Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Afghanistan: Kabul mất dần quyền kiểm soát trong lúc Mỹ đàm phán với Taliban

Ghazni Taliban


Mỹ oanh kích chống lại cuộc tấn công của Taliban vào Ghazni hôm 10/08/2018
ZAKERIA HASHIMI / AFP

 

Cho dù không quân Mỹ gia tăng các chiến dịch oanh kích chống lại quân nổi dậy Taliban, chính quyền Kabul mất dần ảnh hưởng ở nhiều nơi trên lãnh thổ Afghanistan.

Đây chính là kết luận của cơ quan Tổng Thanh tra Đặc biệt (SIGAR) về Tái thiết Afghanistan trong một báo cáo công bố ngày 31/01/2019.

Hãng tin Pháp trích dẫn các số liệu do SIGAR và NATO cung cấp, cho thấy, tính đến ngày 31/10/2018, chính quyền Kabul chỉ kiểm soát được có hơn 50% số tỉnh thành trên cả nước, và tỷ lệ người dân sống ở những nơi này sụt giảm trong hai quý cuối năm 2018.

Điều nghịch lý là số các vụ oanh kích do không quân Hoa Kỳ tiến hành nhằm chống lại phiến quân Taliban đã tăng vọt trong hai năm gần đây.

Chỉ tính riêng trong 11 tháng của năm 2018, không quân Mỹ đã thả xuống hơn 6.820 quả bom, cao hơn mức 56% tổng số bom đạn mà Hoa Kỳ đã thả xuống Afghanistan trong năm 2017 và nếu so với 2016, tăng gấp 5 lần.

Một hiện tượng khác đáng lưu ý là số binh sĩ trong quân đội Afghanistan (quân đội và lực lượng bảo đảm an ninh) cũng giảm.
Tính đến tháng 10/2018, quân số chỉ đạt 87,7% so với mục tiêu đề ra và là tỷ lệ thấp nhất kể từ tháng Giêng 2015.
Tổn thất nhân mạng rất lớn kể từ khi quân đội Afghanistan bắt đầu tự đảm trách vấn đề an ninh đất nước cách nay 4 năm.

Theo tổng thống Ashraf Ghani hồi tuần trước, kể từ ngày ông lên cầm quyền hồi tháng 9/2014, khoảng 45.000 binh sĩ và nhân viên an ninh đã bị thiệt mạng.
Đây cũng chính là thời điểm NATO bắt đầu rút quân, chỉ để lại một nhóm chuyên gia để đào tạo, tư vấn và hỗ trợ trong khuôn khổ chương trình « Resolute Support ».

Bộ Quốc Phòng Mỹ đã có phản ứng trấn an trước các nhận định « u ám » được nêu trong báo cáo của SIGAR.
Theo Washington, điều quan trọng nhất là cần tập trung vào mục tiêu chủ chốt trong chiến lược chấm dứt cuộc chiến tại Afghanistan một cách có lợi nhất cho Hoa Kỳ và chính quyền Kabul.

Quả thực là nhằm thực hiện mục tiêu chấm dứt chiến tranh, song song với các nỗ lực quân sự hỗ trợ chính quyền Kabul, ngay từ mùa hè 2018, Hoa Kỳ đã có những cuộc đàm phán bí mật với lực lượng phiến quân Taliban.
Hôm thứ Hai, 28/01, sau sáu ngày thương lượng với đại diện Taliban tại Qatar, ông Zalmay Khalizad, đặc sứ Mỹ phụ trách hồ sơ Afghanistan, đã nói đến những nét sơ thảo đồng thuận song phương về hòa bình cho Afghanistan.

Theo giới quan sát, nếu như các nhà đàm phán của Mỹ tuyên bố đã có những tiến triển tốt trong các cuộc đàm phán với Taliban thì đòi hỏi cốt lõi của Hoa Kỳ vẫn bị phe này bác bỏ.

Taliban khẳng định không đàm phán với chính quyền Kabul, vốn chỉ là những « con rối » trong tay của Mỹ.
Afghanistan sẽ là một Việt Nam thứ hai hay không ? Còn quá sớm để có câu trả lời.

Chỉ có điều như cảnh báo của tổng thống Ghani, một khi thỏa thuận được đúc kết vội vã, quân Mỹ rút đi, bạo lực lại sẽ gia tăng trở lại như đã từng xảy ra trong quá khứ khi Liên Xô rút quân.

 
 
 
 
Switch mode views: