Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Chuyện Về Những Người Sống Lâu

old age clipart 1
Người sống lâu bị nhục nhiều. Ông cha tôi – các ông Việt ngày xưa – hay dùng thành ngữ “Ða thọ đa nhục.”

Tôi không cho là người già bị nhục. Tôi thấy người ta càng nhiều tuổi càng khổ.
Khổ vì không còn hưởng thụ gì được sự đời mà phải chịu những bệnh tật do già yếu sinh ra: Người già không tự lo được cho thân mình, mắt mờ, tai điếc, trí nhớ mất, sống nhờ người khác.

Người già vua chúa hay cùng đinh, tỷ phú hay anh nghèo rớt một xu dính túi không có, kẻ quyền uy chấn động thế giới một thời hiển hách hay anh phó thường dân cả đời cơm nhà, quà vợ, khi tuổi già đến đều có những nỗi khổ như nhau.

Người ta qua 60 tuổi được kể là già.
Ở Việt Nam những năm 1940-1950 người 50 tuổi được gọi là cụ.
Khổng Tử chỉ nói về Người đến tuổi 70: “Thất thập nhi tùy tâm sở dục.”  Tôi nghĩ ông muốn nói :
“Người bẩy mươi tuổi muốn làm gì thì làm.”
Nhưng người bẩy mươi tuổi còn làm gì được nữa. Người bẩy mươi cả Bốn Tứ Khoái đều không hưởng được, không làm được.

Năm nay – 2013 – tôi tám mươi tuổi. Một ngày đầu Xuân Kỳ Hoa Ðất Trích 2013, tôi viết bài này.

Năm 2000, khi chia tay nhau lúc nửa đêm ở trước một Nhà Dành cho Người Già Thu Nhập Thấp – Housing for Old Seniors Low Income – ở San Jose, ông bạn già của tôi nói:
“Ðọc những bài viết của toa để nhớ, để thương Sài Gòn của chúng ta.”
Ông cầm tay tôi:
“Viết. Viết nữa. Viết đến năm toa tám mươi. Viết cho bọn moa đọc.”

Ðêm mùa đông San Jose lạnh giá bao quanh chúng tôi khi chúng tôi từ biệt nhau, chúng tôi bắt tay nhau lần cuối.
Năm 2000 tôi 68 tuổi. Ông bạn HO già hơn tôi năm, sáu tuổi, tôi không biết hôm nay ông còn ở cõi đời này hay không.
Thời gian và không gian làm chúng tôi không biết nhau sống chết ra sao. Tám mươi tuổi tôi vẫn viết. Tôi không còn viết phóng tác truyện dài. Tôi viết những bài như bài này.

Thời gian Sống, Yêu và Viết của tôi không còn bao lâu nữa, nên với nỗi Buồn vì phải xa mãi những người tôi yêu thương, hôm nay tôi viết những dòng chữ này.
Tôi bị ám ảnh bởi cái Chết, tôi ghét Chết, tôi sợ Chết, tôi không muốn Chết.
Không phải bây giờ trong tuổi già, tuổi gần đất, xa trời, tôi mới sợ Chết, tôi sợ Chết từ những năm tôi năm, sáu tuổi, khi tôi bắt đầu biết suy nghĩ.

Nhà tôi ở cuối thị xã Hà Ðông, nhà có lầu, tiếng Bắc là nhà gác, nhà hai tầng.
Trên gác nhìn ra tôi thấy cánh đồng với những nấm mồ rải rác trong những ô ruộng, ở gác sau nhìn ra tôi thấy Nhà Thương Hà Ðông và bãi tha ma ở cuối Nhà Thương.
Những đêm mưa tôi thấy những chấm lửa lập lòe trong bãi tha ma. Về sau tôi biết đó là những ánh đèn của những người đi soi bắt ếch. Những năm xưa ấy tôi tưởng đó là những đốm lửa ma trơi.

Năm tôi năm, sáu tuổi, mẹ tôi 27, 28 tuổi. Tôi sợ mẹ tôi chết, người ta đem mẹ tôi ra chôn ở ngoài đồng. Mẹ tôi phải nằm một mình giữa cánh đồng vắng, lạnh, cô đơn, nơi mẹ tôi nằm ngập nước, đêm đông, mưa phùn, gió bấc, mẹ tôi khổ biết chừng nào.  
Ðó là nguyên nhân thứ nhất làm tôi ghét Chết, tôi sợ Chết.

Mời bạn đọc một chuyện Sống, Yêu và Chết tôi thấy trên Internet.
Trong phiên xử ở Tòa Án Phoenix, Arizona, bị cáo là Ông George Sanders, 86 tuổi, bị xử vì tội giết vợ.
Tất cả mọi người có mặt tại toà, từ công tố viên đến chánh án, kể cả con cháu của kẻ bị cáo, đều thấy bị cáo phạm tội giết người, nhưng tất cả đều cho rằng đây là trường hợp pháp luật nên thông cảm, thương hại, tha thứ hơn là trừng phạt kẻ có tội.

 Anh cháu của bị cáo George Sanderss nói trước tòa:
“Ông tôi sống để thương yêu bà tôi. Suối đời ông tôi làm mọi việc để bà tôi có hạnh phúc.
Mối tình của ông bà tôi là mối tình lớn. Tôi tin ông tôi bị bắt buộc phải làm việc ấy vì yêu thương bà tôi, bà tôi chịu đau quá nhiều rồi, ông tôi không thể để bà tôi chịu đau nhiều hơn nữa.”

 Ông Sanders bị bắt tháng Bẩy năm 2012 sau khi ông nói với cảnh sát bà Virginia, vợ ông, 81 tuổi, xin ông làm bà chết. Vì ông Sanders nhận tội nên toà án không dùng đến bồi thẩm đoàn, nhưng ông vẫn có thể bị kết án đến 12 năm tù.

Bà Virginia bị bệnh nan y năm 1969, bà liệt bại, bà phải ngồi xe lăn.
Năm 1970, ông bà sang sống ở Arizona vì khí hậu ở đây ấm nóng.
Ông Sanders là Cựu Chiến Binh Thế Chiến II. Ông là người nuôi và săn sóc bà vợ. Ông nấu ăn cho bà, làm mọi việc trong nhà.
Mỗi sáng ông giúp bà trang điểm, mỗi tháng ông đưa bà tới Nhà Thẩm Mỹ để bà làm tóc, làm móng tay.

Năm tháng qua, sức khoẻ của ông Sanders suy mòn. Ông phải đặt máy trợ tim, ông không còn săn sóc chu đáo được bà.
Rồi bà Virginia bị ung thư phá ra ở chân, bà phải vào một Nursing home để người ta lo cho bà sống qua những ngày tàn cuối đời.
 Ông Sanders nói với những viên chức điều tra:
“Ðây là giọt nước làm tràn ly nước. Virginia nhất quyết không chịu vào Nursing home. Vợ tôi tự cắt những ngón chân bị ung thối.”

Ông nói: – “Vợ tôi xin tôi cho bà ấy chết. Tôi nói tôi không thể.”
Vợ tôi nói: “Anh làm được mà. Em biết anh làm được.”
Sanders cầm khẩu súng lục, ông lấy khăn bông quấn ngoài khẩu súng, nhưng ông không sao bóp cò súng được.
Ông kể:  – “Vợ tôi nói: “Bắn đi anh. Cho em đươc chết.”
Tôi nói lời cuối với vợ tôi:
“Em sẽ không cảm thấy đau.”
Và:
“Anh yêu em. Vĩnh biệt em”
Tôi nổ súng.”
Trước toà, người con trai của ông Sandsers nói:
– “Tôi muốn quý toà biết rằng tôi yêu thương mẹ tôi, tôi cũng yêu thương bố tôi như thế.”
 Steve Sandes, anh con, nghẹn ngào kể:
 – “Bố tôi yêu thương mẹ tôi trong 62 năm. Những đau đớn thể xác và việc chịu đau vô ích đã làm bố mẹ tôi đi đến quyết định ấy… Tôi không kết tội bố tôi. Với tôi, bố tôi là người tôi cảm phục nhất.”

Ông già George Sanders chỉ nói trong khoảng một phút, giọng ông run run:
“Tôi gặp Viginia năm nàng 15 tuổi, tôi yêu nàng từ năm nàng 15 tuổi. Tôi yêu nàng khi nàng 81 tuổi. Có nàng làm vợ là một ân phúc Thiên Chuá ban cho tôi. Tôi sung sướng được chăm sóc nàng. Tôi làm theo ý muốn của nàng. Tôi xin lỗi các vị vì vợ chồng tôi mà các vị phải bận lòng.”

Ông công tố đề nghị ông chánh án không phạt tù giam George Sanders, ông nói toà nên xử án treo.
Ông Chánh Án John Disworth nói ông đặt nặng tình nhân đạo trong vụ án này. Ông nói: – “Bị cáo phạm tội giết người, nhưng được toà giảm nhẹ mức án.”Ông tuyên phạt ông già George Sanders 2 năm tù treo. Tù treo không bị cảnh sát kiểm soát.

 Chuyện ông bà Sanders làm tôi suy nghĩ lan man.
Tôi nhớ chuyện Cái Bát Gỗ tôi đọc những năm tôi 10 tuổi. Anh con thấy ông bố già run tay, khi ăn hay đánh rơi bát cơm, bát vỡ. Anh làm cái bát bằng gỗ cho ông già ăn cơm. Ông có làm rơi bát, bát gỗ không bị vỡ.

Một hôm anh thấy thằng con nhỏ của anh hí hoáy đục đẽo một cục gỗ, anh hỏi nó đục gỗ làm gì, con anh nói:
– “Con làm cái bát gỗ, để khi bố già, con cho bố ăn cơm.”
Chuyện – dường như – ở trong sách Quốc Văn Ðộc Bản – đã 70 năm tôi không quên nó – nó đây là chuyện cái Bát Gỗ – nhưng chẳng có dịp nào tôi nhớ nó. Hôm nay tôi nhớ nó.

Từ sau năm 1975 ở Hoa Kỳ, Nhà Xuất Bản Xuân Thu in lại tất cả những sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư, Luân Lý Giáo Khoa Thư. Nhưng sách Quốc Văn Ðộc Bản – sách có nhiều bài thật hay – thì không thấy in lại.
Tôi không biết tại sao Quốc Văn Ðộc Bản không được in lại ở Hoa Kỳ. Tôi đã đọc lại tất cả những sách Giáo Khoa Thư được in lại ở Hoa Kỳ, tôi muốn đọc lại những bài trong Quốc Văn Ðộc Bản.

Tôi nhớ lâu rồi, từ những năm 1950 khi tôi chưa gặp Tình Yêu Vợ Chồng, tôi đọc trên trang sách nào đó lời một ông Tầu viết:
– “Vợ chồng như hai con chim tình cờ cùng đậu trên một cành cây. Ðến lúc phải bay đi, mỗi con bay đi một phiá.”
Năm xưa còn trẻ, tôi muốn phản đối lời diễn tả trên.
Ông Tầu muốn nói vợ chồng là chuyện ngẫu nhiên, chẳng có tình nghĩa gì giữa vợ và chồng.
Hôm nay tôi mới dịp viết ra lời phản đối.

Ông bác sĩ điều trị cho vợ chồng tôi mỗi tuần một ngày vào chẩn bệnh cho những ông bà già trong một Housing for Old Seniors – Housing này có nhiều ông bà già Mỹ trắng – ông nói:
– “Có những cặp vợ chồng về già không nhìn được mặt nhau.”
Lời kể của ông làm tôi buồn. Vợ chồng sống với nhau đến già, ở chung một nhà già – mỗi người một phòng – sắp ra nghĩa địa, sắp vào hũ sành mà thù hận nhau đến không nhìn mặt nhau?? Thù hận gì dữ dội đến thế? Những người ấy thật khổ.

Bát đại khổ não ghi “8 Nỗi Khổ Lớn” của con người:

Sinh, Lão, Bệnh, Tử: 4 Khổ ai cũng phải chịu.
Muốn có mà không có: Khổ 5
Có mà không giữ được: Khổ 6.
Yêu nhau mà không được cùng sống: Khổ 7.
Ghét nhau mà phải sống gần nhau: Khổ 8.
Có người chỉ phải chịu có 7 Khổ.  Ðó là những người không yêu ai cả.
Nhiều người Việt phải chịu cả 8 Khổ; đó những người thù ghét bọn Việt Cộng mà cứ phải sống với bọn Việt Cộng.

Mùa thu mây trắng xây thành.
Tình Em mây ấy có xanh da trời.
Hoa lòng Em có về tươi?
Môi Em có thắm nửa đời vì Anh?

 Tôi làm bài thơ trên tháng Bẩy năm 1954 ở Vũng Tầu, ngày chúng tôi yêu nhau. Cuộc Tình của chúng tôi đã dài trong 60 năm.
Cuộc Tình Vợ Chồng, trong cuộc đời Tám Khổ này, nàng và tôi chỉ phải chịu có Bẩy Khổ.

Năm 1979 nằm phơi rốn trong Nhà Tù Số 4 Phan Ðăng Lưu, nhớ Nàng, tôi làm bài thơ:


Yêu nhau ngày tháng qua nhanh,
Hai mươi năm lẻ chúng mình yêu nhau.
Từ xanh đến bạc mái đầu
Tình ta nước biển một mầu như xưa.

Yêu bao giờ, đến bao giờ?
Thời gian nào rộng cho vừa Tình ta.
Hoa lòng Em vẫn tươi hoa,
Môi Em thắm đến Em già chưa phai.


Yêu kiếp này, hẹn kiếp mai.
Ngàn năm yêu mãi, yêu hoài nghe Em
Mặt trời có lặn về đêm,
Sớm mai Em dậy bên thềm lại soi.


Cuộc đời có khóc, có cười,
Có cay đắng, có ngọt bùi mới hay.
Thu về trời lại xanh mây.
Ðầy trời ta thấy những ngày ta yêu.


Càng yêu, yêu lại càng nhiều.
Nhớ Em, Anh nhắn một điều: “Yêu Em.”

 Năm 2013 tôi đổi hai tiếng trong bài thơ:


 “Yêu nhau ngày tháng qua nhanh,
 Sáu mươi năm lẻ chúng mình yêu nhau.”

12 giờ buổi trưa tháng Sáu, 2012, Nàng bước hụt, ngã nhào qua bốn bực thềm cửa, nàng ngất đi. Ngồi bên nàng trong nắng trưa mùa hạ Virginia, chờ Ambulance đến, nước mắt tôi ưá ra.
Trong ICU – Ai Si Yu – Intensive Care Unit – tỉnh lại, nàng nói:
– “Xin Thiên Chúa tha tội cho em.”
Tôi nói:
 – “Em có tội gì. Mà Em có tội gì, thì Thiên Chúa cũng tha cho Em rồi.”
Nàng chỉ bị dập xương nên không bị mổ, không bị ghép xương, không phải bó bột.
Về nhà nằm, uống Vitamin D, chờ vết xương nứt lành lại.

Tình trạng bi đát. Nhiều người nói người trẻ khi bị nứt xương mới mong vết xương nứt liền lại, người già 70 thì vô phương.
Nếu vết xương nứt không lành, nàng sẽ phải nằm mãi trên giường.

Tôi hầu nàng ngày đêm. Gần như suốt ngày đêm, tôi xin Ðức Mẹ Maria cho nàng đi lại được. Tôi chỉ xin Ðức Mẹ cho nàng đi được từ giuờng ngủ vào nhà bếp, vào toilet, ra ngồi bàn ăn cơm, nàng tự tắm được.
Bộ Xã Hội cấp cho nàng đủ thứ nàng cần dùng: Xe đẩy, gậy chống, ghế để ngồi tắm.. Chuyên viên y tế – therapist – đến nhà mỗi tuần ba lần, giúp nàng ngồi lên, tập đi.
Một tháng sau nàng đi được.

Ba năm nay Nàng có tới ba, bốn lần đau nặng, hai ba lần nàng tự nhiên ngã. Một lần nàng hôn mê.
Ðêm khuya trong bệnh viện, nằm trên cái canapé nghe tiếng nàng thở khò khè, tôi nghĩ: – “Tiếng thở này tắt là…”
Tôi cầu xin: – “Xin Đức Mẹ cho vợ chồng con được sống với nhau 5 năm nữa.”
Tôi không muốn tôi chết trước nàng, tôi không muốn nàng chết trước tôi.
Nàng chết trước tôi không biết tôi sống ra sao. Tám mươi tuổi, tôi sống với nàng 60 năm, tôi sống dựa vào nàng. Tôi sống bằng Tình Yêu của nàng.

Năm 1976 gặp lại nhau, Lê Trọng Nguyễn nói:
 – “Tao không biết mày có đi được không. Tao cứ tưởng mày làm USIS là mày đi được. Hôm tao gặp thằng S. ở trong khu nhà mày, tao hỏi nó mày có đi được không? Nó nói mày không đi được. Tao kêu lên: “Làm sao nó sống? Nó sống bằng gì? ” S. nó nói: – “Nó sống bằng Tình Yêu của vợ nó.”

Người bạn cùng tuổi tôi – 80 – lấy vợ cùng năm với tôi – năm 1954 – vợ chồng anh cũng sống với nhau 60 năm, một sáng từ Cali anh gọi phone cho tôi báo tin vợ anh qua đời, tôi hỏi: – “Ðau lắm không?”
Ðau thì tôi biết bạn tôi đau, nhưng tôi muốn biết anh đau đến ngần nào. Hỏi dễ, trả lời khó. Bạn tôi nói: – “Ðứt ruột, nát gan.”

Lần cuối tôi gặp ông Lê Văn Ba, ông hơn tôi 10 tuổi, ông nói với tôi: – “Tôi nói với bà nhà tôi: Bà nên đi trước tôi là hơn, tôi đi trước bà, bà sẽ khổ lắm.”
Năm sau ông đi trước bà. Ðứng bên quan tài ông, tôi nhớ lời ông nói.

Ông bạn HO có bà vợ bại liệt, ông phải đưa bà vào Nursing Home. Ðể bà ở lại ông một mình lái xe về.
 Dọc đường ông run tay lái, mắt ông mờ. Ông đậu xe bên đường, xuống đi bộ vài vòng lấy lại tinh thần. Khi trở lại tìm xe, ông quên không nhớ ông đậu xe ở đâu. Ông mở cellphone gọi ông bạn đến giúp.

 Người đời chỉ nói “Good bye.”
“See You next week, next time” là cùng.
Ðôi ta ngọc nữ, tiên đồng,
Ðôi ta Từ Thức vợ chồng Giáng Hương.
Ngàn đời vẫn nhớ, còn thương:
Em yêu, đã đến cuối đường: “Good bye.
See You next Life.''


Switch mode views: