Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 04-11-2014

Châu Á : Thành công đối ngoại hiếm hoi của Barack Obama

MALAYSIA-USA



Tổng thống Barack Obama tại Đại hội Lãnh đạo trẻ Đông Nam Á ở Kuala Lumpur, Malaysia, tháng 04/2014.
Reuters

Nước Mỹ hôm nay 04/11/2014 đi bầu. Họ không bầu lại tổng thống, thế nhưng tên tuổi Tổng thống Mỹ đương nhiệm lại nổi bật trên toàn bộ báo Pháp.
Các báo chủ yếu phân tích về nguy cơ đảng Dân chủ của ông Obama sẽ mất nốt Thượng viện vào tay đảng Cộng hòa, đẩy ông vào tình trạng quyền lực bị đối lập giới hạn.

Riêng Le Figaro đã đăng một nhận định có phần tích cực về Tổng thống Mỹ trong bài « Obama : Thành công tại Châu Á, thất bại ở nơi khác ».
Theo Le Figaro, quả là nhân vật lãnh đạo cường quốc hùng mạnh nhất hành tinh về quân sự và kinh tế đang đứng trước nguy cơ bị « tê liệt bán phần » về mặt ngoại giao nếu Thượng viện Mỹ rơi vào tay đảng Cộng hòa nhân cuộc bầu cử vào hôm nay, 04/11/2014 như các cuộc thăm dư luận trong những ngày qua cho thấy.

Lý do rất đơn giản : Thượng viện Mỹ, trái với Pháp và nhiều nước khác, có một vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Trong tình hình đó, Le Figaro cho rằng không phải là quá sớm khi thử làm vào lúc này một bản sơ kết đường lối ngoại giao của ông Obama.

Thất bại từ Cận Đông đến Nga-Ukraina

Ghi nhận đầu tiên của nhật báo Pháp là rất nhiều ưu tiên ngoại giao mà Tổng thống Mỹ từng hùng hồn loan báo đều đã thất bại, mà nặng nề nhất có lẽ là hồ sơ Cận Đông, với cuộc tranh chấp Israel-Palestine. Vào lúc nhậm chức, ông Obama từng cam kết giải quyết trong một năm.

Đối với Le Figaro, hồ sơ này là một thất bại hoàn toàn : Mục tiêu hai Nhà nước Israel và Palestine cùng song song tồn tại vẫn rất xa vời, tiến trình Israel xâm chiếm các vùng đất trên nguyên tắc là của người Palestine vẫn tiếp tục, dải Gaza nơi sinh sống của khoảng 2 triệu người Palestine vẫn là một nhà tù lộ thiên to lớn do chính sách phong tỏa của Israel, thậm chí mùa hè vừa qua, quân đội Do Thái còn mở cuộc tấn công, sát hại hơn 2000 người, phá hủy 15% nhà cửa...

Irak, theo Le Figaro là một thất bại lớn thứ hai. Việc ông Obama cho rút quân quá sớm khỏi nước này vào năm 2010, đối với nhật báo Pháp, là một lỗi lầm gần nặng bằng quyết định tấn công Irak của ông Bush vào năm 2003.

Và khi phải can thiệp chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo đã ngóc đầu dậy từ khi người Mỹ rút đi, ông Obama lại phạm sai lầm khi công khai báo trước cho kẻ thù rằng sẽ không có vấn đề can thiệp trên bộ.

Tại vùng Trung Đông, theo Le Figaro, chính sách của Mỹ còn gặp khó khăn tại Syria, tại Ai Cập.

Còn ở Châu Âu, đường lối gọi là khởi động lại - « reset » - quan hệ với Nga cũng thất bại vì – như Le Figaro nhận định – « nhà dân chủ Obama chưa từng tự hỏi là đầu óc một sa hoàng như Putin vận hành ra sao ». Kết quả là ngoại giao Mỹ-Nga lâm vào bế tắc.

Trên hồ sơ Ukraina, ông Obama đã để cho các nhà ngoại giao của mình công khai ủng hộ những người biểu tình trên quảng trường Maidan chống lại một Tổng thống được bầu lên một cách hợp pháp. nước Mỹ lại có thái độ coi nhẹ Liên Hiệp Châu Âu trong việc giải quyết khủng hoảng bùng lên, và đã phá vỡ một khả năng thỏa hiệp với Nga ngày 21/04.

Thành công ở châu Á : hiếm hoi nhưng to lớn

Thành công hiếm hoi của Tổng thống Mỹ Obama, theo Le Figaro, lại là ở Châu Á, với việc ông đã biết cách nói chuyện với Trung Quốc, xây dựng được một tiến trình đối thoại, vừa mang tính chất tôn trọng lẫn nhau, vừa duy trì thái độ kiên quyết cần thiết.

Một ví dụ : Trên vấn đề tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư giữa Trung Quốc và Nhật Bản, Mỹ đã đứng ra bảo về đồng minh Nhật, nhưng từ chối xác định lập trường trên vấn đề quần đảo này là của ai.

Theo Le Figaro, toàn bộ các nước châu Á hiện đang tìm kiếm sự che chở của Mỹ, chống lại chủ nghĩa bành trướng trên biển của Trung Quốc. Trong vùng Thái Bình Dương, Hoa Kỳ đã lấy lại vai trò cường quốc trụ cột.

Le Figaro kết luận : Chỉ riêng điều này thôi đã là một thành công ngoại giao to lớn, nhất là khi gặt hái được tại vùng được coi là đầu tầu kéo tăng trưởng thế giới đi lên.

Bầu cử Mỹ : Obama sẽ mất hết ?

Riêng về cuộc bầu cử đang diễn ra, tất cả các báo đều bi quan cho ông Obama. Le Figaro tự hỏi trong hàng tựa trang nhất : « Bầu cử giữa nhiệm kỳ : Obama sẽ mất tất cả ? ».

Les Echos thì khẳng định hơn : « Obama sắp mất đa số tại Thượng viện ». Le Monde cũng ghi nhận « Thất bại được dự báo của ông Obama ».

Riêng Libération trình bày sự kiện một cách khá độc đáo. Bên trên một chân dung được phóng to của ông Obama chiếm ¾ trang nhất, tờ báo chạy tựa lớn nhưng ngắn gọn « Đích nhắm » (La cible), bên dưới một lời giải thích : « Bị phe Cộng hòa tấn công và bị chính phe mình phản đối, Barack Obama có nguy cơ bị mất đa số trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào hôm nay, thứ Ba ».

Ở trang trong, Libération nêu bật nghịch lý là ông Obama có nguy cơ bị thất thế cho dù thành tích của ông rất đáng kể. Tờ báo giải thích : « Cử tri Mỹ thường không thích vị tổng thống của họ vào thời điểm cuối nhiệm kỳ thứ hai.

Tỷ lệ uy tín 40% của ông Obama có thể là giấc mơ của Tổng thống Pháp Hollande, nhưng lại rất kém cỏi theo thông lệ Mỹ ».

Đối với Libération, "người Mỹ đã không biết ơn người đã mang tăng trưởng trở lại cho nước Mỹ, hạ thấp mức thất nghiệp, và lại càng không cảm tạ ông về chế độ bảo hiểm y tế Obamacare".

Theo tờ báo Pháp, « Vị Tổng thống trẻ tuổi đắc cử vào năm 2008 đã gây thất vọng, và người Mỹ trừng phạt điều bị cho là thiếu năng lực lãnh đạo, đặc biệt trên trường quốc tế. »

Báo La Croix cũng đồng quan điểm với đồng nghiệp Libération khi nhận xét rằng nhìn từ Châu Âu, việc ông Obama bị suy yếu rất đáng ngạc nhiên vì thành tựu của ông không đến nỗi kém cỏi.

La Croix nêu bật : « Nền kinh tế, bị mất ổn định thời người tiền nhiệm của ông, đã khởi sắc trở lại ; lính Mỹ đã rút khỏi Irak và không còn chiến đấu ở Afghanistan ; một chế độ bảo hiểm y tế toàn dân đã được thiết lập để cung cấp bảo hiểm cho tất cả người Mỹ… vị Tổng thống đảng Dân chủ đã có sự chú ý đến những người nghèo nhất ».
Thế nhưng tại sao ông lại bị mất uy tín ? Theo nhật báo Công giáo Pháp, « ông bị coi là quá tính toán, do dự. »

Tự do tôn giáo lùi bước trên thế giới

Còn trong địa hạt tự do tôn giáo, nhật báo La Croix đã lên tiếng báo động về việc quyền tự do tôn giáo trên toàn thế giới tiếp tục bị xâm phạm.

Báo La Croix đã trích dẫn bản báo cáo năm 2014 về tự do tôn giáo trên toàn thế giới được hội Giúp đỡ Giáo hội bị Lâm nguy (Aide à l’Eglise en Détresse (AED), trụ sở tại Đức, công bố vào hôm qua, ghi nhận rằng : « Trong số 196 nước trên thế giới, có 81 quốc gia - 41% - được xác định là nơi quyền tự do tôn giáo bị cản trở hoặc bị phủ nhận ».

Đi vào chi tiết, các nước như Irak, Syria, cũng như Nigeria, Pakistan và Trung Quốc đều nằm trong số 20 nước bị liệt vào diện "cao" – tức là đáng quan ngại nhất trên bình diện thiếu vắng tự do tôn giáo. Thang bậc xếp hạng của Hội Aide à l’Eglise en Détresse gồm 4 nấc.

Trong số các nước đáng quan ngại nhất, có 14 nước đang phải sống trong tình trạng bị chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo truy bức, hay bị các chế độ độc tài đàn áp. Chỉ có sáu quốc gia, bao gồm Cuba, Iran và Qatar, ghi được những cải thiện trong lãnh vực quyền tự do tôn giáo.

Trong báo cáo năm nay, tổ chức Công giáo AED nhấn mạnh đến việc tôn trọng sự khác biệt của nhau, một "giá trị ngày càng bị đe dọa" theo lời Giám đốc Hội AED Marc Cheese.

Chính vì thiếu sự tôn trọng này, mà tại vùng Trung Đông, xu hướng « độc giáo » ngày càng phát triển, trong lúc tại Phương Tây, sự đa dạng tôn giáo và văn hóa lại tạo nên căng thẳng. Chính do yếu tố này mà Pháp, Đức và một số nước Bắc Âu bị xếp vào diện « Đáng lo ».

Switch mode views: