Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Tân quốc vương Thái đăng quang: Làm sao thoát khỏi bóng của vua cha

king coronation


Binh sĩ Thái Lan trong y phục truyền thống nhân lễ đăng quang Tân Vương Thái Lan tại Bangkok, ngày 03/05/2019.
The Committee on Public Relations of the Coronation of King Rama

 

Ngày mai, 04/05/2019, một sự kiện trọng đại diễn ra tại Thái Lan, tân vương Maha Vajiralongkorn, chính thức đăng quang nối ngôi vua cha quá cố Bhumibol, người đã trị vì Vương quốc Thái trong suốt hơn 70 năm.

Sự kiện được giới quan sát chú ý với câu hỏi : Liệu tân vương Thái có hoàn thành sứ mệnh mà vua cha gây dựng, trong bối cảnh chính trị Thái thường xuyên bất ổn ?

Hơn một tháng sau khi vua cha Bhumibol Adulyadej qua đời ngày 12/10/2016, hoàng thái tử Maha Vajiralongkorn, được Hoàng Cung Thái Lan suy tôn làm quốc vương Rama X của vương triều có lịch sử 234 năm và trở thành nguyên thủ của Vương Quốc Thái Lan dưới thể chế quân chủ lập hiến.

Nhà vua Rama đời thứ 10 sẽ có quyền ký ban hành luật, chứng kiến các quan chức tuyên thệ nhậm chức và giữ vai trò nguyên thủ quốc gia của Thái Lan cũng như là biểu tượng tinh thần của đất nước.

Trước khi lên nối ngôi cha, hoàng thái tử Vajiralongkorn có cuộc sống vương giả xa hoa, chủ yếu ở nước ngoài, tự do theo đuổi những sở thích riêng.
Ông sống xa rời cuộc sống hoàng gia, không mấy quan tâm đến thời cuộc của đất nước.

Bởi thế mà ngay từ khi nhận lời lên nối ngôi vua tháng 12/2016, nhiều nhà quan sát đã tỏ nghi ngờ về vai trò của tân vương đối với nền quân chủ Thái Lan đang gặp nhiều biến động trong nhiều năm gần đây.

Nhiều ý kiến cho rằng Thái tử Vajiralongkorn sẽ gặp nhiều khó khăn để có được uy quyền và danh tiếng như vua cha.
Bởi nhà vua Bhumibol được coi là người có ảnh hưởng tới nền chính trị Thái Lan trong nhiều thập kỷ trị vì vương quốc.

Vua Bhumibol từng được yêu mến rộng rãi nhờ việc khôi phục lại định chế hoàng gia cũng như việc tạo ra ảnh hưởng quyết định đến các phe phái chính trị ở Thái Lan. Ông được dân Thái tôn sùng như là "Phật sống".

Trong nhiều năm trị vì, ông thi hành nhiều chính sách cải thiện cuộc sống người dân, đưa đất nước phát triển và không ít lần vượt qua các cuộc khủng hoảng chính trị.

Từ khi tuyên bố chấp thuận kế nhiệm ngai vàng của Vua cha, dù chưa chính thức đăng cơ nhưng tân Quốc Vương Rama X đã có những bước đi được đánh giá là nhằm xóa mờ những dị nghị của giới quan sát về khả năng cai quản vương quốc.

« Một trong những thay đổi ấn tượng nhất là tổ chức lại Hoàng Gia », như nhận xét của chuyên gia Michael Vatikiotis, giám đốc khu vực châu Á của tổ chức phi chính phủ Trung tâm Đối thoại Nhân đạo.

Ngay từ năm 2017, nhà vua đã ra quyết định nắm Cục Tài Sản Hoàng gia (CPB), quản lý một tài sản ước tính khoảng từ 30 đến 60 tỷ đô la.
Khối tài sản này, trước đây do một bộ trưởng Tài Chính có chân trong Hội Đồng Hoàng Gia, quản lý.

Vua Rama 10 đã sa thải một số viên chức được cho là có thế lực trong hoàng cung dưới thời cha mình vì tội biển thủ.
Có không ít nhân vật trong hoàng gia hoặc bị sa thải, hoặc bị bỏ tù vì tư lợi, tham ô công quỹ.

Tân vương Vajiralongkorn cũng đã cho tăng cường hệ thống an ninh, tăng gấp 4 lần số lượng cảnh sát tinh nhuệ vào đội bảo vệ hoàng gia.
 Con số lực lượng này, theo AFP, sẽ lên tới hơn 1.600 người từ nay đến năm 2023.

Cũng như ở nhiều nền quân chủ lập hiến khác, nhà vua có vai trò là người bảo đảm sự đoàn kết, ổn định quốc gia.
Với một đất nước như Thái Lan, từ năm 1932 đến nay đã trải qua 12 cuộc đảo chính quân sự, thì vai trò này của nhà vua là hết sức quan trọng, đòi hỏi một người có tầm ảnh hưởng lớn trong mọi giới chức, tầng lớp xã hội cho dù nhà Vua chỉ thực thi ảnh hưởng của mình từ bên trong chính trường.

Trên vai trò này, tân Quốc vương Rama X đã có những bước đi cụ thể.
Năm 2017, ông cho sửa đổi Hiến Pháp, xóa bỏ quyền can dự của chính phủ vào nội dung một số chiếu chỉ của triều đình.

Gần đây nhất, Vua Vajiralongkorn cũng đã hai lần tỏ thái độ can dự vào cuộc bầu cử Quốc Hội hồi tháng 3 vừa qua, đây là cuộc tuyển cử đầu tiên từ sau vụ đảo chính quân sự 2014.

Đầu tiên là việc nhà vua thẳng thừng phản đối việc em gái ông, công chúa Ubolratanan, ra ứng cử chức thủ tướng dưới màu cờ của đảng thân cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra đồng thời là đối thủ không đội trời chung của chính quyền quân sự hiện nay.
Tiếp đó, trước ngày bầu cử, Vua Vajiralongkorn lên tiếng kêu gọi người dân Thái bầu chọn « những người xứng đáng » để tránh đất nước « rơi vào hỗn loạn ».

Những tuyên bố như vậy đã được nhiều nhà phân tích đánh giá như là một sự ủng hộ ngầm với giới quân sự.
Còn một câu hỏi lớn khác được dư luận đặt ra lúc này cho tân quốc vương Thái là liệu nhà vua Vajiralongkorn có tìm cách cải thiện hình ảnh bằng việc giảm nhẹ áp dụng luật phạm thượng khi quân, một trong những bộ luật hà khắc nhất thế giới ?

Một dấu hiệu để hy vọng là từ cuối năm 2017, không có bản án mới nào về tội danh này được tuyên ở Thái Lan. Bên cạnh đó nhiều người bị án vì cáo buộc trên cũng đã được ân xá.

Người dân Thái đang hy vọng vào vị Quốc Vương mới và hình ảnh biểu tượng của tân Vương Thái cũng mới đang được xây dựng.


Switch mode views: