Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 21-11-2019
- Thứ Năm, 21 tháng Mười Một năm 2019 22:06
- Tác Giả: Thu Hằng
Iran: Cắt Internet, chính quyền “xử kín” người biểu tình
Người biểu tình trong làn hơi cay của cảnh sát trên một quốc lộ ở Teheran, Iran, ngày 16/11/2019.
Nazanin Tabatabaee/WANA/Reuters
Theo tổ chức Ân Xá Quốc Tế, có ít nhất 106 người chết tại 21 thành phố ở Iran trong các cuộc biểu tình chống việc chính phủ đột ngột tăng giá xăng dầu (tăng 50% đối với 60 lít đầu tiên, nếu nhiều hơn, sẽ áp dụng mức tăng 300%).
Libération nhắc lại, tại Iran, cho tới nay giá xăng bán ra tại các cây xăng thuộc hàng thấp nhất trên thế giới, chưa đầy 8 xu euro/lít, chỉ sau Venezuela và Sudan.
Trong bài viết « Iran : Phong trào phản đối bị triệt ngay trên đà vươn lên », Libération trích phân tích của nhà nghiên cứu Ali Fathollah-Nejad trên trang Brooking Institution về nguyên nhân chính quyền Teheran tăng giá xăng :
« Tình trạng buôn lậu trên quy mô lớn (ví dụ do các thành phần thân cận với lực lượng Vệ Binh Cách Mạng) mang lại lợi nhuận rất lớn, vì giá xăng ở Irak và Afghanistan cao gấp đôi so với ở Iran.
Nếu tiêu thụ xăng dầu ở Iran giảm, Teheran sẽ có thể xuất khẩu nhiều hơn sang các nước lân cận để thu ngoại tệ mà Iran đang rất cần ».
Từ phản đối tăng giá xăng dầu, phong trào nhanh chóng chuyển sang hướng chính trị, thậm chí đến mức phản đối tính chính đảng của nước Cộng Hòa Hồi Giáo.
Trước sự phản ứng dữ dội của người dân, từ ngày 16/11, Internet bị cắt gần như hoàn toàn ở Iran.
Một chiến lược mới để ngăn tin tức rò rỉ ra ngoài và cắt nguồn thông tin giữa những người biểu tình.
Song song đó, chính quyền triển khai lực lượng hùng hậu để trấn áp.
Nhật báo Le Figaro « lo ngại một bể máu trong một Iran bị cắt đứt với thế giới bên ngoài ».
Vì « cảnh sát bắn đạn thật vào đám đông, lính bắn tỉa núp trên các mái nhà, người biểu tình bị cảnh sát tấn công, bắn hơi cay ».
Còn Le Monde đã liên lạc được với một số người biểu tình Iran qua điện thoại và trong những lần hiếm hoi bắt được internet.
Những lời chứng của họ được đăng trong bài : « Tại Iran, trấn áp kín ».
Một nhà báo Iran nhắc đến « tâm trạng nhục nhã », « sự phẫn nộ » của đa số người biểu tình khi thấy chính quyền Teheran dùng công quỹ vào các dự án kiềm chế Irak và trên mặt trận Palestine, trong khi thường dân phải chịu đựng vì nền kinh tế bị bóp nghẹt do lệnh cấm vận của Mỹ.
Tăng thuế xăng dầu chỉ là giọt nước làm tràn ly.
Một phụ nữ được Le Monde liên lạc qua điện thoại cho biết nhiều người không có xe hơi, như « cha của cô, cũng xuống đường biểu tình vì lo ngại giá của mọi mặt hàng nhu yếu phẩm sẽ bị tăng gấp ba » và xa hơn, họ lo cho tương lai của con em.
Kiểm duyệt trên quy mô lớn
Bị cắt Internet, thông tin độc lập về các cuộc biểu tình chỉ còn được truyền tai nhau hoặc qua điện thoại và tin nhắn.
Một sinh viên Iran cho Le Monde biết :
« Chủ Nhật, tôi tưởng là các cuộc biểu tình đã chấm dứt, nhưng khi đi qua phía đông thủ đô, tôi thấy rất nhiều ngân hàng bị đốt vào hôm trước.
Ngay tại Teheran, người ta không biết những chuyện đang xảy ra ».
Tuy nhiên, một số hình ảnh và video hiếm hoi vẫn được truyền ra ngoài nhờ tài lách của một số người dùng internet.
Theo Le Figaro, trong gần một tuần, chính quyền Teheran độc quyền truyền thông.
Truyền thông nhà nước chỉ được phép đưa tin chính thức do chính quyền kiểm duyệt. Nếu đưa hình ảnh về cuộc biểu tình, họ chỉ đưa cảnh bắt giam những người bị coi là « nổi loạn ».
Theo chính quyền, có 6 người chết, trong đó có 4 nhân viên an ninh, khác xa với con số thẩm định có thể lên đến 200 người trên khắp nước.
Cơ quan thông tấn Fars News, trích báo cáo của tình báo Iran, cho biết 87.000 người bị coi là « nổi loạn », « gần 1.000 cá nhân » có thể đã bị bắt và 1.000 công thự bị phá hoại.
Tối 19/11/2019, giáo chủ Khamenei khẳng định trên truyền hình « đã đẩy lùi kẻ thù ».
Trước đó, tờ báo báo thủ Keyhan đưa tin « những kẻ cầm đầu » phong trào phản khác « đã bị bắt » và họ đã « thú nhận » mối quan hệ với « thế giới bên ngoài ».
Phát ngôn viên của chính phủ Ali Rabii cho biết Internet sẽ chỉ hoạt động trở lại với điều kiện « không bị sử dụng vào mục đích xấu ».
Chế độ lo lắng - Nguy cơ nội chiến ?
Nhật báo Le Monde phản ánh lo ngại của một phụ nữ Iran về « nỗi sợ nội chiến » do nghi ngờ có nhiều thành phần gây rối trà trộn vào các cuộc biểu tình nhằm lật đổ chính phủ, trong khi tình trạng bạo lực không được hoàn toàn ủng hộ.
Le Figaro nhận định : « Tính chất tàn nhẫn của chế độ Iran không phải là bí mật với bất kỳ ai ».
Tờ báo nêu lại những cuộc nổi dậy nhân dân năm 1979, 2009, 2017-2018 mà tất cả đều bị bưng bít thông tin.
Một nhà xã hội học Iran trên mạng WhatSapp ngày 16/11, nhận định : « Chế độ lo sợ. Họ biết rằng sáng kiến này không hợp lòng dân, đặc biệt trong bối cảnh trừng phạt Mỹ đang bóp nghẹt đất nước.
Sự bất bình không chỉ còn mang tính chất kinh tế, mà còn là chính trị và lần này còn cực đoan hơn những lần phản kháng trước !
Người biểu tình tấn công các ngân hàng, đốt chân dung của Khamenei. Nhưng tôi e rằng chính quyền tìm mọi biện pháp để bịt miệng chúng tôi ».
Nhật báo Công Giáo La Croix đặt câu hỏi :
« Liệu chế độ Iran đang bị đe dọa ? » vì phong trào phản kháng diễn ra chỉ vài tháng trước kỳ bầu cử lập pháp (tháng 02/2020).
Tuy nhiên, theo ông Ali Vaez, « Teheran cho rằng mọi nhân nhượng là một dấu hiệu yếu đuối », vì vậy « việc nhanh chóng trấn áp bằng chiến lược bàn tay sắt cho thấy Teheran cảm thấy bị bao vây và sẽ không nương tay đối với bất kỳ hành động bất đồng chính kiến nào ».
Pháp : Chính phủ công bố chính sách cải cách bệnh viện
Chính phủ Pháp công bố « Kế hoạch đưa bệnh viện công thoát khỏi khủng hoảng », theo trang nhất của Le Monde, cũng như của hầu hết các nhật báo Pháp.
Le Figaro nhận định : « Bệnh viện : Một kế hoạch với hy vọng giảm nỗi tức giận ».
Libération chơi chữ như thường lệ : « Kế hoạch bệnh viện : Cẩn thận với những biến chứng (phức tạp) ».
Chính phủ quyết định cấp thêm 300 triệu euro ngay năm 2020, nâng tổng số ngân sách cho bệnh viện công lên thành 1,5 tỉ euro trong 3 năm ; gánh 10 tỉ euro nợ của bệnh viện công (trên tổng số 30 tỉ) ; tăng tiền thưởng cho y tá, hộ lý, có thể lên đến 600.000 người…
Tuy nhiên, những biện pháp được chính phủ công bố ngày 20/11 dường như vẫn chưa đủ làm nguôi ngoai một số bộ phận nhân viên.
Theo Le Figaro và Les Echos, lãnh đạo các bệnh viện công hoan nghênh nỗ lực của chính phủ.
Tuy nhiên, những nhân viên đình công vẫn chưa thỏa mãn và quyết định duy trì lời kêu gọi biểu tình ngày 30/11.
Bài xã luận của Le Figaro cho rằng chưa bao giờ lĩnh vực bệnh viện công lại nhận được nhiều như vậy.
Dù kế hoạch mang quy mô lớn, nhưng hẳn vẫn không cầm được cơn khát của những người luôn đòi nhiều giường bệnh hơn, nhiều nhân viên hơn và lương cao hơn, với lý do sức khỏe không có giá.
Với hơn 200 tỉ euro hàng năm, trong đó có 80 tỉ dành cho bệnh viện, thêm vào đó là 1,5 tỉ vừa được tháo khoán ngày 20/11, trong số những nước phát triển, gần như không nước nào lại chi nhiều tiền như nước Pháp cho việc chăm sóc người dân.
Bài xã luận nhắc đến nhiều báo cáo chỉ ra những yếu kém về quản lý tài chính trong lĩnh vực bệnh viện công : chế độ làm việc 35 giờ, lương được tính theo những bậc vô lý, bất công, bệnh quan liêu và cơ cấu không thay đổi…
Trái với một số bệnh viện vượt qua được những nhược điểm này, nhiều cơ sở khác vẫn chìm trong thâm hụt.
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung bị sa lầy
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố hôm 19/11 rằng, nếu không đạt được thỏa thuận với Bắc Kinh, ông sẽ tăng thuế đối với hàng Trung Quốc.
Trong khi đó, tình trạng bạo lực ở Hồng Kông cũng khiến quan hệ Mỹ-Trung thêm căng thẳng.
Nhật báo kinh tế Les Echos nhận định :
« Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung bị sa lầy ».
Một lần nữa, tổng thống Mỹ khẳng định Bắc Kinh sẽ thiệt hại nhiều hơn là Mỹ, khi ông tham quan một nhà máy lắp ráp của Apple tại Austin (bang Texas), cùng với chủ tịch tập đoàn Tim Cook.
Chuyến thăm nằm trong chương trình vận động hồi hương các tập đoàn Mỹ ở nước ngoài thông qua chính sách ưu đãi thuế quan.
Tuy nhiên, theo Les Echos, dù kế hoạch chi 1 tỉ đô la để mở rộng khu sản xuất Texas, khối lượng sản xuất của Apple trên đất Mỹ chỉ chiếm một lượng bán rất rất nhỏ của tập đoàn trên khắp thế giới, phần lớn sản phẩm của Apple vẫn được nhập từ Trung Quốc và châu Á.
Vấn đề Hồng Kông nằm trong thỏa thuận thương mại
Hồng Kông cũng được đặt thành điều kiện trong các cuộc đàm phán Mỹ-Trung.
Thượng Viện Mỹ thông qua luật « Nhân quyền và Dân chủ ở Hồng Kông », khiến « người biểu tình Hồng Kông lấy lại tinh thần nhờ ủng hộ của Mỹ, trong khi Bắc Kinh giận dữ », theo Les Echos.
Nhật báo kinh tế Pháp cũng trích lại phát biểu của phó tổng thống Mike Pence, theo đó « Tổng thống đã nói rõ rằng sẽ khó ký kết một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc nếu như vẫn còn bạo lực hoặc nếu vấn đề này (Hồng Kông) không được xử lý đúng đắn và nhân đạo ».
Để tỏ thiện chí, Washington hoãn một đợt thuế mới vào đầu tháng 10, nhưng một đợt khác đã được chuẩn bị cho ngày 15/12 nhắm vào khoảng 160 tỉ đô la hàng Trung Quốc.
Le Figaro đăng một bài phóng sự « Trong đại học Bách Khoa, với những người nổi dậy cuối cùng chống Bắc Kinh » miêu tả khuôn viên trường PolyU như một thành phố ma bị tàn phá sau ba ngày người biểu tình chống trả lực lượng cảnh sát.
Một thanh niên mang bí danh « John » cho biết : « Về thực tế chúng tôi thất bại, nhưng thắng về chính trị.
Những người biểu tình sẽ tiếp tục cho đến khi chính phủ này biến mất ».
Phụ gia vẫn phổ biến trong thực phẩm
Tại Pháp, theo một nghiên cứu được tiến hành từ 2008 đến 2016, 78% thực phẩm được phân tích thường chỉ nêu ít nhất một loại phụ gia chứa trong thành phần.
Trong khuôn khổ chương trình Quan sát Chất lượng Thực phẩm, Cơ quan Anses và Viện Nghiên cứu Nông học Pháp (INRA) đã nghiên cứu các chất phụ gia trong 30.000 sản phẩm chế biến của ngành công nghiệp thực phẩm.
Theo báo cáo ngày 20/11/2019, « những thực phẩm chế biến gồm khoảng 30 loại, từ ngũ cốc ăn sáng đến các loại đồ uống, pizza đông lạnh, thịt hun khói… ».
Trong số 400 chất phụ gia được cho phép, các nhà nghiên cứu thống kê được 285 loại thường được sử dụng.
Các loại phụ gia được sử dụng nhiều nhất trong ba loại sản phẩm : trong 16% trong các loại bánh ngọt và đồ tráng miệng đông lạnh, trong 15% các loại đồ ăn chế biến tươi ăn ngay và trong 12% các loại kem.
Tuy nhiên, mức độ độc hại của các loại chất phụ gia lại không được nêu trong nghiên cứu.
Tin mới
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 23-11-2019 - 23/11/2019 23:52
- Gambia có phù thủy ăn thịt người ? - 23/11/2019 23:06
- Một cựu điệp viên Trung Quốc tiết lộ hoạt động tình báo của Bắc Kinh - 23/11/2019 16:50
- Donald Trump không chắc sẽ phê chuẩn dự luật nhân quyền Hồng Kông - 23/11/2019 16:01
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 22-11-2019 - 22/11/2019 22:13
- Động đất chính trị ở Israel : Thủ tướng bị đặt trong vòng điều tra - 22/11/2019 21:31
- Bánh ngọt Pháp có quá nhiều chất phụ gia - 22/11/2019 20:51
- Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ tái khẳng định lập trường chống Trung Quốc ở Biển Đông - 22/11/2019 17:16
- Chiến hạm Mỹ tuần tra Biển Đông hai ngày liên tiếp - 22/11/2019 16:29
- Trung Quốc đẩy mạnh chính sách ngoại giao “con tin” - 21/11/2019 22:40
Các tin khác
- Bolivia: Từ người hùng đến người tị nạn, những sai lầm của Moralès - 21/11/2019 21:02
- Trung Quốc « sẵn sàng đáp trả » Mỹ về luật dân chủ và nhân quyền Hồng Kông - 21/11/2019 17:00
- Mark Esper: Mỹ gia tăng tuần tra tại Biển Đông để cảnh báo Trung Quốc - 20/11/2019 23:28
- Hồng Kông : Vài chục người biểu tình tiếp tục cố thủ trong ĐH Bách Khoa - 20/11/2019 22:33
- Bị cấm vận, nhưng sứ quán Bắc Triều Tiên vẫn ăn nên làm ra tại Berlin - 20/11/2019 19:34
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 20-11-2019 - 20/11/2019 16:30
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 19-11-2019 - 19/11/2019 17:44
- Mỹ không còn xem các khu định cư Do Thái phạm luật quốc tế - 19/11/2019 16:45
- Nhóm BRICS gặp bế tắc - 19/11/2019 15:48
- Tiềm lực của Việt Nam để chống Trung Quốc ở Biển Đông - 18/11/2019 23:05