Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Miến Điện : Xung đột tôn giáo làm 20 người chết

MYANMAR-UNREST-MEIKHTILA




Bạo động tại thành phố Meiktila, Miến Điện, ngày 22/03/2013
REUTERS


 

Thành phố Meiktila ở miền trung Miến Điện hôm nay 22/03/2013 được đặt trong tình trạng khẩn cấp, sau 3 ngày bạo động giữa người Phật giáo và Hồi giáo làm cho ít nhất 20 người chết.

Theo AFP, có nhiều khu phố và đền thờ Hồi giáo đã bị đốt cháy từ hai ngày qua.
Sau hai đêm giới nghiêm liên tiếp, những nhóm người vũ trang gậy gộc và dao vẫn diễu qua khắp các nẻo đường trong thành phố.

Một phóng viên nhiếp ảnh hôm qua trông thấy ba xác chết cháy đen trên đường phố, giữa những căn nhà bỏ hoang đổ nát.
Một cư dân nói với AFP : « Nhiều người đã bị giết chết, không biết cụ thể là bao nhiêu. Chúng tôi rất sợ, phải ở nhà cho an toàn ».

Chính quyền đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại bốn quận vào cuối ngày, nhằm giúp quân đội có thể can thiệp để lập lại trật tự và hỗ trợ cho cảnh sát đang bị quá tải.
Thông cáo do tổng thống Thein Sein ký khẳng định : « Các vụ nổi dậy và khủng bố đã lan rộng, cần có sự giúp sức của quân đội ».

Bạo động giữa các cộng đồng lại bùng nổ mãnh liệt từ hôm thứ Tư 20/3 tại Meiktila, từ vụ tranh cãi giữa một người bán hàng Hồi giáo với các khách hàng.
Từ đó đến nay dường như tình hình vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát của lực lượng an ninh.

Sáng nay một nhóm nhà báo đã bị các nhà sư và những thanh niên mang dao, gậy đe dọa, buộc phải giao cho họ các thẻ nhớ trong máy chụp hình.
Một số phóng viên chiều nay đã được lực lượng chức năng đưa ra khỏi thành phố.

Một viên chức cảnh sát giấu tên cho AFP biết có ít nhất 20 người đã bị giết chết.
 Win Htein, đại biểu thuộc Liên đoàn Quốc gia Vì dân chủ, nói rằng số nạn nhân ít nhất là 25 người, trong khi dân chúng cho rằng con số này thực tế còn nhiều hơn.
 Theo ông Htein, các vụ nổi loạn vẫn tiếp diễn, và có cả nạn cướp phá, hàng trăm người Hồi giáo đã phải tập hợp lại ở những nơi an toàn.

Cộng đồng quốc tế lo ngại căng thẳng giữa các cộng đồng tôn giáo lan rộng, đe dọa một đất nước đang tiến hành cải cách chính trị sâu sắc.
Mấy tháng trước đây, bạo động đã bùng phát giữa người Rakhine theo Phật giáo và người Rohingya theo Hồi giáo, àm cho hơn 180 người chết và 115.000 người phải tản cư tại bang Rakhine năm 2012.

Tình trạng này cho thấy nạn kỳ thị đã ăn sâu vào gốc rễ trong xã hội Miến Điện, trong đó một số lớn cho rằng Phật giáo là một phần của nền văn hóa quốc gia.

Liên Hiệp Quốc kêu gọi giữ bình tĩnh, đại sứ Mỹ Derek Mitchell bày tỏ quan ngại với chính quyền Miến Điện.
Ngoại trưởng Anh Alistair Burt lên tiếng kêu gọi các bên ngưng ngay lập tức bạo lực, đòi hỏi chính phủ Miến Điện sử dụng mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ thường dân, tấn công vào gốc rễ của bạo động.
Còn Isabelle Arradon thuộc Amnesty International tuyên bố, sự kiện trên đây cho thấy căng thẳng giữa hai cộng đồng đã lan rộng, và chính quyền cần có biện pháp tức thì để bảo vệ những người đang bị nguy hiểm.

Switch mode views: