Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 11-05-2015

 
Ấn Độ và Trung Quốc đối địch trên biển
 
india marine
 
 
Tư lệnh Hải quân Ấn Độ RK Dhowan (thứ 4 từ trái sang) trước hàng không mẫu hạm INS Viraat tại Bombay, 20/04/2015.
REUTERS/Shailesh Andrade
 
 
Hôm 02/05/2015, Hải quân Pháp và Ấn Độ đã kết thúc năm ngày tập trận trên Ấn Độ Dương, trong bối cảnh Trung Quốc và Ấn Độ đều đang tăng cường sức mạnh Hải quân. Đây là cơ hội để hạm đội Ấn học hỏi kỹ năng của Hải quân Pháp.
 
Đặc phái viên báo Le Figaro đã theo chân chiến hạm chống tàu ngầm Jean-De-Vienne và hàng không mẫu hạm Charles-De-Gaulle của Pháp trong cuộc tập trận này.
 
Bài phóng sự mô tả lại một đêm săn tìm tàu ngầm trên chiếc Jean-De-Vienne. Đêm hôm ấy, chiến hạm này hộ tống Deepak, một tàu tiếp liệu của Hải quân Ấn. Jean-De-Vienne mở đường, chạy trước khu trục hạm Mumbai ; hai chiến hạm Gomati và Tarkash của Ấn Độ lướt sóng hai bên hông.
 
Tại trung tâm chỉ huy của chiếc Jean-De-Vienne, hơn một chục thủy thủ dán mắt vào màn hình, chăm chú theo dõi các thông tin do hai máy dò siêu âm của tàu thu thập được. Truy tìm tàu ngầm đòi hỏi sự kiên nhẫn.
Một sĩ quan Pháp giải thích : « Tại đây, đáy biển dày đặc đá và bùn lầy, địa hình này có thể hút mất các sóng siêu âm ».
 
Cuộc tập trận giữa Hải quân Pháp và Ấn Độ diễn ra ngoài khơi Goa, phía tây miền duyên hải nước Ấn được đặt tên là « Varuna ». Đây là cuộc tập trận gần như thường niên kể từ năm 2001, trong khuôn khổ hiệp định đối tác chiến lược Pháp-Ấn được ký kết năm 1998.
 
Ấn Độ Dương đã trở thành biển của người Trung Quốc
 
Năm nay, « Varuna » lần thứ 14 được mặc chiếc áo hoàn hảo hơn, cho phù hợp với Hải quân Ấn Độ đang lao vào cuộc đua vũ trang với địch thủ Trung Quốc.
Hạm đội của Giải phóng quân Trung Quốc đang tăng cường sự hiện diện, tại một đại dương không còn mấy dấu ấn của Ấn Độ.
 
Theo nghiên cứu của Đại học Hàng hải Mỹ, từ năm 2008, quân Trung Quốc tham gia các chiến dịch chống hải tặc, và trong bốn năm đầu đã triển khai 10.000 quân trên 37 chiến hạm.
Đây là một cuộc cách mạng đối với một lực lượng Hải quân cách đây 20 năm bị các nhà quan sát cho rằng chỉ là « lực lượng tuần duyên ».
Đồng thời Bắc Kinh xây dựng các hải cảng xung quanh Ấn Độ Dương để tiếp liệu các tàu của mình : tại Gwadar, phía đông duyên hải Pakistan và tại Djibouti ở phía tây.
 
Emmanuel Müller, thuyền trưởng tàu tiếp liệu La Meuse cũng tham gia cuộc tập trận Varuna cùng với Jean-De-Vienne và Charles-De-Gaulle nhận xét : « Cách đây 20 năm, chỉ có các hạm đội phương Tây qua lại nơi đây.
Ngày nay tất cả các nước châu Á, và nhất là Trung Quốc, đều đưa tàu đến vùng biển này ».
 
Đối với cả Bắc Kinh và New Delhi, Ấn Độ Dương là một « xa lộ » không thể không đi qua : 90% lượng hàng xuất nhập khẩu của Trung Quốc đi qua tuyến đường này. Để bảo đảm an ninh, Trung Quốc mạnh tay hiện đại hóa hạm đội.
 
ONI, cơ quan tình báo Hải quân Mỹ trong một báo cáo công bố vào đầu năm 2015 cho biết năm ngoái Trung Quốc đã cho xuất xưởng 60 chiến hạm – có chiếc vừa hạ thủy, có chiếc đã đi vào hoạt động – và trong năm 2013 con số cũng tương tự. ONI ước lượng tốc độ này sẽ còn tiếp tục trong năm nay.
 
Tất cả các loại tàu đều được hiện đại hóa : khu trục hạm, tiềm thủy đĩnh, hàng không mẫu hạm…Trên chiếc Charles-De-Gaulle, Chuẩn Đô đốc Eric Chaperon, chỉ huy trưởng lực lượng dù đặc nhiệm 473 của Pháp cảnh báo : « Một ngày nào đó, Trung Quốc sẽ dựa vào sức mạnh Hải quân để áp đặt các luật chơi của họ và thay đổi luật hàng hải ».
 
Trong cuộc chạy đua dài hơi về vũ trang Hải quân, Ấn Độ đã bị chậm trễ. Một sĩ quan Hải quân Ấn tiếc nuối :
« Trung Quốc có nhiều khu trục hạm và tàu ngầm hơn chúng tôi, sở hữu nhiều chiến hạm hiện đại hơn. Những năm gần đây, họ đã bắt chước được kỹ thuật của Nga - cóp nhặt lại rồi sản xuất tại các nhà máy của họ ».
 
Linh hồn của cuộc chạy đua là ngân sách : năm nay Bắc Kinh dành ít nhất 130 tỉ euro cho quân đội, trong khi New Delhi tự bằng lòng với 35 tỉ. Và tại Ấn Độ, thủ tục gọi thầu rắc rối cho tới nỗi Bộ trưởng Quốc phòng Ấn hồi đầu năm cũng thú nhận là không nắm hết. Tuy vậy, Hải quân Ấn Độ vẫn nuôi tham vọng.
 
Tham vọng của Ấn Độ : Bốn hàng không mẫu hạm
 
Thuyền trưởng Pierre Vandier tiết lộ : « Khi nói chuyện với các sĩ quan Ấn, họ cho biết muốn sở hữu ba tàu sân bay loại cổ điển và một hàng không mẫu hạm nguyên tử lực.
Rất dễ hiểu : với các chiến hạm bình thường, bạn chỉ ngang sức với đối thủ còn với tàu sân bay, tầm vóc cuộc hải chiến lớn hơn hẳn và bạn trên cơ với địch quân ».
 
Khó thể biết đến bao giờ Ấn Độ mới cụ thể hóa được giấc mơ Hải quân hùng cường. Hiện New Delhi có một hàng không mẫu hạm do Nga sản xuất được hiện đại hóa là chiếc Vikramaditya, hoạt động từ năm 2013.
Đến sang năm tàu sân bay này sẽ đơn độc vì chiếc Viraat mua lại của Anh, làm việc từ 56 năm qua sẽ bị cho về hưu. Một hàng không mẫu hạm thứ hai là chiếc Vikrant đang được đóng tại Cochin, sẽ được hạ thủy năm 2018, trễ mất bốn năm.
 
Cho dù có chậm chạp, Pháp vẫn coi tham vọng hiện đại hóa Hải quân của Ấn Độ là cơ hội cho mình. New Delhi đang thiết kế tàu sân bay thứ ba là Vishal, nhưng chưa xác định được loại phi cơ nào sẽ hoạt động trên tàu.
 
Trong lãnh vực này, Ấn Độ không đi sau Trung Quốc bao nhiêu. Bắc Kinh chỉ mới có chiếc Liêu Ninh, được sử dụng vào việc huấn luyện phi công, và đang đóng chiếc hàng không mẫu hạm thứ hai, mà theo ONI, không thể nào hoàn tất trước năm 2020.
 
Cuộc chiến tàu ngầm
 
Ngược lại, đội tàu ngầm của Trung Quốc khiến Hải quân Ấn Độ lo lắng. Một sĩ quan Pháp giải thích : « Tàu ngầm là một loại vũ khí bí mật và cụ thể, đáng ngại nhất đối với Hải quân. Nếu một ngư lôi lao vào ngay giữa vỏ tàu, nó sẽ cắt đôi và đánh đắm chiến hạm trong vài phút ».
Trong khi đó Trung Quốc sở hữu đến 68 tiềm thủy đĩnh, trong đó có 9 tàu ngầm nguyên tử, nổi tiếng trong các hoạt động bí mật.
 
Còn Ấn Độ chỉ có một đội tàu ngầm gồm 14 chiếc đã cũ, trong đó có một tàu nguyên tử lực. Sáu tiềm thủy đĩnh « Scorpène » loại cổ điển, đóng tại Bombay với sự hỗ trợ của tập đoàn Pháp DCNS, ra đời chậm mất ba năm rưỡi.
Đã xảy ra hai tai nạn, trong đó có vụ nổ tháng 8/2013 làm tàu Sindhurakshak bị chìm và 18 thủy thủ tử nạn.
 
Le Figaro kết luận, thế nên không phải là ngẫu nhiên khi cuộc tập trận Varuna 2015 đặt trọng tâm vào chiến đấu chống tàu ngầm. Hải quân Ấn Độ muốn học hỏi xem người Pháp sử dụng máy dò siêu âm như thế nào.
Một sĩ quan Hải quân Ấn nói : « Pháp đi đầu trong lãnh vực này, và các sĩ quan chúng tôi được gởi đi học tại các trường đào tạo của Pháp ». Không thể để cho Trung Quốc qua mặt trong lãnh vực tàu ngầm.
 
Chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Pháp đến Cuba
 
Cũng liên quan đến nước Pháp nhưng lần này vươn đến châu Mỹ la-tinh, nhật báo Libération dành trang bìa và năm trang trong cho chuyến đi lịch sử của Tổng thống Pháp thăm La Habana, với ảnh bìa là khuôn mặt ông François Hollande, được chụp lên chiếc mũ và mái tóc quen thuộc của nhà cách mạng nổi tiếng Achentina, Che Guavara.
 
Bài xã luận của Libération cho rằng chuyến viếng thăm của Tổng thống Pháp nhắc nhở lại mối quan hệ giữa châu Âu với Cuba trước đây.
Sau năm 1989 - Liên Xô sụp đổ, Hoa Kỳ xử sự thiếu tế nhị, Venezuela chưa ra tay giúp đỡ, Cuba trong tình trạng hết sức ngặt nghèo - thì vài nước châu Âu đã giúp cho La Habana chống chọi, trong đó có Tây Ban Nha và Pháp, mà không mấy quan tâm đến ý thức hệ.
 
Theo tờ báo, chuyến đi của ông François Hollande dù mục đích kinh tế là chính nhưng cũng không quên các lãnh vực văn hóa, chính trị, và các lãnh đạo Cuba có lẽ cũng không nên trông cậy hoàn toàn vào nước Mỹ.
 
Cuba mở cửa, nhưng theo nhịp độ nào?
 
Bài phóng sự dài của đặc phái viên Libération mang tên « Mở cửa : Cuba đi tìm một nhịp độ phù hợp » nhận xét, nếu người dân La Habana vui mừng trước sự tan băng đang nhanh chóng diễn ra, thì cách thức tiến hành việc tự do hóa đất nước đang còn được tranh cãi.
 
Bài báo mở đầu với việc một thiếu phụ phải đi lùng khắp ba cửa hàng để mua được ít đường – một nghịch lý nơi đất nước dành một phần ba diện tích nông nghiệp để chuyên canh mía.
Amalia, nhà dựng kịch về hưu 70 tuổi chìa cho nhà báo Pháp xem cuốn libreta, sổ mua hàng mậu dịch, cho biết 80% mặt hàng thực phẩm đều phải nhập khẩu. Ngay cả khoai tây cũng bán chợ đen, ngay trước nhà bà.
 
Tuy cuộc cải cách ruộng đất đã trao quyền sử dụng 1,5 triệu hecta cho 140.000 nông dân, nhưng giá rau quả vẫn ngoài tầm tay với. Hạt cà phê đôi khi bị trộn với vỏ, còn sữa thì đã thành mặt hàng xa xỉ, giá cao gấp ba lần so với Pháp.
 
Chủ một casa particular tức nhà trọ than thở: « Khi tìm thấy thức gì để đổi món, thì đôi khi không còn gaz để nấu. Tôi vừa bị mất toi số tiền thuê trọ 30 đô la một đêm vì bị cúp điện, nhà tôi ở tầng thứ 32 ». Một món tiền không nhỏ, vì lương tháng bình quân ở Cuba chỉ có 500 peso (20 euro).
 
Trên lộ trình mở cửa, Cuba sẽ sử dụng liệu pháp sốc như các nước Đông Âu, hay theo kiểu tư bản Nhà nước như Trung Quốc và Việt Nam ?
Theo một họa sĩ, thì đó sẽ là một kiểu lưng chừng, « phát triển theo kiểu Pháp hay Thụy Điển, với một Nhà nước phúc lợi ».
 
Khi David không còn Goliath
 
Chú bé David-Cuba sẽ làm gì khi người khổng lồ Goliath-Hoa Kỳ không còn là bóng ma đe dọa nữa ?
Nhà văn Wendy Guerra, mà hầu hết tác phẩm bị cấm tại Cuba, nói về nỗi sợ dai dẳng dù những cấm đoán không còn nữa.
 
Tại Cuba, việc giết một con bò bị cấm, theo một nghị định năm 1997. Cấm bán tôm và tôm hùm (những thứ này có trong các nhà hàng dành cho khách du lịch, không bao giờ tìm thấy trên bàn ăn của dân bản địa).
Cấm lên một chiếc tàu buồm du lịch. Nhà văn cười cợt : « Nhưng không cấm tham nhũng hay lừa đảo, vì đây là cách để sống sót. Đảo quốc chúng tôi như một phụ nữ mơ được mặc trang phục Chanel nhưng không có gì để ăn cả ».
 
Ca sĩ nhạc soul Raul Paz tuy bênh vực chế độ nhưng không ngần ngại chất vấn Bộ trưởng Văn hóa một câu hóc búa về phổ cập internet: « Liệu có phải là cách mạng, khi chỉ một thiểu số ưu đãi mới được sử dụng công cụ này ? »
 
Cuba vẫn là « hòn đảo không kết nối ». Freedom Home ước lượng tỉ lệ người sử dụng internet là 25%, nhưng theo một nghệ sĩ, thì ước tính này vẫn là quá cao. « Giá thuê bao hàng tháng lên đến 180 đô la, với tốc độ siêu chậm ».
Chính quyền cho phép sở hữu máy tính cá nhân từ năm 2008, nhưng chỉ một thiểu số ưu tiên mới được đăng ký thuê bao như công chức, bác sĩ, nhà báo…Những người khác phải đến khách sạn hay các cửa hàng của công ty nhà nước Etecsa, truy cập với giá rất đắt.
 
Những thay đổi hiện nay chỉ có lợi cho 10 đến 20% dân Cuba mà thôi. Rafael Beltran, phó chủ tịch quỹ Carpentier cho rằng :« Không thể nào cùng lúc có được những lợi ích của chủ nghĩa tư bản lẫn chủ nghĩa xã hội ».
Còn nhà văn Guerra nhận định : « Cuộc cách mạng không hồi kết đang làm người dân Cuba kiệt lực ».
 
 
 
Switch mode views: