Biển Đông : Mỹ cần áp dụng một loạt biện pháp mới chống Trung Quốc
- Thứ Sáu, 23 tháng Chín năm 2016 17:30
- Tác Giả: Trọng Nghĩa
Các tàu nạo vét của Trung Quốc tại Đá Vành Khăn. Ảnh chụp từ phi cơ trinh sát P-8A Poseidon của Hải quân Mỹ ngày 21/05/2016.
REUTERS
Nhân cuộc điều trần hôm 21/09/2016 tại Hạ Viện Mỹ, ba chuyên gia hàng đầu của Mỹ về Biển Đông đã phê phán các thiếu sót trong đối sách của Mỹ chống lại sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông.
Điểm lý thú là các chuyên gia này đã đề xuất nhiều biện pháp rất cụ thể, cả về pháp lý, chính trị hay quân sự, được cho là có tác dụng răn đe Bắc Kinh nhiều hơn.
Về pháp lý, tiến sĩ James Kraska, giáo sư luật quốc tế tại Học Viện Hải Chiến Hoa Kỳ (US Naval War College) cho rằng chính quyền Obama đã hoàn toàn sai lầm khi chỉ gọi các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông là « quá đáng », mà không dám gọi thẳng đó là « phi pháp ».
Đối với giáo sư Kraska, Hoa Kỳ cần phải làm rõ vấn đề cách gọi, vì yêu sách chủ quyền của Trung Quốc không chỉ là « quá mức » mà là « bất hợp pháp ».
Do vậy ông Kraska đề nghị :
« Chúng ta phải nói thẳng, phải loại bỏ các từ ngữ quá ngoại giao, vì điều đó chỉ nuôi dưỡng sự mơ hồ và hoài nghi, có lợi cho Trung Quốc ».
Còn bà Bonnie Glaser, chuyên gia nghiên cứu châu Á tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế CSIS, thì nhấn mạnh trên tác hại của thái độ quá thận trọng của chính quyền Obama đối với Trung Quốc trong thời gian qua.
Đối với chuyên gia này, vì rụt rè, Hoa Kỳ đã không được Trung Quốc coi trọng.
Bà Glaser nêu bật việc chính quyền Obama đã dành ưu tiên hợp tác với Trung Quốc trong lãnh vực biến đổi khí hậu và thỏa thuận hạt nhân Iran, vì thế đã không dám cứng rắn đối với Bắc Kinh trong hồ sơ Biển Đông.
Thế nhưng theo chuyên gia này, chính quyền Mỹ đã sai lầm khi cho rằng quá cứng trên vấn đề Biển Đông sẽ hại cho các hồ sơ khác cần sự hợp tác của Trung Quốc.
Đối với bà Glaser Mỹ hoàn toàn « có thể làm cả hai việc cùng một lúc, và nhất thiết phải nói nói rất rõ cho Trung Quốc biết rằng hành vi của họ không thể chấp nhận được. »
Về phương diện quân sự, các chuyên gia đều chỉ trích thể thức « qua lại vô hại » (innocent passage) mà Hải Quân Mỹ đã áp dụng trong ba chuyến tuần tra bên trong vùng 12 hải lý của các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp tại Trường Sa.
Đối với giáo sư luật Kraska, Hoa Kỳ không nên dùng thủ tục yếu nhất để thách thức đòi hỏi chủ quyền vô lý của Trung Quốc, vì rõ ràng là Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển không công nhận lãnh hải chung các đảo nhân tạo của Trung Quốc.
Giáo sư Kraska đề nghị là Hoa Kỳ phải cho phi cơ bay qua các đảo nhân tạo trong tay Trung Quốc ở Trường Sa, chẳng hạn như qua Đá Vành Khăn (Mischief Reef), và tiến hành nhiều cuộc tuần tra hơn vì quyền tự do hàng hải trong khu vực, một mình hay với nước khác.
Đấy cũng là khuyến nghị của bà Glaser, muốn Hoa Kỳ thực hiện các cuộc tuần tra một cách thường xuyên hơn để phá vỡ chiến thuật ngăn chặn tàu Mỹ của Bắc Kinh.
Riêng tiến sĩ Andrew Erickson, giáo sư tại Viện Nghiên Cứu về Hàng Hải Trung Quốc cũng thuộc Học Viện Hải Chiến Mỹ, thì phê phán các quan chức Mỹ không dám thừa nhận một cách công khai là ngoài lực lượng Hải Quân và Hải Cảnh, Trung Quốc còn có một lực lượng thứ ba đang giúp Bắc Kinh thâu tóm Biển Đông : Đó là lực lượng « dân quân biển ».
Đối với chuyên gia này, Washington phải cấp tốc đề ra một chiến lược toàn diện hơn để đối phó với Bắc Kinh.
Trong chiến lược toàn diện này có vấn đề pháp lý và giáo sư Kraska gợi ý rằng nếu Trung Quốc không sẵn sàng chấp nhận phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực, thì các nước vẫn có thể kiện Trung Quốc ra các tổ chức quốc tế khác về các vi phạm mà Tòa Trọng Tài nêu bật.
Tổ chức Hàng Hải Quốc Tế có thể xét xử vụ Hải Cảnh và dân quân biển Trung Quốc vi phạm các quy định quốc tế về phòng ngừa va chạm trên biển (COLREGS), Tổ Chức Hàng Không Dân Dụng Quốc Tế có thể xử lý các vi phạm mã số bay, và Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc có thể phán quyết về việc biến tàu cá thành công cụ của quân đội.
Tin mới
- Biển Đông giảm nhiệt nhờ Duterte hòa hoãn với Trung Quốc ? - 12/10/2016 17:50
- Đừng chọn Formosa và cũng đừng chọn Dân - 11/10/2016 18:11
- Tại Sao Bầu Cho Ông Trump Là Cách Lựa Chọn Tốt Về Đạo Đức? - 08/10/2016 20:05
- Nga cố chiếm thượng phong tại Syria thừa dịp Mỹ bận bầu cử - 06/10/2016 18:44
- Ðịnh bệnh hai ứng cử viên Clinton và Trump - 03/10/2016 01:18
- Trung Quốc : Tập Cận Bình củng cố thế lực trước Đại hội đảng - 30/09/2016 16:21
- Ý kiến luật sư việc kiện tập thể Formosa - 29/09/2016 23:02
- Cuộc chiến Formosa: Phát súng mở đầu đã nổ ! - 29/09/2016 22:43
- Vì sao dân Nga thờ ơ trước cuộc can thiệp quân sự vào Syria ? - 29/09/2016 18:27
- Clinton và Trump chuẩn bị ra sao cho tranh luận đầu tiên? - 25/09/2016 22:36
Các tin khác
- Biển Đông : Nhật Bản nhất quán trong chính sách, bất chấp Trung Quốc - 21/09/2016 18:07
- Biển Đông: Liên minh chiến lược Nga-Trung sẽ không lâu bền - 20/09/2016 15:01
- Lý-do thất bại của CS Trung Cộng và Việt Nam , chậm lắm là 2020 (kinh-tế) - 15/09/2016 01:36
- Mỹ - Trung bất đồng tạo thuận lợi cho tham vọng hạt nhân Bắc Triều Tiên - 12/09/2016 18:41
- Nga thủ lợi khi ủng hộ Trung Quốc tranh giành Biển Đông ? - 12/09/2016 17:22
- Những gì đáng sợ hơn cái chết? - 11/09/2016 06:52
- Ai chịu trách nhiệm về vụ Formosa? - 08/09/2016 22:21
- Biển Đông: Quan điểm trung lập « tích cực » của Pháp - 08/09/2016 20:29
- Vì sao Trung Quốc lại cố tổ chức G20 một cách chu đáo? - 08/09/2016 19:43
- Ấn Độ được gì khi quan hệ chặt chẽ với Việt Nam ? - 05/09/2016 14:13