Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Tổng thống Miến Điện : Không dung thứ cực đoan tôn giáo

meiktila  linhgac





Lính gác trên đường phố Meikhtila, 23/03/2013.
REUTERS/Soe Zeya Tun


 

Tổng thống Thein Sein hôm qua 28/03/2013 trên truyền hình Miến Điện đã kêu gọi giữ bình tĩnh, và khẳng định các cố gắng của « những người cực đoan về tôn giáo » để gieo rắc hận thù « sẽ không được dung thứ ».

Lời kêu gọi này được đưa ra trong lúc những người Hồi giáo tiếp tục bị tấn công tại Miến Điện.

Ông Thein Sein tuyên bố : « Tôi muốn cảnh báo tất cả những kẻ cơ hội chính trị và cực đoan tôn giáo cố khai thác những giáo lý cao thượng và gieo rắc hận thù để phục vụ cho lợi ích riêng tư : những cố gắng của họ sẽ không được dung thứ.
 Tôi sẽ không ngần ngại sử dụng đến biện pháp cuối cùng là vũ lực để bảo vệ các sinh mạng và tài sản ».
 Tổng thống Miến Điện cũng kêu gọi lực lượng cảnh sát hành động cứng rắn, và hứa hẹn « tất cả kẻ gây ra bạo lực sẽ bị truy tố theo pháp luật ».

Bạo động giữa người Phật giáo và Hồi giáo đã làm cho 40 người thiệt mạng vào tuần qua tại Meiktila, ở miền trung Miến Điện, và đã lan rộng sang các địa phương khác.

Nhiều đền thờ Hồi giáo và nhà dân đã bị phá hủy, nhiều địa phương được đặt dưới lệnh giới nghiêm.

Miến Điện không ngừng cải cách về chính trị và kinh tế từ khi tập đoàn quân sự cầm quyền tự giải thể cách đây hai năm và ông Thein Sein lên làm Tổng thống, nhưng các sự kiện trên đây là thử thách hàng đầu cho tân chế độ.

Năm ngoái, các vụ đụng độ giữa người thiểu số Rakhine theo đạo Phật và người Rohingya vô tổ quốc theo đạo Hồi đã làm cho hơn 180 người chết và 110.000 người phải sơ tán.
Lần này những người Hồi giáo bị tấn công là các công dân Miến Điện, từ Ấn Độ, Bangladesh hay Trung Quốc đến định cư từ hơn một thế kỷ qua.

Hôm thứ Tư 27/3, Hoa Kỳ cho biết sẽ giám sát cách thức mà chính quyền sử dụng để « tái lập trật tự và duy trì ổn định đồng thời vẫn tôn trọng nhân quyền và luật pháp ».

Trong bài phát biểu, ông Thein Sein nói thêm : « Hiến pháp đảm bảo quyền của mọi công dân được tự do hành đạo và chọn lựa tín ngưỡng của mình.
Trong lúc đang tái thiết xã hội, chúng ta phải vượt lên trên những thập kỷ cay đắng đầy xung đột của lịch sử », và mong muốn có được một xã hội « dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau ».

Tổng thống Miến Điện không hề nhắc đến từ « Hồi giáo » hay « Phật giáo ». Nhưng đây là lần đầu tiên ông phát biểu, kể từ khi nổ ra vụ xung đột ở Meiklita – một thành phố nhỏ bị những người nổi loạn tung hoành suốt ba ngày, cho đến khi bị đặt vào tình trạng khẩn cấp và quân đội đến can thiệp.

Tại Genève, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về Miến Điện, Tomas Ojea Quintana hôm qua cho biết có nhận được những thông tin về sự liên can của Nhà nước và lực lượng an ninh trong một số vụ bạo động.

Cụ thể « trong một số trường hợp, các quân nhân, cảnh sát và các lực lượng khác không hề tỏ thái độ trước những hành động tàn ác diễn ra ngay trước mắt, kể cả do những nhóm Phật giáo theo chủ nghĩa cực đoan dân tộc rất có tổ chức ».

Bốn tổ chức Hồi giáo chủ yếu ở Miến Điện trong một lá thư ngỏ gởi đến Tổng thống hôm qua đã yêu cầu được các lực lượng an ninh bảo vệ một cách tích cực hơn, lên án họ quá thụ động trước những người nổi dậy.

Theo Chủ tịch Hội đồng Hồi giáo Nyunt Maung Shein, thì lá thư nhận định : « Sinh mạng và tài sản của cộng đồng Hồi giáo, các đền thờ và trường học của tôn giáo ở Miến Điện không còn an toàn nữa, và tình hình rất đáng ngại », và đòi hỏi « Các vụ tấn công bạo lực kể cả phóng hỏa và thảm sát cần phải bị trừng trị nghiêm khắc ».

Switch mode views: