Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Nụ Cười Nho Sĩ

dating 2
Ở tuổi ba mươi, Minh vẫn cảm thấy lo sợ bất cứ lúc nào chàng đối diện với mẹ mình—bà là một thế giới huyền bí cùng lúc mong manh và kiên cố.


Chàng đã du hành ba nghìn dặm đến thị trấn ngập nắng của bờ biển miền Tây để xin mẹ chúc lành cho cuộc hôn nhân sắp tới của chàng với Avni, một góa phụ Ấn độ giữ nghề làm vườn với tuổi đời hơn chàng một con giáp, hiện đang tự nghỉ cách ly sau khi đi du lịch từ Daegu, Nam Hàn, về Mỹ.

Hiện giờ nỗi đe dọa về bệnh truyền nhiễm coronavirus không thành vấn đề, vì bệnh dịch, dù có trầm trọng đến đâu đi nữa, vẫn chỉ là cơn khủng hoảng của một thời gian nhất định, như thiên tai và những nhân tai không thể tránh của đời sống.

Minh chỉ sợ rằng bà Lê, mẹ chàng, sẽ không xem cuộc hôn nhân của chàng với người chàng yêu là môn đăng hộ đối, hoặc “cửa phải đi với nhà”–một khái niệm bị coi là phong kiến, nhưng có thể nhiều văn hóa di dân, tư bản, đạo giáo, và công sản Đông, Tây vẫn áp dụng, đòi hỏi cô dâu và chú rể phải xuất thân từ căn bản lý lịch, văn hóa, xã hội, và kinh tế tương đồng.

 Định kiến gia đình, chủng tộc, văn hóa, chính trị, hoặc tôn giáo về sự khác biệt giữa hai phần tử trong một cuộc hôn nhân không phải là một bệnh truyền nhiễm nhất thời, mà có thể trầm trọng hơn, như một bệnh ung thư lan dần dần ra khắp cơ thể, môi trường xã hội, hủy hoại đời sống vợ chồng, con cái của họ, và cả những thế hệ sau nữa.

Làm thế nào Minh có thể tả cho mẹ hình ảnh làn gáy thanh tao dịu dàng của Avni thấp thoáng bên những khóm lan tía, vàng trần tục của vườn kính mùa đông?
Mầu nâu nhạt của làn gáy ấy, như mật ong, như trà gừng, đã mang đến sự an bình rào rạt cho tâm hồn Minh.
Tình yêu của Minh với Avni, với những tương phản huyền diệu và ý nhị, cũng giống như niềm hạnh phúc bí mật mà chàng trải nghiệm năm lên tám, trong chuyến du lịch với trường đến một viện bảo tàng nghệ thuật trong thành phố.

Lần đó chàng đã đi lạc sau khi rời phòng vệ sinh của viện bảo tàng. Trong lúc nhớn nhác đi tìm bạn cùng lớp chàng chợt thấy mình ở trong một phòng tranh nghệ thuật Nhật bản, với những bức tranh cuộn vẽ bằng mực tàu được treo dài trên bức tường lát gỗ tần bì, bao quanh một cái ao kiểng thả cá vàng.
Minh bị thu hút bởi sinh lực của một bức họa sumi-e, với đường vẽ linh hoạt, như từ một nơi xa xôi nào đó đang mời gọi chàng đến gần: đó là bức Nho Sĩ Giữa Phong Cảnh Núi Rừng của Nakabayashi Chikkei, họa sĩ trong thế hệ cuối cùng của trường phái Văn Nhân Họa (Bunjin-ga), miêu tả hai túp lều đứng sát bên nhau giữa một khu đất trống, được che chở bốn phía bởi rừng thông, dưới một cái thác chảy trắng xóa như những thanh cột cổ Hy lạp xuống mỏm đá chù rù.

Đứng trước bức tranh này, đôi mắt thơ ngây của Minh luôn nhìn xuống tâm điểm là hai túp lều nhỏ. Nếu những tảng đá lớn trên ghềnh thác làm chàng nghĩ đến gấu đen, thì hai túp lều này là hai con bê thiu thiu ngủ ở giữa lòng thiên nhiên. Nhưng ô kìa, khi Minh nhìn vào túp lều phía bên mặt, chàng chợt thấy một nho sĩ đang ngồi trên một tấm chiếu, ló ra nhìn chàng và nhoẻn miệng cười.

Nụ cười nho sĩ thoảng qua, đẹp như nụ hàm tiếu, nhanh hơn một sát na, nhanh hơn cả ánh sáng chăng? Minh không nghĩ chàng tưởng tượng ra điều nho sĩ trong tranh mỉm cười với chàng, tuy lúc chàng nhìn lại thì khuôn mặt nho sĩ đã nghiêm lại như tượng, với đôi môi là một vệt đen vừa mơ hồ vừa hà khắc.
Chung quanh hai túp lều tròn hum húp như lưng bê có phải Minh đã nghe thấy tiếng rừng thông thở dài? Minh không kể với ai câu chuyện này, nhưng duy trì ảo giác năm lên tám như một kỷ niệm siêu hình.

Minh tự nhủ biết đâu chàng sẽ nhận thức được hạnh phúc nếu tâm hồn chàng luôn rộng mở trước những khải huyền lướt nhẹ như hơi thở.
Hiện giờ Minh là giáo sư triết học ở một đại học tư miền đông bắc tiểu bang Nữu Ước. Vào mọi thứ ba và thứ năm, sau khi lớp dạy của Minh bế mạc lúc 12 giờ trưa, Avni thường đến đón chàng ở cửa lớp.

Cả hai sẽ đi bộ đến khu chợ nông thôn mua thực phẩm cho bữa cơm tối cộng đồng mà họ tổ chức hai lần một tuần cho các giáo sư, sinh viên khoa triết và khoa văn chương của đại học.
Trong những bữa cơm thân mật được tỏa sáng bởi ánh nến màu ngà, họ sẽ nghe đĩa nhạc Goldberg Variations của Glen Gould, hoặc Kind of Blue của Miles Davis, và trao đổi hồn nhiên về thi văn và những trăn trở của đời sống.

Avni, do biết chàng ưa chuộng những tương phản nên thơ, sẽ gói ghém hương vị mùa đông và sự mục rã—nấm mồng gà, nấm bụng dê, nấm đông cô—bên trong con cá hồi nướng dòn, thơm cay mùi xả, vỏ quất, và ớt hiểm của mùa hạ Đông Nam Á.

Minh yêu và phục tài nấu bếp sáng tạo của Avni—cách nàng nướng những múi mít tẩm nghệ, hạt rau mùi, hạt ngây khô, tỏi, gừng, chanh, gợi mùi vị sinh quán Kerala của nàng cùng lúc món thịt BBQ chua ngọt của dân miền North Carolina.
Bà Lê, mẹ Minh, đã khổ nhiều trong thời trẻ. Chồng bà qua đời trong một tai nạn nghề nghiệp ở miền Tây Nguyên Việt Nam trong lúc bà đang mang thai Minh.
Năm Minh lên sáu, cả hai mẹ con vượt biển trên một cái thuyền mỏng mảnh rồi tấp vào trạị tị nạn ở bán đảo Galang, Nam Dương, trước khi được một nhà thờ Công giáo ở Fountain Valley, California, bảo lãnh.

Hồi mới sang Mỹ, Mẹ Minh làm việc cực nhọc, giữ việc hầu bàn tiệm ăn Việt ban ngày và chùi rửa cầu tiêu ban đêm trong những cao ốc của các công ty quốc tế. Tuy bà đã làm hết sức để giúp Minh học hành thành đạt, Minh không nghĩ quan điểm hạnh phúc của mẹ tương đồng với quan điểm của chàng.

Vào nhiều năm qua, qua cú điện thoại hỏi thăm vào mỗi chiều Chủ Nhật, Minh cố gắng tìm những đề tài mà cả hai mẹ con có thể đối thoại thoải mái.
Chàng không thể chia sẻ với mẹ những luận án nghiên cứu triết học nghệ thuật về Aristotle, José Ortega y Gasset, hoặc Wittgenstein. Nhưng đồng thời chàng cũng lơ mơ khi bà đề cập đến những câu ca dao, điển tích Việt Nam, và khó thông cảm khi bà diễn tả cho chàng những phim Việt Nam trong liên hoan điện ảnh mới đây ở Bolsa, tiểu thuyết liêu trai của Nguyễn Ngọc Ngạn, kịch hề và những màn vũ trên youtube và trong Paris By Night.

Minh đã quên những từ Viêt Nam cho nhiều sinh vật, hoa quả, mà hồi bé đã làm chàng hạnh phúc: bướm, khế, sáo sậu, chôm chôm, vẹt, mãng cầu xiêm, hoa quỳ. Điều oái oăm là chàng vẫn còn nhớ câu châm ngôn, Ăn quả nhớ kẻ trồng cây, ăn khoai nhớ kẻ cho dây mà trồng, trong khi quên từng ngày tiếng mẹ đẻ.

Nhưng Minh biết tình yêu của chàng đối với mẹ không bao giờ suy giảm. Chàng rất buồn khi nghĩ là tin mừng của chàng và Avni sẽ làm mẹ thất vọng.
Minh biết mẹ muốn chàng kết hôn với một cô gái gốc Việt có sự nghiệp thành công, căn bản văn hóa vững chắc, biết giữ đạo tổ tiên, và sẽ cho chàng những đứa con Mỹ gốc Việt ngoan ngoãn và khỏe mạnh.

Ngược lại, chàng và Avni đã chọn nhau. Avni năm nay bốn mươi hai tuổi, người Ấn độ giáo, muốn sống đến lúc răng long đầu bạc, không con, với chàng.
Làm sao để rung tim mẹ? Bà Lê ngồi trước mặt con như tượng thạch cao tuyết hoa, thanh lịch nhưng cũng vững chãi như những phiến đá gấu đen trong bức tranh mực tàu ngày xưa.

Làm sao chàng có thể dùng vốn tiếng Việt khập khễnh để diễn tả cho mẹ bao nhiêu niềm vui, mà cuộc sống với Avni đã tạo cho chàng trong nhiều năm qua?
Và biết đâu chàng đã sai trái khi không đợi cho đến sau thời hạn kiểm dịch bệnh coronavirus, rồi mang Avni đến thăm mẹ và cũng báo tin mừng cho mẹ?
Sau khi về Mỹ từ Nam Hàn, Avni khuyên Minh sang California thăm mẹ và nói chuyện với bà Lê về cuộc hôn nhân sắp tới của họ, rồi sau đó sẽ mang Avni sang chính thức gặp bà.

Trong lúc Minh ngồi lo lắng, trong thâm tâm bà Lê không mong muốn gì hơn ngoài chuyện muốn con mình được hạnh phúc. Tuy bà vẫn còn sốc về chuyện đứa con trai duy nhất của bà muốn kết hôn với một phụ nữ lớn tuổi hơn nó, đã có (và mất) một đời chồng, xuất thân từ một căn bản văn hóa và tôn giáo quá lạ lẫm đối với bà, bà biết rằng tình yêu vô bờ cho con đòi hỏi bà phải tin tưởng vào sự lựa chọn của Minh.
Bà nhớ hồi Minh mới hai tuổi, một lần bà đã mau mắn bắt kịp Minh trước khi thằng bé, trong lúc mải miết chạy, sắp đâm bổ xuống cầu thang.
Lúc đó nỗi sợ khủng khiếp đã gần như lấn át hoàn toàn cảm giác hồi phục khi bà ôm kịp được Minh. Giờ đây bà cảm nhận tuy bà chưa thể nghe quen cái “tin mừng” này, việc Minh bay hơn ba ngàn dặm để báo tin cho bà biểu hiện tuyên dương độc lập, cùng lúc sự kính trọng và lòng hiếu thảo của Minh đối với bà.

Thằng con trai muốn được bà chia sẻ và ban phúc lành cho hạnh phúc của nó với ý trung nhân, thay vì cứ tự do kết hôn bất chấp ý kiến của bà.
Quả là lạ–tình yêu và sự tự do thường đi đôi với nhau, nhưng đó là hai khái niệm khó thực hiện cùng một lúc.
Bà đã mất một quốc gia, và đã vượt cả một đại dương cho tình yêu và tự do.
Minh, con bà, đã được bà nuôi lớn trong tình yêu, với bao nhiêu cực nhọc, với cả thời son trẻ của bà, để có đủ khả năng tự quyết cho đời của nó.

Bà Lê nắm nhẹ tay con, dịu dàng. Mình còn ngày mai, con. Để mẹ suy nghĩ thêm. Giờ con thử kể cho mẹ về triết lý hạnh phúc của con đi. Sao mà chuyện con học triết đã giúp con tìm được chân lý cho hạnh phúc trường kỳ.

Switch mode views: