Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Thương mại: Dù bị Mỹ làm khó, châu Âu không để Trung Quốc dụ dỗ

usa-trade-china-eu1


Từ trái qua: Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk, thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Junker tại thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu-Trung Quốc ngày 16/07/2018 tại Bắc Kinh.
REUTERS/Thomas Peter

Nhân thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu-Trung Quốc hôm 16/07/2018 tại Bắc Kinh, Trung Quốc đã cố gắng thuyết phục châu Âu liên minh với nhau để đối phó với Mỹ.

Thế nhưng, bất chấp những lời đường mật từ phía Bắc Kinh, Bruxelles đã không để rơi vào bẫy, một phần vì Mỹ vẫn là đối tác hàng đầu của châu Âu, nhưng một phần khác vì Trung Quốc cho đến nay vẫn nổi tiếng về vi phạm luật lệ thương mại quốc tế.

Phải nói là thời cơ rất thuận lợi cho Bắc Kinh, vốn đang bị tổng thống Mỹ dồn vào chân tường với một loạt biện pháp trừng phạt, và đang cố tìm đồng minh để chống lại Hoa Kỳ.
Trong bối cảnh đó, bất chấp quan hệ chặt chẽ giữa hai bên trên mọi bình diện, tổng thống Mỹ cũng đã quyết định áp thuế quan thật cao trên nhôm và thép nhập khẩu, bất chấp những kêu gọi miễn trừ của các đồng minh Châu Âu.

 Không những thế, trong một bài phỏng vấn, ông Trump còn không ngần ngại xếp Liên Hiệp Châu Âu vào diện « kẻ thù » trong lãnh vực thương mại, tương tự như Trung Quốc và Nga.

Thấy rằng châu Âu có khả năng trở thành một đồng minh tiềm tàng nặng ký cho mình, Bắc Kinh đã lập tức tung ra chiến dịch chiêu dụ Bruxelles.
 Vào lúc báo chí chính thức nhất loạt cho rằng « Trung Quốc và Châu Âu phải tay trong tay chống lại chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch », giới chuyên gia cũng không nói gì khác hơn.

Theo thông tín viên RFI tại Bắc Kinh, kinh tế gia Đồ Tân Tuyền (Tu Xin Quan), lãnh đạo Viện Nghiên Cứu Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, đã nhận định :
 « Vào lúc này, khi mà Trung Quốc phải đối mặt với một cuộc chiến thương mại, Châu Âu đang trở nên quan trọng hơn, và hai bên phải hợp tác để đối phó với chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và chủ nghĩa đơn phương của Mỹ. Chưa bao giờ lợi ích chung được hai bên chia sẻ lại nhiều như vây. »

Và tại thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu-Trung Quốc tại Bắc Kinh, hôm 16/07 vừa qua, phía Trung Quốc đã cố tỏ thái độ cởi mở, sẵn sàng đối thoại trên mọi vấn đề, trong khi mà hai cuộc họp thượng đỉnh trước đây đều đã thất bại do lập trường cứng rắn của Bắc Kinh.
Phía châu Âu đã khéo khai thác cơ hội này để đề cập đến những vấn đề dễ gây bất bình trong quan hệ thương mại song phương.

Trả lời RFI, đại sứ Liên Hiệp Châu Âu tại Trung Quốc, ông Hans-Dietmar Schweisgut đã nói đến các chủ đề như việc chính quyền trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước và vai trò của các doanh nghiệp này, vấn đề Trung Quốc buộc các tập đoàn châu Âu phải chuyển giao công nghệ, vấn đề phân biệt đối xử đối với các công ty nước ngoài...

Trong một khảo sát gần đây của Phòng Thương Mại Châu Âu tại Bắc Kinh, một nửa số công ty Châu Âu xác định rằng họ bị đối xử một cách « bất lợi » so với các công ty Trung Quốc, trong lúc một phần năm số doanh nghiệp cho biết họ bị ép buộc chuyển giao công nghệ.

Trước những lời than phiền kể trên, khi họp báo chung với chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker, thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã khẳng định công khai rằng Trung Quốc đã mở cửa rất nhiều rồi, nhưng sẽ còn mở rộng cửa hơn nữa.
Ông còn hứa : « Trung Quốc sẽ đảm bảo sao cho các công ty nước ngoài, đặc biệt là các công ty châu Âu, đầu tư nhiều hơn vào Trung Quốc. Họ sẽ được đối xử bình đẳng ».

Thế nhưng ông Jean-Claude Juncker đã không tránh khỏi hoài nghi khi cho biết là vào năm 2017, Trung Quốc đã đầu tư 30 tỷ euro vào châu Âu, trong khi châu Âu chỉ đầu tư được khoảng 6 tỷ euro vào Trung Quốc.
Bị Washington tấn công, Bắc Kinh quả là muốn liên thủ với Bruxelles để đối phó.

Có điều là tuy trị giá trao đổi thương mại Trung Quốc-Liên Hiệp Châu Âu lên đến 1,5 tỷ euro mỗi ngày, Hoa Kỳ vẫn là đối tác thương mại số một của châu Âu, và hơn xa Bắc Kinh.
Trong tình hình đó, dù bất bình trước cung cách thô bạo của tổng thống Mỹ Donald Trump, và dù bản thân mình cũng bị Mỹ tấn công, Liên Hiệp Châu Âu đều nhất trí trên một điểm : Trung Quốc là nước vi phạm các quy tắc của thương mại thế giới.

Trả lời RFI, đại sứ Hans-Dietmar Schweisgut từ chối nói về một « mặt trận chung » Liên Âu-Trung Quốc.
Ông khẳng định : « Sẽ không có liên minh với Trung Quốc để chống lại Hoa Kỳ, và chúng tôi hy vọng Trung Quốc nghiêm túc xem xét các mối quan ngại của Mỹ mà Châu Âu cũng chia sẻ, liên quan đến cách kinh doanh của Trung Quốc.

 Chủ nghĩa đa phương không thể chỉ biểu thị qua các cam kết bằng lời nói. Trung Quốc vẫn phải chứng tỏ thiện chí của họ (bằng hành động thực tế). »

Switch mode views: