tại Châu Á, Trung Quốc và Malaysia hay như Thái Lan có mức nợ cao (kể cả công và tư nhân) và giống như ở những quốc gia đã phát triển (trung bình chiếm đến 280% của GDP so với 121% đối với các quốc gia mới trỗi dậy).
Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Ai Cập, Indonesia, Philippines hay Việt Nam là những quốc gia mong manh nhất trên phương diện nợ so với đồng ngoại tệ.
Do đó, sự sụp đổ đồng nội tệ sẽ là những vấn đề khó mà quản lý được. Các quốc gia mới trỗi dậy xuất khẩu nguyên vật liệu, vốn đã khá vất vả do giá cả sụt giảm có lẽ sẽ còn phải gánh thêm khó khăn nữa. Vì vậy, Ngân hàng Thế giới kêu gọi các quốc gia này phải hết sức cẩn trọng.
Thuốc trừ sâu có hại cho não trẻ con
Trở lại với báo Le Figaro qua mục khoa học. Tờ báo chạy tựa báo động « Những tác hại của thuốc trừ sâu lên não bộ trẻ em ». Những em nào bị phơi nhiễm bởi hợp chất pyrethroid có lẽ sẽ có trí nhớ kém hơn và chậm hiểu hơn.
Pyrethroid là một loại hợp chất hữu cơ có trong thuốc trừ sâu côn trùng dùng trong nhà như các loại thuốc xịt muỗi, dầu gội chống chấy, vòng đeo cổ chống bọ hay như các thuốc trừ sâu xịt trên các loại rau quả, nhất là các loại rau quả trồng trong nhà kính.
Theo một nghiên cứu về độc dược thần kinh do các nhà khoa học thuộc trường đại học Rennes thực hiện, được đăng tải trên tạp chí Môi trường quốc tế, loại hóa chất này để lại những tác động tiêu cực lên quá trình phát triển nhận thức của trẻ.
Theo đó, mức độ phơi nhiễm loại độc chất này càng cao trong những năm đầu đời dường như làm giảm khả năng tập trung hay tiếp thu kiến thức mới ở trẻ.
Mối quan hệ này được thể hiện rõ hơn nếu có sự hiện diện của hai thành tố của chất pyrethroid : 3-PBA và cis-DBCA. Theo khảo sát, trung bình 1/3 số trẻ bị phơi nhiễm có biểu hiện chậm phát triển cũng như về nghe hiểu và trí nhớ.
Tin mới
- Thủ lĩnh Al Qaida tại Libya bị hạ sát trong vụ oanh kích - 15/06/2015 18:05
- Jeb Bush chính thức tranh vị trí ứng cử viên tổng thống - 15/06/2015 17:49
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 15-06-2015 - 15/06/2015 17:25
- Nhà thờ Đức Bà sắp được trùng tu - 15/06/2015 02:16
- Luân Đôn di tản gián điệp vì Snowden lộ tài liệu mật - 15/06/2015 01:25
- Ngày thứ Bảy đen của bóng đá Pháp - 15/06/2015 01:06
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 13-06-2015 - 13/06/2015 16:56
- Biển Hoa Đông : Bắc Kinh muốn gia tăng tuần tra bằng drone - 13/06/2015 16:19
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 12-06-2015 - 12/06/2015 20:20
- Kỹ sư Vương Xuân Điềm, người sáng chế máy lọc nước biển - 12/06/2015 16:39
Các tin khác
- Đức Giáo Hoàng yêu cầu Tổng thống Nga nỗ lực thật sự cho hòa bình - 11/06/2015 20:11
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 09-06-2015 - 11/06/2015 19:49
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 10-06-2015 - 11/06/2015 16:09
- Bắc Kinh trải thảm đỏ đón lãnh tụ đối lập Miến Điện - 11/06/2015 03:33
- Obama lên án Putin khăng khăng muốn tái lập hào quang Liên Xô cũ - 09/06/2015 13:41
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 08-06-2015 - 08/06/2015 17:52
- Ấn Độ khởi động cơ chế đối thoại an ninh cấp cao với Nhật và Úc - 08/06/2015 13:22
- Giáo viên Mêhicô phá tiến trình bầu cử - 08/06/2015 13:15
- Ukraina, Hy Lạp : hai trọng tâm thượng đỉnh G7 - 08/06/2015 02:00
- Mỹ để ngỏ khả năng triển khai thêm tên lửa tại Châu Âu - 06/06/2015 14:22