Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Các khó khăn của khu vực đồng euro gây quan ngại cho thế giới

euro sign

REUTERS/Alex Domanski

Các lãnh đạo kinh tế trên thế giới họp mặt tại Washington hôm qua 10/10/2014 duy trì áp lực lên khu vực đồng euro để đối phó với tình trạng trì trệ, đặc biệt là nước Đức được yêu cầu khuyến khích chi tiêu để kích thích tăng trưởng.

Tuy vậy Berlin tiếp tục chống chọi với sức ép đòi phải linh hoạt hơn về vấn đề ngân sách trên toàn khu vực đồng euro hiện đang gặp khó khăn, cho rằng thật « ngu xuẩn » nếu hy sinh số tiền tiết kiệm được nhờ cải thiện chi tiêu tài chính của các chính phủ.

Các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương trên toàn thế giới đang có mặt tại Washington để dự cuộc họp thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc kinh tế của khu vực đồng euro sụt giảm, đang bên bờ vực một cuộc suy thoái mới.

Chỉ số các thị trường chứng khoán tiếp tục xuống dốc, càng nhấn mạnh thêm cho mối quan ngại này.
Cổ phiếu châu Âu được đo lường bằng chỉ số Euro Stoxx 50 hôm qua giảm 1,4%, còn trong cả tuần đã giảm 3,7% ; tương tự đối với Wall Street thì lần lượt là 2,1% và 3,1%.

Vào đầu tuần, IMF đã hạ mức dự báo tăng trưởng đối với khu vực đồng euro còn 0,8% trong năm nay và 1,3% trong năm 2015, nhưng nhận định rằng có 40% khả năng khu vực này lại rơi vào suy thoái.

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu Mario Draghi nhìn nhận, mức cầu chậm lại là một nhân tố kéo lạm phát đi xuống – hiện ở mức 0,3% và được cho là một chỉ số rõ rệt về nguy cơ khu vực đồng euro đang giảm sút.

Mọi chú ý dồn vào phía Đức, Berlin được yêu cầu giảm bớt các đòi hỏi siết chặt ngân sách để có thể tăng chi cho nhằm tăng trưởng, và các hoạt động tạo công ăn việc làm như phát triển cơ sở hạ tầng, ngay cả khi điều này làm cho nợ nần của các chính phủ khu vực đồng euro tăng lên.

 IMF vốn nghiêm khắc về kỷ luật ngân sách, tuần này cũng nhấn mạnh việc các nước vay mượn và chi tiêu nhằm củng cố tăng trưởng là đáng khuyến khích.

Tuy nhiên Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble nói rằng không nên tạo rủi ro cho nỗ lực ổn định nền tài chính công của khu vực đồng euro, và dù sao đi nữa cũng đã sắp đạt mục đích củng cố tăng trưởng về lâu về dài.

Hôm qua cơ quan thẩm định tài chính S&P đã hạ mức dự báo tăng trưởng nước Pháp xuống « tiêu cực », có nghĩa là còn có nguy cơ đánh sụt hạng trong vài tháng tới nếu tình hình không thay đổi, và Phần Lan cũng thế dù vẫn duy trì được mức cao nhất là AAA.

Nếu những khó khăn của châu Âu được coi như mối đe dọa lớn nhất, các hội nghị của IMF và WB vẫn duy trì cảnh báo về các nguy cơ khác đối với kinh tế thế giới như các cuộc khủng hoảng ở Ukraina và Trung Đông, nạn dịch Ebola ở Tây Phi vẫn chưa kiểm soát nổi.


Switch mode views: