Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Quân đội Thái Lan thanh trừng phe thân Thaksin

THAILAND-PRIMEMINISTER

 

Thủ tướng Thái, Tướng Prayuth Chan O Cha.Reuters/路透社

Vừa qua, tại Thái Lan một loạt quan chức cảnh sát bị bắt về tội tham nhũng, và đặc biệt đáng chú ý là « tội khi quân ».
Đây có phải là một chiến dịch chống tham nhũng đơn thuần, hay phía sau còn có mưu đồ gì khác ?

 Le Monde nhìn về sự việc này với bài : « Tại Thái Lan, quân đội thanh lọc bộ máy cảnh sát ». Libération : « Thái tử phi bị vạ lây trong cuộc chiến chống tham nhũng ».
Hai tờ báo lược lại vụ việc vừa qua có hàng loạt quan chức cảnh sát Thái Lan bị chính quyền quân đội bắt giữ với cáo buộc « tham nhũng » và « khi quân ».

Vụ việc bắt đầu hồi giữa tháng 11/2014 khi Cục trưởng Cụ cảnh sát điều tra Thái Lan, trung tướng Pongpat Chayapan, bị bắt cùng với hai quan chức cảnh sát khác với cáo buộc tham nhũng lên đến hàng trăm triệu đô la.

Các hành vi tham nhũng gồm nhận tiền để thăng chức cho cấp dưới, bảo kê sòng bạc, hỗ trợ ngầm các tổ chức buôn bán dầu hỏa hoặc đồ cổ trái phép…
Và đáng chú ý là tội « khi quân ». Nhà cầm quyền không nói rõ chi tiết họ đã phạm tội khi quân như thế nào bởi ở Thái Lan tội này luôn không minh bạch.

Luật về tội khi quân ở Thái Lan được áp dụng rất võ đoán, và ở đây các quan chức cảnh sát này, theo Le Monde, có thể bị cho là « đã sử dụng những biểu tượng của hoàng gia » trong các vụ tham nhũng, còn theo Libération thì họ « đã sử dụng quyền lực của chế độ quân chủ để kiếm lợi ích và tiền bạc ».
 Với tội danh này, theo luật Thái Lan, có thể bị kết án 15 năm tù.

Tham nhũng trong hàng ngũ cảnh sát thật ra là chuyện quá quen thuộc ở Thái Lan. Hai tờ báo còn nhấn mạnh : hiện tượng đó tràn lan từ cấp trung ương cho đến cơ sở.
Thế nhưng, điều đáng chú ý ở đây, đó là lần đầu tiên quan chức cao cấp ở mức đó của cảnh sát bị sờ gáy.

Đây có phải là quyết tâm chống tham nhũng của quân đội hay không ?
Libération cho rằng, vụ việc có liên quan đến hồ sơ thừa kế ngai vàng tại Thái Lan. Quốc vương Thái Lan hiện tại đã 87 tuổi, sức khỏe rất yếu.

Bởi thế, hoàng gia đang chuẩn bị mọi thứ cho việc kế thừa ngai vàng của Thái tử Vajiralonkorn.
Ông Pongpat Chayapan chính là chú vợ của đương kim Thái tử. Đến hiện tại, đã có ba anh em trai của vợ Thái tử bị bắt cũng với những cáo buộc nói trên.

Thái tử Thái Lan hiện không được lòng dân, nên đang ra sức tỏ ra anh minh trước khi lên nắm quyền.
 Bởi vậy, hồi đầu tháng này, Thái tử đã ra lệnh tước bỏ tất cả đặc quyền hoàng gia của vợ ông và gia đình của bà ta.

Về phần mình, Le Monde thấy rằng, trong vụ việc này có màu sắc của cuộc thanh trừng chính trị của phe quân đội.
Cảnh sát xưa nay vốn ủng hộ và được cho là thuộc phe Thaksin.

Ông Thaksin từng là Thủ tướng Thái Lan bị quân đội đảo chính hồi năm 2006. Đến năm 2014, đến lượt chính phủ của em gái ông, là bà Yinluck, bị quân đội lật đổ.
Tờ báo dẫn lời một nhà nghiên cứu tại Thái Lan cho rằng :
« Việc thanh trừng này sẽ làm suy yếu phe cảnh sát vốn được xem là trung tâm của phe ủng hộ Thaksin ».

Le Monde nói thêm, từ khi đảo chính, quân đội Thái Lan liên tiếp sử dụng đạo luật về tội « khi quân » để tiến hành các cuộc thanh trừng chính trị.
Tờ báo cho biết, theo một tổ chức nhân quyền tại Thái Lan, thì các vụ bắt giữ liên quan đến tội khi quân đã không ngừng tăng lên trong thời gian qua : từ khi đảo chính đến nay, đã có 18 vụ bắt giữa quan trọng với cáo buộc tội « khi quân ».

 Le Monde tóm lược : « Trong khi mà sự chuyển giao ngai vàng tại Thái Lan có vẻ sẽ khó khăn, thì đất nước Thái Lan, dưới sự điều hành của quân đội, đang chia rẽ hơn bao giờ hết ».

Liên minh chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo chia rẽ về chiến lược

Cuộc chiến chống Tổ chức Nhà nước Hồi Giáo (IS) tại Irak và Syria của Liên quân do Mỹ đứng đầu vẫn chưa giành được thắng lợi cuối cùng.
Vì sao? Có phải vì liên quân thiếu phương tiện?
Câu trả lời của nhật báo Le Monde là không. Tờ báo này cho đăng tựa lớn trên trang nhất nhận định : « Liên quân chống IS trong thế phân tán ».

Tờ báo nhắc lại cuộc họp vừa qua ở Bruxelles giữa các nước thành viên NATO và giữa họ với các nước tham gia liên quân chống IS đã càng cho thấy rõ hơn sự khác biệt giữa các nước trong chiến lược chống IS.

Tờ báo cho biết, một cuộc họp tương tự có thể còn lâu lắm mới được triệu tập, như vậy thì tình trạng không thống nhất giữa các nước sẽ tiếp diễn.
Trước tiên là Mỹ, nước cầm đầu liên quân, vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel đã từ chức.

Le Monde cho rằng, nguyên nhân là do ông Hagel muốn tham chiến mạnh hơn ở Syria trong khi đó thì Nhà Trắng và các cố vấn của Tổng thống Obama lại đặt trọng tâm ở chiến trường Irak. Và việc thay đổi Bộ trưởng quốc phòng cho thấy Mỹ sẽ tiếp tục tập trung ở Irak.

Le Monde giải thích : Mỹ làm như vậy cũng có lý của mình vì nước này đã đóng quân lâu ở Irak và hiểu rõ tình hình ở đó. Hơn nữa, chủ lực của IS lại nằm ở Irak.
Iran cũng đã tham gia không kích trên lãnh thổ Irak và đã đẩy lùi được IS ở nhiều địa điểm.

Như vậy, vô tình IS đã đẩy Mỹ và Iran về một chiến tuyến. Thế nhưng, Iran là đồng minh của chính quyền Assad ở Syria, vì thế Mỹ cũng khó lòng tập trung đánh vào chiến trường Syria, càng khó lòng giúp đỡ quân nổi dậy ở Syria lật chính quyền Assad.

Trong khi đó, thì đồng minh của Mỹ là Thổ Nhĩ Kỳ lại ngày đêm mong muốn lật đổ tổng thống Bachar al Assad.
Thổ Nhĩ Kỳ có đường ranh giới khá dài với Syria, và muốn thành lập vùng đệm và khu vực cấm bay ở ranh giới để tiếp nhận người chạy loạn từ Syria.

Thế nhưng Mỹ lại không tha thiết với ý định này, đồng thời Mỹ cũng không muốn làm mất lòng Iran, một đối tác quan trọng trong cảnh dầu sôi lửa bỏng ở Irak.
Do đó, Thổ Nhĩ Kỳ chưa chấp nhận cho Mỹ sử dụng một căn cứ quân sự quan trọng của nước này.

Về phần mình, các nước đồng minh của Mỹ ở Châu Âu như Pháp, Anh hay Tây Ban Nha thì muốn tập trung giải quyết mặt trận Syria trước.

Các nước Châu Âu cho rằng, sẽ không có chiến thắng quyết định nếu không giành được chiến thắng tiên quyết tại Syria, bởi vì lực lượng IS khi bị sức ép ở Irak thì rút về ẩn trên đất Syria, chưa kể việc Syria là địa điểm chiêu mộ và điểm tập kết của các chiến binh Hồi Giáo cực đoan từ khắp nơi trên thế giới của IS.

Hiện tại, các nước Châu Âu chỉ mới có mặt trên chiến trường Irak trong khi đó thì những nước Ả Rập trong khu vực như Ả Rập Xê Út, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất hay Bahrein thì chỉ hiện diện ở Syria.

Điểm chung duy nhất giữa họ hiện tại là : chỉ can thiệp trên không chưa dùng tới bộ binh.
Chính phủ Assad tại Syria nhân tình hình lộn xộn đã ra quân tấn công nhiều địa điểm trọng yếu và đẩy lùi quân nổi dậy ở nhiều nơi. Điều đó làm cho các nước chống Assad cảm thấy tức giận.

Còn đối với quân đội Irak, dù được Mỹ tăng cường hỗ trợ, nhưng hiện vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra.
Le Monde nhấn mạnh đến tình trạng tham nhũng gây suy yếu quân đội nước này.

Tờ báo cho biết, hiện có khoảng 50 000 vị trí « khống » trong quân đội Irak, tức là có tên trên danh sách tiền lương nhưng không có mặt trên thực tế.
 Đây là một nguồn thu bất chính khổng lồ cho các quan chức cấp cao của quân đội Irak. Đó là chưa kể quân đội này đang bị chỉ trích là liên tục tuyển mộ những thành phần cực đoan dòng Sunnite để đưa vào hàng ngũ quân đội chiến đấu chống các lực lượng cực đoan dòng Sunnite.

Như thế thì chiến đấu có hiệu quả chăng ?

Nga gồng mình trước lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây

Nhìn sang nước Nga đang gồng mình dưới sức ép của các biện pháp trừng phạt của phương Tây, nhật báo kinh tế Les Echos đăng bài cho biết : « Matxcơva huy động ngành công nghiệp Nga để đối phó với sự bao vây cấm vận ».

Trong tình hình kinh tế bên bờ vực suy thoái, đồng nội tệ liên tục mất giá, nguồn thu ngân sách từ dầu hỏa cũng khốn đốn bởi giá dầu rớt giá thảm hại, chính phủ Nga phải ra sức huy động sức mạnh trong nước để đối phó với biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây.

Tuần rồi, chính phủ Nga đã công bố một lộ trình kích thích sản xuất trong tất cả các lĩnh vực.

Sức ép ngoại bang đã vô tình khiến sản xuất nội địa tăng trưởng. Les Echos cho biết, mấy tháng qua, sản xuất công nghiệp ở Nga không ngừng tăng: tăng 2,8% vào tháng 9 và 2,9% vào tháng 10.

Còn tháng 11 vừa qua, con số này có thể là 3%. Tăng trưởng chủ yếu trong hai lĩnh vực quốc phòng và vận tải.

Ngành nông nghiệp Nga cũng hưởng lợi rất nhiều từ các lệnh bao vây của phương Tây bởi chính phủ Nga đã đáp trả bằng các lệnh cấm nhập khẩu hàng nông nghiệp Châu Âu.

Tuy nhiên, bên cạnh sự tăng trưởng đó, chính phủ Nga cũng phải đương đầu với nhiều khó khăn. Chẳng hạn như nhiều dự án xây dựng hạ tầng của Nga sẽ gặp khó khăn về nguồn vốn do các ngân hàng Nga bị ảnh hưởng nặng nề trên thị trường Châu Âu và Mỹ.

Hay như việc Nga không thể ký hợp đồng mới trong lĩnh vực quốc phòng với các nước phương Tây cũng sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu và khả năng hiện đại hóa quân đội của mình. Hoặc dã là trong lĩnh vực nông nghiệp, Nga không thể hoàn toàn tự cung tự cấp được.

Les Echos đưa ra một ví dụ: ít nhất ba năm nữa thì Nga mới đủ sức tự cung cấp sửa bò.

Pháp: 11 triệu người cảm thấy thiếu an ninh

Trong lĩnh vực xã hội, Le Figaro thiên hữu đăng bài liên quan đến nước Pháp đáng chú ý: “Gần 11 triệu người Pháp cảm thấy thiếu an ninh”.

Tờ báo đăng kết quả thăm dò thường niên của Viện tội phạm và các biện pháp hình sự quốc gia (ONDRP) và Viện thống kê và nghiên cứu kinh tế quốc gia (INSEE), một thăm dò có uy tín tại Pháp. Thăm dò được tiến hành ở 17000 hộ gia đình.

Thăm dò cho thấy, có gần 11 triệu người (chiếm khoảng 21% dân số) cảm thấy thiếu an ninh trong khu phố nơi mình đang sống. Con số này có giảm nhẹ so với năm 2013 nhưng vẫn cao hơn so với gia đoạn từ 2006 đến 2011.

Có một điểm đáng chú ý, đó là dưới thời Tổng thống đương nhiệm François Hollande, tỷ lệ “cảm thấy thiếu an ninh” cao hơn dưới thời người tiền nhiệm là ông Nicolas Sarkozy.

Liên quan đến nạn trộm cướp trên đường phố, thì năm 2014 có đến 360 000 vụ, so với mức 280 000 vụ của năm 2013, tức tăng 28%. Đây là một mức tăng đáng chú ý. Nó càng đáng chú ý hơn khi mà tờ báo cho biết, báo cáo của phía cảnh sát lại cho thấy rằng tình hình trộm cướp đã không hề tăng mà còn có xu hướng chựng lại.

Đô la tăng giá đe dọa các nền kinh tế đang trỗi dậy

Đồng đô la tăng giá 10% kể từ đầu năm trong khi đồng nội tệ của nhiều nước mới nổi lại rớt giá. Les Echos báo động: “Sức mạnh của đồng đô la đang đe dọa các nước mới nổi”.

Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) trong tạp chí định kỳ ba tháng của mình vừa cảnh báo rằng, sự tăng nhanh chóng của đồng đô la đang gieo mầm cho một cuộc khủng hoảng hối đoái mới, nhất là đối với đồng nội tệ của các nước mới nổi và nền kinh tế của những nước này.

Ngân hàng này nói rõ: “Nếu đồng đô la tiếp tục tăng giá so với các đồng tiền khác thì sẽ kéo theo nhiều hệ lụy cho kinh tế thế giới. Nó là dấu hiệu cho thấy nền tài chính yếu ớt của các nước mới nổi, nhất là những nước có nợ công tính bằng đô la”.

 75% nợ công của các nền kinh tế đang trỗi dậy được tính bằng đô la. Đồng nội tệ của những nước này vừa qua mất giá liên tục, rơi xuống mức thấp nhất kể từ 10 năm nay. Và như vậy, thì số nợ của họ trả bằng đô la sẽ đội lên.

Nền kinh tế của họ vì thế sẽ bị kéo vào vòng xoáy khủng hoảng hối đối rồi khủng hoảng nợ công rồi suy thoái kinh tế. Tình hình đó sẽ càng thêm phức tạp khi mà tại Mỹ lãi suất ngân hàng đang tăng không ngừng, đồng đô la cũng liên tục tăng giá.

Đồng đô la hiện chi phối đến 60% dự trữ ngoại tệ thế giới, ảnh hưởng và thậm chí cạnh tranh với nhiều đồng nội tệ ở nhiều nước ở Châu Á, Châu Mỹ La Tinh, Trung Đông…

Switch mode views: