Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Chuyện Ông Giáo Già

Ong Giao Gia
Ông giáo già về hưu đã năm, sáu năm nay. Nhà ông cách nhà cô chỉ một bức tường. Buổi sáng ông hay từ bức tường ấy nhìn qua bên nhà cô, hỏi cô về những việc cô sẽ làm ngày hôm đó.

Ông vốn là giáo viên dạy Vật Lý. Người dong dỏng cao. Cái lưng hơi còm xuống mỗi khi bước đi. Ông sống khá khép kín với những hàng xóm xung quanh và cũng ít khi giao lưu với họ.
Nhưng với cô thì khác, ông có phần cới mở hơn vì như ông nói, ông và cô là những người cùng chí hướng, cùng lý tưởng và là đồng nghiệp, dù ông hơn cô gần 50 tuổi.
Mỗi lần nói với cô như vậy ông thường đưa tay ra: “Nào đồng chí, hãy cố lên với cái nghề cao quý”. Cử chỉ và điệu bộ của ông khi đó làm cô phì cười.

Ông hay uống rượu. Có thể không nhiều, chỉ hai ba chén mỗi ngày nhưng với cái tuổi hơn 70 của ông thì như vậy cũng đủ làm gương mặt ông đỏ lựng trên những nếp da nhăn. Những lúc như vậy, ông nói nhiều hơn bình thường và thích có người trò chuyện. Từ bức tường ngăn giữa hai nhà ông với qua.
– Này cô giáo, cô có biết làm gì khó nhất không?
– Làm gì vậy ông? Cháu thấy làm gì cũng khó, có thấy cái nào dễ đâu. Cô cười nói vọng lại.
- Làm người đó. Làm người khó lắm cô ạ, làm người tốt lại càng khó hơn.
– À, cái này đúng ông ạ.

Chẳng nghe cô nói hết câu, ông bỏ quay vào nhà, đi tới nửa chừng ông lại quay ra:
– Cô biết Goocki nói gì không? Văn học là nhân học đó…
Cô lại cười, trong bụng thầm nghĩ “Chắc cụ vừa uống mấy chén rồi đây. Khi có chút rượu cụ thích có người để nói về những chủ đề như vậy”.

Không đợi cô trả lời, ông giáo già đứng nói rất lâu, rất nhiều về cái gọi là làm người khó. Còn cô, cô chẳng biết chạy đi đâu cho khỏi ông để làm tiếp những công việc đang dang dở.

Bỏ đi không nghe thì thành bất lịch sự, đứng nghe thì những lời ông nói như không có điểm dừng. Vài lần như vậy, cô có kinh nghiệm. Mỗi khi thấy ông có vẻ ngà ngà dăm chén rượu, thấy ông ở đâu cô vờ vờ lánh đi, vờ như sắp có công chuyện để khỏi bị ông giữ lại hỏi những câu cô đã biết trước.

Nhưng không phải cô không mến người đồng nghiệp già của mình. Ông rất có tâm huyết với nghề, mặc dù về hưu nhưng mỗi năm khi mùa khai trường đến, ông đều tìm mua cho được những bộ sách giáo khoa mới về nghiên cứu xem chương trình năm nay có gì mới, có tiến bộ hơn năm trước không?
Chỗ nào đổi mới thành công và chỗ nào đổi mới chưa được. Ông đều theo dõi và nắm bắt tin tức một cách rất chu đáo, còn hơn nhiều những người trẻ như cô.

Mỗi lần có dịp sang nhà ông, ông tỉnh táo thường hay kể cho cô nghe những thế hệ học trò mà ông đã dạy. Những ai thành đạt, những ai có tài… dường như ông nắm được từng nét tính cách của học trò mình và khi đó ông rất tự hào khoe với cô những món quà kỷ niệm mà các học sinh cũ đã tặng cho ông. Ông tâm sự:
 “Cuộc đời nhà giáo không có gì vui bằng đào tạo được những thế hệ học sinh có cả tài và đức”.
Cô gật đầu đồng ý với ông vì hơn ai hết cô là người hiểu điều đó. Nó vừa là cái khó, vừa là trách nhiệm cao cả của nghề mà cô đang theo đuổi.

Mấy hôm nay không thấy ông giáo già nói với qua bức tường. Cô bận nên cũng chưa sang hỏi xem ông đã đi đâu hay cũng như cô ông đang bận việc gì đó.
Buổi chiều, cô gặp đứa cháu gái nhỏ của ông đi qua nhà. Cô giữ nó lại hỏi thăm về ông. Thì ra ông đã đi bệnh viện cấp cứu từ hai hôm trước. Ông bị tai biến mạch máu não.
Cô đến thăm ông, ông nằm thiêm thiếp trên chiếc giường bệnh, hơi thở vẫn còn yếu lắm. Thấy cô ông gượng cười và không nói gì cả. Cô ở chơi một lúc và chúc ông chóng khỏi bệnh để ra viện.

Công việc bề bộn đôi khi khiến người ta quên nhiều thứ. Cô ít có thời gian để ngẫm nghĩ vẩn vơ những điều ông giáo già nói như trước đây. Tệ hơn, ông giáo ra bệnh viện khi nào cô cũng không biết. Có lẽ bởi vì bên kia bức tường im lặng quá, không như tính cách của ông trước đây.

Sáng nay, vừa bước chân ra khỏi ngõ, cô gặp ông cầm quyển sách cũ ngang qua.
– Cháu chào ông!
– Vâng, chào cô.
Đáp lời xong ông rảo bước đi luôn, không để cô có dịp hỏi thêm câu nào khác. Đang đứng nhìn theo dáng ông thì cô thấy bà lão vợ ông bước ra:
– Ông đi đâu đấy, bác sĩ dặn không uống rượu và không ra ngoài quá sớm, ông không nhớ sao?

Đúng rồi, bệnh của ông không được uống rượu, hèn gì ông về không nói vọng qua nhà cô nữa, yên tĩnh hơn, điềm đạm hơn.
Nhìn ông giáo bước vào nhà cô chợt cảm nhận như thời gian qua ông đã đi \gần trọn con đường của sinh lão bệnh tử, ông đã chạm đến cánh cửa cuối cùng mở ra con đường vô tận của bánh xe luân hồi.
Có lẽ cánh cửa còn khép chặt với ông nên ông trở về tương đối bình an nhưng dấu vết mà nó để lại khiến ông trở nên trầm lặng và thản nhiên hơn trước cuộc sống.

Sáng nay trên chương trình dân ca và nhạc cổ truyền có phát bài: Niệm Quan Thế Âm, tiếng người nghệ sĩ hát ca trù như tiếng kinh nguyện vang lên trầm ấm.
Đứng từ bên này bức tường giữa hai nhà cô lắng nghe tiếng nhạc, đúng hơn là tiếng tụng kinh đang văng vẳng.
Cô đoán trong nhà ông giáo cũng đang nghe nó rất chăm chú. Tự nhiên thâm tâm cô xuất hiện một niềm tin vững chãi vào sự đồng cảm giữa hai thế hệ con người.

Tiếng ông giáo già vẫn đeo đuổi bên tai cô: “Này cô, cô có biết làm gì khó nhất không?”
”Dạ, làm người ông ạ”.


Switch mode views: