Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 08-10-2014

Giải mã trường hợp lây nhiễm Ebola đầu tiên tại Châu Âu

ebola-madrid


Một bảng cảnh báo dịch Ebola gần khu nhà ở của nữ y tá bị nhiễm bệnh tại ngoại ô Madrid, 08/10/2014.REUTERS/Sergio Perez

Thời sự Pháp dĩ nhiên rất được chiếu cố với những dòng tựa đập mắt trang nhất hôm nay với tình thế khó khăn của Tổng thống Pháp trên vấn đề ngân sách.

Bên cạnh đó, dịch bệnh Ebola rất được quan tâm trên trang nhất cũng như ở trang trong với ca lây nhiễm đầu tiên tại Tây Ban Nha, bất chấp chế độ dự phòng nghiêm ngặt được Châu Âu ban hành.

Libération trong hàng tựa trang đầu nói đến « Châu Âu cảnh giác », Le Monde tóm gọn tình hình trong một hàng tựa cũng trên trang nhất : « Ebola : Phủ nhận ở Liberia, lo âu ở Tây Ban Nha ».

Các báo trở lại sự kiện một nữ y tá 44 tuổi, ở Tây Ban Nha đã nhiễm bệnh sau khi chăm sóc cho hai nhà truyền giáo bị nhiễm Ebola ở Châu Phi, được chở về Tây Ban Nha vào tháng trước để chữa trị, hai người này đã qua đời sau đó.
Ca lây nhiễm đầu tiên ở Tây Ban Nha đã làm dấy lên tâm trạng lo ngại về khả năng bệnh lây lan ở Châu Âu, nhất là khi nguyên nhân lây bệnh chưa rõ.

Trong bài tường thuật dài trang Thế giới, báo Libération ghi nhận sự "tức giận" sau ca lây nhiễm đầu tiên này ở Tây Ban Nha, và gợi lên yếu tố "bất cẩn".
Theo tác giả bài báo, thì hiện chưa biết hết về ca lây nhiễm đầu tiên này, nhưng những thông tin chung quanh vụ cô y tá ở Madrid lại càng không trấn an được quần chúng : Chồng cô và một người Nigeria đã bị "cách ly" ở Madrid, trong khi 52 người khác đặt trong tình trạng theo dõi sức khỏe.

Riêng cô y tá, Teresa, bị cách ly ở một khu biệt lập trong bệnh viện Carlos III, ngoại ô Madrid, người quấn một tấm plastic trong vắt hoàn toàn "không thấm nước".
Theo lãnh đạo bệnh viện, « sức khỏe của Teresa chuyển biến một cách thuận lợi, nhưng vẫn phải cẩn thận. »

Điều chắc chắn theo bài báo, là Teresa đã bị lây bệnh từ nhà truyền giáo Manuel Garcia Viejo, được đưa về từ Sierra Leone ngày 22/09, và đã chết ba ngày sau.

Những ai tiếp xúc với bệnh nhân Ebola phải được theo dõi, nhưng…

Câu hỏi hiện nay là chuyện gì đã xẩy ra để rồi Teresa bị nhiễm Ebola, trong khi mà các lãnh đạo liên can khẳng định là đã thực hiện các biện pháp an toàn cần thiết.
Thiếu sót ở chỗ nào ? Tại sao Teresa, một cô y tá nhiều kinh nghiệm, lại không được theo dõi khi có những triệu chứng đáng ngại như bị sốt chẳng hạn ?

Theo bài báo, cô y tá đã vào phòng bệnh nhân hai lần : Lần đầu là để giúp thay quần áo, lần thứ hai là để chứng kiến cảnh bệnh nhân đã qua đời, và gom đi những vật dụng bệnh nhân sử dụng, ngày hôm sau thì Teresa đi nghỉ. Cũng may là không đi xa Madrid.

Điều làm dấy lên tức giận là trên nguyên tắc, theo quy định của Tổ chức Y tế Thế giới (OMS), những người tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm Ebola phải được theo dõi, nhưng trong ca của Teresa thì không, mà lại còn để cô đi chu du. Đây là một thái độ vô trách nhiệm.

Bài báo nhắc lại, nhà truyền giáo Manuel Garcia Viejo, chết ngày 25/09.
Năm ngày sau, 30/09, Teresa cảm nhận một số triệu chứng, chủ yếu là sốt, nhưng chỉ sáu ngày sau, tức thứ Hai 06/10 vừa qua, sau khi cô y tá yêu cầu đến hai lần và sốt lên cao, nhà thương mới đồng ý cho xét nghiệm, và khám phá ra rằng Teresa bị nhiễm virút Ebola...

Theo bài báo, có hai vấn đề đặt ra hiện nay. Thứ nhất là nguyên nhân khiến cho một người có thể bị nhiễm virút.
Bài báo trích giới chuyên gia được phỏng vấn trên các kênh truyền hình Tây Ban Nha, theo đó chỉ có thể bị lây nhiễm thông qua việc chạm phải các chất lỏng như nước vệ sinh của bệnh nhân, nước giải, mồ hôi. Cho nên có thể xẩy ra một động tác không chính xác, với một ống chích chẳng hạn.

Nguyên do thứ hai là có thể sự bất cẩn khi gom những dụng cụ, băng... được sử dụng chăm sóc bệnh nhân, và thứ ba là sử dụng không đúng đắn áo bảo hộ màu vàng dành riêng cho việc đối phó với virút Ebola.

Vấn đề thứ hai, khẩn cấp hiện nay, là làm sao biết được tất cả những người mà Teresa đã tiếp xúc khi có triệu chứng bệnh. Trên nguyên tắc, giới y tế vẵn khẳng định là trong thời gian ủ bệnh, từ 2 đến 21 ngày, bệnh không thể lây, nhưng điều này cũng không chắc.

Ngoài số lượng hơn 50 người y tá, bác sĩ, làm việc, tiếp xúc với Teresa đang dược theo dõi, thì cũng đang có việc "kín đáo" tìm những người tiếp xúc với Teresa trong mấy ngày cô đi nghỉ.

Phương Tây đã sẵn sàng đối phó với Ebola ?

Báo La Croix ở trang Thế giới đặt lại câu hỏi : « Các nước phương Tây có thật sự chuẩn bị sẵn sàng đối phó với Ebola ? »
Tờ báo trích dẫn trường hợp bệnh nhân ở Texas, Hoa Kỳ, vào cuối tháng 9, ca phát bệnh đầu tiên ngoài Châu Phi, rồi đến cô y tá ở Tây Ban Nha.

La Croix cũng nêu bật nỗi tức giận, và thắc mắc của giới y tế, khó thể hiểu được vì sao cô y tá Tây Ban Nha lại nhiễm bệnh, trong khi mà Tây Ban Nha cũng như tất cả các nước Châu Âu, đều phải áp dụng những biện pháp an toàn do OMS quy định. Đối với họ ca nhiễm bệnh này cũng đáng ngạc nhiên.

La Croix trích lời bác sĩ Jean- François Delfraissy, giám đốc viện Vi trùng học và Bệnh truyền nhiễm tại Paris, đánh giá rằng ca nhiễm ở Tây Ban Nha cho thấy là ngay tại các quốc gia đã chuẩn bị kỹ càng, thông tin đến với bác sĩ và y tá không phải là đã "tốt nhất".

Rút kinh nghiệm, ông Delfraissy cảnh báo là trước một số triệu chứng cho dù xem qua là bình thường, như sốt, tiêu chảy, bị nôn, đau cơ bắp, thì bác sĩ phải hỏi ngay chi tiết là người bệnh có từ Châu Phi trở về, hay có tiếp xúc với ai đến từ vùng này hay không.

Ông cũng trấn an là ở Pháp có cả một hệ thống hữu hiệu để đối phó, và cách ly ngay bệnh nhân. Ông cũng nhắc lại người từ Tây Phi trở về có triệu chứng như nói trên thì phải gọi trung tâm 15.

Samsung chới với vì smartphone Trung Quốc

Về Châu Á hôm nay, Le Figaro chú ý một mặt đến Ấn Độ đã cứu giúp ngành xe môtô của tập đoàn Pháp Peugeot, bằng cách đầu tư 51% vào vốn của Peugeot Scooter, mặt khác tờ báo cũng quan tâm đến việc chàng khổng lồ Hàn Quốc Samsung đang trầy trật đối phó với cạnh tranh của các đối thủ Trung Quốc.

Lợi nhuận tập đoàn điện tử Hàn Quốc có nguy cơ giảm sụt đến 60%. Lý do đơn giản : Giá của sản phẩm Samsung quá cao : ví dụ như smartphone Galaxy S5, ra vào tháng 5/2014.

Cho dù đã thu hút giới sành điệu, với 10 triệu chiếc bán ra trong vòng không đầy một tháng, chính xác là 25 ngày, nhưng giá bán khoảng 500 euro đã làm nản lòng không ít người. Trong khi đó, tại Trung Quốc, Xiaomi phá giá với những chiếc smartphone chỉ khoảng 100 euro.

Trước tình hình này, theo Le Figaro, Samsung đáp trả bằng việc thông báo đầu tư 14,7 tỉ đô la trong ba năm đầu để xây dựng nhà máy sản xuất con bọ điện tử. Nhu cầu về bọ đang bùng nổ. Thông báo của Samsung theo Le Figaro đã trấn an được các thị trường tài chính.

Bắc Triều Tiên thời Kim Jong Un xa xỉ gấp đôi thời Kim Jong Il

Báo kinh tế Les Echos trong thời gian gần đây rất chú ý đến Bắc Triều Tiên, nói đúng hơn là chú ý đến lãnh đạo trẻ Kim Jong Un.

Sự kiện mà tờ báo Pháp đăng một cách lý thú là : « Kim Jong Un thích hàng xa xỉ nhiều hơn cha, thích đến gấp đôi », tựa bài báo ở mục Thế giới.
Tờ báo cho biết là mặc dù bị cấm vận của Liên Hiệp Quốc, lượng hàng nhập hàng năm vào Bắc Triều Tiên như rượu, đồng hồ, xách tay phụ nữ, mỹ phẩm, nữ trang, thảm, đã tăng lên gấp đôi số lượng thời ông Kim Jong Il.

Les Echos trích dẫn số liệu nhập khẩu của Bình Nhưỡng mà một nghị sĩ Hàn Quốc nêu bật : Chế độ Bắc Triều Tiên mặc dù bị cấm vận của Liên Hiệp Quốc và các cường quốc, cũng đã đưa được vào trong nước trong năm 2013, 644 triệu đô la hàng xa xỉ.

Theo tính toán của các nghị sĩ Hàn Quốc, đây là khoản cao gấp đôi so với lượng hàng năm thời Kim Jong Il.

Việc nhập hàng xa xỉ này, theo phân tích phía Hàn Quốc, không phải là không có nguyên nhân, mà đây là yếu tố then chốt bảo đảm sự trung thành của các viên chức của chế độ.

Bình Nhưỡng tăng các mặt hàng tại những cửa hàng dành cho viên chức cao cấp, tăng nhập hàng xa xỉ được dùng để làm quà cho viên chức cấp cao trong đảng và quân đội, những thành phần bảo vệ chế độ.

Les Echos hóm hỉnh cho là đến giờ thì chó không nằm trong danh sách "sản phẩm xa xỉ", mặt hàng sang trọng, nhưng hàng năm Bình Nhưỡng chi 200.000 đô la mua chó giống và những thứ dùng cho chó hàng ngày.

Les Echos trích lại nhận định của nghị sĩ Hàn Quốc, cho biết là với số tiền nhập hàng xa xỉ năm ngoái, Bắc Triều Tiên có thể mua được 3,66 triệu tấn bắp, và 1,52 triệu tấn gạo cho đất nước đang thiếu hụt lương thực.


Switch mode views: