Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Kim Yong Nam, vị chủ tịch « bù nhìn » của Bắc Triều Tiên là ai ?

BTT-Kim yo jong -kim nam

Ông Kim Jong Nam (P) Chủ tịch Quốc Hội Bắc Triều Tiên và Kim Yo Jong (G), em gái lãnh đạo Kim Jong Un, tại phòng tiếp khách ở sân bay Incheon, Hàn Quốc, ngày 09/02/2018
REUTERS

Đây là câu hỏi của báo Les Echos đăng trên mạng ngày 09/02/2018.
Với tư cách là nguyên thủ quốc gia, Kim Yong-Nam đại diện cho Bắc Triều Tiên đến dự lễ khai mạc Thế Vận Hội Mùa Đông Pyeongchang.

Ở tuổi 90, sự trường tồn của ông dưới ba đời lãnh đạo họ Kim là một ngoại lệ.

Từ 65 năm qua, ông là chủ tịch Quốc Hội tại một đất nước thường xuyên chiếm trang nhất các báo phương Tây. Ấy vậy mà tên của Kim Yong Nam, và ngay cả chức vụ của ông, cho đến giờ hầu như không ai biết đến.

Tháng Hai này, ông Kim Yong Nam tròn 90 tuổi. Và tuần nay, ông đã gần như thoát khỏi chiếc vỏ bọc ẩn danh khi đến Hàn Quốc dự lễ khai mạc Thế Vận Hội Pyeongchang.
 Điều chưa từng có đối với một lãnh đạo cao cấp như thế của chế độ Bình Nhưỡng.

Về mặt chính thức, ông dẫn đầu đoàn thể thao Bắc Triều Tiên tại Pyeongchang. Dù rằng trên thực tế, trưởng đoàn thật sự mới chính là Kim Yo Jong, em gái của nhà lãnh đạo Kim Jong Un và là đại diện đầu tiên của dòng họ Kim bước qua biên giới kể từ năm 1950.

Đời thứ ba dòng họ Kim

Theo Seoul, Kim Yong Nam sinh năm 1928. Ông tốt nghiệp trường Đại học Kim Nhật Thành, rồi có bằng Quan Hệ Quốc Tế tại Đại học Matxcơva năm 1953.
 Sau đó, ông làm việc cho Ban Đối Ngoại Trung Ương Đảng và từ đó bắt đầu lên từng cấp bậc để cuối cùng nắm giữ vị trí lãnh đạo Ban Đối Ngoại từ năm 1972.

Năm 1983, Kim Nhật Thành, người sáng lập chế độ Bình Nhưỡng, bổ nhiệm ông làm ngoại trưởng.
Mười lăm năm sau, ông được Kim Jong Il (Kim Chính Nhật) nâng cấp, bổ nhiệm làm chủ tich đoàn chủ tịch Hội Đồng Nhân Dân Tối Cao – tức Quốc Hội Bắc Triều Tiên – một nghị viện do độc đảng kiểm soát.
Với chức danh này, Kim Yong Nam được coi là chủ tịch nước, một chức vụ mang tính danh dự.

Do vậy, chính ông là người ký thư ủy nhiệm cho các đại sứ Bắc Triều Tiên và là người tiếp các sứ giả ngoại quốc.
 Công việc này rất có ích cho ông Kim Jong Il, cha của lãnh đạo Bắc Triều Tiên hiện nay vì ông Kim Jong Il nổi tiếng là người tránh các  tiếp xúc với các quan chức nước ngoài.
Và hiện nay, Kim Jong Un là đời lãnh đạo thứ ba của triều đại họ Kim mà ông phục vụ.

Nhân vật thứ hai trong nghi thức lễ tân

Ông cũng đã nhiều lần đại diện cho Bắc Triều Tiên trong các sự kiện quốc tế, như Thế Vận Hội Mùa Hè Bắc Kinh 2008 và Mùa Đông Sotchi ở Nga năm 2014, trước kỳ thế vận Pyeongchang năm nay, cũng như là nhân dịp lễ nhậm chức tổng thống của ông Hassan Rohani tại Iran vào tháng 8/2017.

Tuy vậy, thật khó đánh giá tầm ảnh hưởng chính trị của ông. Chính Kim Jong Un mới là Lãnh đạo tối cao của chế độ và là người nắm quyền lãnh đạo Đảng Lao Động Triều Tiên, với chức vụ chủ tịch Đảng.

Yang Moo Jin, thuộc trường Đại học Nghiên Cứu về Bắc Triều Tiên nhấn mạnh là trong các hoạt động lễ hội, các cơ quan truyền thông chính thống của Bắc Triều Tiên nêu tên các lãnh đạo hiện nay thì tên của Kim Yong Nam « luôn được đặt ngay sau tên của Kim Jong Un.
Điều đó có nghĩa ông là nhân vật số hai trong hàng ngũ Đảng ».

« Chiếc máy ghi âm »

Nhưng làm thế nào ông có thể sống sót lâu đến thế trên thượng tầng lãnh đạo tại một đất nước thường xuyên diễn ra các cuộc thanh trừng đẫm máu ?
 Kim Jong Un đã không ngần ngại trừ khử người chú dượng Jang Song Thaek vì tội phản quốc năm 2013, và gần đây nhất là người anh cùng cha khác mẹ Kim Jong Nam tại sân bay Kuala Lumpur hồi năm 2017.

Nhưng Kim Yong Nam, vốn không thuộc dòng dõi triều đại lãnh đạo họ Kim, đã tránh được số phận đó.

Đối với các chuyên gia về Bắc Triều Tiên, « cụ già 90 tuổi » này có thể sống sót được nhờ vào sự khôn khéo cũng như là sự tận tụy.
Chuyên gia Yang Moo Jin giải thích tiếp : « Ông ấy chưa bao giờ bị xem như là một mối đe dọa cho chế độ. Đó là một nhà kỹ trị nhã nhặn luôn trung thành đi theo các chỉ thị của lãnh đạo ».

Tại Hàn Quốc, giới chuyên gia đã đặt cho ông Kim Yong Nam biệt danh là « Chiếc máy ghi âm », bởi vì theo ông Yang Moo Jin « ông ấy luôn lặp lại như là một con vẹt những gì lãnh đạo tối cao nói ».
 

Switch mode views: