Phán quyết về Biển Đông: Khả năng gây áp lực hạn chế của phương Tây
- Thứ Tư, 20 tháng Bảy năm 2016 13:16
- Tác Giả: RFI
Người dân Philippines biểu tình phản đối Trung Quốc về tranh chấp Biển Đông. Ảnh trước lãnh sự quán Trung Quốc ở thành phố Makati, ngày Tòa án Trọng Tài ra phán quyết, 12/07/2016.
Reuters
Đúng như chờ đợi, Trung Quốc đã hung hăng bác bỏ phán quyết về Biển Đông của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye.
Trước lúc Tòa Án ra phán quyết, Hoa Kỳ như đã áp dụng một chiến lược gọi là shamefare, tạm dịch là « bêu xấu », lợi dụng việc Bắc Kinh từ chối tuân thủ phán quyết quốc tế để cô lập Trung Quốc về mặt ngoại giao trong khu vực và trên thế giới.
Nhiều nguồn tin cho biết là Mỹ đã âm thầm vận động các nước trong khu vực trong vài tháng qua. Theo suy nghĩ của Mỹ, « chiến lược bêu xấu » sẽ khiến Trung Quốc phải cân nhắc trước nguy cơ uy tín của họ trong khu vực và trên quốc tế bị tổn hại.
Trên lý thuyết, chiến lược này có vẻ rất tốt, thế nhưng, theo nhận định của chuyên gia Julian Ku trên trang blog về luật pháp Lawfare ngày hôm qua, 19/07/2016, thì một tuần sau khi phán quyết của Tòa Án Trọng Tài La Haye được ban hành, kết quả cuộc vận động ngoại giao của Mỹ khá nghèo nàn và đáng thất vọng.
Dĩ nhiên là ngay hôm Tòa Án ra phán quyết, Mỹ và Nhật Bản đã ra tuyên bố gần như là giống nhau về sự kiện đó. Trong hai thông cáo rất ngắn gọn đầu tiên của mình, cả Washington lẫn Tokyo đều thẩm định rằng phán quyết của Tòa Án Trọng Tài mang tính chất « ràng buộc pháp lý (legally binding) » đối với cả Philippines lẫn Trung Quốc.
Cả hai bản thông cáo cũng đều cho biết rằng Hoa Kỳ và Nhật Bản « chờ đợi » là cả Philippines lẫn Trung Quốc đều tuân thủ các quyết định trọng tài.
Dè dặt trước tính' ràng buộc pháp lý'
Thế nhưng, cho dù Mỹ và Nhật đã từng gây áp lực ngoại giao trước đó, chỉ có một vài nước là đã lên tiếng công nhận tính chất « ràng buộc pháp lý » của phán quyết về Biển Đông.
Theo chuyên gia Tạ Yến Mỹ (Yanmei Xie) thuộc tổ chức Khủng Hoảng Quốc Tế (International Crisis Group), trong số các quốc gia quan trọng, từ Việt Nam, Malaysia, Singapore, cho đến Nga, Ấn Độ..., cho đến nay, mới chỉ có Úc và New Zealand nêu lên tính « ràng buộc về mặt pháp lý » của phán quyết.
Còn các quốc gia hay tổ chức khác thì chỉ dùng những công thức chung chung, nhấn mạnh tầm quan trọng của Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS và các nguyên tắc giải quyết hòa bình các tranh chấp.
Trong khi không nước nào trong số này phủ nhận một cách rõ ràng phán quyết của tòa án La Haye, thì Nga và Pakistan lại có vẻ như là tán đồng lời than phiền của Trung Quốc, theo đó phán quyết được áp đặt một cách « đơn phương ».
Điều quan trọng là cả Liên Hiệp Châu Âu lẫn ASEAN đều không nhất trí được để đưa ra một tuyên bố rõ ràng xác định tính ràng buộc pháp lý của phán quyết trọng tài, và kêu gọi hai nước Trung Quốc và Philippines tuân thủ.
Ngay cả văn phòng của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc cũng không dám thừa nhận khi bị chất vấn, là phán quyết mang tính ràng buộc về mặt pháp lý, thậm chí còn giữ khoảng cách với Tòa Án Trọng Tài Thường Trực...
Đối với tác giả bài phân tích, chiến lược « bêu xấu » chỉ có thể được gọi là thành công khi tất cả, hoặc là đa số các nước trong khu vực sẵn sàng lên tiếng công nhận rằng phán quyết rọng tài có tính ràng buộc về mặt pháp lý và các nước đã ký kết UNCLOS, như Trung Quốc, nên tôn trọng phán quyết.
Đằng này, các công thức chung chung, trừu tượng được đa số các tác nhân chủ chốt - đặc biệt là Liên Hiệp Châu Âu và ASEAN - đưa ra, có thể được Trung Quốc dễ dàng chấp nhận, và đó chính là một vấn đề.
Điều đó không có nghĩa là Philippines không được lợi lộc gì về mặt ngoại giao. Bộ Ngoại Giao Mỹ, ngày 12/07 vừa qua đã liệt kê những kỳ vọng (hay hy vọng) về khả năng phán quyết có thể giúp giải quyết tranh chấp trong khu vực.
Hy vọng trên không phải là không có cơ sở. Khi thẩm định rằng tất cả các thực thể địa lý ở Biển Đông chỉ là đá hay bãi cạn, và đường chín đoạn của Trung Quốc không cho nước này các quyền hạn về hàng hải, phán quyết trọng tài sẽ mở cửa cho một số thỏa hiệp.
Thay vì đánh nhau để giành quyền đánh bắt cá và khái thác các nguồn tài nguyên dưới đáy biển, các bên đều sẽ bị giới hạn trong phạm vi lãnh hải 12 hải lý hay vùng đặc quyền kinh tế EEZ ven biển.
Về nguyên tắc, vùng biển tranh chấp sẽ ít hẳn đi vì căn cứ theo phán quyết, không một quốc gia duy nhất nào (ngay cả Philippines cũng vậy) có quyền đòi hỏi quyền lợi hàng hải trên toàn bộ quần đảo Trường Sa.
Các luật sư có thể được mời vào và các thỏa thuận về đánh cá chung và khai thác đáy biển trong khu vực đều có thể được đàm phán một cách văn minh.
Vấn đề tuy nhiên lại là Trung Quốc. Bắc Kinh vẫn cho rằng họ là nước duy nhất nắm giữ các quyền hạn trên biển tại vùng quần đảo Trường Sa.
Thật khó mà tưởng tượng ra việc Trung Quốc chấp nhận một nửa ổ bánh, hoặc thậm chí ba phần tư ổ bánh, trừ phi nước này bị áp lực và buộc phải chấp nhận.
Bằng cách bôi nhọ một cách triệt để các quyết định trọng tài, và bằng cách lớn tiếng để cho hầu hết các nước đều muốn giữ thái độ trung lập trước việc Trung Quốc phải tuân theo phán quyết của Tòa Án Thường Trực, Trung Quốc sẽ không cảm thấy là họ cần phải từ bỏ bất cứ điều gì vào lúc này.
Mỹ sẽ phải tìm kiếm thêm đối sách
Sau khi đã cam kết ủng hộ phán quyết trọng tài, Mỹ giờ đây chỉ còn nước nhắc nhở Trung Quốc và thế giới rằng phán quyết của Tòa Án La Haye có tính ràng buộc về mặt pháp lý.
Thế nhưng, ít ra là sau một tuần, tình thế có vẻ như là phán quyết đã không thay đổi được gì nhiều cảnh quan ngoại giao.
Có lẽ bước tiếp theo là phải do Philippines tiến hành, phải ra trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc hoặc cuộc họp hàng năm của các thành viên Công Ước UNCLOS để tìm kiếm một nghị quyết kêu gọi tuân thủ phán quyết.
Tuy nhiên, với chiến dịch ngoại giao chớp nhoáng mới đây, Trung Quốc có thể là đã thu hút được đủ số phiếu ủng hộ từ các nước nhỏ để ngăn chặn một nghị quyết như vậy.
Theo bài phân tích, ngoại giao có thể thực hiện được những điều tuyệt vời. Thế nhưng một tuần sau khi phán quyết Biển Đông được ban hành, khó có thể nói được là con đường ngoại giao vừa qua đã mang lại hiệu quả.
Nếu muốn sử dụng phán quyết để gây áp lực hoặc áp đặt chi phí lên Trung Quốc, thì Mỹ còn có rất nhiều việc phải làm. Và, trong khi chờ đợi, Hoa Kỳ cần nghiêm túc tìm kiếm thêm nhiều giải pháp phi ngoại giao.
Tin mới
- Trung Quốc độc chiếm Biển Đông để chống Mỹ ? - 08/08/2016 17:11
- Hillary Clinton hay Donald Trump, ai sẽ lãnh đạo nước Mỹ an toàn hơn? - 04/08/2016 23:55
- Tổng thống Mỹ: Hiệp định TPP như là một vũ khí chống Trung Quốc - 03/08/2016 17:47
- BIỂN CHẾT - 01/08/2016 00:33
- Ðừng tưởng dễ thắng Trump - 31/07/2016 03:35
- Chiến lược ngoại giao Biển Đông của Mỹ có dấu hiệu thất bại - 28/07/2016 15:28
- Biển Đông : Thắng lợi của Bắc Kinh tại hội nghị ngoại trưởng ASEAN - 25/07/2016 16:23
- Trump đối đầu với Clinton: cuộc so đấu lịch sử - 21/07/2016 18:40
- Thổ Nhĩ Kỳ : Bí ẩn sau cú đảo chính hụt - 21/07/2016 15:58
- Chung quanh chuyện đạo văn! - 20/07/2016 21:17
Các tin khác
- Biển Đông : Nước Pháp trong thế dấn thân trở lại - 18/07/2016 15:43
- Pháp vẫn là mục tiêu ưu tiên của khủng bố Hồi Giáo - 15/07/2016 16:23
- ASEAN im lặng trước phán quyết Biển Đông do áp lực Trung Quốc - 14/07/2016 20:57
- Biển Đông : Mỹ đấu dịu các bên, sau phán quyết của Tòa Trọng Tài - 14/07/2016 20:36
- Phán quyết Biển Đông: Báo chí Philippines hân hoan, nhưng kìm chế - 14/07/2016 18:57
- Ý nghĩa 5 thất bại của Trung Quốc tại Tòa án La Haye - 13/07/2016 19:51
- Biển Đông : Bắc Kinh chọn đối đầu hay tuân thủ phán quyết La Haye ? - 13/07/2016 18:27
- Châu Á sẽ nóng thêm sau phán quyết về vụ kiện Biển Đông - 12/07/2016 18:56
- NATO-Nga : «Hành lang Suwalki», tử huyệt vùng Baltic - 08/07/2016 18:54
- Phán quyết về Biển Đông trắc nghiệm sự đoàn kết của ASEAN - 08/07/2016 13:13