Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 05-10-2019

 Trung Quốc : Biển Đông không dễ nuốt

Truongsa.VN

Ảnh minh họa : Quần đảo Trường Sa chụp từ trên không. Ảnh 21/04/2017.
Ted ALJIBE / AFP



Cựu tổng thống Pháp ra đi trong niềm thương tiếc, tổng thống Mỹ đương nhiệm trong chiếc lưới « impeachment », Trung Quốc tung chiến thuật mới nhưng thiếu ba yếu tố để chiến thắng tại Biển Đông.

Jacques Chirac, Donald Trump, Biển Đông nổi sóng và Hồng Kông dậy lửa là những chủ đề lớn trên các tạp chí cuối tuần.

 

Tình hình nóng bỏng tại Hồng Kông được Courrier International tóm lược trong tựa ngắn « Hồng Kông trong lửa và máu ».
Cùng nhận định, The Economist dự báo nguy cơ « căng thẳng leo thang tại đặc khu hành chánh » sau vụ một học sinh bị bắn.

 

Trong khi đó tại Biển Đông, cũng theo tuần báo Anh, kịch bản hợp thức hóa đường lưỡi bò không thuận buồm xuôi gió như Trung Quốc toan tính.
Biển Đông ít được nhắc tới không có nghĩa là Bắc Kinh đã bớt tham lam

Có hai lý do trong thời gian qua, công luận ngày càng ít nghe nói Trung Quốc gia cố các đảo nhân tạo tại Biển Đông.
Điều này không có nghĩa là Bắc Kinh giảm bớt lòng tham làm bá chủ trên một vùng biển rộng 3,5 triệu cây số vuông.

Lý do thứ nhất là 7 tiền đồn ở Trường Sa đã được hoàn tất.
Thứ hai, là với những tiền đồn này, Bắc Kinh nghĩ rằng đủ mạnh để bước qua giai đoạn hai, thông qua Bộ Quy Tắc Ứng Xử COC.

 

Năm 2013, Tập Cận Bình thề thốt là các phi đạo, hải cảng mà Trung Quốc đang xây dựng trên các đảo nhân tạo là để « phục vụ lợi tích chung ».
Thực tế cho thấy Trung Quốc xây pháo đài, công sự chiến đấu, bố trí máy bay quân sự , tên lửa…

 

Về quân sự, 7 tiền đồn trên biển cho phép Trung Quốc kiểm soát toàn khu vực nếu xảy ra chiến tranh với Mỹ.
Các đảo tiền trạm này, ngày nay là hậu cần của các tàu thăm dò dầu khí của Trung Quốc, lui tới như « xe cắt cỏ » tại các vùng biển của Việt Nam, như đã xảy ra vào năm 2014, và đang diễn ra hiện nay.
Cùng lúc, tàu hải cảnh Trung Quốc cũng lui tới hù dọa các giàn khoan của nước ngoài hợp tác khai thác dầu khí với Việt Nam hay với Malyasia láng giềng.

Đây là một chiến thuật áp đặt chủ quyền, buộc các nước láng giềng chấp nhận chuyện đã rồi.
Tuy nhiên có lẽ Bắc Kinh tính không qua trời tính. Theo The Economist, kế hoạch của Trung Quốc bị nhiều trắc trở không ngờ.

Trung Quốc bị 3 cản lực tại Biển Đông

Trước tiên, nhiều nguồn tin cho rằng Biển Đông là « vùng nước độc » khắc kỵ Trung Quốc.
Cấu trúc « bê-tông » trên các đảo nhân tạo bị nước biển, muối biển soi mòn, nền móng bị sụp đổ trong khi chờ đợi xẩy ra một cơn bão lớn.

Thứ đến, Trung Quốc không ngờ các nước Đông Nam Á cự tuyệt, đề kháng đề nghị "cùng khai thác tài nguyên". Manila chỉ hứa miệng chưa có gì chính thức.

Trung Quốc cũng không ngăn cản được các công ty nước ngoài hợp tác với các nước Đông Nam Á. Cho dù Nga được xem là bạn của Trung Quốc nhưng tàu Trung Quốc hù dọa giàn khoan của công ty nhà nước Nga Rosneft ở Bãi Tư Chính.


Điều trớ trêu là những hành động dọa nạt này chỉ gây bất lợi thêm cho Trung Quốc trong ý đồ buộc các nước Đông Nam Á ký bộ quy tắc ứng xử COC vào năm 2021.

Ian Storey, một chuyên gia địa chiến lược ở Singapore cho biết có rất nhiều cản lực mà cội nguồn là do mưu tính của Trung Quốc.
Cụ thể là để một "bộ quy tắc" có giá trị pháp lý, thì phải đệ trình Liên Hiệp Quốc. Thế nhưng Bắc Kinh không đồng ý.

Trở ngại thứ hai là Trung Quốc muốn bộ quy tắc COC công nhận đường "chín đoạn" bao trùm cả Biển Đông vừa mù mờ , vừa không cơ sở.
Thế là các nước Đông Nam Á chống lại "lưỡi bò".

Một điểm nữa, là hoạt động nào bị cấm?
Trung Quốc không muốn cấm các hoạt động quân sự hóa, cải tiến cơ sở quân sự (bị xuống cấp) trong tương lai.
ASEAN cũng bác bỏ lại đề xuất của Trung Quốc cấm ASEAN tập trận chung với một "cường quốc ngoài khu vực", tức là Hoa Kỳ.

Thừa hiểu thâm ý của Bắc Kinh muốn hợp thức hóa ý đồ thống trị Biển Đông, ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin cảnh báo:

 

 Chấp nhận "những yêu sách của Trung Quốc liên quan đến bộ quy tắc ứng xử COC là "gián tiếp công nhận bá quyền Trung Quốc" như "cho con voi vào phòng khách".

Hồng Kông phá tan ngày hội của Bắc Kinh

Tình hình tại Hồng Kông cũng trở thành phức tạp thêm sau vụ cảnh sát bắn một thiếu niên biểu tình.
Nhất cử nhất động của chính quyền Lâm Trịnh Nguyệt Nga đều gây phản ứng bất lợi.

Ngày Bắc Kinh kỷ niệm trọng thể 70 năm chế độ Mao thì cũng là ngày "máu lửa" tại Hồng Kông.
 Courrier International đăng bức ảnh cảnh sát đàn áp một nhóm thanh niên biểu tình ngày 01/10 : Hơn 50 người bị bắt, một học sinh 18 tuổi bị cảnh sát bắn thẳng vào ngực, trọng thương.

Với tựa "Phá nát lễ hội", The Economist nhận định:
"Ngày 01/10 không bao giờ là ngày vui của dân Hồng Kông.

 

Từ bốn tháng nay, người dân đặc khu nổi dậy đòi dân chủ đúng nghĩa và tố cáo bàn tay của đảng Cộng sản Trung Quốc can thiệp vào đời sống, sinh hoạt tự do của Hồng Kông".

Ngày quốc khánh của Hoa Lục biến thành ngày quốc táng tại Hồng Kông.
Khắp bán đảo, người biểu tình tuần hành với biểu ngữ « ChiNazis » (Trung Quốc Quốc Xã) , đốt lửa, đốt cờ Trung Quốc.

 

 Họ còn khiêu khích để cảnh sát đàn áp mạnh.
Hơn 100 người bị thương trong đó có Tsang Chi Kin, bị bắn vào ngực.

Cho dù cảnh sát biện minh là "tự vệ chính đáng và có chừng mực" nhưng vụ này, đối với một lực lượng an ninh có tiếng chuyên nghiệp, và nhất là viên cảnh sát sử dụng đạn thật có trang bị vũ khí không sát thương, sẽ làm cho các nỗ lực làm giảm căng thẳng sau này của chính quyền đặc khu phức tạp thêm.

 

Nhiều dấu hiệu cho phép lo ngại tình hình sắp tới sẽ căng thẳng thêm : có tin lực lượng Trung Quốc tại Hồng Kông tăng gấp đôi từ 5000 quân lên 10.000 hay 12.000.

 Báo chí thân Bắc Kinh đề xuất sử dụng một đạo luật cũ thời nhượng địa về "tình trạng khẩn cấp" để chống biểu tình.
Ngày 24/11, Hồng Kông bầu ủy viên hội đồng thành phố. Theo The Economist, đây sẽ là một cơ hội để biểu tình dữ dội nổ ra nếu các ứng cử viên chủ trương ly khai với Trung Quốc bị cấm tranh cử.

Donald Trump trong màn xiếc phế truất

Báo chí Mỹ phê bình chủ nhân Nhà Trắng đặt cá nhân lên trên đất nước, bất chấp những vấn đề quan trọng mà Hoa Kỳ đang đối phó.
Courrier International chọn hai bài báo Mỹ.

 

Trước hết, với bài "Cơn lôi đình trong văn phòng bầu dục" Los Angeles Times tường thuật "những lời tuyên bố phóng đại và vô trách nhiệm" của tổng thống Donald Trump từ khi phe Dân Chủ quyết định khởi động cuộc điều tra để truất phế tổng thống.

Trong mũi dùi tấn công nhân viên tình báo đánh tiếng chuông báo động vụ Ukraina cũng như trong tweet đòi bắt chủ tịch Ủy Ban Tình Báo Hạ Viện Adam Schiff, chủ nhân Nhà Trắng tuyên bố như mê sảng : người nào cũng nói dối, người nào cũng loan tin thất thiệt.

Nghiêm trọng hơn nữa, tổng thống Mỹ còn chia sẻ quan điểm của một mục sư bình luận gia của đài truyền hình bảo thủ Fox News, theo đó, truất phế tổng thống sẽ đưa đến "nội chiến".

Một lần nữa, từ khi nhậm chức cách nay gần ba năm, tổng thống Donald Trump đánh đồng cá nhân ông với Nhà Nước là một.

 Los Angeles Times lưu ý : tổng thống là đại diện nhưng không phải là hiện thân của quốc gia.
Những gì tốt cho Hoa Kỳ không hẳn là tốt cho Donald Trump và ngược lại.
Những lời tuyên bố cuối tuần qua cho thấy chủ nhân Nhà Trắng không chấp nhận sự thật này.

Không chấp nhận thì làm gì ? New York Times công kích mạnh hơn :
Tổng thống làm trò xiếc và gây chia rẽ.

 

Đối với nhật báo kịch liệt chống Donald Trump thì ông có thể không bị cách chức mà còn huy động được cử tri ủng hộ mạnh hơn để tái đắc cử.
Thủ tục Impeachment lúc đó có lợi cho Donald Trump, nhưng tiếp tục nhiệm kỳ hai trong điều kiện này thì thật là không may cho nước Mỹ.

Công và tội của cố tổng thống Pháp Chirac

Có phúc phần hơn tổng thống Mỹ đương nhiệm, cựu tổng thống Pháp Jacques Chirac, từ trần trong niềm thương mến.
Courrier International đề cao nhà lãnh đạo "thân dân", nhưng nghiêm khắc phê phán các sai lầm trong chính sách đối ngoại.

Nhìn từ các nước Ả Rập, tổng thống thứ năm của nền Đệ ngũ Cộng hoà Pháp là một người đáng quý vì ông là bạn của Liban, của Irak, là người nói "không" với nước Mỹ để chống can thiệp quân sự vào Irak.
Báo L’Orient le Jour của Liban thì không quên tổng thống Chirac là người giúp Liban của thủ tướng Rafic Hariri từ năm 1995 thóat khỏi vòng kềm tỏa của Syria.

Nhìn từ Mỹ, New York Times ghi nhớ tình cảm tốt đẹp của tổng thống Chirac với Hoa Kỳ.
Báo Đức Tagesspiegel cho rằng tổng thống Chirac tập trung vào chính trường quốc tế hơn là tình hình nước Pháp.

Trong khi đó, báo chí châu Phi ghi nhớ « công lẫn tội » của nhà lãnh đạo Pháp vừa qua đời :
Trong khi các nguyên thủ châu Phi tỏ lòng thương tiếc thì tờ L’Observateur Paagal, Burkina Faso, trách Chirac bao dung cho các nhà lãnh đạo bạn hữu tham ô.

Tuần báo thiên tả Pháp, L’Obs, không ngần ngại dành một số đặc biệt với hình bìa là tấm ảnh một chính trị gia trẻ tuổi, đep trai như tài tử điện ảnh lúc mới bắt đầu tham chính thời cố tổng thống Pompidou cho đến khi trở thành "tổng thống trong nhân dân Pháp".

 Đó là chủ đề của 80 trang tổng kết các sự kiện nổi bật và giai thoại vui buồn trong sự nghiệp lâu dài trong đó có 18 năm làm đô trưởng Paris và 12 năm ở điện Elysée.

Switch mode views: