Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 07-07-2018

Trung Quốc, đại cường Bắc Cực và Nam Cực ?

Bac cuc

Một nhà hoạt động Greenpeace giơ cao lá cờ mang dòng chữ « Hãy cứu Bắc Cực ».
Christian Aslund / GREENPEACE / AFP

Bắc Kinh tự xưng là « quốc gia gần Bắc Cực », trong khi Trung Quốc thực ra ở gần đường xích đạo hơn. Bắc Cực và Nam Cực được xác định là « viễn cảnh chiến lược mới » trong luật an ninh quốc gia năm 2015 của Trung Quốc.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc là nước chi tiền nhiều hơn bất cứ quốc gia nào khác cho cơ sở hạ tầng ở địa cực.

L’Express tuần nàyđiểm qua ba khuôn mặt nổi bật của cánh hữu Pháp với ba chiến lược khác nhau, đặt câu hỏi « Có ai cứu vãn được cánh hữu hay không ? ». L’Obs đi tìm « Công thức mới của hạnh phúc ».

Le Point chạy tựa « Macron tham gia chiến tranh như thế nào ? » Tờ báo « xâm nhập » vào đại bản doanh Hội đồng Quốc phòng trong một hầm ngầm dưới Phủ Tổng thống Pháp, nơi mỗi sáng thứ Tư hàng tuần, các vấn đề an ninh, quốc phòng, chống khủng bố… được quyết định.

Courrier International nêu bật hiện tượng « Đổ xô về các cực của Trái Đất » : với hiện tượng tan băng, chưa bao giờ Bắc Cực và Nam Cực được thèm muốn như thế.
Ảnh bìa tờ báo vẽ tổng thống Mỹ Donald Trump và đồng nhiệm Nga Vladimir Putin ngồi đối diện nhau trước một lỗ thủng để câu cá trên băng.
Ông Trump chỉ ngồi nhìn, với những đồng đô la bên cạnh, ông Putin cầm cần câu, nét mặt ranh mãnh, và một đống cá kế bên.
Còn Tập Cận Bình đứng giữa, ôm một chiếc thùng lớn chờ đợi.

Trung Quốc, « đại cường địa cực » ?

Trong bài xã luận « Một Hội nghị Yalta cho địa cực ? »,Courrier International nhận định chiến tranh lạnh chưa bao giờ được gọi đúng nghĩa như thế.
Bởi vì một Hội nghị Yalta của thế kỷ 21 sẽ phải dành cho Bắc Cực và Nam Cực.

Điều nghịch lý là chính hiện tượng Trái Đất nóng lên đã khiến nhiều nước dòm ngó : hai cực của hành tinh vẫn giá băng nhưng đã bớt lạnh, và băng ngày càng tan nhanh hơn, mở ra những triển vọng mới về kinh tế và quân sự.

Tác giả Anne-Marie Brady trong cuốn « China as a Polar Great Power » (Trung Quốc như một cường quốc địa cực) nói về tham vọng của Trung Quốc ở địa cực, mô tả : « Bắc Cực là một đại dương được các lục địa bao phủ, còn Nam Cực là một lục địa được đại dương bao quanh ».
Một tài liệu khác, bản đồ thế giới do nhà địa vật lý Trung Quốc Hác Hiểu Quang (Hao Xiaoguang) thực hiện năm 2002 minh họa rất rõ sự kiêu ngạo của Bắc Kinh.

Được công bố cách đây bốn năm, bản đồ này khác hẳn với sự trình bày truyền thống : không những Trung Quốc được đặt vào trung tâm thế giới, mà còn nhấn mạnh vị trí chiến lược của Bắc Băng Dương.

Ông Tập Cận Bình tuyên bố Trung Quốc là « đại cường địa cực » - một lời cảnh báo cho Nga và Hoa Kỳ !
Từ khi một ê-kíp Nga cắm cờ lên Bắc Cực tháng 8/2007, ông Vladimir Putin liên tục khẳng định chủ quyền tại địa cực, cùng với bảy nước khác.
 Trong khi đó ở Nam Cực, các trạm nghiên cứu khoa học của Trung Quốc sinh sôi nảy nở, đặt ra nhiều nghi vấn.

Tham vọng kinh tế và địa chính trị

Viện nghiên cứu địa chất Hoa Kỳ ước tính khoảng 30% lượng khí đốt và 13% dầu lửa chưa được phát hiện của thế giới tập trung ở hai cực Trái Đất.
Đa số trữ lượng nằm trên lãnh thổ hoặc vùng đặc quyền kinh tế của nước này hay nước khác, nhưng điều này không cản trở Đan Mạch, Canada, Nga yêu sách đáy đại dương Bắc Cực là phần nối dài thềm lục địa của nước mình.

Hoa Kỳ với tiểu bang Alaska đương nhiên là một quốc gia liên quan đến địa cực, nhưng không đòi hỏi được vì chưa phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.
Nga đã cải tạo, mở rộng sáu căn cứ trên các đảo Bắc Cực, và đang bố trí các chiến đấu cơ ; đặt đóng hai tàu phá băng trang bị hỏa tiễn hành trình.
Nhưng Bắc Kinh lại càng tham vọng hơn. Tháng 9/2015, năm chiến hạm Trung Quốc đi vào lãnh hải của Mỹ gần Alaska, nhằm gởi đi thông điệp rất rõ.

Bắc Kinh tự xưng là « quốc gia gần Bắc Cực » trong khi thực ra ở gần đường xích đạo hơn. Bắc Cực và Nam Cực được xác định là « viễn cảnh chiến lược mới » trong luật an ninh quốc gia năm 2015 của Trung Quốc.

Nhà nghiên cứu Brady viết : « Trong những năm gần đây, Trung Quốc là nước chi tiền nhiều hơn bất cứ quốc gia nào khác cho cơ sở hạ tầng ở địa cực như căn cứ, máy bay, thiết bị vệ tinh, tàu phá băng ».

Trong Bạch thư về chính sách Bắc Cực, Bắc Kinh ưu tiên cho vận chuyển hàng hải, khai thác năng lượng, quặng mỏ, ngư nghiệp, du lịch ; nhưng phía sau là tham vọng địa chính trị. Đáng ngại hơn nữa là khả năng Nga-Trung liên kết.

Hoa Kỳ thì suốt 40 năm qua không xây dựng công trình nào đáng kể tại Bắc Cực.
Đã đành Mỹ có lực lượng quân sự rất mạnh : các căn cứ Không quân, hệ thống chống hỏa tiễn đạn đạo, hỏa tiễn mang đầu đạn hạt nhân ở Thulé (Groenland), Fort Greely (Alaska), các tàu ngầm nguyên tử… nhưng từ khi chiến tranh lạnh kết thúc, Mỹ tập trung cho Thái Bình Dương hơn là Bắc Cực.

Còn tại Nam Cực ?
 Một hiệp ước được 53 quốc gia ký kết giúp duy trì trật tự từ 60 năm qua, nay phải đối mặt với những thách thức địa chính trị mới, ngày càng khó tìm được đồng thuận, từ hồ sơ biến đổi khí hậu cho đến đánh cá.

Hiện nay trên vùng đất lạnh giá nhất thế giới có trên 75 căn cứ khoa học thường trực – một kiểu giành đất với danh nghĩa làm khoa học.
 Riêng Trung Quốc ngay từ khi tham gia năm 1983 đã hăng hái « nghiên cứu », và trong lúc các nước đang chia rẽ về việc có nên đồng ý cho Bắc Kinh lập căn cứ thứ năm ở Nam Cực hay không, thì căn cứ này đã được Trung Quốc xây lên mà không hề bị trừng phạt.

1/7 đàn ông Trung Quốc mua dâm

Cũng liên quan đến Trung Quốc nhưng trên lãnh vực xã hội, The Economist ghi nhận « Nạn mại dâm bị đẩy vào bóng tối » nhưng vẫn tồn tại, mà ví dụ cụ thể là « thủ đô tình dục » Đông Quản (Dongguan), nơi có hàng chục ngàn « lao động tình dục » làm việc.

Đầu năm 2014, chính quyền địa phương tung ra chiến dịch bài trừ mại dâm.
Chỉ trong vài ngày đầu, khoảng 6.000 công an đã đột kích các cơ sở tắm hơi, quán bar karaoke và những địa điểm tương tự, câu lưu nhiều chủ cơ sở và nhân viên. Nhưng bốn năm sau, vẫn có thể mua dâm được ở Đông Quản cũng như trên toàn quốc.

Các chuyên gia cho rằng lao động tình dục tại Trung Quốc có đến hàng triệu.
 Theo dõi những biến chuyển trong 20 năm qua, các nhà nghiên cứu ở trường đại học Nhân Dân Bắc Kinh phát hiện đến năm 2015 số nam giới Trung Quốc dùng đến dịch vụ này đã tăng gấp đôi : cứ bảy người thì có một người mua dâm, và tỉ lệ này đến năm 2020 sẽ là 1/6.

Truyền thống trọng nam khinh nữ dẫn đến tình trạng nam thừa nữ thiếu, những người đàn ông không tìm được vợ là khách hàng của dịch vụ tình dục, và « người bán » hầu hết là phụ nữ nông thôn lên kiếm sống ở thành thị.

Nguyên tử Bắc Triều Tiên : Bình Nhưỡng lần khân sau khi bỏ túi củ cà rốt của Trump

Cũng về châu Á, Courrier International dịch bài viết của New York Times « Nguyên tử : Những khuất tất của Bình Nhưỡng ».
Bắc Triều Tiên vẫn tiếp tục tìm cách sản xuất vũ khí hạt nhân, chứng tỏ ông Donald Trump đã phạm sai lầm - theo tờ báo Mỹ.

Những bức ảnh vệ tinh mới cho thấy Kim Jong Un đã cho gia tăng sản xuất nhiên liệu nguyên tử tại nhiều địa điểm – điều khó thể nghĩ tới sau cuộc gặp thượng đỉnh với tổng thống Mỹ Donald Trump.
Theo một báo cáo của Stimson Center ở Washington, Bắc Triều Tiên đã hoàn thiện hệ thống làm lạnh của lò phản ứng Yongbyon.

Các hoạt động vẫn tiếp tục tại tòa nhà kế cận, nơi plutonium được trích xuất.
Những dấu vết trên nóc nhà cho thấy Bình Nhưỡng làm giàu uranium cho mục đích quân sự, bằng những máy ly tâm.
 Các nguồn tin tình báo Mỹ khẳng định những thông tin trên, nhưng Nhà Trắng từ chối bình luận.

Ông Trump không hề đạt được việc Kim Jong Un hứa tôn trọng thời hạn phi hạt nhân hóa, và Bình Nhưỡng cũng không cung cấp danh sách toàn bộ các địa điểm nguyên tử.
Ngay cả khi ấn định một thời hạn, cũng có nguy cơ Bắc Triều Tiên không tôn trọng : cha và ông nội của Kim Jong Un trước đây cũng đã ký rồi nuốt lời.
 Nhưng ít nhất Hoa Kỳ có thể dựa vào đó để yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc trừng phạt.

Việc chính quyền Mỹ gây áp lực tối đa là cơ hội tốt nhất để buộc Bình Nhưỡng từ bỏ quả bom nguyên tử.
Nhưng sau thượng đỉnh Trump-Kim, Trung Quốc đã giảm sức ép khiến hàng hóa lại được đưa sang bên kia biên giới Triều Tiên.
 Bình Nhưỡng lại chơi trò cũ là lần khân đồng thời cố gắng đạt thêm những nhượng bộ từ phía Hoa Kỳ.

Kim Jong Un đã bỏ túi được củ cà rốt mà không hề có động thái nào để giải trừ nguyên tử trên bán đảo Triều Tiên.

Grand Bazar, phản ứng của thiểu số Iran được ưu đãi

Nhìn sang Trung Đông, hai bài viết « Iran, khi Bazar sôi sục » của tờ Asharq Al Awsat ở Luân Đôn và « Chưa phải là một cuộc cách mạng » của TheIranian ở Washington được Courrier International trích dịchphân tích tỉ mỉ thực chất cuộc biểu tình diễn ra hôm 24/06/2018 tại Grand Bazar ở Teheran.

Khu vực Grand Bazar là một đại thương xá, có đến 40 con đường nhỏ dài tổng cộng 10,6 kilomet, chia làm 20 ngành hàng từ thực phẩm đến kim hoàn, thảm len.
Tại đây người ta tìm được đủ mọi loại hàng hóa đáp ứng nhu cầu cho thủ đô Teheran trên 15 triệu dân.

Nhưng không chỉ là địa điểm buôn bán, Grand Bazar còn có sáu đền thờ Hồi giáo, 30 khách sạn, trên 20 ngân hàng, 9 định chế tôn giáo, 13 trường trung tiểu học, hai nhà hát…
Các thương nhân của Grand Bazar đóng góp rất nhiều tài chính cho hàng giáo phẩm Shia, và đợt phản kháng mới đây chứng tỏ giới này có khả năng huy động các cuộc xuống đường.
Theo Asharq Al Awsat, không nên đánh giá thấp mối nguy này.

Tuy nhiên, theo The Iranian, đây không phải là một cuộc cách mạng, mà chỉ là hành động của một thiểu số được ưu đãi, nay bất mãn do sự mất giá của đồng rial trước đồng đô la Mỹ.
Đồng tiền quốc gia chỉ trong một năm qua đã sụt giá mất phân nửa. Khi rút khỏi hiệp định nguyên tử, Donald Trump đã khiến nhiều tập đoàn lớn phương Tây từ bỏ các dự án đầu tư vào Iran.

Cho dù Trung Quốc nhanh nhẩu thay chân, nhưng không thể lấp được khoảng trống. Người dân Iran nay lo mua trữ đô la, tuồn vốn ra nước ngoài để bảo tồn, và dòng vốn càng ra đi thì đồng rial lại càng sụt giá thê thảm.

Tân tổng thống Mêhicô, 6 năm để thực hiện giấc mơ

Còn tại châu Mỹ la-tinh, tờ El Universal nhận định « Mêhicô : Ông López Obrador có sáu năm để thành công ».
Tân tổng thống Mêhicô được bầu lên nhờ những lời hứa cải tổ sâu sắc đất nước, và nay ông sẽ phải chứng tỏ mình có khả năng đáp ứng được mong mỏi của người dân.
Một nước Mêhicô không còn bạo lực, nghèo đói và bất bình đẳng, không có ai phải bỏ ra nước ngoài sinh sống để chạy trốn đói nghèo.
Một đất nước mà rừng được trồng lại, chinh phục lại những con sông, con suối và hồ của mình.
Một đất nước có tỉ lệ tăng trưởng 6%, trong một bối cảnh « chung sống hài hòa dựa trên tình yêu vào cái thiện, hướng về con đường hạnh phúc ».

Để giành được chiến thắng đầu tiên của cánh tả sau nhiều thập kỷ, ông López Obrador đã hứa hẹn tất cả những điều trên đây.
Một đất nước Mêhicô lý tưởng mà nếu tân tổng thống đạt được không bằng cách cai trị độc tài, biết lắng nghe công luận, ông sẽ đi vào lịch sử.

Tờ báo nhắc nhở, để đi đến thành công, ông Obrador có sáu năm trước mặt, không hơn.

Con tàu Anh vật vờ trước cơn sóng Brexit

Ở châu Âu, tác giả Nicolas Baverez trên Le Point mô tả « Con tàu Anh say sóng ».
Việc thương lượng Brexit không có tiến triển, trong khi kinh tế bắt đầu suy sụp.
Hai năm sau khi người Anh bỏ phiếu ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, tăng trưởng của Anh quốc đã sút giảm từ 3% còn 1,5% trong năm 2018 và sẽ ở mức 1,3% vào năm 2019.
Việc làm liên tục mất đi : có trên 75.000 chỗ làm tại trung tâm tài chính Luân Đôn đã « di cư » sang nước khác, Airbus (14.000 nhân viên, hoặc 110.000 lao động nếu tính thêm các đơn vị gia công), BMW (trên 8.000 nhân viên) đe dọa rời đi.

Đầu tư nước ngoài giảm mất phân nửa, lạm phát tăng 3% trong khi sức mua giảm mất 20%.
 Theo dự báo đến năm 2030, Brexit sẽ làm Anh quốc mất đi từ 5 đến 8 điểm tăng trưởng, cắt mất 1/5 thu nhập của người dân Anh.

Tác giả cho rằng Brexit là một bi kịch sẽ còn gây khá nhiều ngạc nhiên. Bài học chính là không thể quay ngược lại với hơn 40 năm hội nhập châu Âu mà không phải chịu đựng những thiệt hại to lớn đối với mức sống người dân, quyền tự do của công dân và chủ quyền quốc gia.

Trên vùng biển động của đầu thế kỷ 21, những người ủng hộ Brexit cho rằng châu Âu giống như một con tàu có quá nhiều thuyền trưởng.
Nhưng họ lại càng tệ hơn, khi biến nước Anh thành một con tàu vật vờ, không định hướng mà cũng chẳng có thuyền trưởng nào.

Pháp : Bí mật cuộc vượt ngục bằng trực thăng của Redoine Faïd

Tại Pháp, cuộc vượt ngục bằng trực thăng ly kỳ mới đây tại một nhà tù ở ngoại ô Paris đã làm tốn không ít giấy mực.
Trong bài điều tra « Redoine Faïd, bí mật một cuộc vượt thoát », L’Obs tiết lộ thêm nhiều chi tiết và cho rằng tư pháp đã biết âm mưu vượt ngục của tù nhân nổi tiếng này.

Theo L’Obs, hai ngày trước vụ vượt ngục, Redoine Faïd gọi điện thoại cho luật sư, và trước khi gác máy đã nói « Hẹn gặp lại tuần tới ! ».
Hồi cuối tháng Sáu, tuần san Pháp đã cho biết cách đây một năm, Faïd đã có kế hoạch liên minh với một băng đảng ở đảo Corse do Jacques Mariani, 52 tuổi, đang bị quản thúc, lãnh đạo.

Cảnh sát tình cờ phát hiện âm mưu này khi điều tra một vụ án băng đảng khác. Một tay chân của Mariani đã khai ra tất cả.
Faïd không quen ông trùm này, nhưng đây là mối tương trợ trong giới giang hồ.
Redoine Faïd đưa ra danh sách cần thiết : ba tay súng mỗi người được trả công 80.000 euro, hai hoặc ba khẩu AK 47, ba, bốn khẩu Glock, một số lựu đạn và 10 kg chất nổ.
Đổi lại, tên cướp nhà băng hứa sẽ trừ khử địch thủ của phe Mariani là phe Germani, với giá một triệu euro.

Cũng theo tờ báo, sau khi vượt ngục thành công, Redoine Faïd mang tóc và râu giả, trốn vào một rạp xi-nê, cân nhắc nên sang Maroc hay đến đảo Corse.
Một cuộc chạy trốn đến Israel, nơi mà anh ta học được cách chế tạo chất nổ trong thập niên 90, cũng được nghĩ đến.

Switch mode views: