Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Hòa đàm Syria : Khi người điếc đối thoại với nhau

Lakhdar Brahimi


Đặc sứ Liên Hiệp Quốc Lakhdar Brahimi hy vọng Mỹ và Nga gây được sức ép với hai bên đàm phán - REUTERS /Denis Balibouse

 

Tại Genève, cuộc đàm phán giữa chính phủ Damas và phe đối lập Syria, kéo dài từ 3 ngày nay, vẫn bế tắc : Hai bên không tìm được một điểm chung nào trên bất kỳ chủ đề nào.

 Trên nguyên tắc vòng thương lượng lần 2 này sẽ kết thúc vào ngày mai, 14/02/2014, nhưng cả hai phía vẫn khăng khăng duy trì quan điểm trái ngược của mình.

Đối lập Syria đưa ra một tài liệu gồm 22 điểm về giai đoạn quá độ chính trị ở Syria, chủ yếu đề nghị thành lập một chính phủ chuyển tiếp, với trách nhiệm bầu ra một Quốc hội lập hiến để soạn thảo hiến pháp mới, tổ chức ngưng bắn, trả tự do cho tất cả các tù nhân, tạo điều kiện cho trợ giúp nhân đạo đến được mọi nơi, và lính "ngoại bang" phải rời khỏi lãnh thổ Syria.

Phe đối lập không hề nhắc đến đương kim Tổng thống Syria, không muốn ông có bất cứ một vai trò gì trên chính trường Syria trong giải pháp của họ.

Phe chính phủ Damas không thể chấp nhận đề nghị trên và đặt ưu tiên trên việc chống khủng bố.

Trước tình trạng bế tắc, đặc sứ Liên Hiệp Quốc Lakhdar Brahimi tiếp xúc vào hôm nay 13/02/2014, một ngày trước dự kiến, với Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman và Thứ trưởng Ngoại giao Nga Gennady Gatilov, hy vọng là họ gây được sức ép lên các hai phe hầu giải tỏa tình hình.

Riêng Nga hôm qua đã đưa lên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc một dự thảo nghị quyết về vấn đề trợ giúp nhân đạo ở Syria sau khi bác bỏ dự thảo của phương Tây và các quốc gia Ả Rập, mà Nga đánh giá là chỉ nhắm trừng phạt chế độ Damas.

Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc đã giới thiệu dự thảo trong cuộc họp thu hẹp, chỉ bao gồm đại sứ 5 thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An.

Sáng nay, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết dự thảo của Nga không dự kiến trừng phạt chế độ Damas, khác với dự thảo của phương Tây.
 Dự thảo của Nga, theo ông Lavrov, còn có những đề nghị về chống khủng bố.

Đề nghị của Nga được đưa ra vào lúc Hội Đồng Bảo An kể từ hôm thứ Ba, 11/02, đã xem xét đề nghị của Phương Tây và các quốc gia Ả Rập yêu cầu trợ giúp nhân đạo phải đến được mọi nơi ở Syria, quân đội chính phủ phải chấm dứt việc bao vây các thành phố.
Dự thảo cũng đặt vấn đề trừng phạt trong trường hợp trợ giúp nhân đạo bị cản trở.

Trên hiện trường, theo AFP, hơn 200 thường dân được di tản khỏi Homs vào hôm qua, 12/02, lương thực cũng đã được chuyển đến đây.

Hãng tin Pháp trích dẫn lãnh đạo địa phương cho biết có 217 thường dân, đa số là phụ nữ và trẻ em đã được di tản khỏi thành phố bị bao vây từ gần 2 năm nay.
 Thực phẩm và hơn 4 tấn bột mì đã được chuyển đến đây.

Nếu ngưng bắn được tôn trọng ở Homs để di tản người và chuyển trợ giúp nhân đạo thì tại các nơi khác, chiến sự vẫn diễn ra như ở gần thủ đô Damas, đã làm 17 người chết.
Ở thành phố Alep, máy bay oanh kích đã làm hơn 30 người thiệt mạng.

Tổ chức Đài Quan sát Nhân quyền Syria OSDH nêu con số người thiệt mạng rất cao : 4.995 người trong vòng 3 tuần lễ.


Switch mode views: