Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 18-06-2014

 Trung Quốc : Chống tham nhũng biến thành thanh trừng chính trị

liu han -typhu


Tỉ phú Lưu Hán trong một hội nghị ở Tứ Xuyên. Ảnh tư liệu chụp ngày 21/03/2008.
REUTERS/Stringer/Files

Nhật báo Le Figaro hôm nay chú ý đến « Trung Quốc : Chống tham nhũng biến thành thanh trừng về chính trị ».

Theo thông tín viên của tờ báo ở Bắc Kinh, việc kết án tử hình nhà tỉ phú Lưu Hán (Liu Han) làm lung lay mạng lưới của ông này trong Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Tập Cận Bình hứa hẹn sẽ đánh « cả ruồi lẫn cọp » trong cuộc thập tự chinh chống tham nhũng của ông ta. Trong những tháng gần đây, chủ tịch Trung Quốc rất thích xơi những con mồi lớn. Và dần dà cùng với việc trưng các chiến lợi phẩm lên bảng thành tích săn mồi, « chiến dịch bàn tay sạch » của ông ta ngày càng giống một cuộc thanh trừng chính trị.

Bản án tử hình dành cho nhà tỉ phú hầm mỏ Lưu Hán vào tháng trước là một bằng chứng mới.

Thân cận với nhiều nhân vật quyền thế, doanh nhân này không giấu giếm thú chơi xe sang, yêu thích những món sơn hào hải vị, rượu vang thượng hạng của Pháp và kể cả cờ bạc. Nhưng dường như ông ta đã chọn sai phe cánh, trong cuộc đấu tranh quyền lực đỉnh cao của Đảng, diễn ra âm thầm trong bóng tối.

Lưu Hán và người em là Liu Wei (Lưu Duy) bị tòa án Hàm Ninh (Xianning) kết tội « tổ chức và điều hành một nhóm mafia », « sát nhân » và « các tội phạm khác ».

Theo tòa án, « băng nhóm » của anh em họ Lưu hoành hành tại tỉnh Tứ Xuyên, đã giết hại tám người và làm bị thương nhiều người khác trong hai mươi năm qua. Tòa bình luận : « Họ có ý đồ cực xấu, các hành động của họ vô cùng tàn bạo, gây ảnh hưởng xã hội hết sức tồi tệ và tội ác của họ là rất nghiêm trọng ».

Truyền thông Trung Quốc còn nhấn mạnh, Lưu Hán là trung tâm của một mạng lưới mà Tập Cận Bình chừng như tập trung mọi tấn công vào : đó là mạng lưới của cựu Bộ trưởng Công an Chu Vĩnh Khang (Zhou Yongkang).

Người lãnh đạo toàn ngành an ninh trước đây, cho đến lúc nghỉ hưu năm 2012, là một trong những nhân vật quyền lực nhất của chế độ, được miêu tả như một Dick Cheney (cựu Phó tổng thống Mỹ) trộn lẫn với J.Edgar Hoover (cựu giám đốc FBI) của Trung Quốc.

Bị nghi ngờ là âm mưu lật đổ Tập Cận Bình và bị kết tội tham nhũng, nay Chu Vĩnh Khang là lãnh đạo Trung Quốc cao cấp nhất bị điều tra, kể từ khi đảng Cộng sản lên nắm quyền năm 1949 cho đến nay.

Mạng lưới trên đây bắt nguồn từ dầu lửa, tại Tứ Xuyên, nơi Chu Vĩnh Khang là Bí thư Tỉnh ủy. Cũng tại đây, năm 1997 Lưu Hán đã thành lập tập đoàn Hán Long, lúc hưng thịnh nhất thu dụng 12.000 người trên khắp thế giới, có doanh số hàng năm 2,5 tỉ đô la.

Theo báo chí nhà nước, Lưu Hán đã chi ra « rất nhiều tiền » để được một « lãnh đạo cao cấp » - rất có thể là Chu Vĩnh Khang, ban ơn mưa móc vào năm 2001 và sau đó công việc làm ăn của ông ta đã phất lên như diều gặp gió. Nhưng cuộc sống giàu sang của ông bỗng dưng kết thúc khi Tập Cận Bình chính thức lên ngôi vào tháng 3/2013. Lưu Hán bị bắt.

Hơn một chục người thân cận với Chu Vĩnh Khang đã bị rơi rụng từ mùa thu rồi. Bản thân ông Chu là người tâm phúc của cựu chủ tịch Giang Trạch Dân, vẫn đang duy trì một mạng lưới khá mạnh.

Báo chí có thời gian xầm xì rằng cựu chủ tịch cũng đang trong tập ngắm của ông Tập. Tuy vậy gần đây Tập Cận Bình đã cho phép ông Giang Trạch Dân xuất hiện để gặp gỡ Vladimir Putin, dập tắt tin đồn.

Cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo, mà người con gái bị cáo giác trong các vụ tham nhũng và gia đình sở hữu khối tài sản khổng lồ theo như điều tra New York Times, cũng đang ngồi trên đống lửa. Điều này ngăn trở mọi mưu toan chống đối nhân vật cầm quyền hiện tại.

Bài viết kết luận, trong thế giới riêng mập mờ của đảng cầm quyền duy nhất, các lãnh đạo cao cấp của đảng từ nay hiểu rằng, một sai lầm dù nhỏ nhất cũng có thể chết người.

Các « khỏa quan » là mục tiêu của chiến dịch bàn tay sạch

Le Figaro cũng cho biết, các « khỏa quan » (Luo Guan) hay « quan chức trần trụi » -  từ dùng để chỉ những người gởi vợ con ra ngoại quốc sống một cuộc sống vàng son, chờ đến khi hưu trí "hạ cánh an toàn" sẽ sang theo - nay là trung tâm của chiến dịch chống tham nhũng.

Từ tháng Giêng, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã quyết định các quan chức tham ô này không thể được thăng cấp, còn tỉnh Quảng Đông còn đi xa hơn khi giáng cấp họ.

Theo Nhân dân Nhật báo, Quảng Đông tung ra một đợt điều tra rộng rãi để xác định có bao nhiêu quan chức gởi vợ con ra nước ngoài. Tất cả các « khỏa quan » được lệnh phải đưa gia đình về nước, nếu không sẽ bị giáng xuống làm những công việc thấp hơn, kể cả những người đang giữ chức vụ cao. Chẳng hạn Fang Xuan, phó bí thư Quảng Châu đã bị cho về hưu sớm, và có lẽ đang phải chờ đợi những tin tức xấu hơn.

Các « khỏa quan » thuộc nhóm có nguy cơ cao, vì chiếm đến 40% trong các vụ bê bối về tài chính và 80% các vụ tham ô. Nhiều người đã chuyển tiền bạc và đưa gia đình mình ra nước ngoài để tránh bị trừng phạt.

Theo Ngân hàng Nhà nước Trung Quốc, khoảng 18.000 « khỏa quan » đã chuyển 100 tỉ euro ra ngoại quốc từ năm 1990 đến 2008.

Thái Lan và lao động nhập cư bất hợp pháp

Cũng liên quan đến châu Á, nhật báo công giáo La Croix viết về « Cuộc di tản hàng loạt của người Cam Bốt ở Thái Lan » : gần 200.000 người Cam Bốt không giấy tờ phải chạy trốn sau khi chính quyền quân sự Thái loan báo chiến dịch chống nhập cư bất hợp pháp.

Tờ báo nhận xét, có vẻ như người Cam Bốt là đích nhắm trực tiếp, trong khi những người Miến Điện không giấy tờ, đông đảo hơn, lại không bị chiếu cố.

Theo La Croix, những người nhập cư từ Miến Điện, Lào, Cam Bốt cung cấp nguồn lao động giá rẻ cho Thái Lan trong ngư nghiệp, nông nghiệp và xây dựng, trong đó cộng đồng người Miến Điện là đông đảo nhất.

Trong quá khứ, Thái Lan nhắm mắt làm ngơ trước sự hiện diện của hàng trăm ngàn người nhập cư bất hợp pháp, cần thiết cho nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh. Nhưng tình hình đã thay đổi từ khi cuộc khủng hoảng chính trị nổ ra, từ đầu năm đến nay kinh tế Thái đã sụt giảm 0,6%, lần đầu tiên kể từ năm 2011 đến nay.

Tuy vậy, Thái Lan luôn cần đến sức lao động, và vào đầu tuần này, một tướng lãnh Thái đã đến khu vực phía nam Bangkok nổi tiếng về nghề đánh cá, để bảo vệ cho ý tưởng thành lập « đặc khu kinh tế », nơi đây những người nhập cư sẽ được cấp phép làm việc.

Trò nội, thầy ngoại ít khi vươn đến đỉnh cao thế giới

Nội tình nước Pháp phủ kín các trang báo Paris hôm nay với các chủ đề từ thâm hụt ngân sách, đình công của công nhân đường sắt, đấu tranh của giới nghệ sĩ làm việc theo thời vụ cho đến vấn đề chuyển đổi cơ cấu năng lượng.

Trong thời gian diễn ra Cúp bóng đá thế giới, các báo Pháp cũng dành nhiều trang cho ngày hội bóng đá của hành tinh.

Đặc phái viên nhật báo kinh tế Les Echos tại Brazil có bài viết mang tựa đề « Đội tuyển quốc gia, huấn luyện viên ngoại quốc ».

Trong giải năm nay, có 13 đội tuyển được chỉ đạo bởi các huấn luyện viên không cùng quốc tịch. Đây là những đội « nhỏ », vì các quốc gia có nền bóng đá đỉnh cao như Brazil, Achentina, Đức, Ý không bao giờ giao phó đội tuyển quốc gia cho một người ngoại quốc.

Chỉ có một ngoại lệ là Anh quốc vốn có ít huấn luyện viên xuất sắc, phải nhờ cậy đến những người « lính đánh thuê ».

Tại nhóm C, cả bốn đội tuyển Colombia, Côte d’Ivoire, Nhật Bản, Hy Lạp đều được các huấn luyện viên người nước ngoài chỉ đạo. Tuy vậy khó thể tìm ra được tên của một huấn luyện viên ngoại quốc nào đưa được ê-kíp lên đến đỉnh vinh quang trong Cúp bóng đá thế giới.

Chỉ có đội Thụy Điển năm 1958 và Hà Lan năm 1978, do người nước ngoài huấn luyện, lọt được vào bán kết.

Bà mẹ của các cầu thủ Brazil

Nhật báo Le Monde giới thiệu « Bà mẹ của các cầu thủ » ở Brazil, bà Gislaine Nunes, luật sư nổi tiếng chuyên biện hộ cho các cầu thủ bóng đá, trong đó có các thân chủ nổi tiếng như « Vua Pelé » hay Ronaldinho.

Kết hôn với một cầu thủ, hậu vệ cánh trái Evandro, vốn là người yêu từ thuở nhỏ vào năm 1988 lúc 21 tuổi, Gislaine Nunes theo học luật nhưng không có mục tiêu cụ thể. Cho đến khi người chồng bị chấn thương không thể tham gia các trận đấu, không còn thu nhập nhưng cũng không có quyền bỏ sang các đội khác do vẫn thuộc sở hữu của câu lạc bộ mình – một thông lệ có tại Brazil từ nhiều thập kỷ qua, bà mới khuyến khích chồng đi kiện, sau khi dã bán tháo đồ đạc trong nhà để sống cầm hơi.

Bản thân Gislaine đứng ra biện hộ, viện dẫn điều 5 Hiến pháp Brazil theo đó người lao động có quyền tự do, nhắc nhở hai nguyên tắc căn bản : chồng bà có quyền làm việc và bà có quyền sống.

Thắng kiện, bà trở nên nổi tiếng. Thủ môn đội bóng của Evandro giao phó hồ sơ cho bà. Thắng kiện. Nghiệp đoàn các cầu thủ nhờ đến bà, lại thắng.

Đến nay Ghislaine Nunes đã biện hộ cho trên một ngàn cầu thủ Brazil. Thân chủ của bà có cả Vua Pelé, người đã gọi là là « nữ hoàng » của bộ luật mang tên ông, quy định rằng sau ba năm, cầu thủ trở nên tự do, và có thể ký kết hợp đồng thời hạn tối đa 5 năm.

Gislaine cho biết : « Mỗi lần gặp các cầu thủ, đôi khi tôi có cảm tưởng nhìn thấy lại chồng tôi hồi trước. Cho đến nay các lãnh đạo câu lạc bộ vẫn coi là mình nắm quyền tối thượng, một số trả lương trễ, hoặc làm các hợp đồng giả ».

Switch mode views: