Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Việt Nam đàm phán mua hỏa tiễn siêu thanh của Ấn Độ


HÀ NỘI  (NV) .- Việt Nam và Ấn Độ đang ở giai đoạn gần hiện thực trong tiến trình đàm phán về mua bán hỏa tiễn siêu thanh Brahmos mà Ấn Độ phát triển chung với Nga.

VN-Brahmos
Hỏa tiễn hành trình siêu thanh Brahmos do liên doanh Nga-Ấn sản xuất. (Hình: Internet)



Theo một bản tin tiết lộ trên báo chí Ấn Độ dựa vào lời bình luận của một viên chức ngoại giao giấu tên cao cấp của Ấn Độ, các cuộc đàm phán để Ấn Độ bán cho Việt Nam loại hỏa tiễn Brahmos đang trong giai đoạn gần hiện thực (advanced stage).

Đây là loại hỏa tiễn siêu thanh nhanh gấp 3 lần tốc độ âm thanh (Mach 3) do các chuyên viên võ khí Nga liên doanh với Ấn Độ sản xuất gồm các phiên bản cho bộ binh, máy bay khu trục, tàu chiến và tàu ngầm, hữu hiệu hơn, tối tân hơn, bay nhanh hơn và tầm xa hơn nhiều so với loại hỏa tiễn Club S hay Kh-35 mà Nga bán cho Việt Nam.

Hiện hai tàu hộ tống Đinh Tiên Hoàng và Lê Thái Tổ của Việt Nam thuộc lớp Gepart mua của Nga chỉ được trang bị hỏa tiễn hành trình chống tàu chiến Kh-35 Uran tầm bắn 130 km, vận tốc cận âm 0.8 Mach.

Các tàu ngầm Việt Nam mua của Nga mới được giao hàng 2 chiếc thuộc lớp Kilo được trang bị hỏa tiễn Club S (3M-54E) chống hạm tầm bắn tối đa 220km vận tốc 2.9 mach.

Cũng loại hỏa tiễn này như dùng để tấn công các vị trí mặt đất lại chỉ có vận tốc cận âm Mach 0.8 vì đầu đạn nặng gấp đôi.
Hỏa tiễn Brahmos là sản phẩn của liên doanh Ấn-Nga nên bán cho một nước nào khác cần có sự thỏa thuận của cả hai. Việt Nam được mô tả là nước thân hữu của cả Nga và Ấn.

Việt Nam cũng đã tỏ ý muốn mua loại võ khí này ba năm nay khi ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng CSVN đến New Delhi năm 2013. Các tin tức liên quan đến vụ việc mua bán này được báo chí Ấn và quốc tế đề cập nhiều lần trong thời gian qua.

Nay nhân chuyến thăm viếng Việt Nam đang diễn ra của tổng thống Ấn Pranab Mukherjee, diễn tiến mua một trang bị quốc phòng tốt hơn cho chương trình phòng thủ tự vệ của Việt Nam bị bật mí qua một kênh tư nhân.

Bản thông cáo chung sau khi tổng thống Ấn gặp chủ tịch nước Trương Tấn Sang hôm Thứ Hai 15/9/2014 đề cập 7 thỏa thuận hợp tác giữa hai bên về nhiều mặt, gồm cả dầu khí nhưng hoàn toàn không có tiết lộ gì về mua bán quốc phòng.

Thông tấn xã Việt Nam khi đưa tin về chuyến thăm Việt Nam của tổng thống Ấn đã “đá giò lái” Bắc Kinh khi viết dài dòng về việc ông  Pranab Mukherjee đã đình hoãn cuộc thăm viếng của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, cùng thời điểm, để đi Hà Nội vì “Ấn Độ coi Việt Nam là trụ cột trong chính sách "hướng Đông".

Bản thông cáo chung giữa ông Pranab Mukherjee và ông Trương Tấn Sang chỉ nói thoáng qua ở điển số 8 rằng “Hai bên nhất trí rằng hợp tác an ninh quốc phòng là một trụ cột quan trọng của Quan hệ Đối tác Chiến lược giữa hai nước.

 Hai bên bày tỏ sự hài lòng về hợp tác hiện nay trong lĩnh vực này và nhấn mạnh việc ký kết Bản ghi nhớ về Hạn mức tín dụng trị giá $100 triệu mà Ấn Độ dành cho Việt Nam sẽ mở ra những cơ hội hợp tác mới.”

Một trăm triệu đô la tín dụng vừa nói là Ấn Độ cấp để Việt Nam mua 4 tàu tuần duyên nhỏ do một công ty Ấn Độ đóng, theo tiết lộ của tạp chí quốc phòng quốc tế Jane's Defense hồi Tháng 11 năm 2013.

Việt Nam đang đối phó rất khó khăn với tham vọng bành trướng của Trung Quốc nên chèo kéo từ Mỹ, Nhật Bản đến Ấn Độ vào Biển Đông. Trung Quốc với tham vọng muốn nuốt trọn Biển Đông nên bất cứ nước nào khác ngoài khu vực xía vào chuyện tranh chấp Biển Đông đều lộ rõ sự tức giận.

Một số nhà phân tích thời sự cho rằng sự gia tăng mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Ấn Độ (ký kết từ năm 2007) là kết quả của chính sách “nhìn về hướng Đông” của Ấn cũng như ý định ngó chừng những ý định của Bắc Kinh về Biển Đông.

Để khuyến khích Ấn, Việt Nam hồi tháng trước đã tăng thời hạn dò tìm dầu khí cho tập đoàn ONGC của Ấn tại hai lô 127 và 128 ngoài khơi Việt Nam dù một lô Ấn Độ rút bỏ.

Nếu được Ấn Độ bán cho hỏa tiễn hành trình Brahmos, Việt Nam cải thiện đáng kể trên khả năng “răn đe” đối với tham vọng bá quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông.

 Từ đầu Tháng 5 vừa qua, Bắc Kinh đưa giàn khoan khổng lồ Haiyang Shiyou 981 tới khoan tìm ngay trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, làm bùng phát phong trào biểu tình bạo động nhằm vào các công ty Trung quốc đầu tư tại Bình Dương, Biên Hòa và Hà Tĩnh, gây nhiều tổn thất lớn.

Các hỏa tiễn Brahmos được coi như một nấc chiến lược sau khi Việt Nam mua 6 tàu ngần lớp Kilo, tượng trưng cho kế hoạch lấy yếu chống mạnh trong một cuộc chiến không cân xứng.

 Khả năng vượt trội của chúng sẽ buộc kẻ có tham vọng bành trướng phải cân nhắc nhiều hơn dù mạnh hơn gấp bội. (TN)

Switch mode views: