Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

RẤT TIẾC

rat tiec
“Tôi là một người đàn ông bất hạnh, chung sống với vợ mới được chín năm thì vợ bị bệnh hiểm nghèo qua đời, để lại cho tôi hai đứa con.


Khi không còn cô ấy trên cõi đời này, tôi mới thấy ân hận vô cùng. Tôi đã là người chồng, người cha vô tâm – ỷ vào công việc của tôi khá bận rộn nên tôi phó mặc tất cả mọi việc cho vợ.

Khi cô ấy đã ra đi, mặc dù có mẹ vợ tới giúp đỡ nhưng tôi vẫn lúng túng, vụng về vô cùng. Bất cứ việc gì tôi cũng chẳng biết.
Cũng may, đứa con gái đầu lòng của tôi nó lại biết hết. Nó luôn nói với tôi, mẹ vẫn hay làm thế này, mẹ để ở chỗ kia, mẹ bảo…
Còn thằng con trai út của tôi thì dường như biết điều hơn, tuy bản chất nghịch ngợm của trẻ con vẫn còn.

Sau hai năm vắng bóng vợ, chỉ có mấy bố con sống với nhau, tôi đã trở nên thông thạo việc nhà, biết đưa con đi học ở đâu và điều quan trọng là các con rất gắn bó với tôi, tin cậy ở tôi.


Dường như chúng nó mặc nhiên coi tôi vừa là bố, vừa là mẹ. Tôi cũng không muốn cưới vợ khác, mặc dù, trước khi mất, vợ tôi có nói “Số em bạc mệnh nên không thể cùng anh chăm sóc các con khôn lớn. Khi em chết rồi, anh hãy cưới một người phụ nữ tốt, hiền lành để giúp anh nuôi con.”

Bởi vì, tôi rất thương các con và sợ rằng không thể tìm được người phụ nữ nào thật lòng yêu thương con tôi như mẹ ruột của nó. Vì thế, tôi đã quyết định ở vậy nuôi con khôn lớn trưởng thành.

Tất nhiên, tôi cũng có “bạn gái”, nhưng tôi xác định với cô ấy rằng, tôi sẽ không cưới vợ (cô ấy cũng đồng ý, vì chính cô cũng đã ly dị chồng và đang nuôi một đứa con bảy tuổi). Chúng tôi quyết định phương án trên, để cùng nhau giúp đỡ nuôi con”.

Mẩu chuyện trên đây do Thương lấy ra từ “internet”, đưa cho tôi xem. Thương hỏi tôi, nghĩ thế nào về người cha trong câu chuyện. Tôi cười, hỏi lại, em nghĩ sao? Thương cúi đầu thật thấp, giọng buồn buồn:

-Em không biết người cha trong câu chuyện trên giữ được ý nghĩ “ở vậy nuôi con” được bao lâu, hay rồi cũng như ba em.
Mẹ em mất mười tám năm rồi, khi ấy em mới vừa mười hai tuổi, anh của em mười lăm.
Ba nói với chúng em rằng, sẽ không lấy vợ nữa, vì ông không bao giờ quên được mẹ và không muốn chúng em phải gánh chịu cảnh mẹ ghẻ, con chồng.

Vì vậy, dù mồ côi mẹ, nhưng em cũng được sung sướng, hạnh phúc với tình thương của ba. Người đã gần gũi, chăm sóc, dạy dỗ chúng em thật chu đáo.
Lúc nào em cũng tự hào với bạn bè rằng, em có phúc lớn khi có được một người cha tuyệt vời nhất thế gian.
Nhưng niềm hãnh diện đó đã tiêu tan, khi em tình cờ biết được ba đã dan díu với một người đàn bà mà trước đó ba nói cô là em họ, bà con xa với ba.
Em nhớ, lúc còn bé, trong những ngày Hè, ba thường mang chúng em đến nhà cô ấy ở Florida để nghỉ ngơi, tắm biển cả tháng dài trước khi nhập trường.

Chúng em rất thương và quý cô như một người cô ruột thịt. Nhưng sự thật, cô ấy là bạn gái cũ của ba trước ngày cưới mẹ.
Sang Mỹ, cô đã ly dị chồng. Ba em và cô gặp nhau từ lúc nào không rõ, nhưng khi em biết thì hai người đã có với nhau một đứa con gái lên năm tuổi.
Ðiều nầy đã gây một cú sốc thật lớn cho em. Trong phút chốc, hình ảnh người cha vĩ đại của em đã sụp đổ tan tành. Sự kính trọng và lòng yêu thương của em đối với ba không còn nữa mà thay thế vào đó là một lòng oán giận, vì ba đã dối gạt chúng em.

Nghe xong câu chuyện, tôi cảm thấy xót xa cho người trong cuộc.
Rất tiếc! rất tiếc!

Bạn thân mến,
Bạn sẽ làm gì nếu ở vào cương vị của người cha?
Hoặc bạn sẽ nghĩ gì, nếu tự đặt mình vào vị trí của người con?
Dù có biện minh thế nào thì cũng không làm sao thay đổi được não trạng của người con gái bị cha mình lừa dối.
Tôi chợt nhớ đến một định luật trong chính trị “Cứu cánh không thể biện minh cho phương tiện.”

Trước đó, ông không muốn bước thêm bước nữa vì thương con và lo sợ con mình sẽ tổn thương tinh thần, khi nghĩ rằng ông không thương yêu chúng nên mới tục huyền.
Nhưng chính bản thân ông cũng không thể tự thắng trước những rung động rất con người. Tôi tin rằng, ông có nỗi khổ tâm không nói được.

 Sự hy sinh của ông, ở mặt nào đó rất đáng trân trọng. Nhưng rất tiếc, vì thiếu một chút khéo léo đã trở thành vô nghĩa – đối với con ông.
Mặc dù, ông đã tròn trách nhiệm nuôi dạy chúng lớn khôn nên người, lập được sự nghiệp cho bản thân, nhưng sự tổn thương trong lòng cô con gái -dù đã ba mươi tuổi- biết đến bao giờ mới có thể lành được!

Phải chi, ngay lúc gặp lại người bạn gái cũ và khi biết mình không thể cưỡng lại lý lẽ của con tim, ông có thể tục huyền một cách đường đường chính chính, sau khi chuẩn bị tâm lý cho con trẻ, như tạo điều kiện để người phụ nữ kia chinh phục tình cảm các con trước, giải thích cho chúng hiểu, sự có mặt của người mẹ thứ hai rất cần thiết cho các con và cho ông.

Bằng tất cả lòng yêu thương chân thành, chắc hẳn ông đã tạo được một mái gia đình hạnh phúc.

Và Thương -người mà hiện tại không chấp nhận một lời khuyên nhủ của ai về cách cư xử của cô đối với cha- có lẽ, một ngày nào đó sẽ hối tiếc về thái độ của mình (có thể, lúc đó cha cô không còn nữa) khi cô chợt hiểu rằng, dẫu sao, cha cô cũng là con người, cũng có những nhu cầu tình cảm và sự cô đơn mà cha cô phải chịu đựng khi anh em cô mỗi ngày mỗi lớn và mỗi xa ông.

Ước mong, sẽ có một ngày trái tim Thương rộng mở, để cha cô có thể tìm lại tình thương mà chỉ vì thiếu cân nhắc kỹ càng ông đành phải đánh mất


Switch mode views: