Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 14-07-2014

Châu Âu chuẩn bị đối mặt với khủng hoảng khí đốt vào mùa đông

UKRAINE-CRISIS-GAZPROM


Đường ống dẫn khí đốt tại Mryn, cách thủ đô Kiev 120 km về phía bắc.
REUTERS/Gleb Garanich/Files


Hôm nay là ngày Quốc khánh Pháp nên hầu hết các nhật báo Pháp đều nghỉ lễ, duy chỉ có ba tờ báo lớn vẫn phát hành là Le Monde, Le Figaro và Libération.

Cuộc diễn binh trên đại lộ Champs Elysées nhân kỷ niệm ngày Quốc khánh Pháp với kỷ niệm 100 năm Chiến tranh Thế giới thứ nhất, kết quả chung kết World Cup 2014 là các đề tài chiếm sự quan tâm của ba tờ báo.

Ngoài ra, về thời sự quốc tế, chuyến công du của Tổng thống Nga tại Châu Mỹ La Tinh, việc Châu Âu chuẩn bị đối mặt với khủng hoảng khí đốt vào mùa đông này, sự kiện Bangladesh muốn có bảo hiểm cho công nhân ngành may mặc cũng là những chủ đề được chú ý.

Trước tiên, mục kinh tế trên tờ Le Monde có bài viết : « Các quốc gia Châu Âu chuẩn bị đối mặt với khủng hoảng khí đốt vào mùa đông ».

Le Monde nhận định, cuộc khủng hoảng giữa Nga và Ukraina đe dọa khả năng cung ứng khí đốt của Châu Âu cho mùa đông này, đặc biệt là khu vực Nam Âu như Ý, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ.

Tờ báo ghi nhận, Pháp có vẻ ít phụ thuộc vào khí đốt của Nga, trong khi Châu Âu có thể sẽ chịu một mùa đông giá rét do thiếu nguồn cung ứng khí đốt nếu như kịch bản năm 2009 tái diễn : Nga đã cắt đứt nguồn cung khí đốt qua đường ống của Ukraina, khiến cho khu vực không có nhiên liệu để sưởi ấm trong mùa đông giá rét.

Có đến 50% khí đốt được vận chuyển từ Xibêri qua các đường dẫn khí này, tức 80 tỉ m3 và chiếm 15% nhu cầu của Châu Âu.
Công ty khí đốt Ukraina Naftogaz đang mắc nợ tập đoàn Nga Gazprom 5,3 tỉ đô la và đã từ chối cái giá cao cắt cổ, đắt nhất Châu Âu mà nhà cung ứng Gazprom đưa ra.

Ngày 27/06/2014, Ukraina và Châu Âu ký kết hiệp định hợp tác càng gây căng thẳng cho mối quan hệ Nga-Ukraina. Ông Dmitri Medvedev nhận định : « Ukraina sẽ không thanh toán tiền khí đốt.

Món nợ quá lớn. Họ sẽ dùng khí đốt trong các kho dự trữ khí đốt », đồng thời ông cũng dự đoán : « Mùa thu tới sẽ xảy ra một cuộc khủng hoảng khí đốt trên diện rộng ».

Tình trạng của Ukraina dường như nguy kịch hơn Châu Âu vì mùa đông vừa rồi ở Châu Âu khá ấm nên lượng dự trữ khí đốt vẫn còn nhiều (60 tỉ m3), một khối lượng chưa từng thấy từ năm 2010 trong khi nhu cầu tiêu dùng thấp.

Các nhà quản lý thị trường khí đốt Châu Âu đã không hoảng hốt trước khủng hoảng, nhưng các chuyên gia đánh giá là giá cả sẽ tăng vọt nếu như mùa đông tới lạnh giá.

Gérard Mestrallet, Tổng giám đốc GDF Suez, đối tác với Gazprom từ năm 1970, nhận định : Tình hình sẽ không nguy kịch, chừng nào xung khắc giữa Nga và Ukraina chưa biến thành xung khắc giữa Nga và Châu Âu. Bởi vì, về phía Nga, Mátxcơva cũng có « lợi đáng kể » khi bán khí đốt cho Châu Âu, thị trường chiếm 80% lượng xuất khẩu khí đốt của Nga.

Tuy nhiên, nếu tình trạng tệ hại nhất xảy ra thì Ý là quốc gia bị đe dọa nhất, theo sau là Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Bởi vì Ý có rất ít khí đốt tự nhiên hóa lỏng (50% đắt hơn khí đốt mà Nga cung ứng) và chẳng có nguồn cung ứng nào thêm từ Bắc Phi.

Các tập đoàn dầu hỏa và khí đốt đã chủ động hỏi xem Bruxelles đã dự trù những giải pháp nào trong trường hợp gặp khủng hoảng khí đốt vào mùa đông nhưng hiện tại, Châu Âu vẫn chưa quyết định được gì.

Cũng theo Tổng giám đốc GDF Suez, « cần phải biết quản lý chung các rủi ro ở cấp bậc Châu Âu ». Ví dụ như chuyển khí đốt nhiều hơn qua ngõ Nord Stream (Đức-Nga) để bù trừ cho lượng khí đốt bị chặn qua ngõ Ukraina.

Tuy nhiên, khi đi qua Đức, Gazprom chỉ sử dụng được 50% lượng ống dẫn khí để dẫn xuống Nam Âu vì phải chừa phần lại cho các đối thủ cung ứng khác. Do đó, Bruxelles cần chỉ thị cho Đức tạm thời dỡ bỏ quy định về « quota » này.

Đức đoạt chức vô địch World Cup 2014 lần thứ tư

World Cup 2014 đã khép lại với trận đấu chung kết hôm qua giữa Đức và Achentina với tỉ số 1-0.

Chiếc cúp 2014 đã được trao cho nhà vô địch Đức hiện tại đang là vô địch 4 kỳ World Cup.

Báo Le Figaro và Libération tràn ngập các bình luận về trận đấu và người hùng Götze đã ấn định chiến thắng cho đội Đức.

“Đức 4 sao” và tựa lớn trên Libération kèm với ảnh của cầu thủ ghi bàn duy nhất cho trận đấu Götze. Le Figaro đăng ảnh cả đội Đức ôm chiếc cúp vàng kèm dòng tựa: “Đức ăn mừng chiến thắng”.

Báo Libération nhận định, sau một trận đấu dài căng thẳng kể cả hiệp phụ, cầu thủ Götze được thay vào sân thế cho Klose đã ấn định chiến thắng cho đội Đức. Vào phút 122, ngôi sao Messi của Achentina đã không mang lại điều kỳ diệu là san bằng tỉ số cho đội bóng Nam Mỹ qua cú đá phạt không thành công.

Cổ động viên Achentina đã trông đợi khá nhiều vào kỳ tài Messi - 4 lần nhận quả bóng vàng - nhưng vô ích. Messi đã không thể hiện được mình trước một đội bóng đồng đều hài hòa như Đức. Với chiến thắng này, Đức đã lập kỷ lục là đội bóng Châu Âu đầu tiên chiến thắng trên đất Mỹ La Tinh.

Cuộc chiến giữa hai chiến thuật vô cùng gay go nhưng Đức vẫn không muốn thay đổi vì họ vẫn tin rằng sức mạnh tập thể sẽ chiến thắng một đội bóng chỉ dựa vào sự tỏa sáng của một ngôi sao.

Le Figaro thì dành ít tình cảm cho đội bóng thua cuộc Achentina với nuối tiếc, Messi bất lực vì anh ta đã có những cơ hội nhưng đã không dứt điểm thành công các cú sút. Đồng thời, tờ báo cũng tóm lược các điểm nổi bật trong giải đấu năm nay như World Cup 2014 đầy bất ngờ, đánh dấu thảm bại của các tên tuổi lớn trong làng bóng đá như Tây Ban Nha, Anh, Ý cùng với sự thăng hoa của các đội bóng trẻ Nam Mỹ như Uruguay và Costa Rica.

Toàn cục bóng đá thế giới đang dần thay đổi với sự kiện vô địch thế giới 5 lần như Brazil lại bị Đức đánh bại với chiến thắng đậm (1-7) và không vớt vát nổi giải 3 danh dự sau thất bại (0-3) trước Hà Lan.

Trong một bài viết khác, báo Le Figaro nhận định, tuy bóng đá Brazil rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng trong lịch sử nhưng Brazil đã tổ chức thành công sự kiện này, không một trở ngại nào trong giao thông, kể cả sân bay cũng hoạt động tốt.

Các cuộc biểu tình bị đẩy sang bên lề do dân chúng quá cuồng nhiệt với World Cup. Lẽ ra bạo lực và giá cả cao đã làm du khách e sợ du lịch đến Brazil nhưng cuối cùng khách sạn vẫn ăn nên làm ra với tỉ lệ phòng được đặt là 80% tại Rio de Janeiro.

Quốc khánh Pháp là dịp kỷ niệm 100 năm Thế chiến thứ I

Nhìn sang ngày Quốc khánh Pháp được khá nhiều báo quan tâm, Le Monde có bài viết: “14/7 đánh dấu bằng lễ kỷ niệm 100 năm Thế chiến thứ I”.

Theo tờ báo, Tổng thống Hollande đã mời đại diện gần 80 quốc gia từng tham chiến trong giai đoạn (1914-1918).

Báo Le Monde mô tả đại diện cầm cờ của các quốc gia khách mời sẽ diễu hành trên đại lộ Champs-Elysées theo thứ tự bảng chữ cái.

Lễ tân Pháp cũng tránh để cho các quốc gia xung khắc đi cạnh nhau. Các quốc gia Nam Mỹ và Trung Á chỉ đóng góp vào Thế chiến thứ I một cách tượng trưng nên đã quyết định không tham dự. Những chiến binh ngoại quốc đã từng ngã xuống cho nước Pháp đến từ các nước Đông Dương, châu Á, Châu Phi, các nước thuộc địa cũ.

Trong số khách mời, sự hiện diện của 3 người Algeri trong buổi tổng duyệt đã gây phản ứng mạnh mẽ từ phía đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN).

Ramtane Lamamra, Ngoại trưởng Algeri trả lời trước phản ứng của đảng FN: “Dân tộc Algeri đã đảm nhận vai trò trong lịch sử và tôn vinh những đóng góp của mình cho nền tự do trên khắp thế giới”.

Bộ Quốc phòng Pháp thông cảm với sự nhạy cảm của một số quân nhân Pháp và Algeri nhưng cho rằng phẫn nộ trước sự hiện diện của Algeri là không nên.

Nhật báo cực hữu Présent cũng từng chạy tít vào ngày 4/6 vừa qua : « Fellouze (Algeri) và Việt Minh cũng sẽ hiện diện tại buổi diễu binh 14/07 ».

Tờ nhật báo Présent lấy làm tiếc về hành động mời các nước này tham dự chẳng khác nào làm ô nhục nước Pháp và các chiến binh Pháp đã bỏ mạng tại chiến trường Đông Dương và Bắc Phi.

Năm 2014 còn đánh dấu kỷ niệm 60 năm Pháp bại trận tại Điện Biên Phủ nên căng thẳng lại càng rõ hơn. Cách đây 15 ngày, đảng cực hữu FN nhắm đến các cổ động viên bóng đá Algeri còn bây giờ nhắm đến các quân nhân Algeri.

Le Monde cũng nhận định, Tổng thống Pháp có nguy cơ bị dân chúng la ó, huýt sáo để thể hiện bất bình trong ngày 14/7, cũng như những lần trước Tổng thống Hollande đã từng chịu những kịch bản như vậy.

Putin công du Mỹ La Tinh để tìm kiếm đồng minh

Nhìn sang thời sự quốc tế, báo Le Monde đăng bài : « Vladimir Putin công du Mỹ La Tinh, xa Ukraina ».

Sau Cuba và Achentina, Tổng thống Nga đi Brazil để dự thượng đỉnh các quốc gia mới trỗi dậy.

Theo Le Monde, vấn đề địa chiến lược và ngoại giao là tâm điểm trong các mối bận tâm của Mátcơva. Trong bối cảnh Hoa Kỳ can dự vào Ukraina, Tổng thống Putin lấy làm hài lòng khi tìm thấy bằng hữu từ Nam Mỹ, cụ thể là Achentina. Tuy nhiên, bước quan trọng trong chuyến công du là ghé Brazil.

Ngày hôm qua (13/7), ông Putin đã dự trận chung kết World Cup bên cạnh đồng nhiệm Dilma Rousseff. Hơn nữa, Thượng đỉnh lần thứ 6 các quốc gia mới trỗi dậy BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) được tổ chức tại Brasilia vào ngày mai (15/7) nhằm thành lập ngân hàng chung cho các quốc gia này.

Nhân dịp này, Tổng thống Putin sẽ có cơ hội lên án Mỹ và Châu Âu can dự vào Ukraina, nhưng việc sáp nhập Crimée vào Nga cũng làm cho các thành viên BRICS bối rối, kể cả quốc gia gần gũi nhất với Nga là Trung Quốc.

Tại Châu Á, động vào lãnh thổ của một quốc gia là đề tài gây căng thẳng cho nên Ấn Độ và Trung Quốc đều không đứng chung một thuyền với Nga được trên hồ sơ Ukraina.

Tại Brasilia, Bộ Ngoại giao sẵn sàng bình luận về các sự kiện trên thế giới nhưng tránh bình luận về tình hình tại Ukraina. Cũng như Châu Âu, giới ngoại giao Brazil cũng vô cùng gắn bó với các giá trị như tôn trọng lãnh thổ và các hiệp định nhưng không muốn làm phật lòng Tổng thống Putin và gây nguy hại cho nhóm BRICS.

Bangladesh muốn lập bảo hiểm cho công nhân may mặc

Báo Libération ra hôm nay quan tâm đến công nhân ngành may mặc tại Bangladesh sau thảm họa sập tòa nhà Plaza.

Một nhân vật là Zafrullah Chowdhury, đang đấu tranh để lập ra bảo hiểm bệnh tật cho công nhân, với cái giá chỉ có 3 euro/ năm.

Ngoài ra, ông Zafrullah Chowdhury còn đề nghị chính phủ trợ cấp chi phí ăn uống cho công nhân như nhà nước đã hỗ trợ cho ngành cảnh sát. Bởi theo ông, sức khỏe của họ vô cùng quý giá.

Hàng năm, họ mang lại cho kinh tế Bangladesh đến 16 tỉ euro.  Nếu họ được nuôi sống tốt, khỏe mạnh thì sẽ làm lợi cho quốc gia. Ông Chowdhury còn dự định nhờ đến áp lực từ thế giới để thực hiện những sáng kiến của mình.

Theo một trung tâm nghiên cứu quốc tế tại Dacca, mỗi công dân Bangladesh chi trả 65% tiền túi cho sức khỏe. Người nghèo lại càng nghèo thêm khi họ phải tự chi trả tiền chữa bệnh, theo giải thích của một chuyên gia.

Một hậu quả khác mà một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới đưa ra là 44% người nghèo chỉ hỏi ý kiến dược sĩ để chữa bệnh do không có tiền đi khám bác sĩ nên gây ra nhiều hậu quả tệ hại cho sức khỏe.


Switch mode views: