Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Hàng ngàn người tưởng niệm nạn nhân cuộc đàn áp 1988


birmanie  888-Rangoon

Sinh viên diễu hành tưởng niệm 25 năm phong trào dân chủ 1988, còn được biết đến dưới tên gọi "8888", tức ngày 08/08/1988 tại Rangoon.
REUTERS/Soe Zeya Tun


Hôm nay, ngày 08/08/2013, tại thành phố Rangoon, nhiều hoạt động sôi nổi đã diễn ra tại thành phố Rangoon để tưởng niệm 3. 000 nạn nhân cuộc đàn áp đẫm máu của chính quyền quân phiệt cách đây 25 năm.
Đây là lần tưởng niệm qui mô đầu tiên kể từ sau cuộc nổi dậy 1988.

Tại một trung tâm hội nghị ở Rangoon đã diễn ra một buổi lễ tưởng niệm qui mô với sự tham dự của bà Aung San Suu Kyi, các quan chức của Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) đối lập, cùng một số các nhà ngoại giao và nhiều nhà sư Miến Điện.

Phóng viên AFP cho hay, trong khán phòng đã có đến 5000 người chen chúc nhau. Ở bên ngoài, hàng ngàn người do không vào được bên trong, đã tập hợp trước các màn ảnh rộng để theo dõi buổi lễ tưởng niệm và bài phát biểu của bà Aung San Suu Kyi.

Trong bài diễn văn của mình, bà Aung San Suu Kyi đã kêu gọi Miến Điện tiếp tục tiến trình cải cách dân chủ.

Trước đó, bà Aung San Suu Kyi cũng đã tham dự một buổi lễ tưởng niệm tại tu viện ở Rangoon cùng với khoảng 400 người.

Trên đường phố, hơn 50 chục người tuần hành ở những địa điểm đã diễn ra các vụ đàn áp. Về mặt chính thức, cuộc tuần hành chưa được sự cho phép của chính quyền.

Hãng tin AFP thuật lại rằng, lúc đầu cảnh sát can thiệp và yêu cầu giải tán, nhưng những người tham gia tuần hành thể hiện thái độ kiên quyết. Sau đó, cảnh sát buộc phải để cho cuộc tuần hành tiếp tục.

Ở một địa điểm khác, tại trung tâm thành phố Rangoon, cũng có khoảng 50 người đến đặt vòng hoa trên đường phố. Vòng hoa mang hình số 8 để tưởng nhớ ngày 08/08/1988.

Trong số những người xuống đường, có nhiều người từng tham gia phong trào sinh viên năm 1988. Họ tuần hành một phần là để tưởng nhớ những nạn nhân năm ấy, một phần là để thúc đẩy quá trình dân chủ tại Miến Điện, vì họ cho rằng, chính cuộc biểu tình năm 1988 đã khởi đầu cho phong trào đấu tranh dân chủ tại Miến Điện, và dẫn đến quá trình chuyển tiếp dân chủ hiện tại.

 Một người tuần hành nói với AFP :
 « Hôm nay, chúng tôi đi trên con đường dân chủ nhờ vào cuộc cách mạng năm 1988. Quá trình chuyển tiếp dân chủ hiện tại là kết quả của cuộc cách mạng năm 1988 ».

Cuộc nổi dậy năm 1988 bắt đầu bằng phong trào xuống đường của các sinh viên, sau đó được cả nước hưởng ứng.
 Cuộc nổi dậy cũng đã khởi đầu sự nghiệp chính trị của bà Aung San Suu Kyi. Năm đó, từ Luân Đôn, bà trở về Miến Điện để thăm mẹ đang đau nặng.
 Sau đó, bà Aung San Suu Kyi đã tham gia tích cực phong trào nổi dậy. Cũng trong năm đó, bà đã sáng lập đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD), đảng đối lập chính hiện tại ở Miến Điện.


Switch mode views: