Chuyên gia Pháp : Đối với Matxcơva, xung đột là không thể tránh khỏi
- Thứ Năm, 18 tháng Mười năm 2018 21:47
- Tác Giả: Thùy Dương
Tổng thống Nga Vladimir Putin.
REUTERS
Trong không gian hậu Xô Viết, các cuộc xung đột « đóng băng » - liên quan tới chính sách của điện Kremlin - ngày càng nhiều.
(« Xung đột đóng băng » là một thuật ngữ chỉ các xung đột chưa được giải quyết ở các nước Cộng Hòa thuộc Liên Xô cũ, nơi có những cộng đồng ly khai được quân đội Nga hậu thuẫn.)
Việc Nga sử dụng sức mạnh vũ trang ở Ukraina, hay Gruzia, là một dấu hiệu cho thấy Matxcơva thất bại về phương diện kinh tế và ngoại giao trong việc tái thiết các ảnh hưởng của Nga.
Có một nghịch lý là dù được Matxccơva coi là đòn bẩy giúp ảnh hưởng của Nga gia tăng, nhưng việc điện Kremlin ủng hộ vùng lãnh thổ ly khai Transnistria ở Moldava, vùng lãnh thổ ly khai Abkhazia và Nam Ossetia ở Gruzia, hay can thiệp vào Donbass thuộc Ukraina lại càng khiến các nước có liên quan rời xa vùng ảnh hưởng của Kremlin.
Trên đây là những nhận định của Nicu Popescu, chuyên gia về Nga, giám đốc chương trình Châu Âu mở rộng ở Hội đồng đối ngoại châu Âu (ECFR), giáo sư Đại học Sciences Po Paris.
Nicu Popescu từng là cố vấn ngoại giao của thủ tướng Moldava, Vlad Filat và là tác giả cuốn sách « Chính sách ngoại giao của Liên Hiệp Châu Âu và các cuộc xung đột thời hậu Xô Viết ».
RFI xin lược dịch bài phỏng vấn « Nicu Popescu :
Đối với Matxcơva, xung đột là không thể tránh khỏi, thậm chí có lợi » đăng trên báo Le Monde ngày 14/10/2018.
Các xung đột đóng băng tồn tại ở khắp nơi trên thế giới. Nhưng xung đột đóng băng ở không gian hậu Xô Viết có gì đặc biệt?
Các xung đột « đóng băng» trong không gian hậu Xô Viết có điểm đặc biệt là tạo ra các Nhà Nước « thực tế », có nghĩa là thực thể trên thực tế độc lập với Nhà nước mà chúng trực thuộc và, sau một cuộc xung đột với Nhà nước đó, thì tạo được cơ cấu vững mạnh gần như ở tầm nhà nước, có cảnh sát, quân đội, đại học …, nhưng lại không được quốc tế công nhận.
Có rất ít trường hợp như vậy ở các khu vực khác trên thế giới.
Vùng lãnh thổ ly khai Transnistria ở Moldava có đồng tiền riêng.
Vùng lãnh thổ ly khai Abkhazia và Nam Ossetia ở Gruzia, tuy không có đồng tiền riêng, nhưng lại có các định chế và một chính phủ riêng.
Tất các vùng lãnh thổ này đều nhận được sự trợ giúp của Nga khi xảy ra xung đột với Nhà nước trung tâm, để rồi sau đó thiết lập được các định chế của riêng họ.
Nên nói là Nga đã can thiệp vào các xung đột tồn tại từ trước đó hay Nga đã tạo ra các tình huống chiến tranh sau khi đã suy nghĩ cân nhắc ?
Đó là sự pha trộn của của cả hai.
Khi Liên Xô tan rã, đã xuất hiện rất nhiều phong trào ủng hộ Liên Xô hay thân Nga.
Một số vùng lãnh thổ hay thành phố vẫn muốn thuộc Liên Xô hay ít nhất là vẫn gắn bó với Nga.
Các phong trào đó không chỉ liên quan đến các vùng lãnh thổ hiện đang có xung đột đóng băng.
Chúng rất phát triển ở Crimée, Estonia … Nga không can thiệp quân sự vào mọi nơi. Khi can thiệp quân sự, Nga thường hoặc can thiệp trực tiếp, hoặc ủng hộ các phong trào ly khai như trong những năm 1990 ở Abkhazia, Nam Osseti hay Transnistria.
Việc lựa chọn giải pháp can thiệp quân sự phụ thuộc một phần vào « cuộc chơi » hay sức mạnh của các bên có liên quan, phần khác thì phụ thuộc vào các lý do địa chính trị.
Khác với các cường quốc khác, Nga không có nhiều phương tiện để củng cố ảnh hưởng, trừ sức mạnh võ trang.
Ngay cả trong nhiệm kỳ của vị tổng thống Ukraina thân Nga, Viktor Ianoukovitch (2010-2014), Matxcơva cũng không thành công trong việc lôi kéo Ukraina vào vòng ảnh hưởng của Nga.
Ở Ukraina, cũng như ở Gruzia, việc Nga phải dùng đến sức mạnh quân sự là dấu hiệu cho thấy các công cụ quyền lực về kinh tế, ngoại giao hay quyền lực mềm của Nga đã thất bại.
Gruzia, Ukraina và Moldava đều có điểm chung là muốn xích lại gần Liên Hiệp Châu Âu hoặc NATO. Điều này có vai trò gì không ?
Ở Gruzia và Moldava, các xung đột đóng băng này xuất hiện trước cả khi câu hỏi về việc xích lại gần Châu Âu được đặt ra.
Ở cả hai quốc gia này, các phong trào đòi độc lập mang tính bài Nga mạnh mẽ và đã bị Matxcơva trấn áp thô bạo.
Cũng có những xung đột khác ở Kavkaz hay Trung Á, nhưng là giữa các nhóm sắc tộc hoặc giữa các nước đó.
Nếu không có những mâu thuẫn liên quan đến quyền lực của Matxcơva, thì Nga không can thiệp.
Moldava lại thuộc không gian văn hóa Rumani, xu hướng ngả sang Liên Âu là có thể dự đoán được.
Gruzia nuôi dưỡng lòng tự hào về quá khứ cổ xưa và những nét đặc thù của họ.
Mong muốn độc lập của họ phát triển mạnh mẽ theo hướng đối đầu với Matxcơva.
Mong muốn gia nhập Liên Hiệp Châu Âu hoặc NATO thì mãi sau này Gruzia mới có, và đó cũng chỉ là sự tiếp nối lộ trình của họ.
Như vậy, chúng ta thấy rõ là hành động của Nga đã tạo ra các kết quả mang tính nghịch lý : mong muốn của các nước trên được củng cố bởi sự xuất hiện của các xung đột với các phong trào ly khai.
Khi Matxcơva muốn củng cố ảnh hưởng tại các nước này, hấp lực của Nga cuối cùng lại mất đi, Ukraina là một ví dụ.
Làm thế nào mà một cuộc xung đột đóng băng, hay sự tồn tại của một khu vực ly khai nhập nhằng lại là đòn bẩy cho việc tạo dựng ảnh hưởng ?
Châu Âu và Mỹ thường giải thích với Nga rằng Matxcơva sẽ có lợi nếu duy trì được sự ổn định và thịnh vượng của các nước láng giềng.
Nhưng đó chỉ là cách nghĩ của phương Tây. Còn đối với Nga, xung đột là điều không thể tránh khỏi, đôi khi là có ích cho Matxcơva.
Matxcơva cũng có cái nhìn mang tính lịch sử nhiều hơn. Các đế chế phương Tây mỗi lần tan rã là tan rã hẳn, còn đế chế Nga thì tồn tại vĩnh viễn.
Các vùng lãnh thổ của đế chế Nga, nhất là ở phía Tây, cứ bị mất đi rồi lại giành lại được …
Theo cách nhìn của Nga, việc mất một vùng lãnh thổ hay một vùng ảnh hưởng không phải là vĩnh viễn, đơn giản là chỉ cần có thời gian rồi sẽ giành lại được.
Quan điểm của Nga là cứ duy trì sự yếu kém của các vùng thổ đó trong thời kỳ Nga suy yếu, cho tới lúc có thể giành lại được các vùng đó.
Khi gây ra các xung đột ở một số nước láng giềng, Matxcơva đã thành công trong việc ngăn cản các nước đó ngả sang NATO, bởi vì một một Nhà nước không có biên giới xác định rõ ràng thì không thể gia nhập NATO.
Theo tôi, các xung đột đóng băng góp phần khiến công cuộc cải cách, cuộc đấu tranh chống tham nhũng, việc tạo dựng các định chế vững chắc ở một nước sẽ trở nên khó khăn hơn, cho dù trách nhiệm quan trọng nhất vẫn thuộc về giới tinh hoa của quốc gia đó.
Chính sách của Nga thể hiện sự yếu kém của Matxcơva ?
Đúng, đó là một chính sách yếu kém.
Trước khi xuất hiện một thuật ngữ rất hiện đại là « trolling », tôi gọi đó là « sự quấy rối về địa chính trị », nó vượt qua cả câu hỏi về các xung đột vũ trang.
Ở Ukraina, trước khi gây ra cuộc chiến ở vùng Donbass, Nga đã liên tục « châm chích » Kiev, phong tỏa thương mại của Ukraina trên nhiều lĩnh vực hoạt động.
Hy vọng là khiến các nước láng giềng mất khả năng chống đỡ, Matxcơva trên thực tế lại mất đi ảnh hưởng.
Các quốc gia đó đã đa dạng hóa thị trường của họ.
Trong số 14 nước thuộc Liên Xô cũ, Nga chỉ là đối tác thương mại số một của Belarus và Arménia.
Khi Nga để mất trọng lượng kinh tế, Matxcơva chỉ còn khả năng gây ảnh hưởng bằng sức mạnh quân sự. Và đó là vòng luẩn quẩn.
Chính sách này là kết quả của một chiến lược có suy tính ? Có ý kiến cho rằng chiến lược chống Ukraina là đòn trừng phạt của Nga …
Tùy theo đối tượng là các nước láng giềng hay châu Âu, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Trung Đông hay phần còn lại của thế giới mà giới ngoại giao Nga có cách nói và cách cư xử rất khác nhau.
Ngoại giao nhắm vào châu Âu hay Ukraina mang nhiều cảm xúc : người ta thấy có nhiều nỗi oán hận, thất vọng, đôi khi là sự hung hăng, khiêu khích, ngạo nghễ …
Với Trung Quốc và các nước Ả Rập, quan hệ hai bên lại ít cảm xúc hơn, thể hiện nhiều sự tôn trọng hơn, nhiều toan tính hơn nhưng cũng hiệu quả hơn.
Sự sáp nhập bán đảo Crimée cũng nằm trong chiến lược của Nga ?
Việc Matxcơva sáp nhập Crimée lẽ phải nhằm tránh cho bán đảo này trở thành một vùng xám nhập nhằng ở biên giới Nga, nhưng đó lại là một thất bại, vì quốc tế không công nhận Crimée là của Nga.
Có cần phải đóng băng một cuộc xung đột tại một khu vực nhập nhằng ?
Nói cách khác, Donbass liệu sẽ mãi là một vùng chiến ?
Trái lại, tôi cho rằng các xung đột đóng băng luôn có thể nóng trở lại.
Tại Gruzia, xung đột ở Nam Ossetia, xuất hiện năm 1992, đã nóng lên trong giai đoạn 2004-2008 để cuối cùng trở thành một cuộc chiến mới.
Ở một số vùng hiện đang căng thẳng, chiến lược của Nga là chờ thời cơ thuận lợi để hành động sao cho có lợi.
Chẳng hạn, hồi năm 2003, Matxcơva đưa ra một đề xuất với Moldava để giải quyết mâu thuẫn liên quan đến Transnistria.
Theo đề xuất đó, vùng lãnh thổ này tái nhập Moldava, đổi lại Nga mở một căn cứ quân sự ở Moldava và nước này chuyển sang chế độ liên bang.
Mọi chuyện ở Donbass cũng có thể diễn ra theo chiều hướng tương tự.
Vùng này có thể là điểm xuất phát cho một cuộc leo thang xung đột, nhưng cũng có thể là để gây ảnh hưởng lên diễn tiến các sự kiện tại Ukraina, vừa biến Ukraina thành chế độ liên bang, vừa làm suy yếu đất nước này.
Tuy nhiên, các quốc gia có liên quan thường muốn giữ nguyên trạng hơn là để Nga tăng cường ảnh hưởng lên các vấn đề nội bộ của họ.
Tin mới
- TT Trump: ‘Sẽ có hậu quả trầm trọng’ nếu Saudi Arabia giết Khashoggi - 19/10/2018 21:39
- ASEM 2018 : Châu Âu kêu gọi châu Á cùng chống chính sách bảo hộ của Mỹ - 19/10/2018 18:53
- Vụ Khashoggi: Thái tử Ả Rập Xê Út tự hại thân - 19/10/2018 18:42
- Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại vào quý 3/2018 - 19/10/2018 16:30
- Pháp: Bất bình đẳng chăm sóc y tế giữa nông thôn và thành thị - 19/10/2018 15:34
- Việt Nam sẽ phê chuẩn hiệp định CPTPP vào tháng 11 - 19/10/2018 15:22
- Số tai nạn giao thông ở các tiểu bang cho hút cần sa tăng cao - 19/10/2018 01:08
- Blogger Mẹ Nấm đến Mỹ và tuyên bố sẽ tiếp tục đấu tranh - 19/10/2018 00:56
- Diễn đàn Doanh nghiệp Á - Âu: Nhiều cơ hội mà cũng đầy thách thức - 18/10/2018 23:08
- Biển Đông: Nội dung chính cuộc gặp bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ -Trung - 18/10/2018 22:53
Các tin khác
- Nhiều doanh nghiệp tẩy chay hội nghị kinh tế ở Ả Rập Xê Út - 18/10/2018 21:08
- Syria : "Nhiệm vụ cuối cùng" của đặc phái viên LHQ - 18/10/2018 21:01
- Ủy Ban Châu Âu đệ trình hiệp định tự do mậu dịch với Việt Nam - 18/10/2018 20:53
- TT Trump dọa cắt viện trợ Honduras nếu không ngăn đoàn di dân tới Mỹ - 17/10/2018 22:24
- Miến Điện : 9 thành viên Hội Đồng Bảo An đòi nghe báo cáo về Rohingya - 17/10/2018 19:08
- Giám mục Trung Quốc mời giáo hoàng sang thăm Hoa lục - 17/10/2018 18:09
- HRW : Việt Nam phải hủy bản án đối với Lê Đình Lượng - 17/10/2018 17:42
- HRW lo ngại trẻ em Duy Ngô Nhĩ bị Bắc Kinh tách khỏi cha mẹ - 17/10/2018 17:21
- Nhà báo ''mất tích'' : Ả Rập Xê Út cam kết hợp tác - 17/10/2018 17:04
- Ukraina lo ngại xung khắc giữa hai hệ phái Chính Thống Giáo - 17/10/2018 16:55