Bài học xử lý thảm họa môi trường: Từ BP đến FORMOSA
- Thứ Năm, 22 tháng Chín năm 2016 15:22
- Tác Giả: Trọng Thành
Thảm họa tràn dầu vịnh Mêhicô năm 2010, một trong những khủng hoảng lớn nhất của ngành dầu khí.TV
Đầu năm 2016, một thảm hoạ môi trường quy mô lớn xảy ra tại bốn tỉnh miền trung Việt Nam, hoá chất thải ra từ nhà máy luyện thép Formosa khiến hàng trăm tấn cá chết, cả một vùng bờ biển dài hơn 200 km bị nhiễm độc, hàng trăm nghìn cư dân mất nguồn sinh kế.
Theo các nhà quan sát, chính quyền Việt Nam hết sức lúng túng trong việc khắc phục thảm hoạ.
Vụ Formosa khiến nhiều người nghĩ đến một thảm họa tràn dầu quy mô lớn tại vùng Vịnh Mêhicô (Hoa Kỳ) cách nay 6 năm.
Kinh nghiệm điều tra, đánh giá tác động môi trường trong vụ BP để lại những bài học nào cho Việt Nam ?
Tạp chí Khoa học của RFI phỏng vấn tiến sĩ Nguyễn Thị Hải Yến (Đức).
Thảm hoạ lớn hàng đầu trong ngành dầu mỏ thế giới - đe doạ nghiêm trọng các hệ sinh thái - đã buộc công ty BP Anh Quốc phải đền bù hàng chục tỉ đô la (chú thích 1).
Hai thảm hoạ môi trường BP-Vịnh Mêhicô và Formosa-miền Trung Việt Nam chắc chắn có rất nhiều khác biệt về quy mô và và tính chất, nhưng điều đáng chú ý là, ngay từ đầu, BP đã chấp nhận chi ra nhiều tỷ đô la cho việc nghiên cứu đánh giá thiệt hại môi trường và sức khỏe dân cư, đi liền với các dự án phục hồi, làm cơ sở cho việc đền bù.
Bởi thảm họa môi trường trên biển tác động rất phức tạp đến các hệ sinh thái và mức độ thiệt hại sẽ không được đánh giá đúng, công việc sẽ trở nên phức tạp bội phần, nếu việc này không được làm sớm và làm đúng cách.
Đây là điều mà tiến sĩ Nguyễn Thị Hải Yến coi là một bài học xương máu đối với việc khắc phục thảm họa nhiễm độc biển do Formosa gây ra tại miền trung Việt Nam (phỏng vấn thực hiện ngày 19/09/2016).
Đánh giá khẩn trương, toàn diện thiệt hại
RFI : BP đã làm gì trong việc điều tra tác động của thảm họa để khắc phục. Xin chị cho biết một số điểm chính.
TS. Nguyễn Thị Hải Yến : Khi thảm họa xảy ra, ngoài việc cứu hộ ngay, BP ngay lập tức công bố hai khoản ngân sách rất lớn cho những « nghiên cứu đánh giá thiệt hại » và những « nghiên cứu sâu, lâu dài ».
Dành cho ngân sách đầu tiên, BP chi tổng cộng là 8,7 tỉ, vừa cho đánh giá, vừa cho các chương trình phục hồi sinh thái.
Cụ thể về hoạt động này, ngay sau khi thảm họa xảy ra, chính quyền liên bang và các tiểu bang vùng thảm họa đã họp bàn và thành lập một Hội Đồng Ủy Thác Đánh Giá Thiệt Hại Tài Nguyên/ Natural Resource Damage Assessment Trustees Council (chú thích 2). Mục đích là để đưa ra một bức tranh đầy đủ về thiệt hại sinh thái, từ đó có kế hoạch phục hồi khả thi.
Hội đồng Ủy thác này phân chia thành 14 nhóm kỹ thuật, phủ hết các dạng sinh thái và các loài sinh vật quan trọng (chú thích 3). Hơn 240 dự án đã thực hiện và nhiều nghiên cứu vẫn đang tiếp tục.
Ở giai đoạn đầu, gọi là « tiền đánh giá và phục hồi sớm », người ta đã đưa ra ngay 57 dự án phục hồi sớm ở 5 tiểu bang. Và dựa vào kết quả đánh giá thiệt hại tổng thể và lâu dài (với năm tiêu chí – chú thích 4), Hội đồng Ủy thác gần đây đã quyết định là cần phải phục hồi ở 38 địa điểm, với 13 kiểu phục hồi sinh thái khác nhau (chú thích 5), với trọng tâm là phục hồi các hệ sinh thái ven biển.
Tiền chi cho các dự án phục hồi các hệ sinh thái này chiếm phần chủ yếu : 4,1 tỉ (chiếm khoảng 50% ngân sách).
Việc khẩn trương đánh giá thiệt hại sinh thái, và giai đoạn đầu tập trung vào các vấn đề có tính nhạy cảm về thời gian, như Hội Đồng Ủy Thác thực hiện ở Vịnh Mêhicô, đã giảm thiểu việc mất dấu tích do ảnh hưởng điều kiện tự nhiên.
Bài học của việc này là việc chậm trễ đánh giá thiệt hại ở thảm họa Formosa Vũng Áng sẽ rất nguy hiểm khi dấu vết chất độc trên bề mặt đáy biển đã bị sóng, dòng hải lưu xóa mờ, hoặc bị bùn cát lấp phủ trong khi đó chất độc vẫn bị chôn vùi trong bùn cát/trầm tích không quan sát được.
Dẫn đến những chỗ này sẽ bị bỏ sót khi khảo sát. Và cũng sẽ bị bỏ qua trong kế hoạch khắc phục hậu quả.
Việc khẩn trương đánh giá thiệt hại, như Hoa Kỳ thực hiện, cũng giúp ngay lập tức phát hiện ra những khu vực hoặc các loài sinh vật cần phải được cứu nạn khẩn cấp và triển khai phục hồi sớm tránh tình trạng bị kéo dài phơi nhiễm dẫn đến diệt vong.
Bên cạnh chương trình nói trên, BP còn dành một ngân sách khác cho nghiên cứu, để « cài răng lược », để khiến cho thông tin khoa học xác thực hơn.
Bởi vì ảnh hưởng môi trường ở biển rất phức tạp, các diễn tiến như từ dòng hải lưu phân tán, ảnh hưởng đến các hệ sinh thái, rồi đến lượt các chất dầu tự hủy hoặc do sinh vật phân hủy, hoặc biến đổi khi tác động với các chất khác…
Vì vậy, phải có các nghiên cứu chuyên sâu hơn, để khẳng định (hay điều chỉnh) các ước tính thiệt hại ban đầu.
Nghiên cứu độc lập, chuyên sâu
RFI : Xin chị cho biết rõ hơn về ngân sách thứ hai, tức ngân sách điều tra tác động lâu dài.
TS. Nguyễn Thị Hải Yến : Một tháng sau khi xảy ra thảm họa, ngày 24/05/2010, BP đã cam kết chi một khoản 500 triệu USD cho 10 năm công việc nghiên cứu đánh giá tác động ảnh hưởng và tái phục hồi sinh thái và môi trường.
Một tổ chức có tên Sáng Kiến Nghiên Cứu Vịnh Mêhicô (Gulf of Mexico Research Initative/GoMRI) đã được thành lập. Đây là một chương trình tổ chức độc lập với BP và chính phủ Hoa Kỳ (vì BP và chính phủ Hoa Kỳ là đối tác của hợp đồng thương mại khai thác dầu ở Vịnh Mêhicô).
Tiến sỹ Rita Colwell, người đã có kinh nghiệm làm lãnh đạo của Quỹ Khoa Học Quốc Gia (National Science Foundation), một tổ chức xã hội dân sự, được chọn làm giám đốc của chương trình này.
Thảm họa cá chết miền Trung. Một trong những thảm họa sinh thái lớn nhất trong lịch sử Việt Nam.
Facebook
Chương trình nghiên cứu độc lập này GoMRI được đặt trong Viện nghiên cứu Vịnh và đới bờ của liên bang.
Đã có 3.941 nhà nghiên cứu đến từ 286 Viện/Trường của 20 quốc gia đồng hành và đóng góp. Họ chia thành các nghiên cứu 1-2 năm, 2-4 năm, 3-5 năm, 6-8 năm… ứng với các diễn biến của thảm họa (ví dụ như đầu tiên là phải nghiên cứu các dòng chảy, hướng phát tán của dầu, sau đó là các nghiên cứu về độc tố…).
Với 500 triệu đô la, chương trình này đã có sản phẩm là 784 bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học. Ở đây cũng chia thành 5 lĩnh vực :
1) Các nghiên cứu về động lực học và khí tượng hải dương để đánh giá sự di chuyển và phát tán của dầu vào môi trường (cả trên mặt nước, trong cột nước và trầm tích).
2) Các nghiên cứu về sự biến đổi hóa học cũng như quá trình tự phân hủy sinh học của dầu và hóa chất cũng như sự tương tác của chúng lên các hệ sinh thái.
3) Các nghiên cứu về ảnh hưởng môi trường của dầu lên các hệ sinh thái ven bờ, đáy, và các tầng nước.
4) Các nghiên cứu phát triển công nghệ để nâng cấp các phương pháp ứng phó với thảm họa.
5) Các nghiên cứu về ảnh hưởng của thảm họa tràn dầu lên sức khỏe động vật và con người.
Sáng Kiến Nghiên Cứu Vịnh Mêhicô có những chương trình nghiên cứu tương tự như hoạt động của Hội Đồng Ủy Thác, nhưng chuyên sâu.
Hai chương trình này phụ trợ cho nhau. Bên Hội Đồng Ủy Thác là đánh giá trên diện rộng và đi thực tế nhiều, còn bên Sáng Kiến Nghiên Cứu Vùng Vịnh Mêhicô thì mang tính chuyên sâu và làm trong phòng thí nghiệm nhiều hơn.
Sáng Kiến Nghiên Cứu Vùng Vịnh Mêhicô bổ sung những thiếu hụt cho chương trình đánh giá thiệt hại tài nguyên của Hội Đồng Ủy Thác.
Việc các chương trình nghiên cứu sâu song hành từng bước với chương trình đánh giá thiệt hại và phục hồi tái tạo sẽ giúp tối đa hóa hiệu quả phục hồi hệ sinh thái và tài nguyên dựa trên cả khoa học và thực tế.
Tôi thấy rằng chính phủ Việt Nam và giới trí thức Việt Nam cần kêu gọi để có một chương trình nghiên cứu độc lập như thế để có thể mời được các trí thức thế giới tham gia.
Tôi thấy rất tiếc, vì ở Việt Nam có mời một số chuyên gia nước ngoài tham gia, nhưng thay vì mời họ tham gia vào đoàn của nhà nước, nên để họ làm độc lập, thì họ sẽ có thể đánh giá khách quan hơn, và cung cấp các đối chứng, như thế sẽ thuyết phục được người dân nhiều hơn.
Thông tin đầy đủ, minh bạch
RFI : Khó khăn chính trong các điều tra về tác động thảm họa ?
TS. Nguyễn Thị Hải Yến : Có một điều rất quan trọng khiến Hoa Kỳ và BP thành công là họ có được thông tin. Khi thảm họa tràn dầu xảy ra thì ngay lập tức Trung tâm ứng phó quốc gia và các đại diện địa phương/focus point của các cơ quan có chức năng liên quan biển.
Họ có trách niệm thu nhập tất cả thông tin từ mọi nguồn báo về (vùng nào thấy xuất hiện dầu, vùng nào có sinh vật chết… Bất cứ thông tin nào gây nghi ngờ đều được trung tâm này tiếp nhận).
Từ đó họ có được một cơ sở dữ liệu đầy đủ về thảm họa, để có thể ứng phó, ứng cứu, và tiếp theo là đánh giá thiệt hại và nghiên cứu lâu dài, và sau cùng là phục hồi.
Ở Việt Nam, không có trung tâm ứng cứu quốc gia, và mạng lưới địa phương. Chính vì thế, thảm họa xảy ra từ đầu tháng 4, mà đến cuối tháng 4 mới bắt đầu rầm rộ, truyền thông mới biết, người dân mới biết (chú thích 6).
Điều quan trọng nữa là, ở Việt Nam hầu hết tất cả những thông tin về thảm họa của người dân (thường chỉ được phản ánh qua facebook hoặc blog) (chú thích 7) đều không được chính quyền các cấp ghi nhận.
Đấy là sự lãng phí vô cùng, sự thiếu thông minh của chính quyền, khi không tận dụng các thông tin, đóng góp của cả xã hội. Điều này dẫn đến tình trạng hiểu biết về thảm họa là rất thiếu hụt.
Việc bỏ qua các thông tin phản ánh của người dân thì vừa không tận dụng nguồn lực rộng lớn không phải trả công từ người dân, nguồn nhân lực có thể quan sát môi trường theo từng giờ ở mọi nơi với thông tin sâu sát và đầy kinh nghiệm.
Chính vì thế, với 100 nhà khoa học tham gia đánh giá xác định nguyên nhân thảm họa, thông tin đưa ra vẫn luôn thiếu hụt so với những quan sát của người dân (Ví dụ rất nhiều thông tin của người dân trên facebook và blog cho biết, chim chết nhiều, nhiều nơ rừng ngập mặn chết.
Trong khi đó chính quyền công bố chỉ có san hô bị ảnh hưởng). Vì thế càng đẩy chính quyền vào tình thế bị đánh giá là không có đủ trình độ, không minh bạch và cố tình bao che cho Formosa (xem bài : "Nhiễm độc miền Trung Việt Nam : Chưa rõ vùng biển nào hải sản an toàn").
Rất nguy hiểm là những kế hoạch khắc phục cũng sẽ thiếu hụt, không hiệu quả hoặc thậm chí là chệch hướng.
Ví dụ như việc tranh cãi, có nên hút rửa đáy biển hay không ? Người thì bảo nên, người bảo không, người bảo hút cả chiều dài 200 km dọc bờ biển.
Kinh nghiệm của Hoa Kỳ là người ta sử dụng các máy rò, xem chỗ nào có dầu tồn lắng nhiều, thì người ta mới tẩy rửa. Trong khi thảm họa do Formosa, chính vì thiếu hụt thông tin nên không thực hiện được phục hồi, tẩy rửa, hoặc kế hoạch phục hồi bị lệch hướng.
Điểm đáng nói là, trong vụ tràn dầu BP, ngay lập tức người ta công bố là thảm họa quốc gia, và người ta sẵn sàng đối mặt với các thực tế của thảm họa, trong khi ở Việt Nam, cá chết hàng trăm tấn, san hô chết 50%, nhưng vẫn cứ nói là « sự cố môi trường ».
Chính vì đánh giá lệch lạc về tính chất thảm họa, thành ra không có chương trình nghiên cứu. Cho đến bây giờ không nghe thấy một chương trình nghiên cứu đánh giá thiệt hại hay phục hồi.
RFI : Nhìn chung vụ tràn dầu BP còn để lại thêm bài học nào khác về vai trò của Nhà nước ?
TS. Nguyễn Thị Hải Yến : Để tránh cho người dân phơi nhiễm chất độc, ngay lập tức Hoa Kỳ đã đóng cửa các bãi biển (chú thích 8).
Trong khi đó, ở Việt Nam, các quan chức nhảy xuống tắm biển. Rất là ngược đời. Rất là đau khi thấy người dân tay trần đi thu gom cá chết. Ở trong cá chết, có thể có rất nhiều chất độc khác lây nhiễm qua đường da.
Chính quyền đã không có thông tin, truyền thông nào để cảnh báo cho người dân, một là không tắm biển, hai là phải có các phương tiện bảo hộ (chú thích 9).
Tìm hiểu quá trình khắc phục hậu quả dầu tràn ở vịnh Mêhicô, tôi thấy chính quyền Hoa Kỳ và BP rất chú trọng đến việc phục hồi các hệ sinh thái.
Theo tôi, Việt Nam cũng cần ưu tiên ngay lập tức việc nghiên cứu đánh giá thiệt hại và xây dựng các dự án phục hồi các hệ sinh thái như san hô, cỏ biển, rừng ngập mặn. Đó là ba hệ sinh thái quan trọng, mà chúng tôi là những nhà khoa học về lĩnh vực này chúng tôi rất sốt ruột (chú thích 10).
RFI xin cảm ơn tiến sĩ Nguyễn Thị Hải Yến đã dành thời gian cho tạp chí.
*** Phải minh bạch độc chất FORMOSA thải ra biển ***
Ngày 20/09/2016 - hơn 5 tháng kể từ vụ cá chết hàng loạt tại miền Trung Việt Nam - bộ Y Tế cùng bộ Tài Nguyên Môi Trường và bộ Nông Nghiệp lần đầu tiên xác nhận hải sản « ở tầng đáy » trong phạm vi 20 hải lý dọc bờ biển không « an toàn ».
Tiếp theo việc công ty thép Formosa (hồi cuối tháng 6/2016) nhận lỗi xả thải độc chất tại Vũng Áng (Hà Tĩnh), thông báo nói trên một lần nữa khẳng định thực chất và quy mô của tình trạng nhiễm độc ven biển bốn tỉnh miền Trung Việt Nam đang dần dần sáng tỏ, bất chấp các nỗ lực che giấu (*).
Bài học từ thảm họa dầu tràn (Hoa Kỳ) cho thấy việc đánh giá khẩn trương, toàn diện và đầy đủ các tác động môi trường hậu thảm họa là vô cùng quan trọng, để giảm thiểu các thiệt hại với con người và môi trường.
Chính quyền Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm của Mỹ trong việc thành lập một cơ chế nghiên cứu độc lập, nhằm thu hút rộng rãi các đóng góp quốc tế, bên cạnh các hoạt động của nhóm các nhà khoa học nhà nước.
Tuy nhiên, nghiên cứu sẽ chỉ thực chất và hiệu quả khi làm sáng tỏ được các chất độc mà Formosa đã thải xuống biển.
Theo nhiều chuyên gia, nếu những thông tin này - cũng như thông tin cụ thể về quá trình di chuyển của các độc chất trong nước biển - bị chính quyền tiếp tục che đậy, thì việc điều tra về tác động của chúng đến môi trường sinh thái và sức khỏe con người không thể cho ra được kết quả chính xác.
Việc khắc phục do vậy sẽ muôn vàn khó khăn, nếu không nói là bất khả thi.
Trong một thảm họa như vụ Formosa, hy vọng các hệ sinh thái bị nhiễm độc nặng tự hồi phục - mà không có các nghiên cứu đánh giá tác động và dự án phục hồi - chỉ là ảo tưởng.
Cho rằng sức khỏe người dân tự điều chỉnh, mà không cần các biện pháp phòng tránh, chẩn đoán, điều trị kịp thời chính là cách các lãnh đạo chính quyền thoái thác trách nhiệm, để mặc người dân trong đau khổ, tuyệt vọng. Tình hình càng để chậm, càng khó cứu vãn.
---
(*) Có người cho rằng vụ cá chết vừa qua có thể trong cái rủi lại có cái may đầy nghịch lý. Đó là nếu không có vụ cá chết hàng loạt, hóa chất độc hại từ (các) nhà máy cứ tiếp tục xả ra biển với liều lượng vừa đủ để hải sản nhiễm độc, nhưng không chết ngay, từ đó con người ăn phải mà mắc nhiều bệnh nan y, chết dần, chết mòn.
Bên cạnh đó là tình trạng yên ổn giả tạo, khi các hệ sinh thái tầng đáy bị hủy diệt dần dần, nhưng tầng mặt vẫn tỏ ra bình yên vô sự. Đó có thể chính là tình trạng đáy biển bốn tỉnh miền Trung mà bộ Y Tế vừa công nhận ngày 20/09.
--
Phần chú thích do tiến sĩ Nguyễn Thị Hải Yến cung cấp
1 - BP đã phải chi trả hơn 29 tỷ USD cho các hoạt động ứng phó với thảm họa, trong đó có xác định ô nhiễm, làm sạch môi trường, theo dõi sức khỏe, kiểm nghiệm hải sản, phụ trợ du lịch, và thiệt hại kinh tế cho người dân.
Chính phủ Hoa Kỳ và chính phủ 5 tiểu bang bị ảnh hưởng thảm họa đã đại diện người dân kiện BP ra tòa. Đến tháng 7 năm 2015, BP chấp nhận chi trả 18,7 tỷ USD cho đền bù thiệt hại trong vòng 18 năm.
2- Các tổ chức liên bang tham gia gồm National Oceanic and Atmospheric Administration (NOAA); U.S Department of the Interior; U.S Environmental Protection Agencies, và U.S Department of Agriculture cùng với các cơ quan bảo vệ và phục hồi đới bờ, cơ quan quản lý các vườn quốc gia và động vật hoang dã, sở tài nguyên môi trường, cơ quan quản lý tài nguyên đất, cơ quan quản lý chất lượng môi trường, cơ quan bảo vệ và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên vv...
3 - 14 nhóm làm việc (Technical Working Groups) bao gồm các chuyên gia, các nhà khoa học từ các cơ quan liên bang, các trường đại học, các viện nghiên cứu và các tổ chức khác.
Họ đã phát triển kế hoạch thực hiện các tài liệu hướng dẫn và các quy trình nghiên cứu đánh giá thiệt hại và những phương pháp thu thập dữ liệu.
Các hoạt động của họ là cụ thể, liên ngành và từ chi tiết từng loại độc tố, từ tế bào đến cá thể sinh vật và rộng lớn đến hệ sinh thái và vùng biển.
Từ những ảnh hưởng như khả năng sống sót, tốc độ sinh trưởng, sinh sản, sức khỏe, tình trạng lý-sinh, đến các quá trình và chức năng sinh thái, chất lượng và cấu trúc sinh cảnh sống.
4 - 5 tiêu chí: Phục hồi và bảo tồn các sinh cảnh sống/ Restore and Conserve Habitat
- Phục hồi chất lượng nước/ Restore Water Quality
- Tái tạo và bảo vệ nguồn lợi sinh vật biển và vùng bờ/Replenish and Protect Living Coastal and Marine Resources
- Cung cấp và tăng cường cơ hội giải trí/ Provide and Enhance Recreational Opportunities
- Cung cấp quan trắc, quản lý phù hợp, giám sát quản trị và hỗ trợ việc thực hiện phục hồi và tái tạo/Provide for Monitoring, Adaptive Management, and Administrative Oversight to Support Restoration Implementation
5 - 13 kiểu phục hồi và ngân sách :
- Phục hồi và tái tạo các hệ sinh thái đất ngập nước, hệ sinh thái vùng bờ (coastal) và vùng cận bờ (nearshore): ~4,7 tỷ USD
- Phục hồi và tái tạo các vùng dự áng về bảo vệ các sinh cảnh sống cấp liên bang: 75,5 triệu USD
- Giảm thiểu ô nhiễm hữu cơ: 110 triệu USD
- Phục hồi chất lượng nước: 300 triệu USD
- Phục hồi và tái tạo các loài cá và động vật không xương sống sống trong tầng nước (pelagic): 400 triệu USD
- Phục hồi và tái tạo các loài cá tầm: 15 triệu USD
- Phục hồi và tái tạo các loài rùa: hơn 212 triệu USD
- Phục hồi và tái tạo các loài thực vật sống đáy: 22 triệu USD
- Phục hồi và tái tạo các loài động vật biển: 144 triệu USD
- Phục hồi và tái tạo các loài chim: hơn 501 triệu USD
- Phục hồi và tái tạo các loài hầu: hơn 200 triệu USD
- Phục hồi và tái tạo các quần xã sinh vật sống vùng biển sâu và vùng bán sâu: 273 triệu USD
- Phục hồi các hoạt động giải trí: hơn 131 triệu USD
Việc phục hồi các hệ sinh thái là rất tốn kém so với việc phục hồi đối với từng loài.
6 - Nếu các cơ quan biên phòng đóng ở các tỉnh có một bộ phận/người làm đại diện (focus point) cho hệ thống ứng cứu quốc gia, thì người dân chỉ cần báo vụ việc cho đại diện tại vùng. Đại diện tại vùng này sẽ báo về Trung tâm ứng phó quốc gia. Và từ Trung tâm ứng phó quốc gia sẽ kết nối với tất cả các đại diện trong mạng lưới và ngay lập tức cùng nhau triển khai ứng phó.
7 - Không những thế mà còn giới hạn báo chí đưa tin, và nhiều bài viết trên các trang blog và facebook cho rằng nhiều cá nhân đã bị gây khó dễ và không thể có cơ hội thực hiện các chuyến khảo sát vùng thảm họa.
8 - Nhiều bài viết chia sẻ trên facebook và blog cũng cho biết nhiều người dân đã bị từ chối dịch vụ khám chữa bệnh khi có có biểu hiện phơi nhiễm, và bỏ qua điều tra trường hợp những công nhân và thợ lặn của Formosa đã chết ngay sau thảm họa xảy ra càng đẩy chính quyền Việt Nam không những chỉ người dân trong nước mà cả quốc tế đánh giá là chính quyền bất nhân, mà còn bị lên án vi phạm quyền con người theo hiến pháp của VN và các điều khoản về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, trong đó Việt Nam là một thành viên.
9 – Hoạt động đánh giá tác động sức khỏe trong thảm họa dầu tràn : 30.000 mẫu khí được phân tích độc lập để theo dõi với tình trạng sức khỏe của công nhân. Hơn 30.000 công nhân đã được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe ngay sau thảm họa. 6.000 mẫu nước được phân tích. 15.000 mẫu không khí ở vùng bờ biển đã được phân tích, với 499.000 kết quả của hàng loạt các thông số khí độc.
Thêm vào đó còn có 874.000 kết quả quan sát về chất lượng không khí vùng dân cư và 319.000 kết quả quan sát chất lượng khí đối với vùng hoạt động của công nhân. BP chi trả 33,5 triệu USD cho các chi phí phân tích mẫu và 105 triệu USD như một phần đóng góp để thành lập chương trình y tế vùng Vịnh. Cũng như tài trợ 52 triệu USD để giúp đỡ chương trình y tế tâm thần của vùng.
10 – Trong cuộc họp báo ngày 22/08/2016, một số đại diện của chính quyền (như ông Mai Trọng Nhuận trưởng nhóm điều tra) tuyên bố môi trường biển đã sạch, san hô đã phục hồi trở lại, đã xuất hiện cá con....
Có mấy vấn đề nguy hiểm từ tuyên bố này:
1) Biển sạch: chính quyền VN đã và đang đánh đồng biển sạch ở tầng nước với vùng còn ô nhiễm ở tầng đáy và trong các hệ sinh thái. Nước biển do có thể được làm sạch bằng các dòng hải lưu, nhưng chất độc trong trầm tích và tích tụ trong cơ thể san hô và thân rễ của các loài thực vật thì không thể một sớm một chiều tẩy được, nếu không nhờ vào quá trình tự phân hủy sinh học (biological degradation).
Các mẫu phân tích ở Vịnh Mêhicô gần đây cho thấy vẫn còn ô nhiễm của dầu. Biển vẫn đang bị ảnh hưởng nặng nề, các sinh vật đều đang bị tổn thương chưa phục hồi được lấy đâu ra mà thực hiện chức năng sinh thái của chúng.
2) San hô đã phục hồi sau 4 tháng thảm họa, chuyện khoa học viễn tưởng chỉ có ở Việt Nam. Công bố như thế, chính quyền chỉ chuốc lấy sự bất bình và coi khinh từ giới chuyên môn.
3) San hô phục hồi cá nhỏ đã xuất hiện: việc công bố này rất dễ phạm sai lầm. Xét dưới góc độ chuyên môn, điều này đáng lo hơn là đáng mừng. Bởi sự xuất hiện của các đàn cá nhỏ này rất có thể là những loài cơ hội (opportunist), những loài dễ thích ứng (tolerant), ít có giá trị kinh tế và không có chức năng sinh thái, sau thảm họa đã phát sinh nhanh chóng chiếm đoạt không gian của các loài bản địa trước đây, và cản trở sự phát triển đa dạng sinh học.
Và nếu thế thì có thể khẳng định rằng các hệ sinh thái bản địa đã bị thay đổi hoàn toàn sang một dạng sinh cảnh khác kém giá trị và không bền vững.
Related news items:
Tin mới
- Mỹ : Lá chắn tên lửa là không thể bàn cãi - 24/09/2016 14:04
- Mỹ : Công bố đoạn video người da đen bị bắn chết tại Charlotte - 24/09/2016 13:58
- Nga và Syria trút bom xuống Aleppo - 23/09/2016 18:37
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 23-09-2016 - 23/09/2016 17:55
- LS Trần Văn Tạo : «Ba Sàm» Nguyễn Hữu Vinh khẳng định vô tội - 23/09/2016 17:22
- Quan hệ Việt-Trung : Sách lược cân bằng đầy tế nhị của Hà Nội - 23/09/2016 16:37
- Chùa Giác Hoàng tai qua nạn khỏi - 23/09/2016 16:26
- Hạ Viện Mỹ đả kích thái độ rụt rè của chính quyền Obama về Biển Đông - 23/09/2016 16:04
- Đàm phán giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên : Hà Nội có thể làm trung gian ? - 22/09/2016 19:00
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 22-09-2016 - 22/09/2016 15:34
Các tin khác
- Nghi can nổ bom New York bị liên bang truy tố 4 tội danh - 21/09/2016 21:18
- Hơn 10,000 giáo dân giáo phận Vinh cầu nguyện cho hòa bình - 21/09/2016 20:29
- Môi trường : Thêm hàng triệu km² biển được bảo vệ - 21/09/2016 20:16
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 21-09-2016 - 21/09/2016 19:10
- Mỹ lại biểu dương lực lượng trên báo đảo Triều Tiên - 21/09/2016 18:37
- Indonesia muốn Mỹ giúp nâng cấp căn cứ Hải Quân ở Biển Đông - 21/09/2016 13:21
- Massachusetts: Trụ sở giáo hội thờ quỉ lặng lẽ mở cửa ở Salem - 21/09/2016 01:53
- Đêm Thắp Nến Cầu nguyễn cho Vẹn Toàn Lãnh Thổ VN - 20/09/2016 21:50
- Vụ nổ bom tại Hoa Kỳ : Nghi can bị bắt là ai ? - 20/09/2016 18:01
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 20-09-2016 - 20/09/2016 15:52