Nhà Trắng ủng hộ chính phủ dân tuý cực hữu của Ý
- Thứ Tư, 01 tháng Tám năm 2018 20:08
- Tác Giả: RFI, Huê Đăng
Tổng thống Mỹ Donald Trump (P) và thủ tướng Ý Giuseppe Conte trong cuộc họp báo chung tại Nhà Trắng, Washington, Hoa Kỳ, ngày 30/07/2018
REUTERS
Thủ tướng Ý, ông Giuseppe Conte, rất có thể là nhân chứng cho một bước ngoặt mới đầy kịch tính (như những bước ngoặt trước đây) trong lối ứng xử ngoại giao của tổng thống Mỹ Donald Trump.
Ngày 30/07/2018 vừa qua tại Washington đã diễn ra một cuộc họp thượng đỉnh song phương giữa hai chính phủ Mỹ-Ý, và trong cuộc họp báo sau thượng đỉnh bất ngờ tổng thống Mỹ đã tuyên bố "xanh rờn" rằng ông “sẵn sàng gặp gỡ các nhân vật Iran bất cứ lúc nào họ muốn", thậm chí "không cần phải có những điều kiện tiên quyết".
Mới chỉ vài tuần trước đây, cũng chính Donald Trump đã "bất ngờ" tuyên bố phủ nhận các ký kết hiệp định về hạt nhân mà cựu tổng thống Barack Obama đã đạt được với nhà cầm quyền Teheran.
Thậm chí cách đây mấy ngày, Donald Trump, một trong những đêm mất ngủ, đã Twitter toàn văn một bản thông điệp viết toàn bằng chữ hoa với nội dung hăm dọa, cảnh cáo các lãnh đạo Iran chớ có "xem thường Mỹ mà mang họa vào thân".
Một quyết định trở cờ đầy ấn tượng khiến công luận không thể không liên tưởng đến màn kịch nổi tiếng trong vụ Bắc Triều Tiên với Kim Jong Un diễn biến nhanh chóng từ những lời thóa mạ đe doạ lẫn nhau đến cuộc gặp gỡ "thân mật" ở Singapore.
Tất cả những sự kiện kể trên đã phản ảnh bản năng "tự nhiên" của Donald Trump, vốn thích đóng "vai chính", khoái diễn những màn "cụp lạc" để "khán giả" phải "hú tim", và đề ra sách lược ngoại giao quốc tế của một cường quốc, cứ y như đang soạn kịch bản cho các phim “viễn tưởng - fiction" truyền hình.
Dĩ nhiên, dưới con mắt của chính phủ Ý, vốn đang chạy vạy cầu xin sự "ân sủng" của các nước lớn như Mỹ hay Nga để khỏa lấp những khó khăn chính trị nội bộ, thì tuyên bố "cụp lạc" nói trên của Donald Trump cũng là một tin lành cho các công ty Ý, và cả châu Âu, vốn có những "thương vụ business" với Iran và đang nằm trong thế "trên đe dưới búa": những quyết định cấm vận của Washington có thể làm tổn hại đến hoạt động làm ăn của các công ty này trên lãnh thổ Iran.
Có điều là sau tuyên bố cụp lạc đầy kịch tính trong buổi họp báo ... chẳng ai nghe Donald Trump đả động gì đến chuyện cấm vận, và trước mắt là tình hình vẫn không có thay đổi gì cả.
Ngoài sự kiện "cụp lạc" vừa kể, nhìn chung cuộc họp thượng đỉnh của cặp đôi Trump-Conte được tiến hành theo đúng các bài bản đã được dự kiến.
Cuộc họp đã diễn ra trong một bầu không khí "đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu" đầy màu sắc "cơ hội chủ nghĩa".
Donald Trump nhấn mạnh đến một nét đặc thù chung giữa hai người khiến Giuseppe Conte càng trở nên thân thiện và tương đồng dưới mắt của Trump:
"Cả hai ta đều không phải là dân chính trị chuyên nghiệp".
Và Donald Trump đã tuyên bố ủng hộ hoàn toàn các quyết định cứng rắn trong vấn đề ngăn chận làn sóng di cư của phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Nội Vụ Ý Matteo Salvini, lãnh đạo của đảng Lega cực hữu, bài ngoại và thân Putin:
"Tôi nghe nói là Ý đang áp dụng đường lối rất cứng rắn về vấn đề nhập cư. Tất cả các nước châu Âu khác phải noi theo gương này của Ý".
Tất cả thể hiện rõ ràng sự "đồng cảm" giữa các nhân vật “ái quốc tôn thờ chủ nghĩa dân tộc – sovranisti” trong đường lối chống nhập cư.
Thêm vào đó, cả Trump lẫn Salvini, vốn là những chính trị gia dân tuý, đều ngưỡng mộ Vladimir Putin, dù rằng hiện nay tổng thống Mỹ vẫn còn bị cái bóng ma Russiagate đeo đuổi và còn đang bị Thượng Viện (dù với đa số đại biểu Cộng Hòa) và Lầu Năm Góc kềm chế: tất cả các chính sách cấm vận đối với Nga vẫn còn có hiệu lực.
Nhưng đối với nhà chính trị dân tuý thì điều đó không đáng phải bận tâm.
Quả thật như vậy, bởi vì ngay từ hội thượng đỉnh G7 ở Canada hồi tháng 6 vừa qua, cả Trump lẫn Conte đã cùng hướng về một viễn tượng trong đó Nga sẽ được "tái nhập" câu lạc bộ của các tai to mặt bự, dù rằng ai cũng biết rằng Nga đã bị "khai trừ" sau vụ sát nhập Crimée, một sự kiện vi phạm luật pháp quốc tế vô tiền khoáng hậu kể từ sau đệ nhị thế chiến, và tình hình vụ Crimée đến nay vẫn chưa thay đổi.
Còn riêng Matteo Salvini thì vẫn cứ ra rả mỗi ngày là phải nhanh chóng xóa bỏ các trừng phạt cấm vận đối với Nga chỉ vì "nó gây thất thiệt đến các doanh số của các công ty Ý có hoạt động thương mãi với Nga", và các công ty mà Salvini nói đến phần lớn là những công ty lớn bé nằm ở khu vực phía bắc nước Ý, vốn là cái "ao" cử tri của Lega.
Ngoài ra, thủ tướng Ý Giuseppe Conte cũng đã nhận được từ Donald Trump một sự ủng hộ "quý báu" về một kế hoạch nhằm tăng cường vai trò của Ý ở Lybia, theo đó một "cabin đạo diễn chung Ý – Mỹ" sẽ được thiết lập để giải quyết các vấn đề Lybia.
Như thế thì cuộc họp thượng đỉnh song phương Mỹ-Ý vừa qua có vẻ là một thành công rực rỡ.
Xin chớ vội mừng. Cho đến bây giờ, chỉ có cái tính khí bốc đồng và bất thường của Donald Trump là điều chắc chắn duy nhất, đó là chưa kể đến sự "thủy chung" của Trump đối với các cử tri đã hết lòng hết dạ bỏ phiếu cho ông ta.
Còn lại tất cả chỉ là mờ ảo hư hư thực thực, ngay đến cả những câu tán dương, những lời khen ngợi của Trump dành cho Conte cũng bao hàm nhiều ẩn số.
Chẳng hạn tổng thống Mỹ tuyên bố tin chắc rằng chính phủ Ý sẽ đưa ngân sách dành cho NATO lên đến 2% tổng sản lượng GDP, và Ý cũng sẽ mua một mớ máy bay ném bom chiến lược F-35 (điều mà chính bản thân Luigi Di Maio, lãnh đạo phong trào 5 sao, đương kim phó thủ tướng Ý kiêm bộ trưởng Lao Động và Phát Triển Kinh Tế, đã từng tuyên bố chống lại vì đó là xa xỉ đối với ngân sách Nhà nước Ý).
Đố ai biết được một nhân vật bốc đồng với tính khí bất thường như Trump sẽ có phản ứng như thế nào nếu ngày mai tất cả những "tin tưởng" kể trên không được chính phủ Ý làm thoả mãn?
Đi từ bốc đồng này sang bốc đồng khác, đố ai biết được trong tương lai Trump sẽ còn có những hành xử nào khác trong vấn đề Iran nếu một mai chính Do Thái và Ả Rập Xê Út sẽ "nhắc nhở" chính phủ Mỹ phải có một chính sách cứng rắn với Iran ?
Xem ra chỉ còn lại cái gọi là "bầu không khí thân thiện" với những cú vuốt đầu vỗ vai. Thủ tướng Ý Giuseppe Conte có thể trở về Ý tuyên bố hồ hởi rằng ở Nhà Trắng, ông đã nhận được từ chính tay của Donald Trum cái ấn có "cầu chứng tại toà" hẳn hoi.
Có một thời, sự ủng hộ của Mỹ là điều kiện tiên quyết cho mọi quyết định của chính phủ Ý.
Nhưng bây giờ thì mọi chuyện đã đổi khác: trong thời đại "American First" vai trò của người ngồi trong Nhà Trắng không còn được xem như của một lãnh đạo toàn cầu "hét ra lửa mửa ra khói", ông cũng chẳng có một chính sách đồng minh rõ ràng, không chỉ đạo được một liên minh dựa trên những lợi ích chung.
Nhưng ngược lại, Donal Trump có một đường lối rõ ràng của người chỉ muốn đập tan nát Liên Minh Châu Âu.
Và trong chiều hướng đó thì chắc chắn đương kim tổng thống Mỹ sẽ tự động hiểu được ai là những bè bạn mới để cùng kề vai sát cánh với nhau.
Tin mới
- Trung Quốc tuyên bố trả đũa tương xứng mức thuế mới 25% của Mỹ - 02/08/2018 22:12
- Di dân : Bruxelles viện trợ khẩn cấp cho Hy Lạp và Tây Ban Nha - 02/08/2018 22:05
- Cuba: Đảng Cộng sản vẫn bao trùm mọi lĩnh vực dù sửa đổi Hiến Pháp - 02/08/2018 21:49
- Cờ Mỹ sản xuất tại Trung Quốc chịu thuế của Donald Trump - 02/08/2018 21:25
- Donald Trump muốn chấm dứt điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ - 02/08/2018 15:48
- Vụ Trịnh Xuân Thanh : Nguyễn Hải Long bất ngờ kháng án - 02/08/2018 15:03
- Donald Trump liên tiếp tung đòn nhằm ép Trung Quốc chấp nhận nhượng bộ - 01/08/2018 23:04
- Bắc Hàn trao trả Mỹ 55 bộ hài cốt, nhưng chỉ có một thẻ bài - 01/08/2018 22:36
- Iran bác bỏ đề nghị đối thoại của Trump - 01/08/2018 22:22
- Nga – Nhật nồng ấm, ''Bộ Tứ'' dễ bề kiềm chế Trung Quốc - 01/08/2018 22:05
Các tin khác
- Tổng thống Mỹ dự tính tăng thuế nhập khẩu hàng Trung Quốc lên 25% - 01/08/2018 17:13
- Mỹ : Facebook chặn nhiều hoạt động bị nghi can thiệp bầu cử giữa kỳ - 01/08/2018 16:52
- Thế giới « lạm quỹ » tài nguyên trong năm. - 01/08/2018 16:45
- Tư pháp Mỹ cấm làm súng tự tạo bằng máy in 3D - 01/08/2018 16:11
- Hải quân Trung Quốc sẽ tham gia tập trận chung với Úc - 01/08/2018 12:37
- ‘Đại Hội Áo Dài 2018’: Cuộc thi 16 người 20 giải hoa hậu - 31/07/2018 22:09
- Biển Đông: Manila lo ngại về hành vi đe dọa của Trung Quốc ở Trường Sa - 31/07/2018 21:42
- Việt Nam: Thêm 15 người biểu tình chống dự luật đặc khu bị kết án tù - 31/07/2018 21:34
- Cam Bốt : Hun Sen tái đắc cử, một thắng lợi đối với Trung Quốc - 31/07/2018 21:27
- Lo ngại ảnh hưởng Trung Quốc, Mỹ tăng đầu tư kinh tế tại châu Á - 31/07/2018 20:42